LỜI GIỚI THIỆU
Ông Phạm Trần Anh là một người anh em kết nghĩa của tôi, tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh và đã dấn thân tranh đấu cho dân chủ ngay thời còn sinh viên. Anh có một tấm lòng rộng rãi tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người. Anh có trình độ nhận thức cao, có đầy đủ chí khí và tinh thần nhiệt huyết, phong cách bình dị, sống gần gũi với anh em, rất thông cảm với anh em bạn tù đặc biệt là những người nghèo khổ bệnh hoạn và anh em đồng bào thiểu số. Anh thường lui tới an ủi tâm sự với những anh em có trình độ thấp hoặc khốn khó, bơ vơ trong tù. Anh đã từng leo rào vào ăn uống với anh em bị bệnh lao trong trại tù Xuân Lộc mà không sợ bị lây nhiễm hoặc bị cùm còng kỷ luật của công an Cộng Sản…
Tháng 5 năm 1996, ông Phạm Trần Anh và tôi đã cùng Thượng Tọa Thích Trí Siêu, Thầy Nguyễn Viết Huân dòng Đồng Công, giáo sư nguyễn Mạnh Bảo Cao Đài, cụ Nguyễn văn Đấu Phật Giáo Hòa Hảo đã đấu tranh chống lao động và học tập chính trị. Chúng tôi đã biến lớp học chính trị của Cộng Sản trong tù thành diễn đàn đấu tranh công khai đòi dân chủ tự do, đòi hủy bỏ điều 4 hiến pháp của cái gọi là nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đòi quyền sống tối thiểu của con người …
Nhân danh hội Bảo vệ Tù nhân Chính trị bao gồm các thành viên đủ màu sắc tôn giáo đứng lên đấu tranh và cùng ký tên gửi kháng thư tới Liên Hiệp quốc. Bản Kháng thư đã được Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam đưa ra trước Phân ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc như sau: “Ngày 27 tháng 5 năm 1996, tập thể tù nhân chính trị tại trại Z30A K1 đã biểu tình đưa kiến nghị đòi cải thiện chế độ lao tù theo đúng như những qui định trong điều 36 về những qui định tối thiểu về việc đối xử tù nhân của Liên Hiệp quốc. Tất cả tù nhân chính trị đã ký tên gồm Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất: TT Thích Thiện Minh, Đại diện Thiên Chúa giáo: Thầy Nguyễn Viết Huân Dòng Đồng Công, đại diện Cao Đài: GS Nguyễn văn Bảo, đại diện Phật Giáo Hòa Hảo cụ Nguyễn văn Đấu và Hội Bảo vệ Tù nhân Chính trị Việt Nam: Huỳnh Hưng Quốc tức Phạm Trần Anh …”. Cũng thời gian này, anh em tù nhân chính trị tại trại tù Xuân Phước cũng đứng lên đấu tranh đòi dân chủ nhân quyền cùng viết lên thiên sử ca kiêu hùng ngay trong các trại tù khổ sai của chế độ Cộng sản. Trải qua nhiều năm dài chung sống trong tù, ông luôn luôn giữ trọn khí tiết và tình nghĩa, tôi vô cùng trân trọng mặc dù trong thời gian tù tội ông cũng gặp những nghịch cảnh thương đau như bao nhiêu người tù khác khi người vợ thân yêu của mình vì thời gian xa cách và hoàn cảnh cuộc sống đã quyết định chia tay…
Ông không nói gì về việc này, không có vẻ buồn phiền gì nhưng thỉnh thoảng tôi bắt gặp ông ngồi trầm ngâm với điếu thuốc trên tay, đôi mắt đăm chiêu nhìn về phương trời xa vắng. Tôi hiểu và thương ông nhiều hơn. Tuy là người tu hành nhưng nhưng tôi cũng hiểu rằng, người chiến sĩ cách mạng cũng là một con người bình thường, ngoài lý tưởng cao đẹp còn mang tâm hồn của một người nghệ sĩ lãng mạn và còn là một người chồng người cha. Nếu không yêu nước thương dân, không có một chút lãng mạn bất cần đời, bất cần thân thể thì làm sao dám đánh đổi cuộc đời mình với những rủi ro bất trắc kể cả với cái chết. Tôi chưa kịp hỏi và an ủi anh thì như hiểu được ý tôi nên ông nói ngay: “Thầy Ba đừng bận tâm nhiều. Đây là chuyện đời thường, chuyện nhỏ mà …”. Tôi nói ngay “Bộ ông không buồn à?”. Ông chậm rãi trả lời: “Buồn thì có buồn chứ, mình là con người mà chứ có phải cỏ cây gỗ đá gì đâu nhưng cũng may, nói theo thi sĩ Tản Đà thì mình đã có một mối tình lớn, mối tình với đất nước dân tộc thì sá gì một mối tình con! Phải thế không thầy Ba?”. Tuy ông nói vậy nhưng trong thâm tâm tôi vẫn hiểu và thương ông nhiều. Mai kia, nếu còn sống sót trở về sau một thời gian tù ngục bằng nửa đời người, ông sẽ sống trong cô đơn với những nỗi ưu phiền chồng chất. Chắc chắn là ông sẽ phải đương đầu hoặc tìm cách ẩn nhẫn với một kẻ thù nguy hiểm luôn rình rập mưu hại người yêu nước. Tôi luôn luôn tin tưởng một người có nghị lực và ý chí cao như ông sẽ vượt qua tất cả những khúc khuỷu gập ghềnh, cam go nguy hiểm chờ đợi từng ngày từng giờ để vươn lên, vượt qua tất cả. Suốt chín năm sống ngoài xã hội nhưng thực sự là một nhà tù vĩ đại ông đã phải đương đầu với biết bao khó khăn cản trở nhưng ông vẫn nhẫn nại, âm thầm tiếp xúc với quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo và các chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ trong nước để vận động thành lập Hội Ái hữu Tù nhân chính trị và Tôn giáo Việt Nam trước khi lên đường sang Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình, đồng thời dành hết tâm sức để hoàn thành một công trình lớn tìm về “Cội nguồn Dân tộc”, một đóng góp to lớn cho dân tộc Việt. Công trình nghiên cứu vô giá của ông rất đáng khâm phục, thật xứng đáng là con dân nước Việt, con cháu của dòng giống Rồng Tiên. Tôi nghĩ tới câu nói của người xưa thật là đúng với con người nặng lòng với đất nước này: “Đi một mình không thẹn với bóng, ngủ một mình không thẹn với chăn vì đã giữ vẹn một tinh thần cao đẹp tinh khiết!”.
Mãi đến tháng 9 năm 2006, sau nhiều lần tìm cách ngăn cản nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phải để ông xuất ngoại đoàn tụ với gia đình sau hơn 29 năm xa cách. Ông được Hội Đồng Cố Vấn và Giám Sát Hội Ái hữu Tù nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam trao phó nhiệm vụ Phó Hội trưởng Đặc trách ngoại vụ kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành Hải ngoại của Hội. Hội đang sưu tầm danh sách hàng trăm tù nhân chính trị bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam xử tử hình và xuất bản tập Thơ Tù “Bất khuất” để giới thiệu với đồng bào trong và ngoài nước những đóng góp hi sinh của tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam. Trong ý hướng đó, chúng tôi xin mời quý đồng bào đọc những vần thơ của anh em tù nhân chính trị viết từ tận đáy địa ngục trần gian tuy lắm đoạn trường nhưng vẫn thể hiện tinh thần bất khuất vô song của những người Việt Nam yêu nước đấu tranh cho quyền sống làm người: quyền dân chủ, tự do thực sự, để nhân dân Việt Nam được ấm no hạnh phúc thực sự.
THÍCH THIỆN MINH
Hội Trưởng Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo VN.
Hội Trưởng Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét