ĐỌAN TRƯỜNG BẤT KHUẤT
NGƯỜI NUÔI LÝ TƯỞNG NHÂN SINH
THI SĨ ĐAM MÊ VĂN NGHỆ
. Phạm Trần Anh bút hiệu Phạm Trần Quốc Việt sinh năm 1945 tại làng Cát Hạ, huyện Trực Ninh tỉnh Nam Định. Sau hiệp định Genève anh di cư vào Nam năm 1954 và trưởng thành ở Sài Gòn.
. Cựu Học sinh Trường Trung học Nguyễn Trãi và Chu văn An từ 1956-1963.
. Thời sinh viên từng hoạt động trong Ban Đại diện Sinh viên Y Khoa Huế, chủ bút Giai phẩm Xuân Tình Thương của Đại học Y Khoa Huế 1964.
. Trưởng ban Tổ chức Tổng hội sinh viên Huế chống Hiến chương Vũng Tàu 1964 của chính phủ quân phiệt Nguyễn Khánh. Tranh đấu đòi phục hồi quyền Dân chủ bầu Quốc hội Lập hiến.
. Giáo sư dạy giờ trường Trung học Saint Thomas Sài Gòn.
. Uỷ viên Báo chí Ban Đại diện Sinh viên Quốc Gia Hành Chánh.
. Đoàn trưởng Đoàn sinh viên Phật tử Xã hội 1968.
.Trung tâm trưởng Trung tâm Phan Sào Nam cứu trợ đồng bào nạn nhân Cộng Sản tết Mậu Thân 1968.
. Chủ trương các tờ báo sinh viên Đất Đứng, Ý Thức, Cấp Tiến và Bừng Sáng thập niên 1960.
. Ủy viên Thường vụ Tổng đoàn Thanh niên Võ đạo Việt Nam (Vovinam).
. Tốt nghiệp Học viện Quốc Gia Hành Chánh Khóa XIV.
. Cựu sinh viên Cao học chính trị xã hội viện Đại học Đà Lạt.
. Ủy viên Kế hoạch Hội Cựu sinh viên QGHC 1969-1971.
. Quản đốc Trung tâm Huấn luyện và Tu nghiệp công chức tỉnh Quảng Nam 1969.
. Tốt nghiệp khoá 4/70 Sĩ qua Trừ bị Thủ Đức. Trưởng ban Biên tập Nguyệt san Bộ Binh và kỷ yếu khoá 4/70.
. Phó Quận trưởng Hành chánh quận Tam Bình Minh Đức, Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long (1970-1973).
. Trưởng ty Hành Chánh kiêm Quản đốc Trung tâm Huấn luyện và Tu nghiệp công chức tỉnh Lâm Đồng.
. Sau ngày mất nước, ở lại Việt Nam thành lập Mặt trận Người Việt Tự do cùng với Thi sĩ Tú Kếu Trần Đức Uyển, nhà văn Trọng Tú.
. Bị chế độ CSVN bắt ngày 3 tháng 7 năm 1977, toà án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng buộc tội: “Tên Phạm Trần Anh là tên phản động ngoan cố cực kỳ nguy hiểm, căm thù sâu sắc giai cấp vô sản, có kinh nghiệm chống phá cách mạng, câu kết với các tổ chức phản động trong nước và các thế lực phản động quốc tế nhằm lật đổ chế độ … Tòa kết án Chung thân, cách ly khỏi xã hội”.
. Sau hai mươi năm 1 tháng tù đày, do sự can thiệp của Tổ chức Ân Xá Quốc tế Amnesty và của Thủ Tướng Thụy Điển, nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã phải trả tự do ngày 3 tháng 8 năm 1997 sau hơn 20 năm tù đầy trong đó bị cùm chân tay gần chín năm trong xà lim.
Sau hơn 9 năm cầm giữ trong nước không cho xuất ngoại vì “Nguy hiểm đến an ninh quốc gia”. Do sự can thiệp, ngày 2 tháng 9 năm 2006 mới sang đoàn tụ với gia đình tại Hoa Kỳ. Trong thời gian này, Phạm Trần Anh đã tìm tòi nghiên cứu về cội nguồn dân tộc Việt. Đồng thời anh cũng âm thầm cùng với Thượng Tọa Thích Thiện Minh, TT Thích Không Tánh, cư sĩ Trần Hữu Duyên chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Phật Giáo Hòa Hảo … thành lập Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam do Thượng Tọa Thích Thiện Minh làm Hội Trưởng. Sau khi mời các Linh mục Nguyễn văn Lý, Phan văn Lợi, Mục sư Trần Mai, Nguyễn Hồng Quang, Cư sĩ Lê Quang Liêm, Cư sĩ Trần Hữu Duyên CT Ủy Ban Bảo vệ Phật giáo Hòa Hảo, GS Nguyễn Mạnh Bảo Cao Đài làm cố vấn cho Hội, Phạm Trần Anh mới lên đường xuất ngoại sang định cư tại Hoa Kỳ.
Trong cương vị Phó Hội Trưởng đặc trách ngoại vụ, Phạm Trần Anh tích cực vận động công luận quốc tế và đồng bào Hải ngoại ủng hộ các chiến sĩ Dân chủ đấu tranh cho tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam.
Sau ngày cộng sản Việt Nam xâm chiếm miền Nam Việt Nam, anh làm giả lý lịch gia đình “cách mạng” để cùng với thi sĩ Tú Kếu (Trần Đức Uyển) thành lập Mặt trận Người Việt Tự do Diệt cộng Phục quốc, tiếp tục đấu tranh cho Tự do Dân chủ và Nhân quyền cho Việt Nam. Tháng 7 năm 1977 anh bị bắt và đưa ra cái gọi là toà án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xử với tội danh: Âm mưu Lật đổ chính quyền Cách mạng! Toà án CS đã kết án Chung thân với tội danh: “Phạm Trần Anh là một tên cực kỳ phản động, ngoan cố, căm thù sâu sắc giai cấp vô sản, có kinh nghiệm chống phá cách mạng, cấu kết với các thế lực phản động trong và ngoài nước để lật đổ chính quyền cách mạng ...”.
Sau gần chín năm cùm chân trong xà lim và hơn 11 năm lao động khổ sai trong các trại tù khắc nghiệt nhất của chế độ Cộng sản, anh được sự can thiệp của Thủ tướng Thụy Điển cũng như các Hội đoàn tranh đấu cho nhân quyền, Hội Ân xá Quốc tế International Amnesty nên chính quyền Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải trả tự do cho anh ngày 3 tháng 8 năm 1997 sau hơn 20 năm tù ngục.
Trong thời gian tù đầy, anh vẫn kiên cường bất khuất kiên định lập trường quốc gia dân tộc nên đã bị Cộng Sản tra tấn đánh gãy hai hàm răng, mắt bị mờ hậu quả của gần 9 năm cùm chân còng tay trong phòng tối nên phải thay cả hai thủy tinh thể nhân tạo hiện anh đang điều trị bệnh tật hậu quả của thời gian lao lý gần nửa đời người của anh.
TRƯỚC NGÀY MẤT NƯỚC 30 tháng tư năm 1975, tôi có duyên gặp và quen anh ở Câu Lạc bộ Phấn Thông Vàng ở đường Nguyễn Thông do anh Nguyễn Thùy là chủ nhiệm. Buổi tối hôm đó, trong sinh hoạt hàng tuần vào tối thứ bảy, nhà thơ Phan Lạc Giang Đông giới thiệu tôi trình bày đề tài: “Thi sĩ và cuộc đời”. Tôi còn nhớ như in buổi tối hôm đó có cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhà văn Hoàng Xuân Việt, nhà văn Bùi Nhật Tiến, Hồ Trường An, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, Phương Đài, Hoàng Trúc Ly, Diễm Phúc, Kiêm Thêm, Huy Bằng, Ngọc Tự, Hà Thuỷ, Lê Trường Đại, Tô Duy Khiêm, Tô Nguyệt Điền, Dương Khanh, Định thị Thuỵ Yên, Anh Hải và Phạm Trần Anh cùng các anh chị em sinh viên, các em học sinh các trường Bồ Đề, Nguyễn Trường Tộ, nguyễn Công Trứ đến tham dự đông đủ …
Lúc đó tôi biết Phạm Trần Anh qua sự giới thiệu của Trần Ngọc Tự và Phan Lạc Giang Đông nhưng chưa lấy gì làm thân lắm vì anh cũng như các anh Hoàng Tổng, Huy Lực và Nguyễn Trọng Nho tốt nghiệp kỹ sư sau làm dân biểu Hạ viện còn tôi là con người của văn nghệ, diễn ngâm trong chương trình Thi văn Tao Đàn, chủ trương cơ sở xuất bản Nhân Chứng rồi làm Trưởng ban Văn học nghệ thuật Đài Truyền hình Sài Gòn từ 1970-1975. Thế nhưng, tôi mến mộ Phạm Trần Anh vì anh là người đam mê sôi nổi, cởi mở và thẳng thắn rất dễ thân quen nên phải nói rằng Phạm Trần Anh là con người của đám đông của quần chúng. Phạm Trần Anh là người có tâm hồn văn nghệ, đặc biệt trong anh còn ấp ủ một lý tưởng dân tộc, phục vụ nhân sinh: đấu tranh cho dân chủ tự do, một xã hội công bằng nhân ái.
Sau hơn hai mươi năm lao lý trở về, nụ cười vẫn nở trên môi con người lúc nào cũng lạc quan yêu đời, Phạm Trần Anh đã lặn lội đi tìm lại những bạn bè thân quen xưa cũ để hàn huyên tâm sự như không có gì xảy ra trong cuộc đời của một con người trải qua hai mươi năm tù. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh không nhắc gì về một nửa đời tù của anh. Tôi hỏi, anh cười vui rồi nói: “Chuyện nhỏ mà, mình xem nó như là một giấc ngủ trưa!”. Anh say sưa kể lại những đoạn đường chiến binh của một chiến sĩ lao tù mà khi nghe xong thì những quần đảo ngục tù ngày xưa tôi đọc với sự sự cảm phục ghê gớm thì bây giờ chẳng nghĩa lý gì với nơi địa ngục trần gian mà bạn tôi và biết bao người yêu nước đã đi qua…
Nhắc lại chuyện hôm ra tòa, Anh kể trước khi tuyên án tên chánh án hỏi tôi: Anh có nhận tội không? Phạm Trần Anh đã hiên ngang nói trước tòa án Cộng Sản: “Tôi là người Việt Nam yêu nước chống Cộng sản, tôi không có tội gì cả. Đối với xã hội chủ nghĩa của các anh thì tôi có tội, các anh muốn xử gì thì xử nhưng với đồng bào Việt Nam của tôi, tôi chỉ có tội vì chưa làm được những gì mà đồng bào tôi mong muốn. Đời tôi để lịch sử xử, Xin đồng bào tha lỗi cho tôi ..!”.
Nói xong anh chào tay đồng bào đang ngồi dưới hội trường Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Cả hội trường vỗ tay quên cả sợ sệt, mấy bà mẹ Việt Nam khóc thút thít rồi cúi mặt lau nước mắt, một số người cầm lòng không được đứng dậy bước ra ngoài, không khí xôn xao hẳn lên ngoài tiên liệu của cộng sản khiến tên chánh án đập bàn liên hồi. Mấy tên công an đứng cạnh anh hốt hoảng kéo xuống rồi đè ra còng tay lại. Chúng tức giận xiết còng tay khiến tay anh sưng vù, máu bầm lại …
Trên đường giải giao về trung tâm Thẩm vấn Đà Lạt, Tú Kếu nhìn anh có vẻ thương hại nói: Bác có chống án không? Anh trả lời: “Không, dứt khoát là không vì mình có công nhận toà án cũng như chế độ nó đâu mà chống với không chống án ...”. Tú Kếu nhe răng ra cười: “Bác nói phải, chí phải. Tôi tưởng bác bị tử hình thì bác không chống tôi cũng chống để kéo dài thời gian ra may cứu được bác. Còn bây giờ thì không dứt khoát là không”. Anh xúc động vì bạn mình hiểu và thương mình, anh cười nói với anh em: “Chuyện nhỏ mà các bạn, Mình còn là còn tất cả, cứ xem như một giấc ngủ trưa phải không các bạn ?”. Anh em cười vui vẻ và không một ai chống án cả. Lúc công an giải ra xe, Bà con cô bác chạy theo người nắm tay, kẻ ném quà bánh thuốc hút đầy cả xe. Bọn công an xô đuổi cũng không được đành đứng nhìn một cách bất lực. Tên trưởng đoàn bèn vội ra lệnh cho xe chạy, bà con vẫn chạy theo, kẻ chửi người la í ới … “Ôi, những hình ảnh thân thương đó làm sao mà mình có thể quên được...”.
Viết về Phạm Trần Anh trong các trại tù cộng sản hơn 20 năm “Người tù lương tâm của Việt Nam”, Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã kể lại trong Hồi ký “Hai Mươi Sáu Năm Lưu Đày” như sau: “Ông Phạm Trần Anh, một người anh em kết nghĩa hoặc gọi là kết bạn vong niên. Anh tốt nghiệp Ban Đốc sự Học viện Quốc Gia Hành Chánh và Cao học Chính trị xã hội đã từng giữ chức vụ Phó Quận Trưởng, Quản Đốc, Trưởng Ty Hành Chánh tỉnh Lâm Đồng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ông có tấm lòng rộng rãi tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người. Ông có trình độ nhận thức cao, có đầy đủ chí khí và tinh thần nhiệt huyết, phong cách bình dị, sống gần gũi anh em, rất thông cảm với anh em đồng tù, đặc biệt là đồng bào thiểu số và những người nghèo khổ bệnh tật. Ông thường tới lui an ủi tâm sự với những người có trình độ thấp hoặc khốn khó bơ vơ trong tù. Ông đã từng leo rào vào thăm hỏi, ăn uống với anh em bị bệnh lao ở trại tù Xuân Lộc mà không sợ bị kỷ luật, lây nhiễm gì cả.
Dù biết rằng trong cuộc đời là ”Nhân vô thập toàn” ắt hẳn không ai hoàn hảo cả, bản thân tôi và ông cũng thế. Tôi luôn luôn nghĩ rằng “Nhân tận kỳ tài”, mỗi người sinh ra trên đời đều có một tài năng riêng nhưng chưa biết đúng chỗ phát huy. Tôi hy vọng mọi việc hanh thông sẽ dành phần cho người tốt như ông. Ông Phạm Trần Anh đối với tôi có 4 điểm, anh vừa là người anh kết nghĩa, vừa là người bạn đồng tù cùng chí hướng, vừa là một Phật tử rất kính trọng thầy tu, lại vừa là mạnh thường quân giúp đỡ tôi rất nhiều trong những tháng năm tù đày nghiệt ngã.
Trải qua nhiều năm dài, ông luôn luôn giữ trọn tình trọn nghĩa, tôi vô cùng trân trọng. Mặc dầu, ngày được trả tự do anh gặp nhiều nghịch cảnh éo le. Thời gian tù đày, người vợ vượt biên sang nước khác, nay đã không còn sống với ông nữa. Khi ông trở về hoàn toàn cô quạnh, sự nghiệp trắng tay và phải tự chuẩn bị cho mình một cuộc sống mới, chắc chắn ông phải đương đầu hoặc ẩn nhẫn với một xã hội có nhiều định kiến. Tôi luôn luôn tin tưởng một người có nghị lực và ý chí mạnh mẽ như ông sẽ vượt qua tất cả những khúc khuỷu gập ghềnh của cuộc đời. Trước nhất cần phải giữ “Nhẫn nhục phụ trọng”, chịu đựng cảnh “Nghịch thủy hành châu” để một ngày không xa sẽ tận hưởng “Khúc chung tấu nhã”. Tôi luôn khắc ghi những tình cảm tốt đẹp của ông trong tâm khảm của mình nên ghi tên ông đầu tiên trong những ân công của tôi trong tập hồi ký này …”.
Phạm Trần Anh kể lại với tôi rằng ngày trở về: “Tôi mỉm cười như tự nói với lòng mình “Một giấc ngủ trưa thế mà dài cả 20 năm trời ...”. Tôi còn nhớ hôm anh em văn nghệ sĩ Sài Gòn tham dự buổi tiệc đưa nhà văn Uyên Thao đi Mỹ, nhà thơ Lê thị Kim đến hỏi tôi:“Anh Đức, anh Phạm Trần Anh đâu?”. Tôi chỉ bạn tôi, nhà thơ Lê Thị Kim chạy tới nắm chặt tay Phạm Trần Anh và nói: “Cho Kim được bắt tay người tù bất khuất hai mươi năm ...!”. Câu nói của người đẹp khiến tôi sực nhớ tới giấc ngủ trưa, vâng một giấc ngủ trưa của Phạm Trần Anh dài hơn 20 năm gần nửa đời người...
Sau khi đi tù về anh dành hết thời gian còn lại để hoàn thành công trình biên khảo lịch sử tìm về cội nguồn Việt tộc: Việt Nam, Đất Nước và Con Người gồm:
1. Nguồn Gốc Việt Tộc(1999).
2. Việt Nam Thời Lập Quốc (2000).
3. Việt Nam Thời Vong Quốc (2001).
4. Việt Nam Thời Độc Lập (2002).
5. Quốc Tổ Hùng Vương(2003).
6. Huyền Tích Việt (2004).
7. Sử Thi Đại Việt Nam (2005).
8. Còn Một Chút Gì (Thơ).
Ngoài công trình nghiên cứu tìm về nguồn cội dân tộc, Anh còn góp mặt trong các Tuyển tập Duyên Thơ (1999), Hương Tình Yêu (2000), Tiếng Thơ (2001), Về Nguồn (2002), Tri Kỷ Hành (2003), Dáng Thơ (2004) Hương Quê (2005).
Chúng tôi gặp lại nhau sau 28 năm xa cách, hai anh em ngồi nhắc nhớ những kỷ niệm một thời ở câu lạc bộ Phấn Thông Vàng, nhớ tới anh em thân hữu, bạn bè kẻ còn người mất !!! Một nỗi buồn lắng đọng tâm tư, cả hai không hẹn mà cùng buông tiếng thở dài ... Tôi chợt nhớ tới cái anh chàng lãng tử dạo nào ở Sài Gòn với cuộc sống lãng du, một tâm hồn lãng đãng dễ thương làm thơ hay ra phết và cô bé Trinh ngày đó, mỗi lần lên hát cũng lại bổn cũ soạn lại: “Con đường xưa em đi, người ta mắc dây chì thế là em hết đi …” giờ này chắc cũng làm bà ngoại bà nội rồi còn gì ..!?.
Phạm Trần Anh bây giờ đã bỏ Sài Gòn lên Lái Thiêu làm vườn nói là đào ao nuôi cá, vui thú điền viên để thư giãn tinh thần nhưng thực ra là để dồn hết tâm sức vào đam mê mới là tìm về nguồn gốc dân tộc, từ truyền thuyết tới hiện thực lịch sử. Tôi thắc mắc vì cả nhà anh đã ở bên Mỹ mà bây giờ trở về vẫn ở lại đây để cho công an theo dõi khó dễ đủ điều. Anh tâm sự với tôi là anh không thích đi Mỹ dù có điều kiện để đi vì sống ở đâu cũng không bằng ở quê hương mình dẫu cho khó thương, nói theo bài hát của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang. Tôi ngầm hiểu ẩn ý sau câu nói của Phạm Trần, tôi hiểu thương và nể phục quyết định ở lại Việt Nam của bạn tôi. Phạm Trần Anh tâm tình với tôi là: “Bây giờ bà cụ đã hơn tám mươi tuổi rồi và cũng đã lẫn rồi, lúc nhớ lúc quên. Bạn cũng hiểu tính tôi mà, tôi không có ý định rời bỏ quê hương mà không đi thì lỗi đạo làm con mà đi thì bị khó khăn ngãng trở đủ điều. Thôi thì việc đời hơi đâu mà lo, cái gì tới nó sẽ tới thế thôi ...”.
Thật vậy, theo lời kể lại của Phạm Trần thì trước khi ra tù, một Đại tá cục an ninh của nhà nước cộng sản đến gặp và yêu cầu viết một tờ cam đoan là sau khi được tự do sẽ không chống đối chính quyền CHXHCNVN nữa. Anh không chịu cam kết và chỉ viết: “Kể từ ngày 3 tháng 8 năm 1997, dù muốn dù không tôi cũng là công dân của cái gọi là nhà nước cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nếu tôi làm bất cứ điều gì chống lại chính quyền thì cứ việc truy tố theo pháp luật của nhà nước CHXHCNVN thế thôi”. Sau khi anh không viết, tên đại tá nói: “Tuy ông được tự do nhưng ông nên nhớ là chúng tôi theo sát ông từng giờ từng ngày, đừng có hòng qua mặt chúng tôi. Tôi nói thẳng là tinh mạng của ông nằm trong tay chúng tôi. Ông có đi Mỹ được hay không cũng do chúng tôi quyết định. Tuy ông có hồ sơ đi Mỹ nhưng chúng tôi vẫn có cách để giữ lại nếu chúng tôi thấy ông là đối tượng nguy hiểm bất lợi cho chúng tôi ...”.
Khi về lại Sài Gòn theo thủ tục phải trình diện địa phương, công an thành phố cũng bổn cũ lập lại là yêu cầu anh cam kết đủ điều, anh từ chối dứt khoát dù biết rằng sẽ phải đương đầu chấp nhận mọi khó khăn cản trở từ chính quyền cộng sản. Đầu tiên là vấn đề hộ khẩu, anh cũng đi làm nhưng thiếu giấy tờ chứng minh đã từng cư ngụ ở Sài Gòn nên bị từ chối. Anh nói với công an thành phố là: “Tôi đã làm đầy đủ thủ tục qui định, nếu cơ quan công an khó dễ là do chế độ cộng sản chủ trương mà thôi. Từ ngày mai, tôi sẽ không làm bất cứ thủ tục nào nữa. Tôi lên làm vườn trên Lái Thiêu, chỗ đó hẻo lánh các anh tha hồ mà tổ chức gây án hình sự cướp bóc giết người để sát hại tôi”. Tên Trung tá vội thanh minh thanh nga nhưng cũng hàm ý đe dọa “Nhà nước không hề có chủ trương đó, ông cứ yên tâm tôi đảm bảo với ông là không có chuyện đó nếu ông không chống lại nhà nước ...”.
Anh nói với tôi là anh hiểu rõ là cộng sản lúc này phải dùng đối sách mềm dẻo “Mềm nắn rắn buông” để tránh những phản ứng bất lợi cho họ nên anh cương quyết không nhượng bộ bất cứ yêu sách nào, đề nghị nào. Anh nói thẳng phủ đầu trước những ý đồ của họ để chặn tay bọn cộng sản vốn không từ bỏ bất cứ thủ đoạn hèn hạ nào. Một tuần sau, hội trí thức yêu nước thành phố gửi giấy đề nghị kê khai bằng cấp để mời anh tham gia, anh cũng kê khai nhưng phần nguyện vọng ghi rõ là tình trạng sức khoẻ đau yếu cũng như tri thức đã lâu, thời gian tù tội lâu ngày nên chẳng còn nhớ gì cả nên không thể tham gia bất cứ sinh hoạt nào. Một thời gian sau, công an khu vực đưa giấy tờ đến điền vào giấy tờ xin hộ khẩu rồi đi làm cái gọi là “Chứng minh nhân dân”. Anh nói nếu mình nhượng bộ dù một chút thì dần dần sẽ bị vương mắc áp lực hoài nên tôi cương quyết ngay từ đầu và cũng nhờ vậy mà trong suốt thời gian ở Việt Nam tôi chẳng đi họp hành khu xóm một buổi nào, không đi bầu biếc gì và ngay những ngày mà họ gọi là lễ lớn mà nhà anh cũng không treo cờ quạt gì. Họ biết nhưng cứ lờ như là không có vấn đề gì xảy ra nhưng đó cũng là một trong những lý do họ đã cản trở việc anh xuất ngoại đoàn tụ với gia đình hơn 9 năm trời.
Anh tâm sự “Mẹ tôi và cả gia đình bên Mỹ thì sợ ở lại sẽ bị Cộng Sản hãm hại nên cứ ép phải ra đi bằng mọi giá. Lại thêm cô vợ sau này cũng muốn thoát khỏi cảnh cộng sản o ép khủng bố, hù doạ đủ điều. Tôi cũng đành chiều ý gia đình làm lại thủ tục xuất cảnh. Khi đến sở xuất nhập cảnh để lấy passport thì họ lại yêu cầu cam kết là khi xuất ngoại không chống phá nhà nước, tôi cũng nói thẳng với họ là “Các anh đã biết là ngay khi còn ở trong tù tôi cũng chẳng cam kết một điều gì và bây giờ tôi cũng chẳng cam kết gì cả. Đi hay không là tùy các anh thế thôi”. Thấy tôi kiên quyết thì họ cũng phải cấp “hộ chiếu” cho có lệ. Mình cũng tưởng cộng sản hù hè mình vậy thôi mà cuối cùng họ cũng 2 lần cản trở qua việc cấp đi cấp lại giấy chứng nhận lý lịch 2 lần ghi phần tiền án không ghi án tiết chung thân chống cộng. Cô vợ tôi làm đơn khiếu nại mấy năm sau lại ghi là có án chung thân vì tội danh hoạt động lật đổ chế độ Cộng sản Việt Nam. Phía Mỹ thì họ quá biết nhưng lại trả lời ẫm ờ là “Sở Tư pháp Thành phố cấp giấy mâu thuẫn với những điều tôi khai nên phải check lại”. Tôi hiểu là họ muốn gì nên không tính đi nhưng nhà tôi không chịu tiếp tục khiếu nại. Hiệu lực của giấy chứng nhận đã hết lại phải làm lại thì họ lại ghi là tiền án không, khiếu nại lần nữa thì họ lại ghi là có án chung thân. Sự việc cứ quẩn quanh cản trở mãi hơn 9 năm sau thì giấy tờ mới xong. "Cuối cùng là mẹ tôi mất bên Mỹ mà tôi vẫn chưa qua được, đành cam tội bất hiếu vậy thôi”.
Tôi cười nói với Phạm Trần Anh là “Tôi coi tử vi thấy cái số của ông là luôn luôn phải xa gia đình và cũng do tính khí trời phú cho ông là không giống ai, ngay từ hồi còn là sinh viên đã xác định lập trường dân tộc nên Mỹ chẳng ưa mà Cộng sản lại càng thù ghét. Chứ nếu là người của Mỹ thì nó bốc lâu rồi mà dễ bảo thì cộng sản nó cũng đẩy đi từ lâu rồi”. Tôi nói tếu một câu: “Ông không nghe nghệ sĩ Ngọc Giàu nói một câu rất ư là cải lương nhưng lại rất đúng là giày dép còn có số huống chi là con người!”.
Bên trong con người lý tưởng đam mê cách mạng ấy là cả một tâm hồn văn nghệ, lại có tài làm thơ. Thơ tuy ít nhưng nhưng đi vào lòng người với các bài: Tháng bảy mưa Ngâu, Khi anh về, Chiều cuối năm và huyền hoặc đã được các nhạc sĩ Châu Kỳ, Quốc An, Lê Thụ, Lê Hoàng, Kỳ Vân đồng cảm phổ thơ. Thơ Phạm Trần đặc biệt luôn hướng về Quốc Tổ thấm đậm tự tình dân tộc, thơ đấu tranh và cả thơ tình nữa. Tôi thích bài Đối ẩm và bài “Lời thề sông núi” của Phạm Trần:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét