Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Bính Thân : năm hạn của dân Trung Quốc
Tú AnhĐăng ngày 05-02-2016 Sửa đổi ngày 05-02-2016 17:04
Description: mediaXiếc khỉ nhân dịp Năm Mới tại một làng ở tỉnh Hà Nam (Henan), Trung Quốc, tháng 1/2016.REUTERS/Jason Lee
Trung Quốc bước vào năm « xấu », Mỹ thắng trận chiến thương mại xuyên Thái Bình Dương, Nga tìm chiến thắng quân sự tại Syria, Vatican muốn bắt tay với Bắc Kinh để cứu Giáo hội ở Hoa lục, Ukraina không bứng được cội rễ tham ô, Pháp muốn sửa chính tả, thuốc mới diệt ung thư không hại tế bào lành mạnh là những chủ đề của báo chí Paris ngày 05/02/2016.
Trên trang nhất, Le Figaro loan tin « Cải cách chính tả gây phản đối mạnh tại Pháp ». Kể từ năm tới, các từ ngữ được Hàn lâm viện đồng ý đơn giản hóa sẽ được đưa vào sách giáo khoa tiểu học. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp chống đối và nhật báo cánh hữu dành hai trang trong để trình bài các quan điểm dị đồng.
Libération, tập trung giúp độc giả tìm hiểu về chương trình tự phê của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia mà nhật báo cánh tả hy vọng đảng kỳ thị, bài ngoại và mị dân này sẽ dứt điểm quá khứ sau chiến dịch « trăm hoa đua nở » trong đảng hiện nay.
Trung Quốc với năm Khỉ đầy bất trắc
Trong khi đó, La Croix đưa độc giả đến Trung Quốc nơi mà chiến dịch « trăm hoa đua nở » trong thập niên 50 và các đợt thanh trừng tiếp theo đã giết chết 30 triệu người, sẽ bước vào năm Bính Thân như thế nào.
Thứ hai tới, Trung Quốc rời năm Dê bước vào năm Khỉ, biểu tượng của bất trắc của những đòn gian xảo và ảo tưởng... Trên đây không phải là bói toán tử vi mà là những phân tích nghiêm túc của nhật báo Công giáo La Croix : Từ hai năm nay, xã hội Trung Quốc bị kiểm soát chưa từng thấy, lời chú dưới bức ảnh chợ Tết ở Quảng Đông bày bán những món hàng rẻ tiền.
Theo các chuyên gia được La Croix đặt câu hỏi, cho dù các chỉ số kinh tế chưa báo hiệu kịch bản tai họa, nhưng Trung Quốc đứng trước ba bất trắc kinh tế, chính trị và xã hội, chưa tính đến những biến chuyển quốc tế như bầu cử tổng thống tại Đài Loan vừa qua và bầu tổng thống Mỹ sắp đến. Bắc Kinh còn đủ sức ổn định tài chính trong ngắn hạn để chịu đựng cơn « sốc » cải cách các xí nghiệp quốc doanh « ma cà rồng » hút máu ngân sách, nhưng hai năm tới bắt buộc phải « cải tổ cấu trúc cần thiết » thì lúc đó ra sao ?
Thật ra, tình hình kinh tế trì trệ hiện nay chứng tỏ chủ tịch Tập Cận Bình không nắm toàn quyền như ông muốn chứng tỏ. Từ hơn hai năm nay, sự chống cự bên trong đảng Cộng sản rất mạnh, làm cho nội bộ căng thẳng, phe nhóm phân chia. Tạm thời, phong trào phản kháng có tổ chức chưa bật dậy, vì bộ máy công an kiểm soát chặt chẽ. Trong hơn hai năm qua, xã hội Trung Quốc bị trấn áp chưa từng thấy kể từ các thập niên gần đây. Lúc Tập Cận Bình mới lên, nhiều người tưởng lầm rằng chính sách « bài trừ tham nhũng » là để trong sạch hóa hệ thống kinh tế để có thể thực hiện cải tổ chính trị trên nền tảng Nhà nước thượng tôn pháp luật như ông Tập Cận Bình thường tuyên bố.
Thực tế là chính sách thanh trừng kéo dài và không phải chỉ nhằm triệt hạ đối thủ chính trị hay khủng bố tinh thần dân sự như giới luật sư, trí thức, phóng viên, nhà hoạt động nhân quyền. Giáo sư Marie Holzman, chủ tịch Hiệp Hội Đoàn Kết Trung Quốc, cho biết : trong thời gian gần đây, nhiều người Trung Quốc gọi đất nước họ là « Tây Triều Tiên » có nghĩa là đàn áp còn thô bạo hơn xứ sở của Kim Jong Un. Vì ngoài ý do chính trị, Tập Cận Bình còn ôm ảo tưởng mang trọng trách « gia truyền » của người cha cách mạng để lãnh đạo đảng. Do vậy, để bảo đảm tính « chính danh » Tập Cận Bình sẽ đàn áp mạnh hơn nữa, với hệ quả là một bộ phận xã hội công dân có ý thức sẽ bị bóp nghẹt. Trung quốc đang sống trong một trong những giai đoạn đen tối nhất lịch sử. Một Thiên An Môn thứ hai không thể xảy ra trừ phi có một cơn địa chấn long trời lở đất hay bom nguyên tử tạo sức bật.
TPP, vũ khí lợi hại
TPP (Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương), Mỹ công khai tuyên bố chiến thắng Trung Quốc trong trận chiến thương mại quốc tế, theo nhận định của La Croix và Libération.
Theo nhật báo cánh tả Libération, tổng thống Mỹ có lý do hoan hỉ khi tuyên bố không để cho Trung Quốc chỉ đạo kinh tế toàn cầu. Hiệp Định TPP với 12 thành viên, tuy còn phải chờ ít nhất 2 năm để được quốc hội từng nước phê chuẩn, sẽ cho phép Hoa Kỳ duy trì thế thượng phong trong các lĩnh vực chính trị, quân sự và ngoại giao trong chiến lược « chuyển trục ». Trong trận thế này, Nhật Bản của diều hâu Shinzo Abe đóng vai trò cánh tay mặt Á châu củaWashington. Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh cũng năng nỗ lập một vùng mậu dịch tự do khác với các nước châu Á và nghiên cứu đánh giá lợi hại của TPP.
Cùng nhận định, La Croix đưa bản đồ hai vùng mậu dịch tự do cạnh tranh nhau tại Châu Á Thái Bình Dương, nhưng dự báo phần thắng « nghiêng về phía Mỹ ». Đi sâu vào chi tiết, La Croix nhấn mạnh là TPP sẽ giúp thế giới tăng trưởng 0,40% mỗi năm kể từ 2030. Đối với những đối tác « nhỏ » như Việt Nam và Malaysia, tỷ lệ tăng trưởng theo thứ tự lên đến 3% và 1,5%.
Bị đặt ra bên lề, Trung Quốc cố gắng thành lập vùng mậu dịch riêng, nhưng theo La Croix, về lâu về dài Bắc Kinh cũng phải gia nhập TPP cũng như Liên Hiệp Châu Âu đang đàm phán với Mỹ Hiệp Định Thương Mại Xuyên Đại Tây Dương TAFTA.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde thẩm định là Toà Thánh Vatican và Bắc Kinh có cùng tần số tiến lại gần nhau. Cho dù Bắc Kinh có nói Vatican không đáng kể, nhưng trên thực tế, Giáo Hội La Mã là một giáo quyền rất mạnh. Toà thánh và Bắc Kinh dường như đạt thỏa hiệp tấn phong Giám mục. Đối với một chế độ khao khát muốn được công nhận trên chính trường quốc tế, Bắc Kinh rất cần Vatican và uy tín của Đức Giáo hoàng Phanxicô là cơ hội tốt.
Còn đối với Vatican, chiến thuật hiệu quả nhất là từng bước nhỏ tạo cơ hội mới và hoàn cảnh mới cho tương lai. Tình hình bế tắc kéo dài quá lâu. Giáo hội thầm lặng trung thành với Toà thánh, từ chối tuân thủ chính quyền Bắc Kinh đã giá nặng nề đến mức phải « độn thổ » (Địa hạ Giáo hội).
Mỹ-Pháp : Nga phá hoại tiến trình hoà bình
Aleppo bị bao vây, hoà đàm Syria đình hoãn. Vũ khí nạn đói được chế độ Damas và đồng minh Hezbollah sử dụng ở Syria. Mỹ Pháp tố cáo Nga phá hoại hoà đàm là những tựa lớn trên trang quốc tế.
Phóng sự tình tiết của Liberation, với bức ảnh một thanh niên Syria còn da bọc xương, kể lại phe chính quyền dùng ống nhắm tia hồng ngoại để bắn hạ người dân, nhân đêm tối, tìm cách thoát vòng vây như thế nào.
Le Monde nhấn mạnh thái độ cứng rắn của Damas tại bàn hội nghị : không nhượng bộ trên vấn đề tiếp tế nhân đạo. Trên chiến trường, với yểm trợ của Nga, Damas tung quân bao vây thành phố Aleppo. Trưởng đoàn thương thuyết của đối lập thất vọng tuyên bố ngưng hoà đàm và kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải nhận trách nhiệm bảo vệ thường dân Syria. Tây phương cho đến giờ vẫn phản ứng miệng. Paris và Washington lên án Nga phá hoại tiến trình hòa bình, Le Figaro cho rằng mục tiêu của Putin vẫn bất di bất dịch : Trở lại sân khấu chính trị thế giới với tư thế ngang hàng với Mỹ như thời chiến tranh lạnh và ủng hộ chế độ Bachar al Assad ở Syria.
Không có quân tại Syria, ảnh hưởng của Tây phương rất giới hạn. Trong khi đó thì do tình hình kinh tế Nga suy sụp, tổng thống Putin càng lớn tiếng chống Tây phương. Quan hệ Nga-Mỹ trong năm nay sẽ không cải thiện vì hầu hết các ứng cử viên tổng thống Mỹ đều tỏ ra cứng rắn với Nga.
Bên cạnh những thông tin này có một tin đáng đuợc hy vọng : cộng đồng quốc cam kết huy động 10 tỷ đôla giúp tị nạn Syria.
Ukraina vẫn tham ô như thời theo Nga
Nước Ukraina, đang đựợc Tây phương bảo trợ, gây thất vọng. Nạn tham ô từ chế độ truớc vẫn ăn sâu trong chế độ mới.
Vì sao phó tổng thống Mỹ đích thân đến Kiev hồi tuần trước ? Theo Le Monde, chất độc tham ô lên đến tận thượng tầng. Mỗi khi Tây phương nới tay, thì đất nước này thụt lùi. Ủy ban Quốc gia Chống tham nhũng đã được thành lập vào thánq 10 năm 2015, nhưng phải đợi đến khi phó tổng thống Mỹ Joe Biden qua tận nơi chính phủ mới bổ nhiệm được chưởng lý.
Những doanh nhân và chính trị gia bê bối đều có ô dù ở nơi cao nhất : tổng thống hoặc thủ tướng.
Liên Hiệp Châu Âu cũng phải bất bình răn đe. Vụ mới nhất là ở quốc hội Ukraina, qua sự phá hoại của một vài dân biểu, đã làm chậm đến một năm thủ tục khai báo tài sản của giới chính trị và công chức cao cấp.
Tệ nạn tham ô thật ra là có giảm nhưng một nhà phân tích độc lập mỉa mai : giảm vì tiền ít đi. Công chức trong chế độ mới không tham nhũng toàn diện như thời chế độ thân Nga, nhưng hệ thống tham ô không có gì thay đổi.
Một nhà ngoại giao Tây phương tỏ ra độ lượng hơn : cải cách trong quân đội, cảnh sát , tài chính… của Ukraina đã được thực hiện. Những gì họ làm được trong hai năm qua nhiều hơn suốt thời gian 25 năm trước.
Tuy nhiên, theo Le Monde, còn quá sớm để kết luận giới lãnh đạo Ukraina hiện nay xuất thân từ phong trào cách mạng Maidan sẽ đi vào cổng chính của lịch sử hay sẽ bị vất vào sọt rác nơi chôn vùi danh dự những nhà cải cách thất bại. 
Trong lãnh vực lương thực, nhật báo Les Echos cho biết tin vui cho giới tiêu dùng : thực phẩm thế giới hạ giá liên tục trong 7 năm qua. Lý do là do sản xuất cao, kinh tế trì trệ và đôla lên giá. Còn le Figaro loan tin hy vọng về trị liệu ung thư, một công ty bào chế Pháp tìm ra thuộc mới trị ung thư ruột đặt tên Luthatera : gắn một nguyên tử phóng xạ vào một phân tử hóa học để chuyên chở đến tận tế bào ung thư. Nguyên tử phóng xạ hủy diệt các tế bào ung thư không gây thiệt hại cho tế bào lành.
Chó cũng có tình…người

Cuối cùng, những người yêu thú vật hoặc trái lại ai thích ăn thịt chó cần lưu ý : Một nghiên cứu mới sẽ đuợc trình chiếu trên TV chứng minh loài thú như chó, khỉ đều có tình cảm, biết xúc động, có lòng vị tha, cũng như bất bình khi bị đối xử bất công.
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét