CHƯƠNG MỘT
TRUYỀN
THUYẾT
KHỞI
NGUYÊN DÂN TỘC
Mỗi
dân tộc đều có những truyền kỳ lịch sử được thần thoại hoá thể hiện lòng tự hào
dân tộc mang tính sử thi của dân tộc đó. Nữ sĩ Blaga Dimitrova cũng như nhiều
học giả ngoại quốc khác đã hết sức ngạc nhiên xen lẫn thán phục khi nghiên cứu
về lịch sử Việt Nam:“Việt Nam là một dân
tộc mà huyền thoại và hiện thực đan quyện hòa lẫn với nhau đến độ khó có thể
phân biệt đâu là huyền thoại đâu là hiện thực nữa”.
Thật
vậy, huyền thoại Rồng Tiên về cội nguồn huyết thống Việt tuy đượm vẻ huyền hoặc
nhưng lại tràn đầy tính hiện thực, thấm đậm nét nhân văn của truyền thống nhân
đạo Việt Nam. Người Việt Nam, từ em bé thơ ngây đến cụ già trăm tuổi, từ bậc
thức giả đến bác nông dân chân lấm tay bùn, không ai mà không một lần nghe
truyện cổ tích họ Hồng Bàng về “Con Rồng cháu Tiên”. Là người Việt Nam, chúng
ta hãnh diện về nguồn cội Rồng Tiên với thiên tình sử của “Bố Lạc-Mẹ Âu” đẹp
như một áng sử thi mở đầu thời kỳ dựng nước của dòng giống Việt.
Truyện họ Hồng Bàng về khởi nguyên dân tộc, lần đầu tiên được Hồ Tông
Thốc chép trong tác phẩm “Việt Nam Thế Chí” vào thế kỷ XIV đời Trần nhưng sách
đã bị giặc Minh tịch thu tiêu hủy nên không còn nữa. Những bộ sử đầu tiên được
biết là bộ Sử Ký 史 記 của Đỗ Thiện đời nhà Lý, “Việt Chí” 越 志 của Trần Phổ đời Trần
và bộ “Đại Việt Sử Ký” 大 越 史 記 do Lê văn Hưu biên soạn năm 1272 đời Trần Nhân
Tông viết gồm 30 quyển chép lịch sử Việt Nam từ thời Triệu Vũ Đế đến thời Lý
Chiêu Hoàng. Cả 3 bộ sách này đã bị quân Minh tịch thu rồi tiêu hủy nên cũng
không còn nữa. Cuối đời Trần, sách Đại Việt Sử Lược do một tác giả vô danh biên
soạn bị giặc Minh tịch thu tiêu hủy còn bản duy nhất lưu trữ trong “Thủ Sơn Các
Tùng Thư và Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư” đời Thanh. Tiền Hi Tộ, sử quan triều Thanh
khi hiệu đính đã sửa chữa nội dung kể cả tên sách Đại Việt Sử Lược cũng bị sửa
lại là Việt Sử Lược. Sử quan triều Thanh Tiền Hi Tộ đã sửa đổi niên đại thành
lập nước Văn Lang, kéo lùi lại hàng ngàn năm hòng xóa bỏ vết tích quê hương xa
xưa của Việt tộc ở Trung Quốc. Với thủ đoạn thâm độc quỷ quyệt, Tiền Hi Tộ đã
xuyên tạc ý nghĩa cao đẹp của sự thành lập quốc gia Văn Lang là “… Có người lạ
dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng Hùng Vương”, Hai Bà Trưng khởi
nghĩa giành độc lập dân tộc thì Tiền Hi Tộ viết là bất mãn Tô Định bạo tàn nổi
lên làm loạn! Đây bản chất thâm độc quỷ quyệt của Hán tộc xâm lược bành trướng
từ xa xưa cho đến ngày nay.
Sử
quan triều Thanh là Tiền Hi Tộ đã sửa đổi xuyên tạc, bóp méo lịch sử để làm
giảm ý nghĩa cao đẹp của sự thành lập quốc gia Văn Lang như sau: “Đến đời Chu Trang Vương (696-682TDL) ở bộ
Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng Hùng Vương,
đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang. Phong tục thuần hậu, chất phác.
Chính sự dùng lối thắt nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương. Việt Câu
Tiễn (505-465 tr. CN.) đã sai sứ tới dụ, Hùng vương chống cự lại. Cuối đời Chu,
Hùng vương bị con vua Thục là Phán đánh đưổi mà lên thay. Phán đắp thành ở Việt
Thường, xưng hiệu là An Dương Vương, không thông hiếu với nhà Chu… Cuối đời
Tần, Triệu Đà chiếm cứ Uất Lâm, Nam Hải, Tượng quận, xưng vương đóng đô ở Phiên
ngung, quốc hiệu là Việt, tự xưng là Vũ Vương”.[1] Đầu
thế kỷ XIV, Trần Thế Pháp và Lý Tế Xuyên đời Trần đã chép lại những truyền
thuyết dân gian vào bộ sách “Lĩnh Nam Trích Quái” và “Việt Điện U Linh” để
truyền lưu nguồn gốc dòng giống Việt cho đời sau. Trần Thế Pháp tác giả Lĩnh
Nam Trích Quái viết: “Từ thời Xuân Thu
Chiến Quốc chưa có quốc sử để ghi chép cho nên nhiều truyện bị mất đi, may còn
truyện nào không bị thất lạc được dân gian truyền miệng thì đó là Sử ở trong
truyện chăng? Than ôi, Lĩnh Nam Liệt truyện sao không khắc vào đá, viết vào tre
mà chỉ truyền tụng ở ngoài bia miệng?! Từ đứa trẻ đầu xanh đến cụ già tóc bạc đều
truyền tụng và yêu dấu, lấy đó làm răn, rất quan hệ đến cương thường, phong
hoá. Ôi! Há đâu phải là điều lợi nhỏ?”.
Năm
1329, Lý Tế Xuyên viết Việt Điện U Linh cũng ấp ủ hoài bão bảo vệ truyền lưu
truyền thuyết về nguồn cội dân tộc. Lý Tế Xuyên viết: “Xem truyện họ Hồng Bàng thì hiểu lai do việc khai sáng nước Hoàng
Việt. Trời đã sai chim huyền điểu giáng thế sinh ra vua Thương thì hẳn có việc
trăm trứng nở thành trăm con trai chia trị Nam quốc. Truyện họ Hồng Bàng không
thể mất được”. Học giả Lê Quý Đôn trong “Kiến Văn Tiểu Lục” viết năm 1777
đã nhận định: “Hồi đầu niên hiệu Khai Hựu
(1329-1341) nhà Trần, Lý Tế Xuyên phụng mệnh chép Việt Điện U Linh tập, ghi đền
miếu thờ các vị thần, có trình bày hạo khí linh tích 8 vị Đế vương Lịch Đại và
12 vị Nhân Thần. Sách này lời văn trang nghiêm, sự việc xác thực, cũng tỏ ra
tài nhà sử học lành nghề. Trong sách có dẫn Giao Châu Ký của Tăng Cổn, Sử Ký
của Đỗ Thiện và truyện Báo Cực. Những sách này đều không còn thấy lưu truyền!”.
Mãi đến đời Lê, sử gia Ngô Sĩ Liên mới chính thức đưa thời đại Hùng Vương vào
bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 大 越史 記 全 書.[2] Quan
niệm của ông khi viết sử là để “Xét rõ
nguồn gốc xưa nay của trị loạn để bạo biếm khen chê răn đời”. Ngô Sĩ Liên
tuy mới chép thời đại Hùng Vương trong phần ngoại kỷ chứ chưa chính thức ghi
vào chính sử cốt ý để cho thế hệ đời sau soi sáng cội nguồn qua các công trình
nghiên cứu để minh nhiên lý giải nguồn gốc dân tộc.
Sử
gia Ngô Sĩ Liên viết “Nước Đại Việt ta ở
về phía Nam Ngũ Lĩnh, thế là Trời đã chia bờ cõi Nam Bắc hẳn hòi. Thủy Tổ của
ta là con cháu Thần Nông. Trời đã sinh ra vị chân chúa vì thế mới cùng Bắc
triều đều làm chúa Tể một phương”. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết tiếp về họ
Hồng Bàng như sau: “Xưa cháu ba đời của
Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh đi tuần du phương Nam, đến dãy Ngũ
Lĩnh gặp Vụ Tiên nữ sinh ra Vương (Lộc Tục). Vương là bậc Thánh trí thông minh.
Đế Minh yêu quý lạ, muốn cho nối ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám
vâng mệnh nên Đế Minh lập Đế Nghi là con trưởng nối dòng trị phương Bắc và
phong cho vua là Kinh Dương Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỷ.
Vương lấy con gái Chúa Động Đình tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc
Long Quân húy là Sùng Lãm, nhà vua lấy con gái của Đế Lai là nàng Âu Cơ, sinh
ra trăm trai. Tục truyền là sinh ra trăm trứng, ấy là Tổ của Bách Việt. Một hôm
vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống
Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khắc nhau, sum hợp thật khó” nên phải chia
tay, năm chục con theo mẹ về núi, năm chục con theo cha về miền Nam. Có sách
chép là về biển Nam. phong con cả là
Hùng Vương nối ngôi”. Truyền
thuyết thoạt nghe có vẻ hoang đường huyền hoặc thế nhưng, vấn đề là chúng ta
phải đặt mình vào thuở ban sơ cách đây mấy ngàn năm mới thấy rõ Tổ tiên ta đã sống
ra sao và suy nghĩ thế nào ở thời cổ đại? Từ đó, mới có thể hiểu được những gì
mà Tổ tiên ta đã gửi gấm cho chúng ta qua bức thông điệp lịch sử hàng ngàn năm
đó. Làm sao có chuyện trứng nở ra người? Chi Âu Việt của người Việt cổ chọn vật
linh biểu trưng là chim nên mẹ Âu phải đẻ ra trăm trứng. Chim Phượng Hoàng của
người Việt tung cánh bay theo hướng mặt trời, diễn tả ý niệm người Việt thiên
cư dần về hướng Đông xuống miền duyên hải, mặt khác chim bay lên trời nên được
thăng hoa với hình tượng Tiên của mẹ Âu. Mỗi
dân tộc đều có những truyền thuyết độc đáo mang sắc thái đặc thù biểu trưng
riêng của dân tộc đó. Ngay cả những dân tộc mà ngày nay được xem là văn minh
cũng đều có một con vật biểu trưng cho dòng giống. Ấn Độ chọn con voi, Tàu chọn
con cọp, Pháp chọn con gà trống Gaulois, Anh chọn con sư tử, Mỹ chọn con chim
ưng (đại bàng) nên Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ lấy chim đại bàng làm quốc huy cho cả
nước.
Theo
cơ cấu luận thì Sử ký là sử hàng ngang ghi chép các biến cố, các sự kiện cụ thể
với những con người cụ thể theo năm tháng, còn Huyền sử được gọi là sử hàng dọc
mang tính tâm linh, xoay quanh những tác động lý tưởng biểu thị bằng những hình
tượng nguyên sơ giàu phổ biến tính. Những hình tượng này tiềm ẩn trong đời sống
tâm linh của một dân tộc như trong huyền sử Rồng Tiên thì Âu Cơ chỉ là hình
tượng nguyên sơ. Mẹ Âu Cơ là chi tộc thờ chim của Việt tộc nên việc mẹ đẻ ra
một cái bọc trăm trứng là chuyện bình thường cũng như cái bọc không chỉ nói về
cái bọc mà nó biểu trưng cho ý nghĩa của 2 chữ đồng bào cùng chung một bào thai
của mẹ Âu Cơ.
Huyền
sử nói trăm con không nhất thiết phải là một trăm mà hàm ý số nhiều và quan
trọng nhất là thư tịch cổ Trung Hoa chép về cộng đồng Bách Việt, đã chứng minh
sự thật lịch sử của huyền thoại mà ta cứ tưởng là huyền hoặc hoang đường. Ngày
nay không ai phủ nhận được giá trị của huyền
thoại và truyền thuyết được coi như lịch sử dân gian mà đôi khi nó có
giá trị trung thực hơn cái gọi là chính sử của các chế độ độc tài xưa và nay.
Beaudelaire một thi sĩ nổi tiếng đã nhìn nhận sức mạnh của truyền thuyết huyền
thoại vì đó là “Sử cô đọng của các dân
tộc”.
Đại
văn hào Pháp Victor Hugo Hugo (1802-1885), một trí thức dấn thân tiêu biểu của
thế kỷ 19, đã nhận định: "Lịch sử là
tiếng vọng của quá khứ phản ánh tương lai và lịch sử cũng là sự phản ánh của
tương lai ném vào quá khứ". Trong tác phẩm “Truyền Kỳ các thời đại”,
Victor Hugo đã tìm về nguồn cội, khai thác các truyền thuyết thần thoại xa xưa
vì đó là “Lịch sử được lắng nghe ở ngưỡng
cửa của truyền thuyết. Truyền kỳ có phần nào hư cấu nhưng tuyệt đối không có
ngụy tạo”. Thật
vậy, truyền thuyết tự thân nó không phải là lịch sử biên niên nhưng truyền
thuyết là có thật, nó phản ảnh những ý nghĩa có thật của một thời lịch sử ban
sơ mà người xưa ký thác vào đó với những hư cấu huyền hoặc để truyền lưu gửi
gấm cho những thế hệ sau. Laurens va de Post đã xem huyền thoại là di sản
thiêng liêng nhất vì nó diễn tả tinh thần dân tộc ở mức độ cao nhất. Micia
Eliado cũng cho rằng “Huyền thoại là gia
sản quý báu nhất vì tính chất thiêng liêng điển hình và mang lại ý nghĩa sống
cho cả một dân tộc”.
Vấn đề
là phải làm sao hiểu được những ý tưởng uyên nguyên, những tâm linh sâu thẳm
hàm tàng ẩn chứa qua những hình tượng nguyên sơ như P. Ricoeur đã viết:“Tất cả đã được nói rồi trong các thần
thoại, vấn đề chúng ta là chỉ còn phải tìm hiểu”.
Triết
gia thời đại Jung đã viết:“Truyền thuyết
huyền thoại hàm chứa những ý nghĩa lịch sử trung thực nhất, vì nhân vật thần
thoại là sản phẩm đúc kết biết bao suy tư của một thời đại tạo dựng tỏa sáng
nhưng nó phải chờ thế hệ sau diễn đạt bằng ngôn từ minh nhiên lý giải. Huyền
thoại là đạo sống của một dân tộc”. Chính vì vậy, Wallace Cliff khẩn thiết
kêu gọi: “Nếu dân tộc nào để mất đi huyền
thoại là đánh mất mạch nối vào nguồn cội quá khứ của tổ tiên và cũng sẽ mất
luôn căn bản cho việc xây dựng tiền đồ của dân tộc đó”. Lịch sử đã chứng
minh nhận định của Karl Jung là “Huyền
thoại là đạo sống của một dân tộc. Nếu Dân tộc nào quên đi huyền thoại thì dân
tộc đó dù là những dân tộc văn minh nhất, sớm muộn cũng sẽ tiêu vong”.
Trong
lịch sử loài người, nhiều cộng đồng người đã không tồn tại được với thời gian
vì không có truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc. Truyền thuyết khởi nguyên
dân tộc với huyền thoại “Rồng Tiên” là di sản thiêng liêng nhất, quý báu nhất
mà tiền nhân đã để lại cho hậu thế. Huyền thoại là dòng tâm linh sâu thẳm xuyên
suốt lịch sử, là mạch sống nối cội nguồn quá khứ với thế hệ hiện tại và mai
sau, là gia sản cao quý vô giá ghi nhận những cảm nghiệm nội tâm của người xưa
đã thực chứng suốt dòng vận động của lịch sử.
Huyền
thoại Rồng Tiên đã thấm sâu trong lòng mỗi người chúng ta để rồi trở thành đạo
sống của dân tộc Việt. Chúng ta nghiên cứu huyền sử, tìm về nguồn cội dòng
giống qua những gửi gấm của người xưa là một việc làm hết sức đúng đắn và cần
thiết. Vấn đề đặt ra là với một thái độ trân trọng, một phương pháp khoa học,
nhưng không có quyền áp đặt những suy nghĩ của chúng ta hôm nay lên những ý
tưởng của người xưa mà chúng ta phải đặt mình hoàn cảnh lịch sử thời đó để có
thể hiểu được cái gọi là “lịch sử sống động của dân gian”.
Chúng
ta phải bỏ qua những yếu tố thần thoại, loại ra những chi tiết hư cấu để chú
tâm vào những hàm tàng ẩn chứa trong nội dung. Chúng ta phải đặt mình vào hoàn
cảnh xã hội đời sống tâm linh của người xưa, mới thấy được cái tinh túy cốt lõi
tiềm tàng trong truyền thuyết. Khi chúng ta cảm nhận ít nhiều nội dung của bức
thông điệp ngàn năm, chúng ta tìm hiểu, phân tích, đối chiếu với nguồn sách sử
cổ. Sự thật lịch sử sẽ được phục hồi với những chứng cứ khoa học thuyết phục
như Khảo cổ, Ngôn ngữ, Dân tộc, Chủng tộc học, Khảo Tiền Sử, Huyết học, Cấu
trúc mã di truyền DNA và Đại Dương Học.
[1]. Đại Việt Sử Lược tác
gỉa khuyết danh, Bản dịch của Trần Quốc Vương, NXB Thuận Hoá 2001, tr 17.
[2] Ngô Sĩ Liên, Phạm Công
Trứ, Lê Hy: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam phát hành
(1993) dịch từ bản in năm Chính Hòa thứ 18 (1697) là Nội các quan bản. Bản chính
của Nội các quan bản hiện đang lưu giữ tại thư viện của trường Viễn Đông Bác Cổ
Paris.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét