Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Tương lai Việt Nam: Cờ đỏ hay Cờ vàng?

  • 21 tháng 5 2015
Lá cờ nào sẽ đại diện cho người Việt trong tương lai?
Ái nữ của đương kim thủ tướng Cộng sản đã có thể kết hôn với út nam của cựu quan chức Cộng hòa – vậy mà tại sao triển vọng hòa giải Quốc-Cộng vẫn còn mù mịt chưa thấy lối ra?

Vẻ vang hay chia rẽ?

Tròn 40 năm, vết thương trên thịt da đất nước gần như đã liền sẹo nhưng vết thương trong lòng người thì cứ tiếp tục khoét sâu.
Tính ra đã hơn một thế hệ, nhưng những người lạc quan nhất thì cũng bảo rằng cần ít nhất một, hai thế hệ nữa thì người Việt mới có thể hòa giải được.
Mà đó là những người lạc quan nhất. Người bi quan hơn thì cho rằng người Việt sẽ không bao giờ hòa giải được.
Xét trên ý nghĩa đó thì ngày 30/4 khó lòng là ‘trang sử vẻ vang nhất của dân tộc’ như chính quyền trong nước lâu nay vẫn nói.
Bởi lẽ sau ngày 30/4 sự chia rẽ Bắc, Nam không hề mất đi mà chỉ trở thành sự phân rẽ giữa chính quyền trong nước và cộng đồng hải ngoại.
Việt Nam Cộng hòa dù bị xóa sổ trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lá cờ vàng vẫn tung bay và những hình ảnh, ký ức của chính thể này vẫn còn được gìn giữ ở mỗi nơi mà tôi ghé đến và mỗi người mà tôi hỏi chuyện ở miền Nam California, Hoa Kỳ.
Và trong lịch sử dân tộc thì có ngày nào gây chia rẽ như ‘trang sử vẻ vang’ đó? Trong lúc chính quyền trong nước giong cờ, gióng trống, phát pháo ăn mừng thì người Việt hải ngoại treo cờ rủ, buộc dải băng đen để tang cho ngày ‘Quốc hận’.
Ngày 30/4 vẫn mang tính chia rẽ sâu sắc trong lòng người Việt
“Một ngôi nhà tự phân rẽ thì không thể đứng vững,” vị Tổng thống thời nội chiến Abraham Lincoln từng nhắc nhở người dân Mỹ. Người Việt cũng thừa hiểu điều này. GS Lê Xuân Khoa, một trí thức hải ngoại mà tôi phỏng vấn, cũng nói: “Một dân tộc chia rẽ không thể nào là dân tộc mạnh.”
Mà vận mệnh dân tộc Việt nào phải đang yên lành? Những gì đang xảy ra trên Biển Đông cho thấy viễn cảnh nguy trong sớm tối.
Mặc dù cộng đồng người Việt hải ngoại chỉ có vài triệu người so với 90 triệu người trong nước nhưng lịch sử đã chứng minh chỉ cần người dân Việt tất cả đồng lòng mới có thể vượt qua những thời khắc khó khăn nhất.

Vì sao thù hận?

Những ai đã trải qua những cảnh này có thể nào quên?
Tất cả những người mà tôi tiếp xúc dù đều lo lắng về sự hung bạo của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng họ vẫn ‘dứt khoát không hòa giải’. Một cựu thượng nghị sỹ Việt Nam Cộng hòa, ông Nguyễn Hữu Tiến, nói với tôi rằng ‘vết thương mà người Cộng sản đâm vào tim người Quốc gia đã quá sâu nên không hòa giải được’.
Cơ sự nào đã đẩy người Việt đến chỗ thù hận nhau như vậy? Lẽ nào phía Cờ vàng cố chấp cứ ôm mãi thù hận như chính quyền trong nước vẫn nói?
Nói thì dễ. Nhưng thử đặt trường hợp mình bị tan nhà nát cửa, bao tài sản mồ hôi nước mắt mất sạch sau một đêm, cha mẹ, anh em, vợ chồng người thì biệt tăm tích ở trại cải tạo, kẻ thì mất xác dưới đáy biển sâu, mồ mả ông cha người ta giẫm đạp, đó là chưa kể bị vùi dập và bị gạt ra bên lề xã hội – nỗi đau chồng chất nỗi đau kêu trời cũng không thấu thì liệu có thể lấy tay phủi một cái mà hết đau được không?
Người Việt vốn rất trọng tình. Phải lìa nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ phần mộ tổ tiên, để người ruột thịt ở lại như vậy thì khác nào cứa đi một phần linh hồn của họ mà họ vẫn cố sống cố chết tìm đường ra biển khơi – thảm cảnh đó ai có thể quên được trong một sớm một chiều?
null
Nhưng nào có ai đuổi mà họ đi? Chẳng lẽ tự dưng khơi khơi họ bỏ đi? Một luật gia có tên Trần Hưng nói với tôi cả gia đình ông trước đó đã chọn ở lại. Thực tế đã cho thấy hàng triệu người miền Nam đã ra trình diện đầy đủ chỉ chưa đầy một tháng - chứng tỏ họ ít nhiều đã sẵn sàng cho đời sống mới dù trong thế thiệt thòi của kẻ thua cuộc. Dẫu sao thì cũng đã hòa bình và dẫu sao những người cộng sản vẫn là máu mủ đồng bào.
Lịch sử đã cho thấy ngày 30/4 chấm dứt sự thống khổ của chiến tranh nhưng lại mở đầu những đau thương trong hòa bình. Chiến tranh dù chia rẽ người Việt hai bên chiến tuyến nhưng chính những gì xảy ra sau chiến tranh mới khiến hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi.
Nói đi cũng phải nói lại. Để đến được ngày 30/4 những người cộng sản cũng chịu không biết bao nhiêu là mất mát, nỗi đau của họ cũng thấu trời xanh. Nhưng đạo lý người Việt vốn khoan dung, nhân hòa. Mình chịu đau khổ không có nghĩa là mình sẽ giẫm đạp những người đã ngã ngựa để họ cũng phải đau khổ như mình.

Chia rẽ do đâu?

Ngày 30/4 mở đầu hạnh phúc hay đau thương?
Tấm gương tổ tiên còn đó sao không nhớ? Đức Vua Trần Nhân Tông thắng giặc ngoại xâm rồi đốt hết thư tịch là bằng chứng cấu kết với giặc không truy cứu nữa.
Có lẽ trong mắt Ngài đó là những con dân nước Việt lầm lỡ. Còn dưới cái nhìn đã nhuốm màu giai cấp của những người Cộng sản, những người Quốc gia là những phần tử ‘phản động xấu xa’. Mà đã ‘xấu xa’ thì làm sao hòa giải? Chỉ có thể ‘cải tạo’ – từ ‘cải tạo’ từ trong trại cho đến ‘cải tạo công thương nghiệp’.
Tôi nghĩ người Việt nào cũng thừa hiểu rằng trong chiến cuộc thì hai bên buộc phải cầm súng bắn vào nhau nên không thể lấy cái lý bên kia ‘có tội ác với đồng bào’ nên bây giờ phải lãnh hậu quả. Ngẫm ra có người Việt nào đòi trả thù người Pháp, người Mỹ sau khi đánh nhau với họ đâu, huống hồ gì với cùng người Việt với nhau?
Cái nhìn nhuốm màu giai cấp đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ những ngày đầu của những người Cộng sản.
Còn nhớ vào lúc Chiến tranh Lạnh đang cao trào, khi mà trong lòng những người vừa tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê nin đang hừng hực lòng căm thù ‘giai cấp bóc lột’ thì ‘đế quốc Mỹ’ nghiễm nhiên đặt mình vào trước mũi súng thù hận của họ.
Và đối với một dân tộc vừa đánh đuổi một đội quân nước ngoài thì sự hiện diện một đội quân nước ngoài khác cũng bắn giết người Việt là một điều hết sức nhạy cảm cho dù mục đích của người Mỹ có khác người Pháp như thế nào đi nữa.
Điều này tạo lợi thế tuyên truyền cho những người Cộng sản. Người Mỹ trở thành kẻ ‘xâm lược’ mà những người Cộng sản kêu gọi toàn dân đứng lên đánh đuổi, và những người Việt chiến đấu bên cạnh người Mỹ rơi vào tình thế trở thành những ‘kẻ tay sai’ hay ‘ngụy quân ngụy quyền’.
Thật ra, ngay từ đầu, những người cộng sản đã có sự kết hợp giữa ‘giải phóng dân tộc’ và ‘đấu tranh giai cấp’. Với cách nhìn đó, họ đã tiến hành thanh trừng những người mà họ cho là ‘thuộc giai cấp bóc lột’ mặc dù không ít địa chủ, hào phú cũng yêu nước và hết lòng tham gia vào cuộc kháng Pháp.
Đức Vua Trần Nhân Tông xưa kia nhìn dân tộc là một khối duy nhất còn Đảng Cộng sản chia người Việt ra thành những giai cấp hận thù lẫn nhau.

Ai có chính nghĩa?

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải từng là biểu tượng sự chia cắt đất nước
Đứng trên góc độ dân tộc, sự chia cắt là nỗi đau vô bờ bến nên nếu không thống nhất được bằng hòa bình thì tôi nghĩ những người cộng sản có quyền dùng vũ lực thống nhất đất nước.
Nhưng khi sự thống nhất đó còn có thêm ý nghĩa nhuộm đỏ đất nước thì người dân miền Nam có quyền chống lại sự áp đặt lên họ một chủ thuyết mà họ không chấp nhận.
Nếu miền Bắc nói họ ‘có chính nghĩa’ để người miền Nam tập kết ra Bắc thì miền Nam có thể nói ‘chính nghĩa của họ’ đã khiến đồng bào miền Bắc di cư vào Nam.
Nếu miền Bắc lên án miền Nam phạm nhiều tội ác với đồng bào thì miền Nam có thể chỉ vào cuộc thảm sát Mậu Thân năm 1968.
Nếu miền Bắc tố cáo miền Nam làm tay sai cho Mỹ thì miền Nam có thể chỉ trích miền Bắc luôn nghe lệnh của Xô-Trung
Nếu đồng bào miền Bắc đi chiến đấu với lòng yêu nước nồng nàn thì người dân miền Nam cũng lên đường với lý tưởng thiêng liêng.
null
Nếu những bà mẹ miền Bắc đau mất con xé lòng xé ruột thì những người vợ miền Nam cũng khóc thương chồng đến cạn dòng nước mắt.
Nếu những chiến sỹ miền Bắc hiến dâng một phần thân thể thì những thanh niên miền Nam cũng đánh mất trọn tuổi thanh xuân.
Và nếu sự chia rẽ dân tộc đó là kết quả xuyên suốt của con đường đấu tranh giai cấp thì Đảng Cộng sản làm sao hòa giải được?

Hòa giải kẻ cả

Các lãnh đạo Việt Nam không muốn hòa giải với phía bên kia?
Và nếu ở đâu đó Đảng có nói về hòa giải thì phải là hòa giải của kẻ bề trên: những người phía bên kia phải luôn được cho là có ‘mặc cảm về quá khứ’.
Không rõ chính quyền đã biết những ai có ‘mặc cảm quá khứ’ nhưng tất cả những người phía Cờ vàng mà tôi tiếp xúc không ai có cái mặc cảm đó.
Cái hòa giải kẻ cả đó không những không thành thật mà còn mang tính chất tuyên truyền để tô vẽ cho chính quyền rằng họ thu phục được lòng người hải ngoại.
Sự tuyên truyền đó vừa khiên cưỡng vừa thiếu thuyết phục, chẳng hạn như trong chương trình Xuân quê hương vừa qua cho Việt kiều thắp hương cho liệt sỹ ở Đền Bến Dược mà lại bỏ qua Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.
Nếu có thành ý hòa giải, ít nhất chính quyền phải tu bổ Nghĩa trang Biên Hòa vì dù sao đó cũng là nơi an nghỉ của hàng chục ngàn con người – mà đạo lý người Việt nghĩa tử là nghĩa tận. An ủi vong linh người đã khuất để yên lòng người còn sống và cũng để chứng tỏ rằng Đảng có lượng bao dung. Mà Đảng có bao dung thì người ta mới tin vào ý định hòa giải của Đảng.
Hào quang quá khứ không quan trọng hiện tại và tương lai đất nước?
Nếu có thành ý hòa giải, thì Đảng phải nhìn nhận những sai lầm của những chính sách sau năm 1975 và có lời xin lỗi. Biết sai và nhận sai thì có gì là sai? Còn nếu Đảng cứ mãi im lặng thì có nghĩa họ đương nhiên xem những chính sách kia là đúng. Bao oan khiên u uất không giải tỏa được chút nào thì làm sao mà hòa giải?
Nhưng nếu Đảng làm như vậy thì có làm tủi hổ vong linh những chiến sỹ của Đảng đã ngã xuống hay không? Người chiến sỹ thật lòng hy sinh vì nước sẽ không bao giờ muốn đất nước mình bị chia rẽ trước hiểm họa ngoại bang cả.
Vấn đề lớn nhất ở đây, theo tôi nghĩ, là làm như vậy khác nào đặt Đảng ở thế dưới của những người mà Đảng đã khinh miệt theo ý thức hệ. Còn nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ mới nói ‘triệu người vui, triệu người buồn’ mà đã bị các đồng chí của ông lên án gay gắt.

Tương lai về đâu?

Thế hệ trẻ sẽ quyết định như thế nào về tương lai đất nước?
Còn nếu Đảng không muốn hòa giải nhưng nếu họ làm cho đất nước được phú cường, người dân được hưởng đời sống an vui, hạnh phúc, chủ quyền quốc gia được giữ vững thì những hận thù còn sót lại trong lòng người hải ngoại cũng dần dần tự khắc tiêu tan.
Nhưng nếu việc này Đảng cũng không làm được thì tương lai đất nước sẽ về đâu?
Tương lai đó sẽ do những người sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến quyết định.
Thế hệ này chưa từng biết đến Cờ vàng. Cho nên lá cờ này sẽ không thể quay lại với dân tộc. Đó là chưa nói nếu chọn Cờ vàng thì sẽ lặp lại cảnh áp đặt nửa này lên nửa kia của đất nước và làm đau lòng những người đã chiến đấu, hy sinh cho Cờ đỏ.
Thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong lòng Cờ đỏ. Tuy nhiên, cái lý tưởng làm nên lá Cờ đỏ lại ngày càng xa lạ đối với họ. Ít nhất nhiều người trẻ hiện nay không xem ‘đế quốc Mỹ’ là kẻ thù mà là hình mẫu để vươn tới.
null
Tuy nhiên, dù tương lai đất nước không còn Cờ đỏ hay không có Cờ vàng nhưng lý tưởng của những người đã sống hết mình dưới hai lá cờ đó là thuần khiết, cao quý và đáng được tôn trọng vì họ tin là họ đã chiến đấu cho những điều tốt đẹp cho đất nước.
Và cho dù thuộc Cờ đỏ hay Cờ vàng, tất cả con dân đất Việt đều mong muốn đất nước hùng cường để chống lại sự bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Phạm Hòa, một cựu biệt kích của phía Cờ vàng, nói với tôi rằng hiện thực đất nước ‘không như Việt Nam Cộng hòa mong muốn mà cũng không như bộ đội miền Bắc mong muốn’.
Nếu tình hình đất nước vẫn không khá hơn, nếu cả hai phía đều chứng tỏ đã mất khả năng hòa giải thì vận mệnh dân tộc sẽ đặt vào tay thế hệ tương lai mà khi đó có khả năng cả Cờ vàng lẫn Cờ đỏ chỉ còn tồn tại trong lịch sử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét