Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

  NGÀY THÁNG ĐÓ!      

Thời gian qua thật mau, thế mà cũng đã ba mươi hai năm qua đi rồi các bạn ạ. Ba mươi hai năm nhìn lại để trong mỗi chúng ta chẳng thể nào quên:


               Ngày tháng đó suốt đời ta nhớ mãi ..
              Cả Sài Gòn phủ kín một màu tang ..!                                                                                     Cờ hạ xuống bao hồn thiêng u uất,                                                    Nước ngậm ngùi chứng kiến cảnh bể dâu!


      Sáng 30 tháng tư, phố xá Sài Gòn mang một bộ mặt khác thường, người qua kẻ lại hớt hãi vội vàng, phố xá ngổn ngang giày dép áo quần vất bỏ từng đống trên những con đường hoang tàn xơ xác của một thành phố chết. Người Sài Gòn vẻ mặt hốc hác sau mấy đêm dài mất ngủ, ngỡ ngàng ngơ ngác nhìn nhau. Rồi thì mạnh ai nấy tính, kẻ lo tìm đường vượt biển, người rầu rĩ khăn gói về quê, đổi chỗ ở tránh sự truy tìm lý lịch trả thù của Cộng sản.


      Buổi sáng hôm đó, tôi như kẻ mất hồn đi lang thang khắp Sài Gòn lúc vừa đến Tượng đài Thủy quân Lục chiến ở trước Hạ viện thì nghe súng nổ, bà con lại xôn xao nói về người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà nào đó đã móc súng tự sát trước tượng đài mà sau này biết ra là Trung tá Long Cảnh sát Quốc gia. Buổi trưa, sau khi từ Dinh Độc lập đi bộ lững thững về chợ Bến Thành, ngược trở lại Lê văn Duyệt tìm một quán cóc bên đường, kêu một ly cà phê đá rồi ngồi nhìn cảnh tượng hoang tàn mà lòng ngổn ngang trăm mối. Bàn bên cạnh mấy ông lớn tuổi mắt xớn xác nhìn ngang nhìn dọc rồi kể cho nhau nghe về chuyện mấy anh em thương phế binh ở Quân y viện Cộng Hoà bị Việt Cộng đuổi ra khỏi bệnh viện đã rút kíp lựu đạn để mấy anh em cùng chết, rồi một trung đội nhảy dù dưới quyền chỉ huy của viên Thiếu Uý đã anh dũng chiến đấu đến giờ phút cuối cùng và họ đã chừa viên đạn cuối để tự kết liễu cuộc đời của những chiến sĩ hào hùng đó.


      Ngày tháng đó, tôi nhớ mãi những dằn vặt thao thức, những âu lo sợ sệt, những tức tưởi ngỡ ngàng căm thù uất hận:


                   Ta đứng đó lặng nhìn thành phố chết,
                  Bao hờn căm u uất bỗng dâng trào …                                                                               Lặng nghe lòng thổn thức những thương đau                  Ôm mặt khóc, Trời ơi mình chiến bại!?      

Tôi mua một ổ bánh mì thịt rồi kêu một xị “Nước mắt quê hương” ngồi nhâm nhi một mình. Ôi nước mắt quê hương tên gọi của rượu đế Việt Nam sao mà thấm thía đến thế … Nước mắt quê hương đang thấm dần vào người tôi, một cái xác không hồn, gật gà gật gù như đang suy nghĩ đăm chiêu nhưng thực ra lúc đó có nghĩ gì được đâu dù thỉnh thoảng một ý nghĩ thoáng qua trong cái đầu óc hoang mang. Họ là những anh hùng, anh hùng vô danh không tên tuổi nhưng thực sự là những anh hùng, anh hùng hơn những Tổng thống, tướng tá bỏ thành bỏ dân chạy quên tên tuổi, còn mình ngồi đây uống rượu chẳng biết tính sao đây? 


      Tôi không đủ can đảm để tự bóp cò súng bắn vào đầu nhưng chấp nhận chết đứng như một Từ Hải chứ không chịu bỏ chạy, không chịu xuống tàu khiến vợ con sau này buồn phiền trách móc không ít và đó cũng là một trong những lý do nàng đã chia tay mà tôi không hề phiền muộn hay trách cứ gì nàng!


      Buổi sáng ngày 29 tháng tư, khi từ nhà đến chỗ vợ con tôi ở thấy dòng chữ nguệch ngoạc viết vội trên cửa “Anh xuống tàu Long Hồ ở bến Bạch Đằng gấp. Em và các con đang chờ!”. Tôi choáng váng, đầu óc suy nghĩ lung tung. Nếu tôi đến không kịp thì vợ tôi đã bỏ tôi để ra đi … Tại sao lại phải đi? Bao nhiêu ý nghĩ quay cuồng trong đầu óc khiến tôi không tự chủ được với ý  nghĩ lẩm cẩm đầy tự ái của một anh chồng “Việt Nam” khiến tôi bực dọc, mà sau này tôi mới thấy là không đúng lúc của tôi. Tôi cũng ra bến Bạch Đằng khúc gần Hải quân Công xưởng thuê một chiếc xuồng nhỏ ra cập sát vào bên hông tàu. Cả gia đình bên ngoại vui mừng kêu tôi lên tàu nhưng thay vì bước lên thì tôi lại chỉ tay kêu vợ tôi xuống. Cả nhà chưng hửng, không hiểu tại sao tôi lại làm vậy, ngay cả bay giờ tôi cũng không hiểu nữa là … Vợ tôi biết rõ tính tôi nên bù lu bù loa vừa mếu máo vừa bế mấy đứa con tôi xuống. Mấy dì nó thấy vậy cũng leo xuống theo rồi ông ngoại mấy cháu cũng xuống theo. Bước lên bến, ông ngoại và mấy dì nó chẳng nói chẳng rằng bỏ đi một mạch. Tôi hiểu nỗi buồn giận mà chẳng biết ăn nói làm sao! 


     Mấy năm sau gia đình bên ngoại của tôi xuống Bạc Liêu mua thuyền đi đánh cá mới vượt biên được, vợ tôi dẫn thằng con trai lớn giả lấy củi ở bờ biển lên ghe được, còn dì Mỹ Nhung dẫn 4 đứa con gái còn nhỏ ngồi chờ nhưng bị động nên ông ngoại nó quyết định phải đi rồi tính sau. Nghe nói nhà tôi thấy mấy đứa con bị bỏ lại đã nhảy xuống bể, cậu nó phải vớt lên. Tội nghiệp vợ tôi, sang Mỹ rồi mà còn phải nằm ở bệnh viện tâm thần một thời gian khá lâu.  Mãi cho đến năm 1990, nhà tôi mới bảo lãnh được cho các cháu sang bên Mỹ, tôi mới như trút được nỗi ưu phiền, ân hận đeo đẳng bấy lâu ...


      Cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, dù đã “Chia tay Hoàng hôn”, tôi gọi là chia tay hoàng hôn vì gần cuối cuộc đời mà lại chia tay nhưng tôi sẽ nhớ nàng suốt đời và không bao giờ quên được những ân tình mà nàng đã dành cho tôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét