PHẠM TRẦN ANH
TẬN CÙNG ĐỊA NGỤC II
NHÀ XUẤT BẢN VIỆT NAM NGÀY MAI
AMAZON ẤN HÀNH
IN LẦN THỨ NHẤT TẠI HOA KỲ 2015
BÌA & TRÌNH BÀY: UYÊN NGUYÊN
ISBN
@ TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN
ĐOẠN TRƯỜNG BẤT KHUẤT
TẢN MẠN TÂM TÌNH …
CỦA MỘT TÙ NHÂN KHỔ SAI CHUNG THÂN
VIẾT TỪ ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN
KÍNH DÂNG QUỐC TỔ
HỒN THIÊNG SÔNG NÚI
DÒNG GIỐNG RỒNG TIÊN.
Anh linh Tiền nhân dựng nước.
Anh thư Hào kiệt đời đời giữ nước …
Các chiến sĩ đã hi sinh vì lý tưởng Tự do Dân chủ
LỜI GIỚI THIỆU
Ông Phạm Trần Anh là một người anh em kết nghĩa của tôi, tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh và đã dấn thân tranh đấu cho dân chủ ngay thời còn sinh viên. Anh có một tấm lòng rộng rãi tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người. Anh có trình độ nhận thức cao, có đầy đủ chí khí và tinh thần nhiệt huyết, phong cách bình dị, sống gần gũi với anh em, rất thông cảm với anh em bạn tù đặc biệt là những người nghèo khổ bệnh hoạn và anh em đồng bào thiểu số. Anh thường lui tới an ủi tâm sự với những anh em có trình độ thấp hoặc khốn khó, bơ vơ trong tù. Anh đã từng leo rào vào ăn uống với anh em bị bệnh lao trong trại tù Xuân Lộc mà không sợ bị lây nhiễm hoặc bị cùm còng kỷ luật của công an Cộng Sản…
Tháng 5 năm 1996, ông Phạm Trần Anh và tôi đã cùng Thượng Tọa Thích Trí Siêu, Thầy Nguyễn Viết Huân dòng Đồng Công, giáo sư nguyễn Mạnh Bảo Cao Đài, cụ Nguyễn văn Đấu Phật Giáo Hòa Hảo đã đấu tranh chống lao động và học tập chính trị. Chúng tôi đã biến lớp học chính trị của Cộng Sản trong tù thành diễn đàn đấu tranh công khai đòi dân chủ tự do, đòi hủy bỏ điều 4 hiến pháp của cái gọi là nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đòi quyền sống tối thiểu của con người …
Nhân danh hội Bảo vệ Tù nhân Chính trị bao gồm các thành viên đủ màu sắc tôn giáo đứng lên đấu tranh và cùng ký tên gửi kháng thư tới Liên Hiệp quốc. Bản Kháng thư đã được Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam đưa ra trước Phân ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc như sau: “Ngày 27 tháng 5 năm 1996, tập thể tù nhân chính trị tại trại Z30A K1 đã biểu tình đưa kiến nghị đòi cải thiện chế độ lao tù theo đúng như những qui định trong điều 36 về những qui định tối thiểu về việc đối xử tù nhân của Liên Hiệp quốc. Tất cả tù nhân chính trị đã ký tên gồm Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất: TT Thích Thiện Minh, Đại diện Thiên Chúa giáo: Thầy Nguyễn Viết Huân Dòng Đồng Công, đại diện Cao Đài: GS Nguyễn văn Bảo, đại diện Phật Giáo Hòa Hảo cụ Nguyễn văn Đấu và Hội Bảo vệ Tù nhân Chính trị Việt Nam: Huỳnh Hưng Quốc tức Phạm Trần Anh …”. Cũng thời gian này, anh em tù nhân chính trị tại trại tù Xuân Phước cũng đứng lên đấu tranh đòi dân chủ nhân quyền cùng viết lên thiên sử ca kiêu hùng ngay trong các trại tù khổ sai của chế độ Cộng sản. Trải qua nhiều năm dài chung sống trong tù, ông luôn luôn giữ trọn khí tiết và tình nghĩa, tôi vô cùng trân trọng mặc dù trong thời gian tù tội ông cũng gặp những nghịch cảnh thương đau như bao nhiêu người tù khác khi người vợ thân yêu của mình vì thời gian xa cách và hoàn cảnh cuộc sống đã quyết định chia tay…
Ông không nói gì về việc này, không có vẻ buồn phiền gì nhưng thỉnh thoảng tôi bắt gặp ông ngồi trầm ngâm với điếu thuốc trên tay, đôi mắt đăm chiêu nhìn về phương trời xa vắng. Tôi hiểu và thương ông nhiều hơn. Tuy là người tu hành nhưng nhưng tôi cũng hiểu rằng, người chiến sĩ cách mạng cũng là một con người bình thường, ngoài lý tưởng cao đẹp còn mang tâm hồn của một người nghệ sĩ lãng mạn và còn là một người chồng người cha. Nếu không yêu nước thương dân, không có một chút lãng mạn bất cần đời, bất cần thân thể thì làm sao dám đánh đổi cuộc đời mình với những rủi ro bất trắc kể cả với cái chết. Tôi chưa kịp hỏi và an ủi anh thì như hiểu được ý tôi nên ông nói ngay: “Thầy Ba đừng bận tâm nhiều. Đây là chuyện đời thường, chuyện nhỏ mà …”. Tôi nói ngay “Bộ ông không buồn à?”. Ông chậm rãi trả lời: “Buồn thì có buồn chứ, mình là con người mà chứ có phải cỏ cây gỗ đá gì đâu nhưng cũng may, nói theo thi sĩ Tản Đà thì mình đã có một mối tình lớn, mối tình với đất nước dân tộc thì sá gì một mối tình con! Phải thế không thầy Ba?”. Tuy ông nói vậy nhưng trong thâm tâm tôi vẫn hiểu và thương ông nhiều. Mai kia, nếu còn sống sót trở về sau một thời gian tù ngục bằng nửa đời người, ông sẽ sống trong cô đơn với những nỗi ưu phiền chồng chất. Chắc chắn là ông sẽ phải đương đầu hoặc tìm cách ẩn nhẫn với một kẻ thù nguy hiểm luôn rình rập mưu hại người yêu nước. Tôi luôn luôn tin tưởng một người có nghị lực và ý chí cao như ông sẽ vượt qua tất cả những khúc khuỷu gập ghềnh, cam go nguy hiểm chờ đợi từng ngày từng giờ để vươn lên, vượt qua tất cả. Suốt chín năm sống ngoài xã hội nhưng thực sự là một nhà tù vĩ đại ông đã phải đương đầu với biết bao khó khăn cản trở nhưng ông vẫn nhẫn nại, âm thầm tiếp xúc với quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo và các chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ trong nước để vận động thành lập Hội Ái hữu Tù nhân chính trị và Tôn giáo Việt Nam trước khi lên đường sang Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình, đồng thời dành hết tâm sức để hoàn thành một công trình lớn tìm về “Cội nguồn Dân tộc”, một đóng góp to lớn cho dân tộc Việt. Công trình nghiên cứu vô giá của ông rất đáng khâm phục, thật xứng đáng là con dân nước Việt, con cháu của dòng giống Rồng Tiên. Tôi nghĩ tới câu nói của người xưa thật là đúng với con người nặng lòng với đất nước này: “Đi một mình không thẹn với bóng, ngủ một mình không thẹn với chăn vì đã giữ vẹn một tinh thần cao đẹp tinh khiết!”.
Mãi đến tháng 9 năm 2006, sau nhiều lần tìm cách ngăn cản nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phải để ông xuất ngoại đoàn tụ với gia đình sau hơn 29 năm xa cách. Ông được Hội Đồng Cố Vấn và Giám Sát Hội Ái hữu Tù nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam trao phó nhiệm vụ Phó Hội trưởng Đặc trách ngoại vụ kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành Hải ngoại của Hội. Hội đang sưu tầm danh sách hàng trăm tù nhân chính trị bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam xử tử hình và xuất bản tập Thơ Tù “Bất khuất” để giới thiệu với đồng bào trong và ngoài nước những đóng góp hi sinh của tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam. Trong ý hướng đó, chúng tôi xin mời quý đồng bào đọc những vần thơ của anh em tù nhân chính trị viết từ tận đáy địa ngục trần gian tuy lắm đoạn trường nhưng vẫn thể hiện tinh thần bất khuất vô song của những người Việt Nam yêu nước đấu tranh cho quyền sống làm người: quyền dân chủ, tự do thực sự, để nhân dân Việt Nam được ấm no hạnh phúc thực sự.
THÍCH THIỆN MINH
Hội Trưởng Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo VN.
Sông núi trời Nam của nước Nam
Sách trời định rõ tự muôn ngàn
Cuồng ngông giặc dữ vào xâm lấn
Sẽ bị tiêu vong lũ bạo tàn …
PHẠM TRẦN ANH
cẩn dịch
TẢN MẠN TÂM TÌNH
Nhân buổi lễ Tưởng niệm “Ba mươi hai năm ngày Quốc Hận”, tôi nói chuyện tại Tượng đài Chiến sĩ nên không kịp đến tham dự “Bữa cơm Cay đắng” do Tổng hội Cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh và thân hữu tổ chức. Bữa cơm cay đắng để nhớ lại những đắng cay của một thời mất mát thương đau, nhắc nhở chúng ta “vui xuân đừng quên nhiệm vụ” đấu tranh cho dân chủ tự do mang lại ấm no hạnh phúc cho hơn 84 triệu đồng bào Việt Nam chúng ta. Tôi viết lại những tản mạn “Đoạn Trường” này để tâm tình chia xẻ những thương đau mất mát của tất cả chúng ta như một lời tạ lỗi với anh em Quốc Gia Hành Chánh và thân hữu.
Thưa quý vị, chúng ta vừa khánh thành tượng đài nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản để bia đá ngàn thu sẽ khắc ghi tội ác của chủ nghĩa Cộng Sản đối với nhân loại trong đó dân tộc Việt Nam chúng ta. Dân tộc chúng ta đã phải chịu hậu quả nặng nề nhất với 2 cuộc di cư vĩ đại của mấy triệu người, một cuộc bỏ phiếu bằng chân có một không hai trong lịch sử nhân loại. Hàng triệu gia đình Việt Nam ly tán, hàng triệu người Việt Nam vô tội ở cả hai miền Nam Bắc đã hi sinh vì sự xâm lăng bành trướng của chủ nghĩa cộng sản nhuộm đỏ đất nuớc Việt Nam. Sau ngày mất nước, cả triệu quân cán chánh Việt Nam Cộng Hòa bị trả thù giam cầm đày ải trong các trại tù. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu ngoại quốc thì hơn 65 ngàn người đã bị xử bắn và chết trong các trại tù dã man khắc nghiệt núp dưới một cái tên hoa mỹ nhưng hết sức thâm độc là “Tập Trung Cải Tạo”. Đặc biệt hơn nữa, sau ngày quốc hận quân dân miền Nam đã đứng lên chống lại sự thống trị độc tài của bạo quyền phi nhân Cộng Sản. Hàng trăm chiến sĩ tự do đứng đầu các tổ chức, liên minh, mặt trận người Việt tự do bị chế độ Cộng Sản bắt xử tử hình và hơn 300 tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam, những anh hùng dân tộc trong đó có 2 vị linh mục và 2 phụ nữ, đặc biệt chị Trần Thị Lan có thai 8 tháng đã phải ra pháp trường lãnh nhận bản án tử hình.
Cho đến bây giờ sau mấy chục năm, thế giới và ngay cả chúng ta cũng không hề biết tới sự hy sinh cao đẹp của họ, không hề quan tâm tới số phận của gia đình con cái họ. Chúng ta không hề quan tâm tới cuộc sống thê thảm của cả ngàn anh em tù chính trị trong lao tù Cộng Sản và hoàn cảnh khó khăn bức bách khi trở về bị theo dõi, phân biệt đối xử, bị cô lập khống chế kinh tế dưới chế độ toàn trị của Cộng Sản. Những người có lương tri cũng không bao giờ tin được chế độ Cộng Sản Việt Nam giam giữ những người tù chính trị trên 30 năm, quá nửa cuộc đời. Bằng chứng cụ thể là mới đây Cộng Sản Việt Nam vừa phải trả tự do cho anh Phan văn Bàn, một người bạn tù của tôi sau 30 năm tù và anh Nguyễn Hữu Cầu, một Đại Úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mới được trả tự do sau khi Hoa Kỳ can thiệp sau hơn 37 năm trời lây lất sống chờ chết ở trong tù.
Nếu không có sự lên tiếng của chúng ta và không có sự can thiệp của công luận và chính giới quốc tế thì đến bao giờ những người đấu tranh cho dân chủ mới được tự do? Chỉ có chế độ Cộng Sản bất nhân tàn bạo mới giam giữ những tù nhân chính trị gần cả cuộc đời như một Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Thượng Toạ Thích Thiện Minh, ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, Biệt kích Hoàng Đình Mỹ 32 năm tù, gs Nguyễn Đình Huy, một Phan văn Bàn, một Vũ Đình Thụy người bạn chiến đấu, người em kết nghĩa trong tù mới được thả sau 31 năm 10 tháng 11 ngày tù. Tôi muốn nói tới Hướng Dương Vũ Đình Thụy, một người trẻ yêu nước nhiệt tình đã từng sống chết nơi “Thung lũng của Tử thần”, một người mà những vần thơ bất khuất trong tù đã làm rung cảm giới văn học quốc tế với giải thưởng “Quyền tự do viết văn 2007” của “VASSYL STUS FREEDOM TO WRITE” Award và được mời là hội viên danh dự của Trung tâm văn bút Hoa Kỳ/ PEN New England. Ngày 19 tháng 4 năm 2007 vừa qua, tân khôi nguyên giải thưởng Vasyl Stus Quyền tự do viết văn 2007 và tân hội viên danh dự Trung tâm Văn bút Hoa Kỳ/PEN New England. Vũ Đình Thụy đang bị chế độ Cộng sản quản chế ở Việt Nam nhưng đã được giới thiệu với báo chí tại nhà thờ First Parish Unitarian Universalist Church, thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts Hoa Kỳ. Thế mà giới văn học hải ngoại ít ai biết tới sự kiện văn học của thế giới này để chúng ta có quyền tự hào hãnh diện về nền văn học Việt Nam hôm nay và mai sau.
Ngoài ra cũng phải nhắc đến hai nhà thơ nổi tiếng văn hay chữ tốt, đó là một Trần Thúc Vũ với những lời thơ “Lửa thép” kiêu hùng: “Lá Tự Do nuôi một trời hy vọng, Cây Tự Do nuôi Dân tộc Hưng tồn. Người Việt Tự Do muôn thuở thơm danh, Danh thơm ấy bởi bao nguồn máu đổ. Máu đã đổ trên khắp miền đất nước. Triệu bàn tay chung dựng mặt trời lên, triệu hờn căm gom lại một căm hờn. Xô lệch núi xoay nghiêng trời đất lại ..!”. Ngang tàng ngạo nghễ đến độ thách thức cả anh bạn tử thần thì trên đời này quả là có một không hai: “Này tử thần, Ta dũng sĩ ôm mối hờn quốc nhục, Lòng căm căm lửa bốc những canh khuya. Thân còn nợ núi sông chưa báo đáp, Mới đành cam lưu luyến buổi phân lìa!” và nhà thơ “Chí khí hùng anh, một đời ngang dọc” cũng đã bỏ chúng ta sang một cõi khác để lại cho chúng ta một trọng trách phải hoàn thành để xứng đáng với những lời uỷ thác của bạn bè, xứng đáng là một con dân đất Việt.
Ngoài Trần Thúc Vũ còn có một nhà thơ “Chua” chửi đời nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ miền Nam, người đã xem cuộc đời chẳng nghĩa lý gì, chẳng có một kí lô gam nào. Một người bạn cùng chung lý tưởng, một chiến sĩ hữu thệ cùng có lời thề sông núi chống bạo quyền mang lại độc lập tự do, dân chủ, hạnh phúc thực sự cho toàn dân. Xin thưa đó là Thi sĩ Tú Kếu năm nào, người đã từng xem “Sự đời như cái lá đa, đen như mõm chó chém cha sự đời ..!”. Cả hai người bạn thân thiết của tôi, cả hai chiến hữu ruột thịt của tôi cũng đã chết do hậu quả của thời gian dài trong lao lý đày đoạ, khổ ải, trầm luân!
Thế nhưng trong tận cùng của địa ngục trần gian với những gông cùm xiềng xích, những đoạ đày khổ ải, thương đau mất mát đoạn trường đó vẫn vang lên những vần thơ bất khuất kiêu hùng của những anh em tù nhân chính trị, những người con yêu của Tổ quốc Việt Nam. Những vần thơ kiêu hùng bất khuất đó đã được cả nhân loại trân trọng và sẽ vang vọng mãi tới muôn đời.
Trong tận cùng của cõi sống nơi địa ngục trần gian, tôi mới thực sự chứng nghiệm được ý nghĩa và giá trị của tự do và cũng trong tận cùng của đói no, chết chóc-người ta mới thấy được chân giá trị của cuộc đời, nhân cách của một con người. Tôi phải nói tận đáy lòng mình rằng tôi may mắn được sống trong khoảnh khắc mong manh của giữa sự sống và cái chết. Tôi đã gặp được những chiến sĩ kiên cường bất khuất, những anh hùng thực sự như một Linh mục Nguyễn Luân, một nhân sĩ Cao Đài Phan Đức Trọng, một Thượng Toạ Thích Thiện Minh và sau này Linh mục Nguyễn văn Lý, một anh thư Lê thị Công Nhân … và nhiều nhiều nữa những anh hùng đã và đang mở ra một trang sử mới cho dân tộc.
Trong những ngày tháng lao tù đó, tôi suy nghĩ nhiều về những lơ là thiếu sót của mình, những yếu tố nào đã dẫn đến thảm kịch 30-4-1975, những bài học đắng cay đầy máu và nước mắt. Ba mươi hai năm nhìn lại, so với chế độ cộng sản là một địa ngục trần gian có thật thì Việt Nam Cộng hoà là một thiên đường nhưng thiên đường đó cũng còn những điều phải chấn chỉnh phải hoàn thiện. Đành rằng sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Sự tranh giành quyền lực của lưỡng đảng trong sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ và quyền lợi dân tộc của người bạn “Đồng minh”, sự bất tài vô tướng của thiểu số lãnh đạo bất xứng đã không biết vận dụng sức mạnh của toàn dân để diệt cộng cứu quốc lại gây ra tệ trạng tham nhũng khiến nhiều chiến sĩ quốc gia chân chính bất mãn. Thế nhưng bản thân tôi vẫn cảm thấy có một phần trách nhiệm vì đã lơ là, không làm hết trách nhiệm của một cán bộ công chức trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa để chúng ta mất nước vào tay cộng sản.
Tôi xin cúi đầu trước những anh linh của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vị quốc vong thân, những hương hồn của hàng triệu đồng bào đã hi sinh trong cuộc chiến, của những đồng bào thiếu may mắn đã tử nạn trên biển cả trên đường tìm tự do!
Đoạn trường bất khuất không phải là hồi ký mà chỉ là tản mạn tâm tình về những cảnh đứt ruột trong tận cùng địa ngục trần gian nhưng cũng ngất trời khí thế bất khuất của những anh em tù nhân chính trị và tôn giáo. Ngoài những vần thơ tù Bất khuất của những anh em tù nhân chính trị, tôi cũng xin gửi tới quí vị những tản mạn đoạn trường trong thời gian tù, những bài thơ của thân hữu anh em văn nghệ sĩ còn ở Việt Nam và những vần thơ tưởng nhớ mẹ hiền. Cuối cùng là mấy bài thơ lãng đãng của kẻ hèn này, một con người cũng biết yêu thương buồn vui nhưng trót cưu mang một “Mối tình lớn” nên đã phải đi tu … vâng tu huyền tù vì “chữ tù cùng với chữ tu một vần” như Thượng Toạ Thích Thiện Minh đã viết:
“Những người yêu nước sa cơ
Nỗi lòng cảm xúc làm thơ trong tù
Đi tù cũng giống đi tu
Bền tâm vững chí công phu vô vàn
Vườn Hồng, Cúc, Huệ, Đào, Lan
Thiên niên, Vạn thọ, Mai vàng, Lựu, Lê
Thơ tù đậm nét tình quê
Thắm tình dân tộc lời thề nước non
Hiến dâng Tổ quốc lòng son
Ngàn năm rạng rỡ cháu con Lạc Hồng ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét