Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017
Những Chiến Công Oanh Liệt Trong Lịch Sử Việt
Nhân dịp Đầu Xuân, chúng ta cùng nhau ôn lại những Chiến Công Oanh liệt của Tiền Nhân Việt đã mở ra Những Mùa Xuân Cho Dân Tộc Việt. Chúng tôi xin trích trong Việt Nam Nước Tôi của Phạm Trần Anh.
NHỮNG CHIẾN CÔNG OANH LIỆT TRONG LỊCH SỬ VIỆT
Cuối đời Tần, Tình hình Trung quốc rối loạn. Ở phương Bắc Lưu Bang (Hán tộc) và Hạng Võ (Sở Việt) cùng đánh Tần rồi chiến tranh giành ngôi bá chủ. Nhân thời cơ này, năm 207 TDL Triệu Đà chiếm các quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận thuộc vùng Lĩnh Nam ở phiá Nam dãy núi Ngũ Lĩnh rồi lên ngôi xưng Đế hiệu là Triệu Vũ Đế, đặt tên nước là Nam Việt. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép về Triệu Vũ Đế và quốc gia Nam Việt như sau: “Họ Triệu nhân lúc triều Tần suy lọan, giết Trưởng Lại nhà Tần, chiếm giữ đất Lĩnh Nam, xưng đế hiệu, sánh ngang với nhà Hán, hưởng nước truyền ngôi 100 năm mới mất, cũng là bậc anh hùng”.
Năm 206 TDL, Lưu Bang thắng Hạng Võ lên ngôi vua hiệu là Hán Cao Tổ thành lập triều Hán ở phương Bắc. Hán Cao Tổ cử Lục Giả sang Nam Việt dâng ấn tín có dây Tua đỏ và phong Triệu Đà làm Nam Việt Vương. Sử Tàu chép rằng “Khi Lục Giả vào yết kiến, Triệu Vũ Vương vẫn ngồi xếp vòng tròn chứ không đứng dậy quỳ lạy tiếp chiếu của thiên tử như một nước chư hầu”. Sứ Hán phải hạ mình dùng lời lẽ thuyết phục, lấy tình cảm gia đình áp lực để Triệu Vũ Vương chấp nhận giao hảo với Hán. Triệu Vũ Vương sợ người thân bị giết nên đứng dậy tiếp sứ nhưng không chịu quỳ lạy và cười ha hả nói: “Tiếc rằng ta không khởi nghiệp ở nước Tàu chứ không ta chẳng thua kém gì Hán đế cả, Sứ Hán nín lặng tiu nghĩu”.
Trong lịch sử xâm lược bành trướng của Hán tộc, lần đầu tiên Hán cao Tổ phải cử sứ giả sang phong vương và xin giao hảo để 2 nước thông sứ với nhau. Sở dĩ, Lưu Bang phải cử Lục Giả sang Nam Việt vì Lưu Bang mới lên ngôi chưa ổn định đuợc tình hình nên sợ Triệu Vũ Đế đem quân đánh chiếm lại những phần đất của Bách Việt xưa nên buộc phải hoà hoãn. Hơn ai hết, Lưu Bang hiểu rõ tương quan lực lượng lúc đó nên phải mềm mỏng để Triệu Vũ Đế chấp nhận thụ phong dù chỉ là hình thức.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Nhà vua nhân đó lấy uy lực binh bị và tiền của chiêu dụ vỗ về Mân Việt và Tây Âu, hai nước đều phục tùng và lệ thuộc theo. Triệu Vũ Đế mở rộng lãnh thổ từ Đông sang Tây được hơn muôn dặm, lên ngôi Hoàng Đế ngang hàng với Hán Đế, đi xe mui vàng, cắm cờ với nghi thức của một Hoàng Đế”. Trước uy thế của Triệu Vũ Đế và quốc gia Nam Việt, năm 181 TDL Hán văn Đế phải cử sứ giả mang thư với lời lẽ hạ mình khiêm nhượng sang Nam Việt điều đình thương lượng xin giao trả phần đất phía Nam rặng Ngũ Lĩnh để đổi lấy hòa bình và thông thương giữa hai nước.
Đặc biệt, Âu Đại Nhậm trong bộ “Bách Việt Tiên Hiền Chí” đã xác định họ Triệu là dòng họ Việt Nam: “Từ Tần, Hán trở về sau Việt có Họ Sô với Vô Chư là hậu duệ của Việt Vương Câu Tiễn lập ra Âu Việt, Họ Diêu với Đông Hải Vương Dao là hậu duệ của Việt Vương Câu Tiễn lập ra Âu Việt, họ Triệu với Triệu Đà hùng cứ nước Nam Việt xưng đế một thời và Triệu Quang Phục đều là những bậc anh hùng, sự nghiệp lừng lẫy, kẻ tả hữu là những người Việt tài ba xuất chúng không ít”. Sự thật lịch sử đã sáng tỏ Triệu Vũ Đế là người anh hùng của Việt tộc đã có công khai mở quốc gia Việt Nam của chúng ta ngay từ năm 207 TDL ở vùng Lĩnh Nam. Vùng đất này đã bị sát nhâp vào lãnh thổ Trung Quốc sau khi bị Hán tộc xâm lươc năm 111TDL nên lãnh thổ bị thu hẹp dần chỉ còn lại phần đất Việt Nam hiện tại.
Ý đồ thâm độc của cái gọi là “Đại Hán bành trướng” thể hiện trước sau như một xuyên suốt dòng lịch sử. Tùy theo mỗi thời kỳ lịch sử, khi tương quan lực lượng giữa Hán Việt mạnh yếu khác nhau, khi nước ta ổn định, Hán tộc suy yếu thì chủ trương hoà hoãn yêu cầu nước ta chấp nhận thông hiếu và cống nạp lấy lệ dù chỉ trên hình thức là được. Hán Cao Tổ đã phải cử Lục Giả sang Nam Việt phong vương cho Triệu Đà để xin thiết lập quan hệ ngoại giao, cho sứ giả hai nước qua lại với nhau. Khi Hán tộc mạnh thì sớm muộn trước sau gì chúng cũng xâm lược đánh chiếm nước ta để bành trướng thế lực xuống cả vùng Đông Nam Á. Ngược lại trong suốt ngàn năm độ hộ, khi Hán tộc suy yếu thì dân tộc ta lại vùng lên đánh đuổi quân giặc ra khỏi lãnh thổ giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét