CHƯƠNG II
BIẾN CỐ 30
THÁNG 4… NGÀY MIỀN NAM TỦI NHỤC THÔI THÚC KẺ TU HÀNH
T
|
hế rồi, cơn “Ách vận đại biến” của đất nước bỗng chốc xảy
đến, ngày 30 tháng 4năm 1975, ngày quốc hận "Hắc ám nhật tử" đổ ập
xuống quê hương này bất ngờ như một cơn ác mộng hãi hùng. Tôi vô cùng trăn trở
và ngỡ ngàng trước biến cố bất an cho cuộc đời, xã hội, con người, quê hương,
đất nước, tôn giáo… Tất cả bị đảo lộn 100%, làm thay đổi xáo trộn hoàn toàn
cuộc sống của người dân. Những nỗi đau thương tang tóc đã xảy đến cho bao gia
đình, thật vô cùng “thiên tân vạn khổ”, nào là những cảnh chết chóc tù đày,
chùa chiền, nhà thờ, Thánh thất, tôn miếu bị đập phá hoặc bị sung công, đất đai
tài sản của dân chúng bị tịch thu, nhà tù mọc lên như nấm, hàng loạt bản án tử
hình dành cho những người yêu nước chống cộng khắp toàn quốc.
Các Chư Tôn Hoà Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, các Linh
mục, Mục sư và Chức sắc các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành,
Cao Đài, Hòa Hảo và Bửu Sơn Kỳ Hương bị cô lập, quản thúc, quản chế, tù đày.
Các bà mẹ góa, trẻ mồ côi, người tàn tật, kẻ nghèo đói, người hành khất phải
sống lang thang nơi đầu đường xó chợ, ở dưới gầm cầu, ở xa cảng, ngoài hiên
hàng, hiên quán và sống trong cảnh màn trời chiếu đất trông rất thảm thương. Sự
thật tôi không thể nào tưởng tượng nổi.Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xây dựng chính
quyền bằng lưỡi lê, họng súng và cai trị nhân dân bằng chính sách độc tài, phi
dân chủ và vô nhân đạo bởi Cộng sản Việt Nam đã:
Biến Việt Nam thành tiền đồn đẫm máu
Làm cả đời lẫn đạo lắm điêu linh
Tiếng chuông chùa đã vắng bặt kệ kinh
Miếu thánh thất tiếng âm thinh tịch lặng!
Chuông giáo đường đã từ từ hoang vắng
Chùa, nhà thờ vườn cảnh trống người thưa
Người thay trâu kéo cộ để cày bừa
Bao cơ khổ sáng trưa tới tối!
Ăn cháo độn cùng củ khoai củ chuối
Biết bao người bị chết đói thảm thương
Kẻ ăn xin người hành khất vạn nẽo đường
Phải trú ẩn ở nhà thương, bến cảng!
Ở dưới gầm cầu ở bên vỉa hè hiên quán
Cảnh màn trời chiếu đất ngán ngao thay
Quản lý dân bao sự nghiệp tiền tài
Bao vàng bạc bao lầu đài dinh thự!
Kẻ tiếc của đã phải toan tự tử
Hoặc làm người sống xa xứ lìa quê
Chốn núi rừng đồng hoang vắng thảm thê
Kinh tế mới ôi vạn bề thống khổ!
Cây xa cội nước xa nguồn, chim xa tổ
Vợ xa chồng, em lại phải lìa anh
Con xa cha xa mẹ kẻ đầu gành
Người cuối bể ôi cam đành ly cách!
Bởi nhớ con cha mẹ già bạc tóc
Vợ thương chồng tay ấp đứa con thơ
Sức mỏi mòn bởi tháng đợi năm chờ
Còn đàn trẻ bơ vơ côi cút!
Bao góa phụ khóc chồng thương tiếc
Trẻ sơ sinh chưa biết mặt cha
Chít khăn tang mí mắt ướt lệ nhòa
Ai gây cảnh phong ba nầy nhỉ!
Bởi Cộng Sản tham tàn ngạ quỷ
Dùng danh từ hoa mỹ bịp dân
Có những người theo Cộng Sản mấy mươi năm
Nay cuốn gói âm thầm sang nước khác!
Bởi bấy lâu say mê lầm lạc
Theo Lê- Nin theo Các Mác Tam Vô
Thì hỏi ai sống nổi với Cộng Nô
Sống với Cộng như lập mồ chôn sẵn!
Họ lợi dụng danh từ cách mạng
Và danh từ vô sản phi nhân
Để tóm thâu vơ vét của nhân dân
Thật chẳng khác là đảng băng ăn cướp!
Đồ phi nghĩa một đoàn quân ô hợp
Nói thương dân càng bóc lột dã man
Từ thành đô, tỉnh, huyện đến thôn làng
Quân Cộng Sản ban hành nhiều luật lệ!
Buộc nhân dân phải vào tập thể
Ban nhiều điều quy chế gắt gao
Lúa đo bồ còn thuế nặng sưu cao
Dùng từ ngữ thanh tao đảm phụ!
Bắt đi lính cho là nghĩa vụ
Bao nấm mồ vô chủ xứ người
Mẹ vắng con nên môi thiếu nở nụ cười
Chồng lìa vợ trách trời cao sao oan nghiệt!
Ai gây cảnh sanh ly tử biệt
Ai gây nên dân tộc Việt lầm than?
Ai hô hào xây dựng cảnh thiên đàng?
Và ai đã biến trần gian thành địa ngục?!
Hàng triệu người rời quê hương lũ lượt
Xa gia đình để cất bước muôn phương
Kẻ bị cướp tàu, người bị nhốt ở khám đường
Kẻ bị chìm đắm nơi trùng dương sóng cả!
Sống gửi thân nơi đất người xứ lạ
Xa gia đình mồ mả tổ tiên
Nhớ cố hương lòng khoắc khoải nỗi ưu phiền
Bởi Cộng Sản dùng cường quyền man rợ!
Bao nam nữ lỡ duyên lỡ nợ
Bao trẻ thơ bị dang dở học hành
Bao gia đình bao sự nghiệp tan tành
Bỏ tất cả để trở thành tay trắng!
Sân đại học ngày xưa thơ mộng lắm
Đến bây giờ cảnh buồn vắng sầu vơi
Bao thư sinh đi viễn xứ xa vời
Gió thu thổi lá rơi buồn rũ rượi!
Công viên vắng như nhớ nhung chờ đợi
Phượng lẻ sầu không phơi phới trỗ thêm hoa
Cô nữ sinh áo dài trắng thướt tha
Nay cắt ngắn áo bà ba lo cuộc sống!
Bao nỗi tủi nhục khổ đau của nhân dân đã đập vào mắt, đã ăn
sâu vào não tôi, những hoàn cảnh thương đau từ cá nhân cho đến gia đình của
đồng bào trong thời điểm này, chỉ còn biết đem đến cửa thiền môn, hoặc nhà thờ
để giải bày tâm sự với những thầy tu mà thôi! Đây là cộng nghiệp (y báo), một
sự khổ đau chung vì vận nước đang gặp thời điên đảo và không phải một, mà hàng
trăm, hàng ngàn những nỗi khổ khác nhau của mọi người đã đem đến cửa chùa trút
hết cho tôi. Tôi không hiểu, tại sao tôi phải thọ nhận một niềm đau khổng lồ
như thế này! Bên cạnh, còn có nỗi bất công do những kẻ gian đảng đang mưu toan
tiêu diệt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà tôi là một thành viên, dầu
chỉ là một thành viên thuộc cấp, cũng như những nguy cơ của tất cả các tôn giáo
khác, tức nỗi đau của “Pháp nạn”. Thế là nhà tu này đã động não, động tâm rồi!
Ngồi mà suy niệm, chắc bản thân tôi cũng có quá nhiều nghiệp
chướng từ trong quá khứ chăng, cho nên tôi không thể ngồi điềm nhiên tọa thị,
để cầu xin hai chữ bình an. Tôi cảm thấy trong lòng sôi sục, có điều gì thúc
giục mình như phải có trách nhiệm với những người bị hoạn nạn, với những nạn
nhân của chế độ Cộng sản bạo quyền. Tôi đồng cảm và thương xót họ như chính bản
thân mình. Tôi suy nghĩ kẻ nào làm đau khổ cho đồng bào, hình như cũng đang làm
đau khổ cho chính bản thân tôi. Từ đó, tôi có một cái nhìn rất khắt khe, gần
như căm giận cái ác, tôi muốn đẩy lùi cái ác, góp phần phát huy cái thiện. Tôi
cũng tự lượng sức mình tài hèn, đức bạc, trí tuệ kém cỏi. Nhưng, lòng lại nhất
quyết muốn làm cái gì đó để cứu nguy cho đồng bào, cứu đất nước mong sớm thoát
qua khỏi vòng cơ hiểm và tôi bắt đầu có sự nhận xét, đánh giá một cách trung
thực khác quan về sự lộng hành của chế độ đang cầm cờ phất phới trong tay.
Nhận thức rõ bản chất của chế độ cộng sản Việt Nam là phi
nhân tính, phi tôn giáo, phi tổ quốc, phi dân tộc, phi nhân quyền và phi dân
chủ. Tôi nảy ra ý định sẵn sàng tham gia cộng sự một cách tích cực với các tổ
chức chính trị và thiết lập mối tương liên với các tôn giáo có cùng quan điểm
để đấu tranh giải ách Cộng Sản, giải cứu đất nước và giải trừ pháp nạn, đòi
phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân
quyền và tự do tôn giáo cho người dân. Lúc bấy giờ đầu óc tôi suy nghĩ miên
man, cho một cuộc dấn thân để góp phần làm tròn trách nhiệm của người dân trước
những lâm nguy của đất nước. Có những lúc tôi lại liên tưởng đến Đức Bổn Sư
Thích Ca từ phụ, Ngài là một đấng Toàn Giác, là bậc Đại Đạo Sư của nhân loại,
Ngài là bậc Đại Y Vương, tinh thông y lý tuyệt vời để trị tâm bệnh cho loài
người. Ngài là một vị có ân đức vô vàn của chúng sinh, là người vô tận vô biên
của thế giới. Ngài cũng là một nhà đại cách mạng đứng đầu trang lịch sử cách
mạng, làm cho lịch sử sống mãi muôn đời không bao giờ ai quên được.
Ngài sinh ra tại thế gian, thấy cảnh khổ của thế gian, Ngài
xuất gia cũng tại thế gian, thành đạo tại thế gian và nhập niết bàn cũng ở cõi
nhân gian này. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Người sáng lập ra đạo Phật, đạo vô
thượng chánh đẳng chánh giác. Đạo Phật ra đời cách đây trên 2500 năm nhưng, đã
có mặt trên quê hương Việt Nam ngót gần 2000 năm lịch sử truyền thừa. Đạo Phật
khai sáng bởi con người, để phụng sự cho con người. Đạo Phật lấy con người làm
gốc, con người là mê, Đức Phật là giác, cả hai trong vòng đối đãi. Tinh thần
nhân bản của Đạo Phật được thể hiện qua giáo lý bình đẳng Phật tánh, bình đẳng
tánh trí cũng như hành động của những người con Phật, bao gồm các hàng phật tử
xuất gia và tại gia. Đạo Phật chủ trương rằng con người phải chịu hoàn toàn
trách nhiệm về bản thân mình và xã hội mình, con người có thể thay đổi được bản
thân và hoàn cảnh xã hội theo ý muốn, có thể hoán cải những điều kiện của cuộc
sống, của những gì đã, đang và sẽ xảy ra. Tất cả đều có nguyên nhân và kết quả,
do nghiệp tạo thành của chính con người tạo ra và cũng chính con người mới có
thể chuyển được nghiệp ấy…
Con người có thể chuyển hóa làm đổi thay tất cả và tôi chợt
nhớ lại lời dạy của Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, Ngài là Y Chỉ sư của tôi,
nguyên Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Sóc Trăng có một dịp ghé chùa thăm tôi. Hoà
Thượng bảo tôi rằng: “Người xuất gia phải
lấy mục đích hoằng pháp là việc nhà, lấy lợi sinh làm sự nghiệp, ông hiện tại
đang làm trụ trì, ông đã từng tham dự mấy khoá huấn luyện trụ trì chắc ông cũng
hiểu, không phải trụ là ở, trì là giữ, tức là ở giữ chùa, làm công việc một ông
từ cho Phật gọi là trụ trì đâu! Mà trụ trì tức là Trụ Pháp vương gia trì Như
Lai Tạng". Ông cũng nên nhớ rằng "Sinh mạng của người xuất gia là Huệ
mạng, nên cơm ăn là Pháp Vị Đề Hồ, áo mặc là Nhẫn nhục nhu hoà, nhà ở là tâm
đại từ bi… ông nên nhớ là luôn luôn sinh hoạt phải cho hợp với Chánh pháp bởi
vì nếu sai Chánh pháp thì tâm ta khó mà giữ được Chánh định, tức sẽ bị trần
cảnh lôi cuốn, trần cảnh lôi cuốn thì pháp thân huệ mạng không còn...”.
Tôi luôn luôn ghi nhớ lời thầy giáo huấn. Thế nhưng, như tôi
đã nói ở trên, vì chưa dứt sạch nghiệp chướng, cùng phiền não, vì phước mỏng
nghiệp dầy, hoặc kiếp trước thiếu tu thiện pháp, gây nhiều ác nghiệp nên phải
thọ khổ kiếp này. Đây cũng là oan gia nghiệp báo chăng ? Nên tôi không tránh
được ác nạn cho bản thân, đành phải rời khỏi mái chùa bị mang án khổ sai lưu
đày biệt xứ. Tôi không kịp từ giã quý Chư tôn Đức, Pháp quyến và quý Phật tử xa
gần, ân Tam bảo, ân Đàn na tín thí tôi chưa đền trả được!Phải chăng sự dấn thân
để bị tù đày này, cũng là một phần đáp ân Tổ quốc, một trong tứ ân như lời phật
dạy?
Theo tôi, tất cả mọi thử thách đối với bản thân mình chỉ là
do nghiệp duyên khảo đảo đối với kẻ tu hành mà thôi! Vì gặp sự chướng ngại, sự tác
nghịch sẽ là sự tác thành. Tôi còn nhớ “Luận Bảo Vương Tam Muội có giảng dạy”: “Phật Đà thiết lập Chánh Pháp, lấy bệnh khổ
làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai góc làm giải thoát, lấy ma
quân làm đạo bạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp
đỡ, lấy kẻ chống nghịch làm người giao du, lấy sự thi ân như đôi dép bỏ, lấy xả
lợi làm vinh hoa lấy oan ức làm đà tiến thủ. Thế nên ở trong chướng ngại mà
vượt qua tất cả”. Tôi đã ở ròng rã suốt 26 năm triền miên chịu cảnh trừng
khảo trong nhà tù Cộng Sản hoặc do nghịch khảo của nhân duyên quả báo nên luôn
phải kham nhẫn và không bao giờ thất thối đạo tâm, nếu nghĩ xa hơn có lẽ do túc
thế, nghiệp căn đời trước tôi thường hay giam cầm, đánh đập, tra tấn trói buộc
chúng sinh, nên nay phải chịu quả báo của thời kim thế. Thôi hãy cứ cho là như
vậy...
SỰ PHỈ BÁNG, KHỦNG BỐ
VÀ ĐÀN ÁP TÔN GIÁO CỦA NHÀ CẦM QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Tôi còn nhớ những sự việc sách nhiễu, uy hiếp của chính
quyền Cộng Sản địa phương đối với bản thân và cơ sở thờ tự của tôi trong những
tháng năm đầu của ngày quốc nạn khi những tên vô đạo, vô thần từ trong bưng
biền lộ hình xuất hiện tại tỉnh Bạc Liêu. Tôi xin tóm lược một vài sự kiện như
sau: Chỉ sau ngày 30-04-1975 vài hôm thôi, vào lúc khoảng 4 giờ chiều. Tôi
trông thấy có một người trung niên, mặc bộ quần áo ni lông dù, màu xanh lá cây
đã bạc màu và đội chiếc nón tai bèo, anh ta mang theo bên mình một khẩu súng ngắn
đi xăm xăm vào cổng chùa. Gặp tôi anh ta tự giới thiệu mình tên “Hai Thổ” là xã
đội trưởng, xã Châu Hưng, trông anh dáng vẻ hậm hực, thái độ bướng bỉnh, lời lẽ
ngang tàng, cử chỉ vô lễ, nói năng kém học thức. Tôi không muốn nói là anh ta
quá dốt, anh ta nhìn thấy lá cờ Phật Giáo năm màu đang tung bay trên cột cờ và
nói: “Giờ này mà nhà chùa còn treo lá cờ
của thực dân Pháp nữa à! bọn đế quốc Mỹ và ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn đã cuốn
xéo bỏ chạy rồi, tại sao Pháp còn ở đây! thật là hết sức phản động, có lẽ cần
phải cho đi học tập dài hạn mới được”.
Anh ta ngang nhiên bước chân vào chùa với cả đôi dép râu còn
dính bùn đất và chiếc nón tai bèo anh vẫn đội trên đầu một cách tự nhiên của
ông quan "Kách mệnh". Anh nhìn tượng Phật sơ sinh của đức Thích Ca
Mâu Ni. Rồi chỉ tay, miệng mỉm cười khinh khỉnh nói: “Thằng Phật nhỏ xíu này nó không có công làm cách mạng để đánh đuổi đế
quốc Mỹ, tại sao lại phải thờ nó, nó ngồi một chỗ, để chờ người ta đem quà lại
dâng cúng. Nó là thành phần thuộc giai cấp bóc lột mà!”. Sau đó anh ta bước
lên bậc thềm Chánh Điện lấy tay sờ vào tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và nói “Thằng Phật nầy ăn gì mà mập quá vậy!”.
Khi tôi bị cầm tù, tôi được quý đồng bào cho biết tên Hai Thổ đi vào chùa chỉ
tay vào các pho tương Phật nói: “Thằng
Thiện Minh đã bị bắt giam rồi, còn mấy thằng Phật xi măng nầy cũng sẽ áp giải
đi luôn” mãi cho đến sau nầy cũng chính tên Hai Thổ, khi hắn đã là Bí thư
xã uỷ xã Châu Hưng kiêm huyện uỷ viên, huyện Vĩnh Lợi, hắn đã ra lệnh tịch thu
chiếm dụng phi pháp ngôi chùa Vĩnh Bình và dời tất cả tượng Phật sang chùa Giác
Hoa tức chùa Cô Hai Ngó ở bên sông. Thế là bức tượng đồng đen 64 kg trong gia
phả họ Trần, tổ phụ của Công tử Bạc Liêu là chủ ngôi chùa, đã bị cuỗm đi mất!
Một vài sự kiện xảy ra tiếp theo khiến tôi bị chính quyền
tỉnh nhà chú ý theo dõi, Ban tôn giáo vận phân công ông Thượng Tọa Thích Hiển
Giác đến chùa khuyến cáo tôi về những sự việc sau đây. Một hôm tôi nhận được
thư mời của ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh là Ngô Tam Đạo tức ông Ba Giáo,
mời tôi cùng một số chức sắc các tôn giáo trong tỉnh nhà, tất cả mọi người đều
bị bắt buộc phải đến biển Bạc Liêu để lao động Xã Hội Chủ Nghĩa mang tính hình
thức tượng trưng trong "Công tác thuỷ lợi”. Sở dĩ tôi gọi “Lao động mang
tính hình thức” là chính quyền Bạc Liêu chỉ cần chức sắc các tôn giáo phải có
mặt đúng thời gian, đúng địa điểm, khoảng 20 phút thôi, mỗi người cầm trên tay
một cây cuốc, hoặc xẻng… để cho nhân viên chụp hình quay phim, rồi họ đưa xe
chở về liền. Sau đó, họ sẽ phát lại trên đài truyền hình và đài truyền thanh
trong tỉnh nhằm mục đích động viên đồng bào tỉnh nhà noi gương trên. Mọi người
sẽ được Uỷ Ban Mặt Trận tỉnh thiết đãi một bữa cơm thân mật tại quán cơm "Sừng
Ký ".
Họ thông báo sẽ cho xe đưa rước tận nơi. Nhận được giấy mời,
tôi liên hệ với ông Linh Mục Nguyễn văn Nhì cha sở họ đạo tỉnh Bạc Liêu và Ngài
Ngọc Phương đầu tộc huyện Vĩnh Lợi. Cả ba người chúng tôi cùng đến trước một
ngày để gặp ông Ngô Tam Đạo nhằm phản đối về hình thức lao động giả dối này.
Tôi thẳng thừng cho rằng đây là việc làm không thật trái với lời chư Phật đã
dạy và không thích hợp với hạnh nhà tu. Linh Mục Nhì và Ngài đầu tộc Ngọc
Phương cũng đều phản đối việc làm không chân thật trái với ý Chúa và lời dạy
của Thánh Hiền! Ông Ba Giáo trả lời rằng: "Đây
chỉ là bước đầu gợi ý xem có được hay không, chứ Ủy Ban mặt trận tỉnh chúng tôi
còn phải thăm dò nhiều tôn giáo và đoàn thể khác nữa!”. Chính vì đó buổi
lao động hình thức bị đình hoãn, thế là cuộc vận động quần chúng không thành.
Chính quyền Mặt Trận tỉnh đã tổ chức một cuộc họp để lên án, chỉ trích và
khuyến cáo tôi.
Hơn hai tháng sau, ông Thượng Tọa Thích Hiển Giác một cán bộ
hoạt động thành, đội lốt Tôn giáo, là Cộng sản nằm vùng, đã đứng ra chủ trì
phiên họp để bầu Ban đại diện Phật giáo tỉnh và Ban đại diện Phật giáo thị xã
Bạc Liêu. Trong đó có cả ông Thích Huệ Hà (ông thầy thế độ của tôi cũng bị ông
Hiển Giác giật dây xỏ mũi hoạt động cho cộng sản nữa), Đại Đức Thích Minh Đức
tức Giáo sư Thành nay đã định cư tại Mỹ được mời làm thư ký buổi họp hôm ấy.
Cuộc họp được tổ chức tại chùa Vĩnh Hòa có sự tham dự của mặt trận Tổ quốc
tỉnh, mặt trận Tổ quốc thị xã và có cả công an. Khi mở đầu khai mạc cuộc họp,
ông Thích Hiển Giác giới thiệu, nội dung chương trình và nhu cầu thành lập Ban
đại diện tỉnh, thị xã…
Ngay lúc đó, tôi đã đứng dậy có thái độ phản ứng và tuyên
đọc Thông tư của Tổng thư ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN do Hoà Thượng Thích Quảng Độ
ấn ký phổ biến. Tôi còn nhớ trong nội dung thông tư có một đoạn nhấn mạnh như
sau "Yêu cầu tất cả những thành viên
trực thuộc GHPGVNTN phải bảo vệ chùa viện, Phật học viện, tự viện và các cơ sở
là tài sản của giáo hội. Ngoài ra, bất cứ cá nhân nào tham chính được xem như
tự ý ly khai khỏi giáo hội ". Sau khi tôi tuyên đọc lại nội dung này,
lẽ tất nhiên ông Thích Hiển Giác và ông Thích Huệ Hà tỏ vẻ thất vọng vì đã là
người tham gia chính quyền, thì 2 ông sẽ không đủ tư cách để triệu tập cuộc
họp, hay nói đúng hơn các ông đã bị loại ra khỏi GHPGVNTN.
Nếu căn cứ theo tinh thần chỉ thị của thông tư nói trên, cho
nên cuộc họp phải dừng lại và một lần nữa, tôi tiếp tục bị sự chú ý và bị lên
án gắt gao hơn. Điều xót xa và đau lòng nhất của tôi là ông Thích Huệ Hà, vị ân
sư khả kính của tôi đã giác ngộ cộng sản một cách nhiệt thành, nên tôi đành
phải phụ tình Ngài, bởi “Quân bất minh thần bất trung, Phụ bất từ tử bất hiếu”.
Tôi phải tìm hướng đúng để chọn đi và chỉ có 2 con đường "Hắc bạch phân
minh", không có con đường nào khác, con đường tôi cho là hướng đúng, nhưng
thật ra chỉ là con đường cũ tức con đường trung thành với GHPGVNTN, chứ không
phải chạy theo Giáo hội của Chính quyền CS, một Giáo hội do nhà nước lập ra để
làm công cụ cho Mặt trận, cho tôn giáo vận, cho Đảng cộng sản, một Hiệp hội
Phật Giáo Việt Nam nhưng, theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa.
Thấm thoát mùa Phật Đản năm 1976 đã đến, tức kỷ niệm lần thứ
2520 ngày giáng sinh Đức Phật. Tôi có tổ chức một cuộc lễ khá quy mô, có cộ
hoa, treo cờ phật giáo, biểu ngữ… đồng thời cũng là ngày tôi làm lễ An vị Phật
“Đức Thích Ca Mâu Ni”. Cờ Phật giáo được treo, chạy dài hơn hai cây số, hai bên
đường có hai hàng phật tử tay cầm cờ, cầm hoa hoặc cầm hương xếp hàng từ trong
chùa ra tới cổng gần quốc lộ 1A hơn 200 mét. Trong lúc thượng cờ Phật giáo, có
treo cả cờ của chính quyền theo đúng kích thước được chỉ định của Mặt Trận Tổ
Quốc tỉnh, tức treo cờ tôn giáo phải nhỏ hơn 2/3 kích thước, so với lá cờ của
chính quyền và theo sự hướng dẫn của thông tư, từ ngoài nhìn vào lá cờ tôn giáo
treo bên trái, còn bên phải là cờ chính quyền. Mặc dầu tôi đã chấp hành đúng
qui định như thế, nhưng chính quyền xã Châu Hưng tức ông Chủ tịch Phạm Văn Bé
(Nay là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Bạc Liêu) đã bảo anh ủy viên thư ký
xã tên "Lếnh" đến chùa tôi ra lệnh treo lá cờ Phật giáo phải thấp hơn
lá cờ của chính quyền 2 m và không được treo ngang nhau. Tôi trả lời rằng "Tôi đã hiểu rõ qui định của Mặt Trận
Tổ Quốc tỉnh phổ biến và hướng dẫn cách thức treo cờ, nên tôi không thể treo lá
cờ Phật giáo như lá cờ rũ, cờ tang được. Nếu chính quyền không đồng ý thì tôi
sẽ trả lại chính quyền lá cờ của Nhà nước, và từ đây trở về sau tôi không treo
lá cờ Nhà nước nữa. Ngay bây giờ tôi chỉ treo lá cờ của Phật giáo mà thôi, vì
hôm nay là ngày lễ Phật Đản, chứ không phải là ngày lễ của nhà nước các ông,
các ông nên nhớ rằng khắp năm châu, trên toàn thế giới nơi nào có đạo Phật nơi
ấy đều có treo cờ Phật Giáo vào ngày hôm nay, chứ không phải riêng tại Việt Nam
đâu".
Đây cũng là một cú sốc lớn giữa chính quyền địa phương xã
với bổn tự của tôi, nên sau lễ Phật Đản hai ngày, tôi lại nhận được giấy mời
với nội dung như sau: Khi nhận được thư mời vào thời điểm nửa đêm, với nội dung
ra lệnh bắt buộc, giống như một tờ trát đòi, tôi biết chắc chắn sự việc chẳng
tốt đẹp gì, nên tôi bố trí một số phật tử lớn tuổi, nhất là những gia đình có
công với cái gọi là "Kách mạng" hay có con cháu tham gia kháng chiến,
chẳng hạn như cụ Huỳnh Thị Tùng, có biệt danh là Bà Tám La lúc đó 74 tuổi. Cụ
này là bà nội vợ của tên Tư Húa, và cụ Tô Thị Trời 76 tuổi có 2 người con đang
công tác tại Bạc Liêu, Tư Mùi là trung uý công an huyện Vĩnh Lợi, Ba Công là
đại uý trưởng đồn công an biên phòng tỉnh Minh Hải.
Tôi nhờ quý cụ này đi theo hỗ trợ, khi đến nơi tên Tư Húa ra
lệnh bảo tôi phải tự làm đơn dâng hiến ngôi chùa Vĩnh Bình cho uỷ ban Xã Châu
Hưng làm cơ quan xã đội với lý do ngôi chùa này của điền chủ, có một thời đã
từng gây tội ác với nhân dân, đã từng hút máu nhân dân. Anh ta bảo rằng, nếu
đồng ý thì anh ta sẽ giúp đỡ giới thiệu tôi thuyên chuyển đến bất cứ ngôi chùa
nào trong tỉnh, và đến đó sẽ có chính quyền ủng hộ. Tôi trả lời rằng: "Mặc dầu chủ chùa đã hiến cho tôi để tu
hành và cai quản tài sản, đất đai nơi đây, nhưng tôi là thành viên của giáo
hội, nên tài sản này trực thuộc GHPGVNTN. Ông có thể trực tiếp đến Ban đại diện
Phật giáo tỉnh, đề nghị vấn đề này hay nói cho đúng hơn là ông phải được sự
chấp thuận của Viện Hoá Đạo GHPGVNTN, ngụ tại văn phòng số 243, Đường Sư Vạn
Hạnh Quận 10, tức Tổ Đình Ấn Quang. Bản thân tôi làm Trụ Trì nhưng tôi không có
quyền quyết định hiến ngôi chùa này cho nhà nước được, vì đây là nguyên tắc về
thủ tục hành chính và giáo uy của GHPGVNTN”.
Tôi vừa nói tới đó thì các cụ Phật tử xuất hiện, lên tiếng
la rất to "Bộ chúng mầy muốn chiếm
chùa hả! Tụi mầy muốn bắt ông thầy hả! Đồ ăn cướp". Tên Tư Húa trông
thấy bà Tám La là bà nội vợ của mình nên vội vã năn nỉ các cụ và mời nhỏ nhẹ để
các cụ ra về trong đêm. Ngày hôm sau tôi đem lá thư mời của anh Tư Húa đến
trình với ông Huỳnh Nghiệp Đoàn Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc huyện Vĩnh Lợi,
nguyên Trưởng ban công an huyện Vĩnh Lợi vừa mới chuyển đến, ông Ngô Tam Đạo
Chủ tịch MTTQ tỉnh Minh Hải, ông Thích Hiển Giác Phó Ban tôn giáo vận kiêm uỷ viên
MTTQ tỉnh và ông Thích Huệ Hà uỷ viên MTTQ tỉnh. Ông Huỳnh Nghiệp Đoàn, tự là
Tư Nhẫn hứa với tôi là ông sẽ thông báo cho ông Tô Minh Hiển, tức Năm Hiển, Bí
Thư huyện Ủy, huyện Vĩnh Lợi, ông Bùi văn Lẹ, Trưởng công an huyện, và ông
huyện Đội trưởng để khiển trách tên Tư Húa.
Việc khiển trách không biết có hay không, nhưng hơn 1 tuần
lễ sau, tên Tư Húa lại tiếp tục gởi cho tôi 1 lá thư thứ hai, với nội dung cũng
tương tự như lá thư thứ nhất, đặc biệt là thời gian đưa thư là lúc 2 giờ sáng.
Khi tôi đến, hắn ta dùng lời lẽ dọa dẫm bắt nạt, anh ta nói rằng "Tôi nhất định sẽ cưỡng chiếm ngôi chùa
này bằng mọi cách". Hôm sau, tôi cầm cả 2 bức thư nói trên và cùng với
Hoà Thượng Thích Tịnh Hạnh đương kim Chánh đại diện tỉnh Hậu Giang đi đến Tổ
Đình Ấn Quang để trình cho Hội đồng Viện Hoá Đạo và sau đó chúng tôi đến trực
tiếp xin gặp ông Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng
Miền Nam Việt Nam. Ông Thọ ra chỉ thị cho Chánh văn phòng của ông gửi một văn
thư về địa phương, khi tôi về Bạc Liêu và gặp ngay anh Ngô tư Húa để trình xem.
Tư Húa xé ngay văn thư sau khi đọc xong và nói rằng: "Chừng nào thằng Thọ, thằng Phát tức Huỳnh Tấn Phát Chủ tịch Chính
Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam, xuống tận đây thì mới không
lấy ngôi chùa này mà thôi!". Khi nghe nói xong tôi biết cái tôn ty
trật tự của Cộng Sản chỉ gật đầu tuân thủ ngay trước mặt, chứ sau lưng thì… và
“Phép vua thua lệ làng rồi”. Từ đó tôi liên tục gởi nhiều lá đơn đến Trung Ương
Hà Nội như:
1.
Ông Tôn Đức Thắng Chủ Tịch nước.
2.
Ông Phạm Văn Đồng Thủ tướng Chính Phủ.
3.
Ông Trần Hữu Dực, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao.
4.
Ông Phạm Văn Bạch Chánh Án Toà Án Nhân dân Tối
cao.
Rồi thời gian cứ trôi, tôi cứ chờ và chờ mãi… mà chẳng thấy
ai giải quyết, cũng chẳng thấy ai hồi âm. Một bữa nọ, tên Tư Húa đến chùa của
tôi và nói “Tôi lỡ hứa với thằng Hai Thổ,
xã Đội Trưởng xã Châu Hưng trong tiệc nhậu là sẽ tìm cho nó một chỗ để làm cơ
quan xã Đội và nó thách tôi nếu quản lý ngôi chùa Vĩnh Bình thì mới hay! Ông
hãy thu xếp đi nơi khác giúp tôi”. Tôi trả lời “Mấy Ông nói chuyện như bỡn, đừng mong có chuyện tôi hiến chùa để làm
cơ quan”.
Không được toại nguyện, từ đó Tư Húa càng căm ghét tôi. Lúc
nầy ở tỉnh Minh Hải, tôi cùng Hoà Thượng Thích Trí Đức phải đi vận động để
thành lập Ban đại diện GHPGVNTN ngầm của tỉnh. Chúng tôi không thể hoạt động
phật sự công khai, vì Giáo Hội Phật Giáo thuần túy luôn luôn bị Ban tôn giáo
vận và các ông tham gia Mặt trận bóp chẹt. Điều đáng buồn là tỉnh Minh Hải có
vài thành viên có chức vụ cao trong Ban đại diện tự ý ly khai khỏi Giáo hội, họ
tham gia chính quyền Mặt Trận và Phật Giáo do nhà nước lập ra, họ ép buộc các
thành viên của Ban đại diện các cấp phải tham gia Phật Giáo do nhà nước thành
lập. Từ đó mọi công tác Phật sự của Giáo hội bị bế tắc, Giáo hội nói riêng và
Phật Giáo nói chung lâm vào thời kỳ Pháp Nạn. Đồng bào Phật tử tại tỉnh nhà
chưa thấu hiểu, nên phân vân, nghi ngại và ít nhiều sợ sệt chính quyền cộng
sản. Trong khi đó, GHPGVNTN ở Trung ương thì Hội đồng Viện Hóa Đạo đã bắt đầu
bị khủng bố, kẻ bị bắt, người bị chụp mũ, kẻ bị hăm dọa, người bị tù đày.
Tại các địa phương Cộng sản bắt đầu đàn áp Phật giáo đến nỗi
Đại Đức Thích Huệ Hiền, thế danh Phạm văn Có, trụ trì Thiền viện cùng chư tăng
ni tự thiêu tập thể vào ngày 2.11.75 tại Thiền viện Dược sư ở Cần Thơ để phản
kháng chính quyền độc tài cộng sản vô thần đàn áp tôn giáo. Tại Sóc Trăng thì
ông Nguyễn Trung Nhựt, tự là Hữu Thương, Chủ tịch Mặt trận TQ tỉnh Hậu Giang,
ông Nguyễn Văn Nghiêm, tức Mười Nghiêm, Chủ tịch MT thị xã Sóc Trăng và ông
Nguyễn Văn Chèo, tự Bảy Chèo Trưởng ban an ninh nội chính tỉnh Hậu Giang, tổ
chức cuộc họp tại trường Bồ đề Sóc Trăng do các ông nầy đứng ra chủ trì, để kết
tội và bắt giam Hoà Thượng Thích Thiện Đức, Trụ trì chùa Phước Sơn, Chánh đại
diện GHPGVNTN tỉnh Ba Xuyên trước đây. Họ qui kết Hòa Thượng là CIA của Mỹ để
chiếm trường Bồ Đề sung công tài sản và cơ sở thờ tự, kể cả văn phòng của Ban
đại diện GHPG tỉnh. Ngay tại trung ương, Cộng sản đã xông vào chùa bắt Hoà Thượng
Thích Thiện Minh, thế danh Đỗ Xuân Hàn, cố vấn Viện Hóa Đạo. Hòa Thượng đã bị
tra tấn đánh bể sọ và chết trong nhà giam X4 sở công an vào ngày 16-10-1978.
Ngoài ra ở khắp các tỉnh nhiều ngôi chùa, trường học, Tự viện và tài sản Giáo
hội bị quản lý sung công. Những ngày tháng này, tại Tổ đình Ấn Quang, văn phòng
Viện Hóa Đạo lúc này ăn gạo đỏ gần như ăn độn, một tô canh nấu với một nắm nui
lõng bõng. Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, Viện chủ phải ngồi trên xe lăn tay. Đại
Đức Thích Minh Phát một mình phải bươn chải rất vất vả để qúy Ôn, quý thầy, tạm
đỡ lòng với tương, dưa, rau, muối qua ngày.
Từ Bạc Liêu tôi thỉnh thoảng đi cùng Hòa Thượng Thích Tịnh
Hạnh, đương kiêm Chánh đại diện GHPGVN Tỉnh Hậu Giang và Hoà Thượng Thích Huyền
Vân phó Đại diện. Hòa Thượng cũng là huynh đệ đồng sư môn của "Ôn" đương
kiêm Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN hiện nay. Chúng tôi thường mang theo đi đường
một hoặc hai bao cát đựng gạo trắng, đem đến chùa Ấn Quang để cúng dường quí
Chư Tôn Đức. Trên đường đi, chúng tôi phải vượt qua nhiều trạm xét hỏi, có khi
bị tịch thu, thật vô cùng khó khăn, để trình bày cho thấu tình đạt lý với công
an và quản lý thị trường. Chúng tôi nhiều lúc phải nài nỉ hoặc biết cư xử khéo
mới qua khỏi trạm được an toàn, mà đường dài hơn 300 cây số, lại phải qua rất
nhiều trạm kiểm soát chứ chẳng dễ dàng gì.
Một hôm chúng tôi bị trạm xét xe liên tục nên đến thành phố
quá khuya đành phải thuê ghế bố tại xa cảng miền Tây để tạm nghỉ qua đêm. Trên
đời có những chuyện chúng tôi chưa từng biết và cũng không thể ngờ về giới bụi
đời, những tay gọi là “lục lâm giang hồ”, nghịch ngợm mánh khóe như sau: Khi
tôi nằm ngủ kê đầu bằng cái đãy trong đó có bộ y phục, giấy tờ tùy thân và ít
tiền làm xa phí đi đường. Qua một ngày dài vất vả mệt nhọc, tôi đang thiu thiu
ngủ thì vài anh bợm giang hồ đi ngang qua dưới chân, họ khều chân bất ngờ khiến
tôi giật mình ngồi bật dậy, đến khi tôi nằm xuống trở lại thì ôi thôi! Cái đãy
kê đầu của tôi không cánh mà bay mất rồi! Lúc này thật hết sức là khổ! không
còn tiền để trả tiền mướn ghế bố, đành xin khất nợ bà chủ vậy! Từ giờ đó trở đi
tôi không chợp mắt được, trong lòng xốn xang, ray rứt, buồn buồn chỉ mong sau
cho trời mau sáng. Khi trời hừng sáng thì tại phòng bán vé mọi người đã nhộn
nhịp đến đăng ký mua vé xe. Lúc ấy các nhân viên xa cảng thông báo trên loa
phóng thanh tên người bị thất lạc giấy tờ. Nghe gọi đúng tên mình, tôi vội vào
xem thì thấy cái đãy của tôi treo gần chỗ bán vé. Sau khi xin nhận lại và kiểm
tra thì quần áo, giấy tờ tùy thân còn đủ nhưng mất hết tiền rồi! Cuối cùng,
chúng tôi phải tạm bao xe tới Ấn Quang gặp thầy Minh Phát xin ít tiền để trả.
Sau cái xui rủi đó, lại có niềm vui là khi chúng tôi đến
phòng riêng để gặp Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn, lúc ấy Ngài là Tổng Vụ Trưởng
Tổng Vụ Hoằng Pháp. Chúng tôi trình bày tiện dịp đi công tác phật sự, chúng tôi
có mang theo gạo trắng thơm, từ dưới quê lên cúng dường quí chư Tôn đức. Hoà
Thượng Thích Thuyền Ấn nở nụ cười thật hoan hỷ và thân tình trò chuyện với
chúng tôi khá lâu. Ngài có phân tích một số trở ngại khó khăn trong công tác
hoằng pháp và hành hóa của Giáo Hội hiện nay. Sau đó, ngài còn tặng về cho mỗi
tỉnh 10 quyển Lịch Xuân. Thời điểm này chúng tôi cũng thường xuyên đi về Trung
ương gặp Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN,
để báo cáo tình hình phật sự tại tỉnh nhà và đến chùa Giác Minh gặp Hòa Thượng
Thích Quảng Độ, lúc ấy Ngài là Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN để bàn về việc
thành lập Ban đại diện kín tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Hậu Giang, đồng thời vấn an
sức khoẻ của hai Ngài và tìm hiểu một số công tác phật sự của giáo hội cần làm
trong thời gian tới. Lúc ấy tôi có tham gia phụ trách cả hai Ban đại diện Bạc
Liêu và Hậu Giang góp phần cùng Hòa Thượng Thích Trí Đức và Hoà Thượng Thích
Tịnh Hạnh của hai tỉnh nói trên. Để rút kinh nghiệm của những lần mất mát đồ
đạt khi ngủ trọ tại xa cảng miền Tây, những chuyến đi kế tiếp tôi cùng Hoà
Thượng Thích Tịnh Hạnh tìm cách đến sớm hơn, hoặc tạm nghỉ tại Cao Đẳng Phật
Học Viện Huệ Nghiêm, nơi đây Hòa Thượng Thích Bửu Huệ làm Viện chủ, sẵn tiện
thăm thầy Phước Tài đang là Tăng sinh nơi đây.
Trở lại câu chuyện chùa Vĩnh Bình, từ khi tôi đệ đơn ra Hà
Nội đến nay để khiếu tố về hành vi của tên Tư Húa cậy thế ỷ quyền, đòi cưỡng
chiếm ngôi chùa một cách phi pháp. Đơn thư gửi đi nhiều lượt mà bặt vô âm tín,
chẳng thấy phản hồi. Thời gian cứ dần dà trôi, tôi chờ trong sự tuyệt vọng gần
như cháy cả tim gan. Bên cạnh, biết bao chuyện dồn dập phải đối phó, và sự lộng
hành của tên ác quỉ Tư Húa ngày càng leo thang. Chính quyền xã Châu Hưng bất
lực trong trạng thái đồng tình một cách ngấm ngầm để tên Tư Húa lộng quyền tác
oai, tác quái.
Một hôm ân sư tôi là Hoà Thượng Thích Tịnh Hạnh trên đường
xe đi từ Cà Mau về Sóc Trăng, Ngài ghé tạt ngang vào chùa thăm tôi tại Bạc
Liêu. Hòa Thượng vừa bước xuống xe thì tên Tư Húa ở đâu lù lù hiện ra trước
mắt, hai tay chống nạnh vẻ mặt bặm trợn miệng méo sệch một bên do có một vết
sẹo chạy dài trên gương mặt hắn, nghe nói hắn đã bị thương suýt chết trước đây,
khi ban đêm bò ra ngoài thành hoạt động. Hắn trông rất hung hãn, dữ tợn ra oai
hùng hổ, miệng quát tháo: “Ê! thằng cha
thầy chùa kia đi đâu đó! Có giấy tờ đi đường không?”. Hòa Thượng mỉm cười
trả lời “Đi ngang đây hết tiền, tôi ghé
chùa Thầy Thiện Minh xin ít tiền xe rồi đi liền”. Mặc cho vị hòa Thượng nói
gì thì nói, tên Tư Húa miệng vừa khạc phun nước miếng bốc mùi ba xị đế vừa ra
lệnh “Mời anh về cơ quan công an xã làm
việc, vì đi đường ghé địa phương này bất hợp pháp”.
Hay tin, tôi đến gặp ông Trần Văn Trọng, tức ông Năm Trọng,
Bí thư xã Châu Hưng, ông Phạm Văn Bé, tức Năm Bé, Chủ tịch xã, Ông Hà Văn Tiền tức
Tám Tiền, Trưởng công an xã. Tôi đề nghị các ông nầy trả tự do cho Hoà Thượng.
Nhưng, họ bó tay vì nể nang Tư Húa là người ở cấp Huyện, lại trong ngành quân
báo "Tình báo quân đội". Lúc bấy giờ đã gần 6 giờ tối, đồng bào phật
tử khắp các ấp qui tụ bao quanh công an xã, càng lúc càng đông khoảng 400-500
người, làm nghẽn cả lối đi. Trong khi tôi đang đứng tiếp xúc với mọi người đến
hỏi thăm sự việc, thì có nhiều tiếng hô to của đồng bào chửi rủa tên Tư Húa: "Đả đảo thằng Tư Húa! đồ ác độc! thằng
Tư Húa đồ tàn nhẫn! loại ngang tàng, hung hãn, mất dạy bắt thầy tu!".
Vẻ mặt Tư Húa cứ vênh váo, giọng nói hách dịch, điệu bộ phách lối đi vào đi ra.
Ủy Ban Nhân Dân xã thì phó mặc để tên Tư Húa tung hoành. Tôi
nghĩ có lẽ đây là chứng bệnh công thần và bệnh kiêu ngạo của tên Tư Húa, cho dù
hắn ta chỉ là tên chuẩn uý quèn. Sau ngày 30-04-75 hắn ra mặt tỏ vẻ oai phong,
cho mình là có quyền lực. Ở xã nầy ai cũng biết có một thời Tư Húa đã từng làm
nội ứng ở ấp Cái Dầy. Hắn đi nhân dân tự vệ của chính quyền cũ, ban đêm hắn báo
tin cho Việt cộng đột nhập bắt cả trưởng, phó ấp và một số nhân dân tự vệ rồi
chính tay y giết chết trong rừng sâu, cho nên hắn ta lúc nào cũng tự hào là đã
đạt được kỳ công. Chính vì lẽ đó UB xã có phần nể mặt nhau một chút, nên cũng
khó nói. Trong lúc ấy ông phó công an xã tên gọi là Tám Minh đến nói với tôi: "Thôi ông thầy và quí bà con cô bác
giải tán về đi! đêm nay tôi sẽ dành chiếc ghế bố của tôi cho ông Hòa Thượng tạm
nghỉ, xin quí vị đừng lo". Thế là thầy tôi phải ngủ một đêm tại cơ
quan công an xã Châu Hưng. Còn tôi thì về chùa mà trong lòng thấp thỏm không
yên. Tôi vẫn biết mọi việc rất bình thường, chẳng có gì là quan trọng cả.
Nhưng, tên Tư Húa cố ý muốn làm lớn chuyện để làm oai với tôi.
Sáng hôm sau, tôi mặc một bộ đồ cũ mèm với dáng vẻ một người
đang đau khổ xách một chiếc giỏ, đựng bên trong một chiếc bánh mì và một ly cà
phê sữa.Tôi cố ý cho mọi người nhìn thấy, nhất là người mẹ của tên Tư Húa là bà
Mười Quang và chị ruột là cô Ba Khiếm, họ là những người đàng hoàng trong xóm,
họ đang bán một quán nước bên đường. Tôi biết, nếu họ trông thấy tôi và hiểu sự
việc, chắc họ sẽ thúc ép hoặc lên tiếng trách cứ đứa con, đứa em quan liêu cao
ngạo này! Đúng là "Oán tắng hội khổ" trên đường đi độc đạo bất ngờ
tôi lại trông thấy tên Tư Húa đi ngược chiều từ xa tiến lại. Tôi không muốn
nhìn mặt tên ác gian chút nào cả, nhưng hết đường né tránh đành buộc lòng tôi
phải hỏi hắn ta một tiếng “Anh Tư, tôi đề
nghị anh nên giải quyết, thả ông thầy tôi về chùa”. Tên Tư Húa miệng cười
nhếch mép khinh khỉnh trả lời "Tại
sao hôm qua ông khinh dễ tôi? ông không hỏi tôi một tiếng, nếu hỏi thì tôi đã
thả rồi!”. Anh ta lại nói tiếp, vừa nói vừa chỉ tay vào cơ quan xã Châu
Hưng “Bọn quỷ ma xã này có quyền gì mà
hỏi! Thôi ông đưa ổng về chùa đi, ông nói với công an xã là lệnh của Tư Húa, từ
đây về sau ông đừng coi thường tôi nữa nhé!".
Khi tôi đến rước Hoà
Thượng ra về, ông chủ tịch xã Năm Bé nói: “Tư
Húa bảo thầy phải làm đơn xin bảo lãnh”. Vì quá nóng lòng lo cho thầy của
mình, nên tôi đành phải làm đơn, sau đó thầy trò tôi về chùa. Về đến chùa,
Trong lúc chúng tôi đang dùng ngọ trưa, Tư Húa lại xuất hiện từ ngoài cửa chùa
xồng xộc xông vào chẳng hỏi ai và hắn ta nhìn mâm cơm nói: “Tu hành gì mà mâm cơm tới ba, bốn món vậy! Nào là rau sống, tàu hủ kho,
chao, tô canh rau muống… Nhớ khi đã làm đơn bảo lãnh rồi, sau này bất cứ lúc
nào tôi cần làm việc với ông già này là phải đem đến trình diện nhé! "
nói rồi hắn ta bỏ đi ra…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét