Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

CHÂN THIỆN MỸ, CHÂN LÝ VÀ TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA ĐẤT NƯỚC

Chân Thiện Mỹ- Chân Lý và tiến trình dân chủ hóa đất nước
Luật sư Đào Tăng Dực
29/8/2016
Các đây khoảng gần một năm hai vợ chồng chúng tôi đi thăm một vườn trồng và bán hoa hoa (nursery), nhìn thấy hoa Magnolia Black Tulip quá đẹp, mua luôn 2 cây, mỗi cây $80. Một thì trồng tại vườn nhà. Một tặng cho vợ chồng đứa em. Sau khi trồng cây thì mùa Thu Nam Bán Cầu đến. Cây không những không phát triển mà còn rụng hết lá. Tưởng rằng không hạp phong thổ nên cây sẽ chết đi. Không ngờ lại khám phá rằng loại cây này rụng lá mùa Thu và mùa Đông. Sau đó sẽ hồi sinh vào mùa Xuân.
Quả nhiên mấy hôm nay, tuy không có lá nhiều nhưng cây lại nẩy mầm non và đặc biệt có 4 bông hoa lớn bằng nắm tay, tuyệt đẹp màu tím đỏ sậm, như những đóm lửa sưởi ấm cho những ngày cuối mùa Đông Nam Bán Cầu. Mùi thơm đậm nét nhưng dịu dàng có thể ngửi được cách xa 7 đến 8 thước.
Thật là những đóa hoa biểu tượng cho cái đẹp cuộc đời.
Xin gởi đến quý bạn hình 4 đóa hoa tượng trưng cho chữ “Mỹ” trong 3 khái niệm căn bản “Chân Thiện Mỹ”.
Và khi chúng ta chiêm nghiệm các ý niệm trên, chúng ta phải ý thức về tương quan giữa 3 ý niệm căn bản đó.
Trước hết, trong 3 ý niệm đó, thì Chân tức chân lý hay sự thật phải là nền tảng của ý niệm Thiện (tức điều tốt) và Mỹ (tức cái đẹp).
Ngay cả những điều gọi là tốt, hay đẹp, nhưng nếu căn bản trên sự dối trá và lừa gạt, thì không thể gọi là tốt hay đẹp thực sự được.
Điển hình nhất là chế độ cộng sản theo truyền thống Đệ Tam Quốc Tế, căn bản trên sự lừa gạt và dối trá, thì dù họ có lập luận rằng cứu cánh tốt đẹp (tức thiên đàng xã hội chủ nghĩa), có biện minh cho phương tiện (hành động lừa gạt và gian dối) thì những lời hứa tốt đẹp và hão huyền cũng không giá trị.
Điều này áp dụng cho tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng, tình phụ tử, mẫu tử, tương quan xã hội, đảng phái chính trị, hệ thống chính trị, bang giao quốc tế, các tôn giáo etc…Nếu không đặt nền tảng vững chãi trên sự thật thì những hứa hẹn tốt đẹp hoàn toàn không có thực chất.
Chính vì thế, cách đây vài tháng tôi có viết một bài trên facebook tựa đề “Chân lý và tiến trình dân chủ hóa đất nước”. Bây giờ chỉnh lại và đăng thêm một lần nữa để nói lên tầm quan trọng của ý niệm chân lý, làm nền tảng cho sự đóng góp của chúng ta cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Thỉnh thoảng trên facebook và ở nhiều diễn đàn khác, chúng ta thấy có những hiện tượng, từ những người chống cộng như: loan tin sớm, nhưng thất thiệt hoặc lập lờ đánh lận con đen, về một quyết định của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế về đường lưỡi bò của Trung Quốc, trước khi Tòa có phán quyết ngày 12 tháng 7, 2016, hoặc tin anh Phạm Thiện Minh Phong (nạn nhân của thượng sỹ công an Lương Việt Hà) đã qua đời vì chấn thương sọ não, hoặc khẳng định hầu như không thể tranh cãi rằng Hồ Chí Minh chính là Hồ Tập Chương của Trung Quốc và nhiều điều khác, bất lợi cho người cộng sản VN hoặc CSTQ, nhưng sau đó mọi người đều biết là không đúng sự thật hoặc đang trong tình trạng tranh cãi.
Thậm chí trong quá khứ, tôi còn nghe có nhiều người hoặc tổ chức chính trị chủ trương hễ CSVN gạt gẫm một thì chúng ta phải gạt gẫm gấp mười lần mới chiến thắng được họ.
Theo quan điểm của tôi, những hành động hoặc quan niệm như thế đã lỗi thời và rất có hại cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Thực sự, trên nguyên tắc lẫn trên thực tế, tiến trình dân chủ hóa chỉ xứng đáng cho chúng ta tham gia, bao lâu nó còn đứng vững trên chân lý hay sự thật.
Khi chúng ta tham gia vào tiến trình dân chủ hóa đất nước là chúng ta muốn đạp đổ độc tài, xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính. Trong khung cảnh một nền dân chủ như thế, chúng ta trân trọng trao lại cho người dân Việt, quyền tự quyết dân tộc đã bị người CSVN chiếm đoạt qua tác động cướp chính quyền và giữ chính quyền bằng gian dối và bạo ngược. Hệ lụy tất nhiên là, chúng ta chỉ có thể thực tâm trao lại quyền tự quyết cho nhân dân, nếu chúng ta thật sự kính trọng sự thông minh và khả năng nhìn ra sự thật của họ.
Hơn hai thập niên trước, khi chiến tranh lạnh giữa hai khối tự do và cộng sản đang xảy ra, cùng một lượt với những khủng hoảng chính trị nội bộ tại Hoa Kỳ vì Tổng Thống Nixon bị Quốc Hội truy tố (impeach). Nhiều người Việt rất lo âu và cho rằng sự bạch hóa trên truyền thông những lỗi lầm và khuyết điểm của thế giới tự do sẽ làm yếu đi thế lực của phe tự do.
Tuy nhiên, Nixon ra đi, những tổng thống khác lên thay, Hoa Kỳ vẫn là một nền dân chủ vững mạnh vì học hỏi từ cơn khủng hoảng Watergate, và một thời gian sau đó Liêng Bang Xô Viết cũng như khối cộng sản Đông Âu sụp đổ.
Theo quan điểm của tôi, tính cởi mở của Watergate, một chế độ pháp trị chân chánh căn cứ trên phơi bày sự thật, dù là sự thật liên hệ đến chức vụ tổng thống, vốn là một định chế tôn kính của quốc gia, là một yếu tố căn bản của mọi chế độ dân chủ và mọi tiến trình dân chủ hóa. Hơn ai hết, những nhân vật lãnh đạo đảng cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ như Gorbachev và Yeltsin nhìn thấy và so sánh tính dân chủ của Hoa Kỳ và hệ thống chính trị gạt gẫm nhân dân của chính họ. Từ đó Gorbachev đổi mới và Yeltsin làm cách mạng đưa đến sự sụp đổ tất nhiên của Liêng Bang Xô Viết.
Chúng ta chỉ có thể kính trọng thật sự người dân và trao quyền tự quyết cho họ, nếu chúng ta kính trọng khả năng nhìn ra chân lý của họ.
Trong thế kỷ 21, chúng ta có một đồng minh quan trọng. Đó là mạng lưới tin học toàn cầu. Mạng lưới này có công năng nhận diện những biến cố dưới muôn ngàn khía cạnh và sự thật sẽ hiện nguyên hình. Đó là lý do tại sao tất cả mọi cế độ độc tài, kể cả đảng CSVN đều muốn kiểm soát và giới hạn mạng lưới này.
Trong giai đoạn này của lịch sử sự thật không những là cứu cánh, mà còn là phương tiện thiện xảo của tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Dù đôi khi sự thật không hoàn hảo chút nào, chẳng hạn những khuyết điểm của chúng ta dưới các thời đệ nhất và đệ nhì cộng hòa tại miền nam Việt Nam, sự thiếu chuyên nghiệp của các lực lương chống cộng hải ngoại, tính chia rẽ của cộng đồng hải ngoại lẫn quốc nội, hoặc sự yếu kém cá nhân của một hay nhiều nhân vật lãnh đạo chống cộng. Chúng ta không cần che dấu gì cả. Tuy nhiên dân chúng sẽ nhìn tổng thể của mọi sự kiện và trong cái tương đối của mọi hiện tượng, họ sẽ có khả năng phán xét nghiêm chỉnh.
Theo Phật giáo thì một vị Phật là một người không những là từ bi vô lượng mà còn trí tuệ vô lương nữa. Tức là có khả năng nhìn ra sự thật trong sự vẹn toàn của chân lý (Viên Giác). Trong Thánh kinh Tân Ước của Thiên Chúa Giáo Chúa Giê Su có nói rằng “Và bạn sẽ biết sự thật và sự thật sẽ đem lại tự do cho bạn” (John 8:32).
Chính vì thế, tiến trình dân chủ hóa Việt Nam phải đặt căn bản trên sự thật và chúng ta chỉ có thể đóng góp cho tiến trình này bằng sự thật mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét