Việt Nam : Cuộc hồi sinh của Sài Gòn
.REUTERS/Kham
40 năm sau ngày bị đổi tên, thủ đô cũ « đồi trụy » của Nam Việt Nam đang được hồi sinh. Thái độ lừng khừng của Barack Obama tạo cơ hội cho Paris gia tăng ảnh hưởng chính trị và thương mại tại Trung Đông. Chuyến công du và cách ứng phó của thủ tướng Nhật tại Mỹ… là những thời sự quốc tế mà báo chí Pháp, quan tâm.
"Việt Nam : cuộc hồi sinh của Sài Gòn cũ" là tựa bài phóng sự nhân ngày 30/04 được Le Monde đưa lên trang nhất. Theo đặc phái viên Bruno Philip, 40 năm sau khi xe tăng Bắc Việt tiến vào và bị đổi tên, thủ đô cũ của Nam Việt Nam đã thay hình đổi dạng khó có thể nhận ra. Nhận xét này sẽ nhàm chán trong khu vực Viễn Đông chuyển đổi nhanh chóng nếu không có nhiều sự trớ trêu. Trước tiên là thành phố Hồ Chí Minh đã lấy lại diện mạo của « Sài Gòn đòi trụy » mà những người cộng sản « khắc khổ » tìm cách cải tạo.
« Yếu tố Việt kiều »
Vào lúc Việt Nam ăn mừng 40 năm « giải phóng » thì thủ đô cũ của Nam Việt Nam chứng tỏ khả năng trở thành một trung tâm thương mại của Đông Nam Á. Tuy nhiên, viễn ảnh tươi đẹp này có thể bị đình trệ vì bộ máy hành chánh quan liêu, vì những cản lực khác xuất phát từ chế độ hậu cộng sản cộng thêm nỗi bất an lúc nào cũng phải trấn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến.
Trớ trêu thứ hai là sức sống của miền Nam Việt Nam nhờ vào sự đóng góp của người Việt hải ngoại, phần đông là « thuyền nhân » vượt biển ra đi sau ngày cộng sản chiến thắng. Hơn 750.000 « Việt kiều » đã trở về nước du lịch trong năm 2014. Bà Lương Bạch Vân, chủ tịch ban liên liên lạc với Việt kiều, cho biết « đa số Việt kiều về thăm Sài gòn và nếu thành phố này tiếp tục phát triển được thì đó cũng là nhờ họ ». Bản thân bà chủ tịch cũng là Việt kiều « không cộng sản » đã hồi hương từ năm 1979. Trước tiên là về Hà Nội rồi sau đó định cư tại Sài Gòn vì « đây là vùng đất của sáng kiến chủ động , nơi người dân có đầu óc cởi mở, làm trước tính sau, trắc nghiệm giới hạn ». Còn dân miền Bắc thì lúc nào cũng ngần ngại và sợ « luật pháp cấm đoán ».
Theo Le Monde, tuy hợp tác với chế độ, bà phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Lương Bạch Vân chỉ trích tiến độ « đổi mới » thi hành từ 1986 là quá « chậm chạp ». Do vậy, 40 năm sau ngày « giải phóng », Việt Nam vẫn bị « kẹt cứng » ở trình độ phát triển trung bình. Thành phố mang tên Hồ Chí Minh ngày nay là một không gian bế tắt giao thông, phát triển ra mọi hướng, xây cất những khu vực dành cho người giàu có mà đa số là dân nước ngoài.
Một Việt kiều khác, sau 20 năm sống ở Nhật, trở về mở trường dạy học tỏ ra tiếc rẽ là Việt Nam chỉ « phát triển về số lượng chứ không có chất lượng ». Cuối bài phóng sự, tác giả mượn nhận xét của giáo sư Tương Lai. Lên án chế độ « độc đoán và đàn áp », nhà cải cách 80 tuổi mà cả đời nghiên cứu chủ nghĩa Mác tuyên bố một cách châm biếm : Karl Marx là một vĩ nhân, nhưng chúng ta không cần ông ta .
Shinzo Abe và « dịch vụ tối thiểu »
Bình luận về chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Nhật Bản được giới phân tích đánh giá là « lịch sử », báo Le Monde nhận định với tựa lớn : Thủ tướng Shinzo Abe gửi lời « phân ưu » với nạn nhân tội ác của đế quốc Nhật, với 400 ngàn quân nhân Mỹ tử trận tại Thái Bình dương . Tuy nhiên ông không một lời « xin lỗi » các phụ nữ Á Châu bị bắt phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật.
Nói cho cùng, theo Le Monde, mục tiêu chính của chuyến đi này là củng cố hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật vì trên hồ sơ này, ông Shinzo Abe không e ngại gặp phải quan điểm đối nghịch. Nhật báo Libération, cánh tả độc lập, phân tích cặn kẻ hơn qua bài « dịch vụ tối thiểu về lịch sử ». Hành động hung hăng của Trung Quốc tại Châu Á và bản chất chế độ độc tài này tạo cơ hội cho thủ tướng Nhật làm nổi bật vai trò của nước Nhật hiện đại, dân chủ và tự do. Khi ông tập trung vào hồ sơ hợp tác quốc phòng và hiệp ước Tự do mậu dịch Xuyên Thái bình dương TPP, không có Trung Quốc, khi dành nhiều thời giờ để nói đến « Nhà nước thượng tôn pháp luật, dân chủ, tự do, an ninh khu vực thì đó là những viên đá ném vào Trung Quốc".
Libération lưu ý là vào lúc Bắc Kinh lấn chiếm biển đảo, đe dọa lân bang thì thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh đến ba nguyên tắc : "Tôn trọng công pháp quốc tế, không dùng vũ lực và sức mạnh trấn áp và thứ ba phải giải quyết mọi tranh chấp bằng giải pháp ôn hòa ». Những tuyên bố này là để khẳng định nhu cầu củng cố liên minh Mỹ-Nhật, là cách khôn ngoan đứng cạnh Hoa Kỳ làm cảnh sát canh giữ hòa bình tại châu Á Thái Bình dương và tránh né tranh luận về quá khứ quân phiệt của đất nước mình.
Rafale lên điểm
Nhật báo Le Monde, độc lập, đưa lên trang nhất hai chủ đề thời sự Pháp : 16 binh sĩ Pháp bị nhân viên Liên Hiệp Quốc tố cáo xâm phạm tính dục tại Trung Phi. Vụ việc này gây « bối rối cho Liên Hiệp Quốc và chính phủ Pháp ». Le Figaro trích tuyên bố của tổng thống Hollande «sẽ không tha thứ tác phong xấu đi ngược lại giá trị và vai trò của quân đội ».
Bên cạnh thông tin làm tổn hại danh dự quân đội Pháp, Le Monde cũng như nhật báo kinh tế Les Echos phân tích lý do vì sao Pháp sắp ký được hợp đồng thứ ba, bán máy bay chiến đấu Rafale sau 20 năm thất bại trước chiến đấu cơ của Mỹ. Sau Ấn Độ và Ai Cập, đến lượt Qatar mua 24 Rafale. Theo phân tích của Les Echos, có ba lý do để giải thích tình thế đổi ngược này : Một là tình hình địa chính trị trên thế giới thay đổi nhất là trong vùng Vịnh Ba tư. Thứ hai là chất lượng của Rafale được chứng minh nhiều lần trên thực tế sau nhiều chiến dịch quân sự ở châu Phi và Trung Đông. Và thứ ba là do nỗ lực vận động ngoại giao và thương mại kiên trì đến một lúc mang lại kết quả.
Đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo , Ai Cập cần máy bay tối tân mà không phải chờ đèn xanh của Mỹ. Còn chính phủ Ấn Độ cũng thấy cần Rafale để thay thế những chiếc Mig của Nga hầu đối đầu hiệu quả hơn với không lực Trung Quốc và Pakistan.
Cuối cùng là lý do nội tại. Chính phủ Pháp của đảng Xã Hội cũng tỏ ra « đoàn kết và bén nhạy», với bộ trưởng quốc phòng Jean Yves Le Drian, một chính khách tháo vác, nhiều sáng kiến, có tài ngoại giao, và quan hệ đặt trên lòng tin cậy với các lãnh đạo quốc tế, bộ trưởng Jean Yves Le Drian là « cột trụ » trong « cặp bài trùng Hollande- Le Drian » đem về những thành công tốt đẹp này cho nước Pháp.
Từ hồ sơ hạt nhân Iran đến chế độ độc tài Syria, Pháp cũng lên điểm
Lần đầu tiên tổng thống Pháp François Hollande là khách mời danh dự của hội nghị thượng đỉnh bất thường của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh tại Ryad từ ngày 04 đến 05/05 tới đây. Tác giả bài xã luận François d’Arabie của báo Le Monde đặt câu hỏi : "Một thời gian ngắn trước đây, có ai dám tưởng tượng là tổng thống Pháp trở thành một nhà lãnh đạo được các nước Trung Đông su-ni và bảo thủ tin cậy ?"
Ba lý do làm cho quốc vương Ả Rập Xê Út tin tưởng nước Pháp : Một là thái độ tiền hậu bất nhất của tổng thống Mỹ Barack Obama trong hồ sơ Syria, đã bỏ một cơ hội can thiệp triệt tiêu đồng minh của Iran kẻ thù của Ryad. Ả Rập Xê Út đã ngậm đắng nuốt cay vì thái độ của Mỹ. Vì những lý do khác nhau, Ryad và Paris cùng xem Iran là mối đe dọa hiểm nguy cho Trung Đông.
Thứ hai không như đồng sự ở Washington, tổng thống Pháp, luôn có lập trường trước sau như một từ hồ sơ hạt nhân Iran cho đến Syria. Tổng thống Pháp luôn giữ thái độ xuyên suốt và còn ủng hộ quan điểm của phe Suni. Ông luôn luôn đòi nhà độc tài Bachar Al Assad phải ra đi. Đặc biệt nhất là tham vọng hạt nhân của Iran là mối lo âu nhất của Ryad cũng như của Paris. Giới lãnh đạo đảng Xã hội Pháp, đứng đầu là Ngoại trưởng Laurent Fabius đã có nhiều kinh nghiệm đau thương với chính quyền Hồi giáo Teheran từ thời tổng thống François Mitterand. Ngoại trưởng Pháp luôn tuyên bố là không chấp nhận « hiệp ước giá rẻ". Trong khi đó thì tổng thống Mỹ dường như bằng mọi giá muốn đạt được một thỏa hiệp với Iran. Bên cạnh nhứng lý do chính trị này, theo Le Monde, Pháp thắt chặt quan hệ với Ryad còn dụng ý thương mại. Tuy bán được 48 máy bay chiến đấu Rafale cho Ai Cập và Qatar nhưng Ả Rập Xê Út mới là thị trường hấp dẫn mà trữ lượng ngoại tệ có thể lên đến 500 tỷ đôla Mỹ.
Tình báo Berlin theo dõi Paris cho Washington ?
Cuối cùng, những tiết lộ mới nhất liên quan đến chuyện « gián điệp đồng minh theo dõi đồng minh cho một nước đồng minh » làm tốn giấy mực không ít. Công luận đã biết thủ tướng Đức Angela Merkel bị CIA Mỹ nghe lén điện thoại cả năm mà bà không phản ứng. Tin mới nhất do báo Đức tiết lộ sẽ làm bà thủ tướng Đức bối rối hơn : "Tình báo Đức dường như theo dõi Paris và Bruxelles để báo cáo cho Mỹ", đó là tựa của Le Monde.Tổng cộng cơ quan NSA Hoa Kỳ yêu cầu Berlin theo dõi 7,8 triệu địa chỉ e-mail.
Đề tựa cụ thể hơn « Berlin dường như giúp NSA giám sát điện Elysée", nhật báo Le Figaro cho biết cả phủ thủ tướng Đức và phủ tổng thống Pháp tránh đề cập đến vụ gián điệp này từ nhiều ngày qua. Giới thân cận của tổng thống Pháp lý giải « dù kẻ ngoại tình thì cũng phải được tha thứ » để nhấn mạnh đến nhu cầu đoàn kết giữa hai nước đầu tầu Liên Hiệp Châu Âu.
Cách nhay hơn một năm, sau khi vụ gián điệp Mỹ nghe lén điện thoại di động của thủ tướng Đức thì bà Angela Merkel tuyên bố : Giữa đồng minh với nhau, làm như thế là không được.Công thức này, theo Le Figaro, cũng có thể dùng lại cho vụ gián điệp này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét