Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Về thói tôn sùng biểu tượng


Người Việt chúng ta đặc biệt thích tôn sùng biểu tượng. Có lẽ tôi đã nhiều lần chia sẻ cách nghĩ của mình về chuyện này nhưng hôm nay lại nói dài dòng hơn bằng  một bài viết,  vì nghĩ rằng tâm lý này thực sự không có lợi. Và “lợi” đối với tôi không phải là ưu thắng của bất cứ ai mà là sự thăng tiến về tư tưởng, nhận thức của tất cả người Việt Nam. Sự ủng hộ và tôn sùng thái quá một cá nhân không  phải là điều tốt và cũng không thích đáng đối với những con người tự do và trưởng thành.

 

Dân chủ không phải là một điều gì xa xôi. Nó bắt nguồn từ sự hiểu biết bản tính con người. Con người, đối với những nhà tư tưởng của chủ nghĩa tự do, không phải là một thực thể được nhận thức theo tri thức nhị nguyên “nhân chi sơ tính bản thiện” hay “bản ác”, mà là cả hai. Nghĩa là, con người là một tổng thể phức hợp của cảm xúc và ý thức, họ có những xu hướng hành động vừa ích kỷ lẫn vị tha; nhưng trên hết mọi sự, động lực mạnh mẽ nhất của họ vẫn là tư lợi.

 

Tư tưởng về chủ nghĩa tự do và thiết chế dân chủ được tạo nên từ căn bản ý thức hoài nghi về bản chất con người.  Hoài nghi không phải là phủ nhận hoàn toàn các đức tính tốt, mà  là sự công nhận ngoài ý thức cộng đồng tốt đẹp, con người còn có động lực cá nhân hẹp hòi. Các chủ thuyết đức trị đã thất bại hoàn toàn khi thiết kế một cơ chế xã hội và chính trị dựa trên đạo đức vì chúng vốn đặt nhầm niềm tin vào những sinh vật không phải là quỷ dữ nhưng không hoàn toàn là thánh này.

 

Một người, muốn công việc hiệu quả trong đời sống nhất thiết không miễn cưỡng phán xét con người là Thiện hay Ác. Với tư cách một cá nhân, chúng ta không thể chung sống và hợp tác nếu cứ mặc định bản tính con người là ác; và cũng sẽ bị lừa dối, thất bại nếu hoàn toàn tin tưởng vào sự tốt đẹp của con người. Một thiết chế chính trị - xã hội cũng vậy, nó không thể nào thành công nếu không biết đặt niềm tin và  sự phó thác  tương đối vào khả năng và ý thức công cộng của con người; nhưng cũng sẽ thất bại thảm hại nếu tin tưởng thái quá vào họ.

 

Chế độ dân chủ không nhằm mục tiêu tạo ra thiên đường như chế độ cộng sản; vì nó ý thức được rằng việc tạo dựng thiên đường trên mảnh đất của những sinh vật nửa ma nửa thánh là điều bất khả. Con người muốn thành công trong thế giới tự nhiên đã được Tạo Hoá  ban cho mình đã biết chấp nhận, nương theo những khắc nghiệt của tự nhiên và chuyển hướng nó theo hướng có lợi cho mình. Cũng như vậy, chúng ta cần biết chấp nhận những khuynh hướng xấu trong bản chất con người, biết tạo lập các rào cản để ngăn cản, tối thiểu hoá chúng và xây dựng các thiết chế xã hội có khả năng phát huy tối đa khuynh hướng tốt của họ. Các chế độ dân chủ khắp nơi trên thế giới, theo từng mức độ khác nhau, tuỳ theo trình độ dân chủ hoá, đã và đang tìm cách để con người đóng góp một cách tốt nhất cho cộng đồng bằng cách tạo ra những biện pháp kiểm soát và khống chế những động lực bất hảo và thăng tiến những động cơ tốt đẹp trong chính con người họ.

 

Là những con người khao khát nhân quyền, nhân phẩm và tranh đấu cho dân chủ, chúng ta cần hiểu thật rõ cái cơ chế mà chúng ta đang ủng hộ, nỗ lực nhận thức và hành động cho phù hợp và xứng đáng với nó. Bởi dù có giành được Dân chủ từ trong tay những kẻ độc tài cộng sản, chúng ta cũng sẽ để nó tụt khỏi tay nếu không xứng đáng với nó. Bởi thế, hôm nay tôi mới dài dòng chia sẻ về cái sự  tôn sùng cá nhân của người Việt chúng ta, ngay cả trong những người hoạt động cho dân chủ nhân quyền. Tất nhiên, những hành động quả cảm và tốt đẹp luôn xứng đáng với sự khen thưởng và ủng hộ của cộng đồng; nhưng chúng ta nên luôn để lại một khoảng trống trong tâm thức cho sự hoài nghi bất cứ ai, bất cứ thiết chế chính trị xã hội nào; vì không hoài nghi thì sự kiểm soát không hiệu quả; mà sự kiểm soát không hiệu quả nghĩa là để ngỏ cho khả năng thoái hoá.

 

Tôi thấy nhiều người trên facebook hay chia sẻ các hình ảnh về các chính khách nước ngoài, như Yingluck Shinawatra,  đặc biệt là chính khách phương Tây như  Barack Obama và so sánh họ với các lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Có vài điều cần cân nhắc ở đây: thứ nhất, chúng ta chưa thu thập đủ dữ kiện về các chính sách và hành động của các chính khách nước khác nên khó mà đưa ra nhận xét tương đối đúng; thứ hai, chính khách trong một thể chế dân chủ không chắc luôn là những người có tài đức đáng ca ngợi (tất nhiên họ không thể dốt nát và tồi tệ như trong chế độ độc tài cộng sản của chúng ta); thứ ba, chúng ta ca ngợi và ủng hộ dân chủ vì lý thuyết sáng suốt dẫn đạo nó và các thiết chế tốt đẹp mà nó tạo ra chứ không ca ngợi cá nhân lãnh đạo trong chể chế này; thứ tư, con người là con người, cơ chế tốt thức đẩy họ tiến bộ, cơ chế tồi dở kéo họ vào bãi lầy nhân cách và tri thức. Nói như thế, nghĩa là, nếu Obama ở Việt Nam thì không chắc ông ta hơn gì Trương Tấn Sang hay Nguyễn Tấn Dũng.

 

Cụ thể, chúng ta ca ngợi và so sánh bà cựu thủ tướng Thái Lan với chính khách cộng sản thì quả là không thoả đáng vì bà ta cũng không tốt đẹp hơn những kẻ độc tài trong nước chúng ta bao nhiêu. Chúng ta biết gì về chính sách mị dân của hai anh em nhà Shinawatra? Chúng ta có biết  Yingluck vì muốn tranh thủ sự ủng hộ của nông dân (chiếm đa số dân số Thái Lan) đã cố tình mua gạo từ nông dân Thái với giá cao rồi lợi dụng ưu thế của nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trữ gạo trong kho, đẩy cầu gạo lên cao rồi bán ra với giá cao hơn để khỏi lỗ vốn? Điều này đã làm ảnh hưởng đến ngân sách chính phủ Thái Lan và tạo cơ hội cho tham nhũng vì sự tắc trách của bà thủ tướng này. Một gương mặt đẹp đẽ, một phong thái dễ thương, một bức ảnh bà thủ tướng với giỏ nấm trên tay và đặc biệt một chính sách “hớp hồn” nông dân luôn dành được nhiều sự ủng hộ từ nhiều người, đặc biệt là những người nước ngoài không rõ thực hư về nền dân chủ non yếu xứ Thái.

 

Nhưng là những người đấu tranh cho dân chủ, chúng ta cần biết rõ những lỗ hổng của nó. Cần hiểu rằng: trong các quốc gia độc tài chậm tiến có những tên độc tài khát máu hay dốt nát, thì ở các chế độ dân chủ cũng có những kẻ mị dân tài tình, lợi dụng triệt để thể chế này để cầm quyền. Là những người đứng trên “front line”, chúng ta không thể mơ hồ về những điều này. Người dân ở quốc gia nào cũng khó miễn nhiễm với các chính sách và phát biểu mị dân của các chính trị gia. Họ đều có xu hướng suy nghĩ và hành động cảm tính hơn là duy lý và logic. Họ có thể dồn phiếu cho một ứng cử viên hứa hẹn những điều đơn giản dễ lọt tai và đáp ứng được lợi ích cấp thời của họ, mà không suy nghĩ  rằng lợi ích cấp thời này sẽ tổn hại đến lợi ích lâu dài của nền kinh tế đất nước và cuối cùng chính họ cũng là người chịu ảnh hưởng nặng nề. Họ không bao giờ chấp nhận chính sách “thắt lưng buộc bụng” dù ngân sách quốc gia không thể đảm đương nổi nhu cầu phúc lợi của người dân. Châu Âu già cỗi, lúng túng và chưa thể thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế cũng vì khuynh hướng ”xã hội” này làm cho nền kinh tế của họ không còn sức đề kháng.

 

Trở lại chuyện tôn sùng biểu tượng, tôi tin rằng chúng ta cần yêu thương, bảo vệ và ủng hộ những người vì việc chung mà dấn thân, vì họ đã hy sinh một phần cuộc sống (ít hay nhiều) cho cuộc đấu tranh chung và hơn thế, trình độ tri thức-nhận thức của họ tốt hơn đại đa số quần chúng đang bị chế độ độc tài lừa mị. Nhưng không nên tôn sùng thái quá, vì tối hậu họ cũng chỉ là con người với mọi đặc tính tốt xấu của con người.  Hơn nữa, nhiều nhà hoạt động chính trị của chúng ta trong tương lai có thể tham chính, tỉnh táo nhận ra điểm tốt xấu của họ để giúp họ đóng góp tốt hơn cho một nền chính trị lành mạnh sau này là cần thiết.  Nếu không tỉnh táo từ hôm nay, làm sao chúng ta giúp quần chúng trong tương lai sáng suốt lựa chọn người lãnh đạo đất nước?

 

Sự tôn sùng mang lại hai bất lợi cho cộng đồng: Thứ nhất, trong khi sự tôn trọng trọng dè dặt và cẩn trọng giúp người được tôn trọng cầu tiến và cố gắng sửa mình để trở nên hữu ích hơn cho cộng đồng, thì sự tôn sùng không hoài nghi chỉ có thể đưa đến sự tha hoá tất yếu của cá nhân đó; đến lúc chúng ta nhận rõ sự thật về khuyết điểm của họ, từ thất vọng chuyển thành tức giận và tẩy chay; rõ ràng điều này khiến cộng đồng mất đi một người có khả năng đóng góp hữu ích. Thứ hai,  trong khi việc hỗ trợ các nhà hoạt động trong sự sáng suốt cần thiết  giúp xã hội bồi dưỡng được nhiều cá nhân ưu tú, thì sự tôn sùng biểu tượng mù quáng sẽ đưa tới khả năng “bồi dưỡng”  những chính khách mị dân hậu cộng sản.

 

Đối với các tổ chức đấu tranh cũng vậy. Tôi hay cổ vũ sự nghi ngờ, không là gì khác ngoài sự cảnh báo mà bản thân tôi nghĩ là mình có trách nhiệm nêu lên.  Cộng đồng người Việt hải ngoại chống cộng từng trút tất cả tình cảm và niềm tin vào Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam do ông Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, để rồi cuối cùng họ đã lừa dối cộng đồng. Hôm nay hay ngày mai, rồi sẽ tiếp tục có những Mặt trận này, Liên minh kia, Phe nhóm nọ cần sự ủng hộ của cộng đồng trong và ngoài nước; nếu chúng ta cứ tiếp tục ủng hộ, tin tưởng không một chút hoài nghi, không tỉnh táo giám sát thì ngay cả một ông Thánh cũng sẽ làm bậy. Con người là vậy, không bao giờ tự thúc ước mình hiệu quả nếu họ không bị hoài nghi và giám sát thường xuyên. Thật vậy, sự tỉnh táo và hoài nghi duy lý của quần chúng không những không tạo bất lợi nào lớn đối với những cá nhân hay tổ chức như thế mà còn giúp họ kịp thời điều chỉnh các hoạt động của mình sao cho đúng đắn và hữu ích cho công cuộc chung. 

 

Tôi là người có thể đặt niềm tin cũng như hoài nghi và sẵn sàng xét lại tất cả, kể cả những điều ngay ngày hôm qua tôi cho là đúng. Nhưng xin đừng hiểu lầm sự  hay thay đổi như thế đồng nghĩa với sự khắc nghiệt trong xét đoán. Tôi tin rằng, trong khi sự tin tưởng mù quáng dẫn đến thái cực kia của nó, là sự ghét bỏ; thì sự hoài nghi hữu lý sẽ đồng nghĩa với một vòng tay rộng mở cho tất cả những ai biết thay đổi theo hướng tích cực (thực sự). Và thiết nghĩ, điều này hữu ích đối với những dân tộc  nào đang mưu tìm tự do và phẩm giá.

 

Huỳnh Thục Vy

Buôn Hô 20/6/2015

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét