Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017


                               


                                DANH TƯỚNG LÝ THƯỜNG KIỆT                                           
 ĐÁNH TAN TÀNH TRUNG QUỐC NĂM 1075

    
Khi lên ngôi, vua Lý thái tổ vẫn giữ quan hệ ngoại giao hòa hảo với triều Tống, chấp nhận tước mệnh và nộp cống phẩm để mở rộng việc buôn bán với Trung Quốc. Thế nhưng, vua Lý Thái Tổ rất cứng rắn trong vấn đề biên giới. Không những không nhường một tấc đất nào mà nhà vua còn nuôi dưỡng ý định chiếm lại vùng Lĩnh Nam xưa của Bách Việt. Để chuẩn bị cho công cuộc giành lại lãnh thổ xưa của Việt tộc, nhà Lý đã cho tổ chức màng lưới tình báo ngay trên lãnh thổ TQ để nắm vững nội tình triều Tống. Năm 1022, quân Tống ở Khâm Châu xâm nhập quấy phá vùng Quảng Ninh, Lý Thái Tổ lập tức cho quân đánh thẳng vào Khâm Châu, đốt phá tan tành trại giặc Như Hồng rồi rút quân về nước. Vua Tống tức giận nhưng không dám động binh chỉ cử viên lão tướng dày dạn kinh nghiệm, từng đánh thắng Nùng Trí Cao lại rất am hiểu tường tận địa thế đến Ung Châu để chuẩn bị cho công cuộc xâm lấn nước ta. Tô Giám cho xây lại thành Ung Châu, củng cố vị trí chiến lược này như một hậu cứ trọng yếu với đạo quân tinh nhuệ sẵn sàng chờ cơ hội thuận tiện tiến đánh nước ta.
    
Ngay từ thời vua Lý Thái Tổ đã cho tổ chức mạng lưới tình báo ngay trên lãnh thổ Trung Quốc. Hầu hết những người gọi là người Tàu nhưng thực ra chính là dòng dõi của Bách Việt xa xưa nên hết lòng theo dõi địch tình, báo cáo tin tức về triều đình kịp thời. Năm 1075, Từ Bá Tường ở Quảng Tây đã mật báo cho biết quân Tống đang sửa soạn đánh nước ta. Vương An Thạch tâu lên vua Tống rằng nước ta đang lo chống cự với Chiêm Thành, chỉ còn 1 vạn quân giữ kinh sư nên lúc này có thể chiếm được. Vương An Thạch ra lệnh cho viên Tri Châu Thẩm Khởi ở Quế Châu ngấm ngầm khởi quân man động, tu bổ thuyền bè, luyện tập thủy chiến và cấm dân chúng không được liên lạc buôn bán với dân ta. Sau khi nhận được tin quân Tống đang chuẩn bị đánh nước ta, vua tôi nhà Lý chủ trương "Tiên phát chế nhân" nên ta phải chủ động tấn công trước để triệt hạ các căn cứ hậu phương làm đầu cầu chiến lược cho cuộc xâm lăng của quân Tống. Chiến sách "Tiên hạ thủ vi cường" này bất ngờ tiêu diệt sinh lực giặc là cách phòng thủ hiệu quả nhất. Để ổn định phương Nam trước khi Bắc phạt, Lý Thường Kiệt đã đem quân đánh Chiêm Thành chiếm lại 3 châu lúc trước đã nhường cho Đại Việt. Lý Thường Kiệt cho vẽ lại bản đồ, bố trí phòng thủ rồi đưa dân cư Việt vào sinh sống.
 
    
Nhà Lý gửi giác thư chính thức yêu cầu Tống triều phải giao trả Nùng Thiện Mỹ và 700 thuộc hạ đã trốn sang Trung Quốc. Ngày 27 tháng 10 năm 1075, Lý Thường Kiệt ban bố hịch xuất quân "Phạt Tống Lộ Bố Văn" để nói rõ mục đích của cuộc chinh phạt là để hỏi tội Tống Thần Tông ngu hèn và bè lũ Vương An Thạch đã bày ra trò "Thanh miêu Trợ dịch" để bóc lột hà hiếp dân chúng: 
     
“Trời sinh ra dân chúng, vua hiền ắt hòa mục. Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân. Nay nghe, vua Tống ngu hèn, chẳng theo khuôn phép thánh nhân lại tin theo gian kế tham tà của Vương An Thạch, bày ra những phép “Thanh miêu trợ dịch” khiến trăm họ khốn khổ lầm than để thỏa thích mưu lợi riêng tư, chỉ biết vinh thân phì da ăn chơi phè phỡn. Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh dầu sôi nước bỏng. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót...! Nay, bản chức vâng mệnh Quốc Vương thẳng đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt ác ma nên ta chỉ phân biệt quốc thổ chứ không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn tanh hôi để đến thuở âu ca ngày Nghiêu tháng Thuấn thanh bình. Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi nước lửa. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng biết. Ai nấy tự suy xét, không phải sợ hãi gì!”.
    
Danh tướng Lý Thường Kiệt huy động 10 vạn quân tinh nhuệ, chia làm 2 đạo quân bất ngờ tiến đánh quân Tống. Lý Thường Kiệt chỉ huy đại quân quân vượt biên giới tiến chiếm châu Liêm và châu Khâm. Đô Giám Quảng Tây là Trương Thủ Tiết đem quân đi cứu viện bị danh tướng Lý Thường Kiệt chặn đánh tại cửa Côn Lôn (Nam Ninh, Quảng Tây). Trương Thủ Tiết bị chém đầu tại trận, quân Tống tháo chạy. Trong khi đó, Tôn Đản chỉ huy đạo quân bao vây châu Ung (Quảng Tây) nhưng viên tướng giữ thành là Tô Giám quyết tử thủ. Sau 40 ngày vây hãm công phá nhưng viên tướng giữ thành là Tô Giám cố thủ không chịu đầu hàng. Quân Đại Việt dùng hỏa công, bắn các chất cháy như nhựa thông vào thành, trong thành thiếu nước nên lửa cháy khắp nơi thiêu rụi doanh trại. Trong lúc đó, Tôn Đản bắt dân Tống chồng bao đất cao đến hàng trượng để quân ta trèo lên thành. 
    
Ngày 1 tháng 3 năm 1076, hiệu lệnh tổng tấn công được ban ra, quân ta nối tiếp nhau như đàn kiến ào ạt xông lên theo điệu kèn thúc quân dồn dập, chọc thủng phòng tuyến cắm cờ chiến thắng trên kỳ đài thành châu Ung (Quảng Tây). Viên tướng thủ thành Tô Giám ra lệnh cho 30 người trong gia đình quyến thuộc chết trước rồi nhảy vào lửa để chết theo thành. Sau 42 ngày chống cự trong tuyệt vọng, hơn 58 ngàn quân Tống hy sinh. Nếu tính cả số quân Tống chết ở châu Khâm và châu Liêm thì lên tới 100 ngàn người. Để phá tan tành 3 châu Ung, châu Liêm và châu Khâm của triều Tống tạo nên chiến thắng oanh liệt nhất trong lịch sử, hơn 10 ngàn tinh binh Đại Việt đã phải hy sinh cùng với nhiều voi chiến.
     
Vua Tống sững sờ hoảng hốt trước thất bại nhục nhã của "Thiên Triều"! Lời của Tống Thần Tông phủ dụ con của Tô Giám đã nói lên sức mạnh của quân dân Đại Việt: “Nếu Ung Châu không được cha ngươi thủ ngự, để đến nỗi bị mất như 2 châu Liêm, Khâm thì giặc có thể thừa thắng đuổi dài thì các vùng Tân, Tượng, Quế (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam) không thể nào giữ nổi…”. Sử Tàu chép mãi 8 ngày sau, vua Tống mới hoàn hồn vội triệu hồi Quách Quỳ, một viên tướng tài ba nhất nước vừa đánh thắng quân Liêu và quân Hạ trở về và cử làm Tổng Quản An Nam Hành Doanh Mã Bộ Quân và Triệu Tiết làm phó huy động 10 vạn quân sang đánh nước ta để rửa mối nhục ngàn năm. Quách Quỳ cho đội quân xung kích thiện chiến gồm trên 2 ngàn kỵ binh xung kích bắc cầu phao vượt sông Như Nguyệt đánh quân ta. Quân ta tuy đẩy lùi được nhiều đợt tấn công vũ bão của giặc nhưng cũng bị thiệt hại nhiều. Sau nhiều lần cho kỵ binh thiện chiến vượt sông thất bại, quân Tống bị thiệt hại nặng nề nên Quách Quỳ đóng quân án binh bất động. 
     
Lý Thường Kiệt biết quân Tống lâm vào thế khốn cùng, đang đêm vượt sông bất ngờ tập kích, đại phá quân Tống, mười phần chết hơn năm, sáu bèn rút lui về châu Quảng Nguyên. Tương truyền để khích lệ quân sĩ quyết chiến quyết thắng Lý Thường Kiệt đã cho người giữa đêm vào đền thờ Trương Hát, Trương Hống là những tướng tài thời Triệu Việt Vương đánh đuổi quân Lương để đọc bài thơ "Thần" khiến tinh thần quân sĩ dâng lên cao độ. Quân sĩ truyền miệng nhau bài thơ "Thần" do Thần nhân phù trợ nên dốc lòng quyết chiến quyết thắng. Bài thơ "Thần" này, ngày nay được xem như Bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc chúng ta. “Sông núi trời Nam của nước Nam, Sách trời định rõ tự muôn ngàn… Cuồng ngông giặc dữ vào xâm lấn, Chuốc lấy bại vong, lũ bạo tàn…”.
    
Dù quân ta chiến thắng nhưng danh tướng Lý Thường Kiệt chủ động đưa đề nghị giảng hòa để mở con đường sống cho giặc. Hành động khôn khéo của danh tướng họ Lý để giữ thể diện cho "Thiên Triều", đồng thời “Không nhọc công tướng sĩ, khỏi phải tốn thêm xương máu mà vẫn bảo toàn được tôn miếu xã tắc vậy”. Tống sử chép: “Quỳ muốn rút quân về nhưng sợ giặc tập kích nên bắt quân lính khởi hành ban đêm, hàng ngũ rối loạn không được chỉnh tề, tình hình hỗn loạn giẫm xéo lên nhau mà chạy…”. Thế mà khi rút quân về, Tống sử chép là quân Tống toàn thắng nên Trình Hy Xuyên tâu lên triều đình rằng: “Vô cớ mà nước lớn đánh nước nhỏ, đó là một điều nhục. Đánh nước nhỏ mà thua, nước nhỏ đánh cho chạy trối chết về nước, đó là điều nhục thứ hai và điều nhục thứ ba to lớn nhất là thua rồi mà về ghi rằng thắng. Xin nhà vua xét lại...”.  
     
Sau đó, Tống sử đã phải chép lại phần nào sự thật. Mặc dù đã giảm bớt con số thương vong nhưng vẫn phải thừa nhận những thiệt hại to lớn như sau: “Từ trận Ung Châu đến trận tập kích Như Nguyệt là 30 vạn quân lính và dân phu bị tử trận, mười vạn quân ra đi, lúc về còn hơn 2 vạn tám và 20 vạn dân phu đã bỏ mạng tại An Nam. Toàn bộ chiến phí tính ra cả thảy là 5.100.000 lạng vàng...”. Đây là thất bại thảm hại trong lịch sử Trung Quốc, một bài học để đời cho giặc Tàu xâm lược khiến Hoàng thân Triệu Nhữ Quát đã tấu trình lên Tống Thần Tông chính sách mới "Trọng võ Ái Nhân" chủ trương thận trọng việc võ bị, thương sót tính mạng con người, không phơi binh nơi lam sơn chướng khí. 
    
Sau chiến thắng oanh liệt của Lý Thường Kiệt, Tống triều kiêng nể nước Đại Việt ta nhưng vì thể diện nên vẫn chưa công nhận quốc hiệu Đại Việt mà chỉ phong vua nước ta là Giao Chỉ Quận Vương rồi Nam Bình Vương. Mãi đến năm 1164 đời vua Lý Anh Tông, vua Tống mới công nhận nước ta là một quốc gia nên sắc phong vua Lý Anh Tông là An Nam Quốc Vương. Đây là biến chuyển ngoại giao đầy ý nghĩa vì Tống triều đã phải chính thức thừa nhận Hoàng Đế Lý Anh Tông là vua nước An Nam, một quốc gia chứ không phải là một quận trong Giao Chỉ Bộ mà sách sử Trung Quốc vẫn gọi từ lâu.
    
Danh Tướng Lý Thường Kiệt là người văn võ song toàn, đa mưu túc trí đã góp phần to lớn làm cho dân tộc Việt vẻ vang. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt, Đại danh tướng Lý Thường Kiệt đã đem quân chinh phạt "Thiên triều" Tống. Người dân Việt ngàn đời sau hãnh diện tự hào là con cháu Lý Thường Kiệt, dòng giống Rồng Tiên nên dân gian vẫn ngạo nghễ ví von rằng: “Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”. 
     

Danh tướng Lý Thường Kiệt không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là một nhà Đạo học Việt Nam. Bia chùa Linh Xứng còn khắc ghi áng văn bất hủ chan chứa vẻ nhân văn, thấm đậm truyền thống nhân đạo Việt Nam của danh tướng Lý Thường Kiệt: “Cái mà kẻ trí người nhân ưa thích là núi là sông. Cái mà thế đạo gây mầm là danh là đạo. Nếu mở núi đắp sông làm cho đạo và danh rạng rỡ, há không đáng quý lắm ru?”.  Danh tướng Lý Thường Kiệt mất năm 1105, hưởng thọ 86 tuổi. Vua Lý Nhân Tông tuyên phong tước Việt Quốc Công, Thái Úy Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét