CÀ MÂU NHÀ TÙ THỨ BA
BẢN
ÁN SƠ THẨM BỊ ĐÌNH
T
|
ôi làm việc với ông Ba Lát gừng thêm
một tháng là kết thúc hồ sơ. Ty công an tỉnh Minh Hải ra lệnh áp giải tôi cùng
một số anh em chung vụ án từ phòng cảnh sát hình sự ty công an Minh Hải chuyển
về trại giam Cà Mau (Minh Hải là do 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau ghép lại). Các cơ
quan chính của tỉnh đặt tại Bạc Liêu, Cà Mau xem như là thị Xã nhưng trại giam
tỉnh đặt tại đấy. Vì thế khi hoàn tất điều tra, họ đưa chúng tôi về trại giam
tỉnh. Họ chở chúng tôi trên một chuyến xe vận tải nhỏ. Tuyến đường dài hơn 60
cây số, hai người còng chung một cặp còng số 8. Phía sau một xe hộ tống của
công an vũ trang đi kèm và vài chiếc xe hon đa loại 90 phân khối chạy phía
trước mở đường. Thời điểm lúc bấy giờ, đường quốc lộ gồ ghề lổm chổm, có nhiều
ổ gà… còn chiếc xe quá cũ kỹ được trưng dụng lại nên xe chạy chậm rì.
Mọi người ngồi trên xe cảm thấy muốn phát bực. Chúng tôi khá
vất vả, mệt mõi vì trời càng lúc càng tối mà chiếc xe lăn bánh chầm chậm trên
đường chẳng khác rùa bò. Anh em vừa đói, vừa khát, có người buồn nôn vì lâu quá
không có đi xe, xe chạy khoảng độ 2/3 đoạn đường thì bị hỏng máy nên dừng lại
hơn 2 giờ đồng hồ. Một chiếc xe áp giải phải chạy tăng tốc thật nhanh về Cà Mau
để đem xe khác lên thay thế. Những tên công an bảo vệ tuổi 16-17, còn non choẹt
trông có vẻ nóng lòng lo sợ. Các chú công an sợ chúng tôi bạo hành nên đến gần
hơn để nói chuyện làm quen. Tôi biết được ý nên biểu tỏ vài câu để trấn an vì
thấy các chú còn non trẻ lại xưng hô với chúng tôi rất lễ phép, có lẽ một phần
vì quá sợ nên hạ mình chăng ? Họ chột dạ vì vừa chờ đợi khá lâu vừa ngại vì tôi
biết trong lòng họ đang lo lắng điều gì. Riêng chúng tôi có niềm an ủi là gần 8
tháng qua, anh em chưa có điều kiện gặp mặt đông đủ như thế này. Cho dù xe có
chạy chậm hay dừng lại cũng chẳng sao vì đây là cơ hội tốt để cho anh em có dịp
hàn huyên và trao đổi một số vấn đề có liên quan trong những ngày bị câu lưu
điều tra.
Mọi người thông cảm cho nhau, vì ai nấy đều cùng chung cảnh
khổ cả, mà người đau khổ nặng nề nhất về mặt tinh thần chắc chắn phải là tôi.
Tôi khổ tâm nhiều bởi hoàn cảnh gia đình các anh em đồng vụ đều lâm cơn quẫn
bách, cuộc sống bấp bênh, túng thiếu đủ mọi bề, vì “gạo châu củi quế” chế độ
cộng sản là chế độ công hữu, nền kinh tế quốc doanh, tiêu dùng bằng tem phiếu,
phải xếp hàng suốt buổi mới mua được một ít hàng. Có nhiều người dân bực tức
nên đồn đại vài câu truyền khẩu rằng: “Đả
đảo Thiệu Kỳ mua cái gì có cái nấy. Ủng hộ Hồ Chí Minh mua đinh phải xin giấy”.
Thời ấy, nếu gia đình nào có ai bị tù về tội "Chính trị" tất nhiên
gia đình ấy sẽ bị trù dập, bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử, bị chính quyền ngược
đãi đủ mọi bề, và coi như bị vứt bỏ bên ngoài lề xã hội. Thậm chí bà con thân
tộc không dám đến gia đình hỏi han thăm viếng, vì sợ họa lây. Còn lối xóm kẻ
nào có thế, có quyền thì lên mặt hống hách khinh khi cho nên gia đình phải gặp
nhiều tủi nhục.
Dưới chế độ Cộng sản mang tội “Chính trị” thì đời tàn là cái
chắc. Chỉ còn chút may mắn là có mẹ cha, anh chị em ruột thịt hoặc vợ có nghĩa
hay con có hiếu kính mới dám đến thăm nuôi và không nỡ bỏ mình thôi! Nhưng vẫn
không phải hoàn toàn tất cả, có những trường hợp đặc biệt vì lý do hoàn cảnh nghèo
ắt cũng thiếu đi nghĩa cử hay người vợ không thể đợi chờ vì kém đức thủy chung…
Nếu hoàn cảnh xã hội không chuyển biến đổi thay thì các gia đình những công dân
hạng 2 như chúng tôi chắc phải cam chịu “cùng đời mạt kiếp” không ngóc đầu lên
nổi với xã hội có nhiều định kiến như hiện nay.
Từ chỗ dân chúng quá bí bách
trong cảnh lầm than khốn khổ, nên hễ đi đâu trông thấy treo trang trọng hình
ảnh của Cụ Hồ, hoặc làm đền thờ, đúc tượng bằng Thạch cao lộng kính, hay tượng
đồng làm tốn hao biết bao tiền của nhân dân, thì dân chúng nảy sinh nhiều bức
xúc thán oán nói lái rằng: “Đại thắng lợi bác Hồ lộng kiếng. Đợi thắng lại bác
Hồ liệng cống”, hoặc thấy chế độ tham nhũng tràn lan dân kêu ca nói lái trách
cứ như sau: “Bảng đỏ sao vàng”nay đổi thành “bỏ đảng sang giàu”. Có người còn
làm thơ truyền tụng dân gian rằng: "Theo bảng đỏ tham giàu rồi bỏ đảng. Thích
sao vàng nhũng lạm để sang giàu! Kháng chiến lâu dài nên khiến chán cho mau, Dân
chủ giả giũ chân sao kịp nữa! Thi đua mãi, thua đi từng hằng bữa, Chính mi làm
dân khổ Chí Minh ơi! Độc lập bây giờ chỉ đập lột mà thôi... Không độc lập, tự
do thời không hạnh phúc!
Chí công vô tư là mỹ từ làm ô nhục
Nhìn bề ngoài, trong gỗ mục phết
sơn
Nói yêu thương mà trong dạ căm hờn
Nói nhân đạo, dạ quen lờn lừa phỉnh!
Không Cần, Kiệm, không liêm, không
chính
Quên cội nguồn, dân tộc tính Việt Nam!
Thuyết rất hay, nhưng thực tế mấy khi
làm
Bởi bản chất và túi tham không đáy!
Đưa tổ quốc đến bần cùng bức hại
Đến ngày tàn, còn ôm mãi viễn vông!
Nếu thành công thì cả đại dân tộc
thành công
Còn cộng sản chỉ mưu hòng lợi dụng!
Nay thực tế đã phơi bày công chúng
Lịch sử còn, nhân chứng hãy còn đây!
Kìa nhìn xem hằng vạn kẻ tù đày
Bao tội lỗi khó mờ phai trong sử sách!
1. Hoàn cảnh bi đát của gia đình
Riêng gia đình tôi thì bị chính quyền địa phương ở khóm, ấp,
phường khống chế, trù dập, miệt khinh đủ thứ. Họ lấn áp đủ mọi thứ nào là chiếm
đất, rào giậu lấn qua ranh giới thổ cư, lên tiếng sách nhiễu bức hiếp đe dọa đủ
mọi điều, nhất là Bùi Minh Quyền tức tên Tư Quyền là anh em của tên trưởng công
an huyện Vĩnh Lợi là Bùi Văn Lẹ. Tư Quyền dựa thế nên coi trời bằng vung. Ngoài
ra, Tư Quyền còn có người con rể tên Tiến cũng thuộc loại gian manh hiểm độc,
cả xóm ai cũng kêu ca căm phẫn. Chủ tịch phường 7, tên Huỳnh Hoàng Lâm ra lệnh
giải tỏa nhà để chiếm làm chợ họ qui kết là gia đình phản động, còn đất đai họ
cho là phi pháp thiếu giấy chứng từ. Lý do nói khéo của họ trong giấy quyết
định giải tỏa là: “Vì trật tự an toàn giao thông đô thị căn cứ nghị định số 36
, chỉ thị 317 của Thủ Tướng Chính phủ và chỉ thị 20 của UB tỉnh”, nhưng thật ra
thì nhà đất của em tôi không có ảnh hưởng gì đến sự an toàn giao thông cả.
Quyết định giải tỏa phải thực hiện trong vòng 3 ngày kể từ ngày 7/8/1995 đến
ngày 10/8/1995 nếu chậm trể sẽ bị xử lý theo nghị định xử phạt hành chánh của
thủ tướng chính phủ.(lệnh giải tỏa trong phần phụ lục).
Vì hoàn cảnh quá khổ
nghèo do thảm trạng xã hội, nên gia đình tôi gồm: Người em thứ 7 của tôi tên
Nghĩa phải nghỉ học để đi bán bánh mì dạo nuôi gia đình và người em thứ 6 tên
Nhiều phải đạp xe vua, loại xe phải đạp bằng 2 chân, phía sau có gắn cái thùng
để chở thêm được vài người. Riêng người em thứ 5 mới lập gia đình hơn 1 năm,
vừa sinh được một bé gái, bị nghi ngờ có liên quan vụ án nên đã bị tù. Em gái
thư Tư phải bán mía, khoai, cóc, ổi trước nhà. Mẹ tôi tuổi cao sức yếu lại bị
bệnh thường xuyên vóc người mỗi ngày một gầy mòn, thân hình tiều tuỵ lo buồn vì
chồng, vì con, tức cha tôi vừa qua đời cách đây mấy tháng, nay đến tôi và đứa
em trai thứ Năm đều bị tù tội.
Một điều xót xa là các em tôi còn thơ ngây nhỏ dại đang
trong lứa tuổi cắp sách đến trường, tuổi chỉ biết ăn, biết học, biết chơi. nay
đành từ giã mái trường để tìm kế sinh nhai, vừa nuôi mẹ già đang đau yếu, vừa
dành dụm ít tiền hàng tháng để đi thăm nuôi 2 người anh đang ở tù tận mũi Cà
Mau. Có những hôm em Nghĩa bán bánh mì bị ế vì trời mưa, phải ghé vào các ngôi
chùa Khmer ở Sóc Đồn Bạc Liêu năn nỉ quí sư sải xin đổi gạo để chiều về cho mẹ
nấu cơm. Hôm nào không đổi được gạo đành đem bánh mì về ăn hoặc chỉ mua ít gạo
cùng khoai lang để nấu cháo thay cơm, cho qua ngày đoạn tháng. Em trai tôi là
một học sinh hiền lành ngoan ngoãn, học rất giỏi, không những lễ phép với thầy
cô mà còn rất có tình có nghĩa với bạn học cùng lớp và rất mực hiếu thảo với mẹ
cha. Em học luôn đứng nhất, nhì trong lớp lại được bầu làm trưởng lớp nữa!
Nhưng vì hoàn cảnh… nên lỡ dở việc học hành. Có những buổi đi bán bánh mì ngang
qua trường cũ, em cố đi qua thật nhanh, và kéo chiếc nón sụp khỏi vành tai để
cho các bạn đừng nhìn thấy. Thật ra trong lòng em rất tiếc nuối và rạo rực trào
dâng một nỗi niềm nữa vui nữa buồn khôn tả. Em hình dung lại hình ảnh của thầy
cô, của bạn bè… đôi chân em dường như muốn chùn lại, nước mắt lưng tròng.
Một hôm cô giáo chợt trông thấy gọi em vào, chúng bạn cùng
lớp vui mừng quấn quýt hỏi thăm, sau đó cô giáo lên tiếng kêu gọi các em học
sinh hãy mua bánh mì giúp bạn. Hôm ấy gặp dịp may nên bánh bán hết sớm. Trên
đường về nhà, lòng em lâng lâng nhẹ nhõm khoan khoái vì đã bán hết bánh rồi!
Nhưng, vài phút sau đó trong lòng em lan tỏa một nỗi buồn man mác… bởi bất ngờ
gặp lại thầy cô cùng các bạn và đón nhận tất cả những tình cảm thân thương mà
mọi người đã dành cho em.
Mấy hôm sau, cô giáo đến tận gia đình gặp mẹ tôi nhằm động
viên để em Nghĩa tiếp tục học hành, cô giáo nói “nhận thấy em Nghĩa học hành
chăm giỏi, tánh tình ngoan hiền mà bỏ dỡ việc học nữa chừng thì uổng quá! Nếu
hoàn cảnh gia đình có khó khăn thì cô giáo sẽ đóng góp một phần để giúp đỡ như
mua tập, sách, bút… hay giúp một phần tiền đóng học phí để em tiếp tục cắp sách
đến trường" cũng may, nhờ những tình cảm và sự quan tâm của thầy cô, em
tôi mới được tiếp tục đi học cho đến ngày tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xin
vào ngành sư phạm. Viết đến đây tôi chợt nhớ lại những mẫu chuyện kể ngày xưa
của các bậc cha ông về “Đạo nghĩa thầy trò" thật là quí hiếm vô cùng,
trong cái xã hội khốn cùng này vẫn còn có số người thể hiện được những tấm
gương sáng về "Đạo làm thầy".
Mặc dù 26 năm tù mới trở về, tôi chưa
có dịp gặp và viếng thăm để tỏ lòng biết ơn cô giáo của em tôi. Nhưng tôi hằng
đêm vẫn thầm nguyện cầu cho những ai là ân nhân đối với bản thân tôi hay gia
đình, mẹ già cùng các em dại trong thời điểm gia đình đang sống cảnh cơ hàn
khốn khó, dưới mái tranh nghèo, sống hẩm hiu và chịu đựng biết bao tủi nhục,
đau buồn bởi ách cai trị khắc nghiệt và nhũng lạm của các ông quan cộng sản địa
phương. Nguyện chư phật gia hộ cho quí ân công được an lành vạn phúc.
2. Trại giam Cà Mâu & những chứng tích thương đau sau ngày 30.4.1975.
Trại Giam Cà Mâu là nhà tù của chế độ cũ để lại, những song
sắt thưa nên thoáng rộng và mát mẻ, trại được xây dựng đúng tiêu chuẩn về diện
tích, không khí và ánh sáng lẫn nhà vệ sinh. Tuy nhiên vào thời gian này người
người khắp các tỉnh, thành đổ xô về đất Mũi để vượt biển ra đi, người đi thoát
cũng nhiều, người bị chìm tàu chết giữa đại dương chẳng ít. Số người bị bắt thì
hàng ngày một vài trăm người có đủ mọi tầng lớp thiếu, thanh, phụ, lão, ấu có
cả tu sĩ, văn nghệ sĩ trí thức, học sinh, sĩ quan binh lính... Cho nên dầu là
song sắt có thưa, có thoáng mát nhưng phòng quá đông người nên cũng khó thở,
không khí vẫn ngột ngạt, ghẻ chóc lây lan bởi vì khan hiếm nước… mọi người tắm
giặt chung trong một thau nên ghẻ ngứa nghẻ mủ nổi lên khắp thân thể.
Chúng tôi đến trại giam Cà Mâu cũng phải chấp hành theo một
qui định "Nhập gia tùy tục”, một qui định bất thành văn, rất tàn nhẫn,
phần lớn do những tên trưởng buồng tự biên tự diễn, tự đưa ra điều lệ rất
nghiệt ngã để bắt buộc mọi người phải biết cư xử, nể trọng bọn chúng. Qui định
trại giam Cà Mâu cũng giống như trại giam huyện Vĩnh Lợi, người tù nào mới đến
đều phải nằm ở gần cầu vệ sinh, tôi chuyển đến đây cũng ở phòng 2 và cũng nằm
gần cầu vệ sinh theo qui định. Vì phòng quá chật nên nằm ngủ phải trở đầu nhau,
những ngày đầu tiên, ngủ chung 5-6 người trong 1 chiếc mùng nhỏ, đêm nào tôi
cũng bị các anh nằm hai bên gác đôi chân đầy ghẻ mủ trên mặt.
Buổi sáng thức dậy còn nhớt nhợt, nhơm nhớp trên mặt trên
đầu kể cả những miếng vảy (mày) ghẻ, bốc mùi hôi tanh gớm ghiếc. Có hôm buổi
sáng chẳng có nước rửa mặt, mới đáng tởm làm sao! Vả lại theo qui định nơi đây
người mới đến đều bị trong vòng “cô lập" một thời gian. Tất cả mọi cử
động, đi, đứng, nằm, ngồi, tiểu, tiện, kể cả nói chuyện với người bên cạnh cũng
phải xin phép anh tổ trưởng. Mỗi phòng được tổ chức một ban đầu toán gồm 5
người. 1 Toán trưởng, 2 toán phó, 1 an ninh buồng, 1 thư ký buồng, 1 trật tự vệ
sinh. Trong phòng chia ra nhiều tổ, mỗi tổ có 1 tổ trưởng và 1 tổ phó. Ban đầu
toán là người ăn trên ngồi trước, hưởng đủ mọi quyền lợi ưu tiên, người có thăm
nuôi phải đem quà để biếu xén. Họ có quyền nên đưa ra nhiều qui định rắc rối,
họ nói ban giám thị tin nghe, họ vòi vĩnh những người có thăm nuôi như quà cáp,
tiền bạc…
Mọi người trong phòng nếu không có trách nhiệm được Ban đầu
toán công cử thì sáng sớm thức dậy đã bị bắt buộc phải ngồi tại chỗ, học nội qui,
ngồi cho tới trưa và từ 1 giờ 30 cho đến 5 giờ chiều, ngồi đến chai đít “chai
như đít khỉ ”. Ban đầu toán ra lệnh phải ngồi trong tình trạng “cô lập” cho đến
khi nào thuộc nằm lòng bản Nội quy và còn phân tích được rốt ráo ý nghĩa sẽ
được xem xét nới lỏng từng bước. Ngoại trừ những người nào bệnh nặng có xin
phép được sự đồng ý của Toán trưởng buồng giam mới được nằm. Hằng ngày, ban đầu
toán ngồi chễm chệ uy phong có người phục vụ trông cảnh ấy thật là chướng tai
gai mắt. Không có gì bực mình hơn khi mang tội danh đấu tranh chống bất công xã
hội mà khi sa cơ vào tù lại gặp bất công lộng quyền ngay trước mặt hằng ngày.
Đáng phê phán và lên án miệt khinh những tên mang tội “Chính trị” mà lại phỉnh
nịnh, a dua tâng bốc để được ưu đãi nhẹ nhàng lại còn lên râu bắt chẹt, hiếp
đáp những người cô thế. Có điều thực tế nói ra tôi càng thấy đau lòng, nghẹn
lời nhưng phải nói: “Những người làm trưởng buồng mà tôi đã trải qua tại phòng
2, trại giam Cà Mau, nếu họ là người của chính quyền chế độ cũ đều hoàn toàn
gian giảo và thâm độc, phần đông tánh tình ích kỷ hẹp hòi. Có lẽ họ quá sợ liên
lụy trách nhiệm nên không dám quan tâm giúp đỡ đồng tù, nhất là những người tù
chính trị. Không những thế mà có khi họ còn cười cợt tù chính trị cho là “bẻ
nạng chống trời”… Nên người nào được chỉ định làm trưởng buồng họ tuân thủ nội
qui 100% và tạo cho mình một chỗ đứng đầy quyền uy để tận hưởng. Tôi không muốn
kể tên những người có thành tích bất hảo ấy trên trang giấy này vì lòng từ bi.
Ngược lại thật trớ trêu, nếu những người cộng sản, có công kháng chiến sai phạm
pháp luật bị tù mà làm trưởng buồng thì phần lớn tánh tình rộng rãi, giảm bớt
nhiều qui định khắt khe, tạo không khí cởi mở, hài hòa, dễ chịu ít căng thẳng
trong phòng. Đây là điều khiến tôi có nhiều trăn trở và viết lên sự thật vì
chính tôi là người trong cuộc.
Mặc dầu ở nhiều nơi khác trong toàn quốc, nhà tù mọc lên như
nấm, không biết có khác hơn không… Chứ sau ngày 30/4/1975 hàng vạn binh sĩ miền
Nam đã bị bắt đi cải tạo, nhiều người đã bị chết dần chết mòn trong các trại
tập trung và nhiều người đã bị đem đi hành quyết. Bên cạnh đó với chính sách
cải tạo công thương nghiệp "Cải tạo tư sản" nhà cầm quyền Cộng sản đã
sung công quản lý tước đoạt tài sản của nhân dân. Trên danh nghĩa là thu vào
công quỹ nhưng thực chất là bỏ vào túi riêng "Túi tham không đáy" của
những tên tham nhũng cho nên đã tạo ra một tầng lớp mới đó là “Tư bản đỏ”.
Nhiều người quá tiếc của đã toan tự tử hoặc trở thành kẻ trắng tay, hay bị tâm
thần điên loạn, hoặc bỏ nước ra đi, sống tha phương cầu thực nơi đất khách quê
người. Những nỗi khó khăn chồng chất thêm cái cảnh mẹ góa con côi, những thương
binh tật nguyền, nhất là các trẻ mồ côi phải lang thang nơi đầu đường xó chợ
sống trong cảnh “Cầu sương điếm cỏ”của thời loạn ly vì họa Cộng sản.
Nhiều trẻ em
trở thành kẻ phạm tội, vì vi phạm pháp luật cho nên trong tù có những em bé
tuổi mới lên 10. Chúng được gởi vào các trại giáo dưỡng, hai chữ "giáo
dưỡng" nghe có vẻ thanh tao, nhưng những trận đòn roi và mọi hình thức kỷ
luật cũng lắm khắt khe, cũng cưỡng bức lao động cũng cùm quyện. Thời kỳ này
người vượt biên bị bắt quá đông, không đủ chỗ giam giữ, những người bỏ nước ra
đi từ 2 đến 3 triệu người. Họ đánh đố số mạng của mình với sóng to gió lớn của
đại dương, nhiều người đã bị chết chìm trên biển, bị cướp bóc, bị thảm sát, bị
hãm hiếp (hãm hiếp cả phụ nữ lớn tuổi cho đến các em bé gái còn ngây thơ bé
bỏng chưa đến tuổi thành niên). Họ thà thử nghiệm trong cơn hiểm nguy
"Thập tử nhất sinh" còn hơn sống dở chết dở dưới chế độ độc tài toàn
trị.
Thảm trạng thuyền nhân tìm tự do đã chết trên biển Đông, và
gần 300.000 người tạm trú trên Đảo Pulau Bidong trong những cuộc ra đi tìm tự
do. Tất cả là những bằng chứng mãi mãi ghi vào trong ký ức của mọi người dân
Việt như là những chứng tích đau thương của một giai đoạn lịch sử do Cộng sản
độc tài sắt máu gây nên.
Sau 30-4-75 các phong trào yêu nước tự phát đứng lên
đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền, đa nguyên đa đảng, đã bị nhà cầm quyền
Cộng sản Việt Nam bắt bớ giam cầm. Họ đã bị truy tố xét xử với những bản án khổ
sai lưu đày biệt xứ và bản án tử hình (tử hình không loại trừ phụ nữ có mang
thai). Tỉnh Minh hải lúc bấy giờ nhà đương quyền xây dựng thêm nhiều trại tập
trung cải tạo, có những địa điểm tới tận rừng sâu. Công an trại giam càng ngày
càng đông, vẻ mặt lúc nào cũng đằng đằng sát khí, vì nhà nước Việt Nam điều
hành chính quyền bằng Công an trị, còn Trung ương Đảng Cộng sản thì tuyệt đối
trung thành với Chủ nghĩa Mác Lênin.
Họ tôn thờ Chủ nghĩa ngoại lai mù quáng, một học thuyết bần
hàn, không tưởng, lạc hậu lỗi thời, không phù hợp với truyền thống dân tộc,
tình dân tộc nghĩa đồng bào hay tổ quốc chỉ là danh từ đầu môi chót lưỡi của những
kẻ cuồng vọng phi nhân.Cộng sản Việt Nam chuyên quyền độc đoán, độc quyền về
chính trị, báo chí, thông tin. Mọi người dân đều mất hết quyền tự do. Những
quyền căn bản của người dân bị tước đoạt, nhân quyền bị chà đạp, không có quyền
tự do ngôn luận, lập hội, tư tưởng, tôn giáo… Họ luôn duy trì chế độ độc Đảng
để đè đầu cưởi cổ nhân dân, họ thao túng trên chính trường để chia cho nhau tận
hưởng quyền và lợi.
3. Phúc tra với 2 ông thiện và ác… Cáo trạng ra tòa lần thứ hai.
Những ngày tôi bị thuyên chuyển đến trại giam Cà Mau, trước
nhất sự thăm nuôi của gia đình khá vất vả vì đường xa và tôi vẫn còn phải bị
phúc tra với hai tên chấp pháp là Trần Văn Ơn và Lâm Quang Dũng để xác định lần
cuối cùng kết quả điều tra lần đầu. Trước khi cơ quan điều tra kiến nghị khởi
tố lên viện kiểm sát nhân dân Minh Hải, hai tên Ơn và Dũng tôi xem như hai ông
thiện và ác. Trần Văn Ơn là con rễ của Nguyễn Viết Thống, Trưởng ty công an
tỉnh Minh Hải, tên này có sở trường nâng quan điểm và chụp mũ luôn lấy cái “lý
của kẻ mạnh” để buộc tội, một tên thâm hiểm, gian ác và tán tận lương tâm. Hắn
ta lúc nào cũng muốn người bị làm việc với hắn đều phải thọ lãnh bản án “Tử
hình" để chứng tỏ thái độ chuyên chính vô sản của y. Theo anh em kể lại,
Trần văn Ơn đã quy tội làm chết gần 20 người rồi, Ơn kết luận tôi 5 điểm như
sau: Huỳnh Văn Ba có tên gọi khác trong đạo phật là Thích Thiện Minh, động cơ
và nguyên nhân dẫn đến phạm tội của anh là:
- Vì hấp
thụ tư tưởng của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
- Vì ảnh
hưởng của nền giáo dục phản động và lạc hậu của ngụy quyền Sài Gòn.
- Vì theo
GHPGVNTN, một giáo hội đã từng là CIA của Mỹ và chủ trương chống cộng.
- Vì bản
chất cực đoan, kỳ thị chế độ của dân, vì dân và do dân nên đã mưu đồ rắp
tâm lật đổ chế độ.
- Vì đã
từng chống đối lại chính quyền địa phương và có hành vi hạ cờ nhà nước,
phản đối thành lập Ban đại diện GHPG trực thuộc Tôn giáo vận và Mặt trận
tổ quốc. Chỉ bấy nhiêu thôi, hắn ta muốn tôi phải lên đoạn đầu đài, chứ
không còn chừa đất để sống nữa!
Riêng anh Lâm Quang Dũng thì kết luận có khác, anh Dũng đúc
kết lần cuối 3 điểm như sau:
1. Vì đường lối của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam
không đi đúng theo di chúc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
1.
Vì nhà nước CHXHXHVN không thực hiện đúng chính
sách, như những lời cam kết và hứa hẹn của Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng bộ
ngoại giao của chính phủ Cộng Hòa Miền Nam VN, để cho miền Nam sống trong 5 năm
trung lập.
2.
Vì lấy cớ cho là Nhà Nước CHXHCNVN đã có ý đồ
đàn áp tôn giáo, trong đó có GHPGVNTN và đã bắt giam một số thành viên của Giáo
Hội Trung ương dựa vào những lý do trên, nên nhà tu đã tìm hướng khác mà đi.
Qua sự đúc kết này, tôi không biết có phải là bằng chứng để Viện kiểm sát đề
nghị bản án có sự châm chước tôi chăng?
4. Cuộc đấu khẩu với viện trưởng viện kiểm sátnhân dân tỉnh minh hải
Sau khi làm việc hơn một tuần lễ với hai tên chấp pháp nói
trên cho đến gần một năm sau đó tôi có làm việc với ông Nguyễn Ngọc Cơ tự là
Sáu Búa, Viện trưởng viện kiểm sat nhân dân tỉnh Minh Hải. Tôi muốn tâm sự
ngoài lề một chút, sở dĩ ông ta có biệt danh là Sáu Búa vì thời kỳ còn hoạt
đông trong rừng ông này phụ trách thi hành án tử hình. Một hôm nọ, tòa án xử tử
hình một bà lão trên 70 tuổi, tuổi đã gần đất xa trời, cụ bà bị khép vào tội
"làm điềm" tức là chỉ điểm cho quân đội VNCH. Đáng lý ra ông ta thi
hành án xử tử bằng mã tấu, nhưng đây là phiên tòa nhân dân lưu động đặc biệt,
nên khi xử xong là thi hành án ngay. Hôm đó ông không đem theo mã tấu bên mình,
nên đành tạm mượn 1 chiếc búa của dân làng. Ông phải cật lực và ra đòn đúng 6
nhát búa cụ bà mới tắt thở, sau đó dân gian loan truyền cụ bà bị hàm oan nên
khi chết đôi mắt cứ mở trao tráo, mà không chịu nhắm nghiền lại. Cho nên ông ta
"chết danh" với tên Sáu Búa và cho đến khi ông làm ở Viện kiểm sát hễ
bất cứ ai làm việc với ông ta thì chắc là khó sống, vì tội nhân chỉ nghe danh
thôi thì đã khiếp đảm, rỡn tóc gáy rồi! Hôm nay tôi làm việc trực tiếp với ông
ta, tôi cũng đã tiên liệu trước số phận của mình sẽ đi về đâu!
Trước khi bắt đầu kiểm tra, chất vấn và xác minh lại một số
vấn đề có liên quan đến vụ án, ông đã biểu thị thái độ nghiêm nghị, miệng cắn
chặt răng, nét mặt hơi cau lại. Sáu búa mắt nhìn tôi đăm đăm, lấy tay ra dấu
hiệu, mời tôi ngồi… Khi tôi đã ngồi, ông ta tự gật đầu với dáng bộ nghênh
ngang, ngồi chéo chân lắc lư cử động và tự giới thiệu là viện kiểm sát tỉnh
Minh Hải đến làm việc lần cuối trước khi đưa ra tòa xét xử. Câu đầu tiên sáu
Búa hỏi tôi: “Anh có sợ chết không?".
Tôi trả lời: "Mọi người trên đời này
chỉ chết có một lần, nhưng ai ai cũng muốn sống, và cũng chẳng có ai sống mãi
trên đời, nhưng sống hay chết như thế nào để có ý nghĩa, có ích cho đời đó mới
là điều quan trọng bởi vì “Tử đắc kỳ sở”. Tôi làm việc này để đồng bào được
sống đúng ý nghĩa của con người, đúng với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền theo
nghị quyết 217A ngày 10-12-1948".
Ông ta hỏi tiếp: “Sống đúng với ý nghĩa của Tuyên ngôn quốc
tế nhân quyền là như thế nào?". Tôi trả lời: "Phải có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Dân
quyền không bị tước đoạt, giá trị nhân phẩm của con người không bị chà đạp, mưu
cầu hạnh phúc bằng sự chân chính chứ không phải tóm thâu của kẻ khác đem về cho
mình làm chủ". Ông ta lại nói tiếp: “Nhưng, nếu chúng tôi đem anh xét xử với tội chết thì anh nghĩ thế nào?".
Tôi trả lời: "Nếu cần phải sống cho
sự nghiệp và lý tưởng được sống mãi ta phải cố sống và nếu cần phải chết cho sự
nghiệp và lý tưởng được sống mãi, đôi lúc ta cũng vui vẻ chết, đó là sự dũng
cãm hy sinh để trở thành bất tử, đối với nhà tu là thánh hóa linh hồn".
Sau đó tôi lại nói tiếp: “Vả lại ông biết
rồi đạo Phật chúng tôi chết là giải thoát". Ông ta nói: "Thôi đừng giảng đạo ở đây nữa, chừng
nào về chùa cứ mà giảng đạo, sợ không chịu nổi nửa mức án, chứ làm gì có thể về
chùa”. Thời gian làm việc hơn nửa giờ đồng hồ, hai bên cứ đấu lý qua lại
vẫn chưa đi đến đâu. Ông ta lườm nguýt tỏ vẻ khó chịu và hỏi tiếp: “Anh cho biết ai là người đứng đầu tổ chức
Trung ương của anh?"
Tôi trả lời: "Ở Trung
ương có Thượng Tướng Trần Văn Trà và Bà Nguyễn Thị Bình". Ông ta đổi
sắc mặt lấy tay vỗ bàn và nói một cách hằn học: "Tại sao anh lại dám khai hai đồng chí cao cấp của tôi, trong khi
hai đồng chí này có mấy chục năm tuổi Đảng, đã đóng góp nhiều cho cách mạng để
đem đến sự thành công vẻ vang như ngày hôm nay, mà anh cho rằng phản động như
anh vậy à! Tại Sao anh không khai cả tôi luôn đi, tôi tên là Nguyễn Ngọc Cơ tức
Sáu Búa nè!"
Khi nghe xong tôi tỏ thái độ và cử chỉ hơi nghiêng mình, như
đang ngắm nghía chăm chú kỹ càng một việc gì. Tôi nhìn ông ta bằng cặp hơi nheo
mày, nhíu mắt lại và nói: "Xin lỗi
ông tôi không phải là quan, chứ nếu tôi là quan thì tướng mạo của ông xin làm
lính tôi, tôi cũng không nhận, thì khai ông làm gì?".
Có lẽ bị cú sốc
bất ngờ như xối gáo nước lạnh vào mặt, ông Sáu Búa liền vói tay chụp lấy cái
bình trà để trên bàn và dự định ném vào người tôi. Tôi rất bình tỉnh và nói: "Tư cách một ông Viện trưởng viện kiểm
sát nhân dân cấp tỉnh, mà có hành vi thất sách đối với người tù chính trị tôn
giáo như tôi à!". Ông ta bừng tỉnh, dừng tay lại và quát to: "Đồ ngoan cố, mầy là tên phản động,
chuyên khuấy đục và bôi bẩn Đảng, mầy về đi!". Tôi biết ông ta bảo tôi
về phòng giam, như tôi giả vờ và nói: “Tôi
thật cảm ơn ông" rồi từ từ đi khoan thai ra cổng trại giam, tôi đi một
cách tự nhiên xem như chẳng có việc gì… Từ phòng làm việc ông Sáu Búa vội vã
chạy vù ra trước sân thật nhanh và nói: " Ê! anh đi đâu vậy!".
Tôi trả lời: "Đi về chùa, vì ông mới
vừa bảo tôi anh về đi mà!". Ông ta lớn tiếng: "Tôi bảo anh về buồng giam chứ ai bảo anh về chùa hồi nào? Tội anh
là tội chết, thứ ở tù rục xương mà đòi thả về à! Đồ bướng bỉnh, ngoan cố, loại
cứng đầu giờ này mà còn làm bộ vờ vịt nữa hả!”.
Sau khi làm việc với ông Sáu Búa, gần 3 tháng tức vào năm 1981
tôi nhận bản cáo trạng do cô nữ thư ký của tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải đem
đến tống đạt, và hơn tuần sau tôi nhận giấy quyết định xét xử của tòa án. Tất
cả chúng tôi gồm 21 người, ở 11 phòng khác nhau, mọi người đều chuẩn bị tư thế
sẵn sàng. Vào ngày cuối trước khi lên đường về Bạc Liêu để xét xử, những người
bạn tù ở tất cả 11 phòng giam nói trên họ gởi quà biếu thức ăn, nước uống… Đây
là một thông lệ dành ưu tiên cho tội "chính trị" nhằm khích lệ tinh
thần của các anh chị em vững tâm khi ra trước vành móng ngựa. Họ dùng một chiếc
xe tải loại to được phủ kín để áp giải 21 người, theo sau có đoàn xe vũ trang
tay súng sẵn sàng, công an mặc sắc phục tề chỉnh, mang đủ loại vũ khí, bảng tên
luôn đeo trước ngực. Tự nhiên tôi nhớ lại một bài thơ tù từ thời còn bé của ai
đó mà tôi đã quên tên tác giả:
Chẳng mất tiền mua cũng được khiêng
Vua quan, lánh mặt trẻ già kiêng
Đi tiêu có kẻ canh lầu phụng
Nằm ngủ có thằng gác động tiên
Ô tô xe Jeep vài ba chiếc
Đưa đón nhịp nhàng như cảnh thiên
Bánh, cơm chẳng tốn xu nào cả
Vinh hạnh còn hơn chốn cửa thiền...
Khi đến Bạc Liêu, chúng tôi ở tại phòng giam cảnh sát hình
sự tỉnh, nơi đây chúng tôi đã từng ở 2 năm về trước. Tôi còn gặp lại một vài
thường phạm quen mặt, hầu hết là những người có án nặng. Ngoài ra, số người tù
mới bị bắt vào tuổi trên 60-70 cũng khá nhiều, còn tuổi 13-16 khoảng vài mươi
cháu, mọi người quần áo rách nát, thân thể gầy còm, nước da xanh xao tiều tụy,
ghẻ chóc mọc đầy mình. Chúng tôi được thông báo sẽ bị xử công khai tại thị xã
Bạc Liêu để làm gương cho công chúng. Theo kinh nghiệm của những người ở tù lâu
khi nhìn xem bản cáo trạng họ đoán chắc chắn tôi sẽ bị "tử hình" nếu
căn cứ vào sắc luật 03 khoản A.
Tám giờ sáng ngày mai là phiên tòa xét xử, tối
đêm ấy tôi không sao ngủ được, đôi mắt cứ mở trao tráo, đầu óc suy nghỉ vẩn vơ
ý tưởng không tập trung. Tôi cố nằm niệm Phật và trông chờ trời sáng để xem số
phận của mình rồi sẽ ra sao! Nhưng bất ngờ, sáng sớm hôm sau, có hai chiếc xe
du lịch chạy đến phòng cảnh sát hành sự, tôi trông thấy có 4 người lạ xuất
hiện, họ ăn mặc thường phục trông rất gọn gàng đi ngang và ngó vào phòng giam
của chúng tôi. Sau đó họ quay lại ra lệnh cho công an trại giam, bảo 21 người
chúng tôi phải mặc quần áo nhanh chóng ra xe, hai người chung một chiếc còng số
8, khi ra tận xe lúc ấy chúng tôi mới được thông báo là phiên tòa đã bị đình
hoãn và chúng tôi lại quay về trại giam Cà Mau.
Ba tháng sau, tôi nhận được quyết định và bản cáo trạng thứ
hai xử theo sắc luật 03 khoản A+B, những người đồng tù cho biết những điều
khoản như vậy hy vọng là án chung thân, tuy nhiên cũng chưa chắc chắn thoát
khỏi án tử, duy có điều địa điểm xét xử tại tòa án, chứ không phải công khai
tại thị xã Bạc Liêu như trước. Lúc bấy giờ anh, chị em ở các phòng giam lại một
lần nữa gởi tặng quà biếu cho 21 người chúng tôi để liên hoan đưa tiễn. Mọi
người còn gởi quà kèm theo nhờ tôi chuyển đến biếu cho các anh em đang ở phòng
tử hình nếu tôi bị án "Tử" chuyển sang qua ở chung bên ấy. Nơi đó
dành riêng cho những người mang bản án cao nhất, bản án cách ly vĩnh viễn với
xã hội. Trước nhất là bị cách ly khỏi nhà giam chung, bị còng cả hai tay và hai
chân suốt ngày đêm, họ đang đợi hoặc là được tha tội chết để xuống án chung
thân hay là sẽ bị đem đi hành quyết. Thế là 21 người chúng tôi có dịp trở lại
phòng cảnh sát hình sự lần thứ ba.
Khi phiên tòa khai mạc, tôi nhìn thấy tại phòng xử án có
nhiều người vào ra liên tục, có nhiều đồng bào đến tham dự phiên tòa trong đó có
thân nhân của 21 người chúng tôi cùng các phật tử, xúc động nhất là có nhiều
phật tử lão thành tuổi gần 80 mươi, cũng lặn lội từ Ấp Cái Dầy Xã Châu Hưng đến
đây. Mọi người nhìn thấy tôi với đôi còng trên tay họ sụt sùi nức nở, nhiều
người xin phép anh công an đứng gác gởi biếu cho chúng tôi ít quà, tiền… Khi
tòa bắt đầu xét xử, trước nhất họ hỏi về lý lịch bản thân của từng bị cáo, sau
tới phần đối chất, gạn hỏi… tôi luôn là người bị gọi sau cùng.
Hôm ấy trước
vành móng ngựa, tôi nhìn thẳng và xoay hướng đối diện các ông viện kiểm sát,
ông chánh án và hội thẩm… Tôi hỏi vặn ông chánh án Ung Ngọc Uyển rằng: "Kể
từ ngày 15-6-1976, có hai phái đoàn do ông Phạm Hùng là bí thư Đảng bộ Miền
Nam, đại diện Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam và chính phủ cách mạng lâm
thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, còn ông Trường Chinh là đại diện cho Miền Bắc
Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hai bên đã tổ chức một cuộc hiệp thương chính
trị, để thống nhất tổ quốc, thống nhất hai miền Nam Bắc. Kể từ ngày này chính
phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và nước Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa đã hợp nhất trở thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, có chung
quốc kỳ, quốc huy, huy hiệu, quốc ca… Và lá cờ Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền
Nam đã bị khai tử. Thế thì tại sao quyết định khởi tố tôi lại ghi sắc luật 03
ký ngày 10-11-1967 của chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam
tức luật trong thời kỳ chiến tranh.
Như vậy, Hội đồng xử án hôm nay xin cho biết quý vị ngồi đây
là đại diện cho ai? Đại diện cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam
Việt Nam hay đại diện cho nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam?". Lúc
ấy ông chánh án Ung Ngọc Uyển, một tay trí thức thời Pháp, em ruột của ông Ung
Văn Khiêm, nguyên Bộ trưởng bộ ngoại giao nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cả
hai anh em đều du học tại Pháp về, ông Ung Ngọc Uyển cũng là một tay lý luận
già dặn và lão luyện có nhiều năm trong nghiệp vụ xử án, vội vàng lanh trí giải
thích rằng: “Tất cả những điều bị can hỏi
và trình bày rất đúng… cũng chính ngày 15-6-1976 tất cả các sắc luật của hai
chính phủ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam và Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa đã hệ thống hóa pháp luật trở thành bộ luật chung của nước Cộng Hòa Xã
Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Sở dĩ trong giấy quyết định không ghi rõ vấn đề này là
do sự hành văn sai sót của thư ký tòa, mà tòa án chúng tôi sẽ kiểm điểm lại
sau”.
Trong phiên tòa này ông
Ung Ngọc Uyển còn hỏi tôi: "Bị cáo
Thích Thiện Minh có thấy việc làm của mình gây ra tác hại cho nhân dân hay
không?". Tôi trả lời: "Bất
cứ tổ chức chính trị nào đấu tranh cũng đều dựa vào nhân dân, vì dân là gốc,
dựa vào sức mạnh của nhân dân, cùng nhân dân đấu tranh để đem đến quyền lợi
thiết thực và ấm no hạnh phúc thật sự cho nhân dân, mục đích của tôi cũng như
thế. Nếu có điều gì lỡ gây ra tác hại cho nhân dân đi chăng, đó là việc ngoài ý
muốn của tôi mà thôi!". Ung Ngọc Uyển hỏi tiếp: "Bị cáo có thấy việc làm của mình có tội với nhân dân hay không?
"
Tôi biện minh rằng: “Thưa quý tòa,
tôi thấy có lỗi với nhân dân! (lúc này cả hội đồng xử án gật đầu ra vẻ tâm đắc…
) sở dĩ tôi có lỗi với nhân dân là vì việc làm của tôi thất bại quá sớm, cho
nên dân khổ lại làm khổ thêm, dân đói lại làm đói thêm đó là vì trách nhiệm của
mình chưa tròn với dân với nước, một trong tứ ân mà người con Phật phải đáp
trả, chứ nếu thành công thì chắc chắn hôm nay tôi không đứng trước vành móng
ngựa này đâu!
Khi nghe tôi trả lời như thế, ông Ung Ngọc Uyển ra lệnh cúp
micrô và ông ta dùng những lời mạt sát nặng nề, cho tôi là bọn ma vương tà giáo
núp bóng đạo hại đời, phản bội tổ quốc. Kết quả qua hai ngày xét xử, toà thông
báo dừng nghỉ 20 phút để nghị án(nói nghị án, chứ thực ra các ông Tòa vào phòng
bên trong uống nước, vì họ đã định sẳn bản án rồi! Sở dĩ tôi biết được là gì
chính mắt tôi trông thấy họ ngồi uống nước, hút thuốc trong lúc tôi giả vờ xin
đi tiểu) sau 20 phút giải lao, ông Ung Ngọc Uyển Chủ tọa phiên toà đã nhân danh
luật pháp nước CHXHCNVN và tòa án tỉnh Minh Hải tuyên bố: “Tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải căn cứ vào điều… khoản A+B… của sắc luật
03 được ban hành ngày 10-11 năm 1967 của Chính phủ CMLTCHMNVN đã cứu xét và áp
dụng hết chính sách đối xử với bị cáo Thích Thiện Minh và kết án chung thân”.
5. Ra tòa phúc thẩm
Sau khi ra tòa được vài tháng thì trại giam Cà Mâu được lệnh
di dời về trại giam Cây Gừa tại Ấp 5, xã Thạnh Bình, huyện Giá Rai, tỉnh Minh
hải. Trại này giam giữ khoảng 1000 người tù cách trại giam 300 mét là trại cải
tạo Cây Gừa. Trại này giam giữ trung bình 5-6 ngàn người có khi lên đến 10 ngàn
người, nhất là thời kỳ tập trung cải tạo. Tên giám thị trưởng thường gọi là “Tám
Y” cấp bậc trung tá, nơi đây đã từng giam giữ các tù nhân tập trung cải tạo,
binh lính, hạ sĩ quan, sĩ quan và viên chức chính quyền chế độ cũ. Đông nhất là
thời điểm người người ồ ạt kéo nhau đi vượt biên tìm tự do, tìm sự sống… trung
bình mỗi ngày bắt vào trại vài trăm người, và mỗi ngày cũng có thể thả 5-7 chục
người là việc bình thường, phần lớn là những trẻ em, người quá già yếu bệnh
tật, phụ nữ có thai… Còn người khỏe mạnh cũng được thả nếu có tiền hay vàng lo
lót, cho nên ông trưởng trại và Ban chỉ huy ai cũng giàu có kếch sù. Còn trại
giam Cây gừa trưởng trại là Đại úy Võ Văn Tiến, hai ông quan này nuốt tiền như
hạm đói, bản chất nham hiểm, ác độc, tham lam vô cùng…
Cây Gừa là cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, hàng nghìn tù
nhân kể từ sau 30-4-1975 đã bị áp giải đến đây, ngày đêm lao động khai phá gian
nan, ra sức xây dựng từ buổi ban sơ cho đến khi được tươm tất, có nề nếp, có
nơi ăn chốn ở tương đối thì đã có biết bao người bỏ xác, và bao mồ hôi xương
máu của tù nhân đổ xuống mảnh đất dọa đày này! Chung quanh trại tù có nhiều nấm
mồ của tù nhân ngã xuống sau những lần phản đối đấu tranh trong tù đã bị công
an trại giam bắn ngay tại chỗ. Tôi còn nhớ chỉ sau ngày 30-4-1975 vài hôm, thì
ông xã trưởng chính quyền cũ thường được gọi là (ông xã Điểm) ông xã này trước
kia thường bắt nhiều việt cộng ban đêm bò ra gài mìn phá đường, phá lộ giựt sập
cầu và rãi truyền đơn…
Đến khi Sài Gòn đổi chủ, việt cộng tiếp quản chính quyền
thì ông xã Điểm bị đem xử tử tại xã. Trước khi xử bắn họ tập họp dân lại để kể
tội ông, dân theo Việt cộng dùng cây, kẻ dùng đá, đòn gánh đánh đập túi bụi,
đầu cổ ông bị giập nát, mình đầy máu me, máu tuôn chảy đầm đìa lênh láng mà họ
còn không buông tha. Trong khi hai tay bị trói chặt, miệng nhét đầy giẻ và thêm
một trái chanh rồi bịt miệng bằng một chiếc khăn đen, đã vậy mà hai ba người
còn dùng mấy cục đá thật to chạy đến đập vào đầu ông xã Điểm một lần nữa, trước
khi lôi kéo thân ông đến một gốc cây họ buộc thật chặt và bắn ba phát súng. Khi
nạn nhân ngã qụy tên trưởng toán đến bên xác nắm tóc lên và nả vào màng tang
một viên đạn gọi là “ân huệ sau cùng” trước khi kéo xác lấp vào hố.
Xin quay lại từ khi tôi dời đến trại Cây Gừa hơn một tháng
sau, tôi nhận được giấy quyết định phúc án của tòa phúc thẩm thành phố, ký tên
là thẩm phán Hoàng Vi Định. Thế là một lần nữa tôi có rất nhiều nghiệp duyên,
tức lần thứ tư tôi quay lại nhà giam của phòng cảnh sát hình sự tỉnh, tôi tạm ở
một đêm tại đây, đến sáng hôm sau phiên tòa phúc thẩm khai mạc. Đặc biệt lần
này hội đồng xử án đều là người Miền Bắc, chỉ có ông Viện kiểm sát là người Miền
Nam. Tất cả đều ăn vận những bộ vét tông đen rất oai vệ nhưng không giấu được
nét quê mùa với bộ mặt nham nhở hung ác. Từ người ngồi ghế chánh án cho đến hội
thẩm nhân dân đều có hàm răng đen khít rịt, không còn thấy kẽ hở. Tôi không
giỏi về “Ma y hình tướng” hay “Ma y thần tướng” nhưng nhìn thoáng sơ qua tôi
biết đây là thứ thiệt rồi! Tôi sợ bị ảo giác làm hoa mắt hoặc do trí tưởng
tượng quá mạnh có thể nhìn sai lệch chăng? Nên tôi cố chú tâm nhìn cho kỹ, tôi
đoán các ông tuổi ước chừng 60 - 70 và tôi cũng được biết cách đây 70-80 năm,
tục nhuộm răng đen còn duy trì ở miền Bắc. Nhưng nay, hầu như đã thay đổi hoàn
toàn, nếu còn chăng chỉ một vài nơi nào đó của người dân tộc thiểu số ở miền
núi phía Bắc, hoặc giả khi ngồi ghế quan tòa từ tòa án phúc thẩm trở lên hay
giám đốc thẩm… cần phải nhuộm răng đen để cho thấy cái "Uy Phong" của
những tên đao phủ "Răng đen Mã tấu" chăng?
Trong phiên tòa phúc thẩm
này ngoài tôi, mẹ của tôi, một đứa em trai của tôi là Huỳnh Hữu Nhiều còn chung
quanh vỏn vẹn chỉ có 4 tên công an áp giải và hội đồng xử án chỉ có 5 người
gồm: Viện kiểm sát, Hai hội thẩm nhân dân, Chủ tọa phiên tòa ghế chánh án và một
thư ký Phiên tòa xét xử không thông báo gia đình bị can, gần như xử kín. Sở dĩ
mẹ tôi biết được là nhờ đứa em chạy xe đạp (xe vua) tình cờ trông thấy.
Khi đứng trước vành móng ngựa ông chánh án hỏi tôi "Động cơ nào thúc đẩy anh tham gia
chống lại nhà nước Việt Nam". Tôi trả lời rằng: “Vì thấy đồng bào Việt Nam quá đau khổ, cuộc sống mất tự do, quyền con
người không được tôn trọng, GHPGVNTN bị khủng bố, đe doạ, các tôn giáo có nguy
cơ bị tiêu diệt. Bởi vì chủ nghĩa Mác LêNin cho tôn giáo là nha phiến, thuốc
phiện cần phải bài trừ, ngôi chùa tôi đang trụ trì bị chính quyền địa phương
hăm dọa, cưỡng chiếm làm cơ quan nên tôi đứng lên đấu tranh đòi lại sự công
bằng".
Ông Chánh án trừng đôi mắt rồi phân tích, lên lớp đủ điều rất
bài bản, ông ta nói: "Nào là do hậu
quả nặng nề của chiến tranh, của chính quyền Sài Gòn, của đế quốc Mỹ để lại..
Nào là đất nước đang trong thời kỳ qúa độ, cán bộ cơ sở trình độ còn hạn chế… Bị
can không biết thông cảm cho hoàn cảnh của đất nước để góp phần xây dựng xứ sở
mà còn lại nhen nhóm chống đối, âm mưu lật đổ chính quyền, luôn có tư tưởng
phản động, là mơ tưởng hão huyền ôm chân đế quốc Mỹ và bọn sen đầm quốc tế hiếu
chiến… Nào là hàng vạn ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn, quân đội viễn chinh Mỹ có
đủ các loại khí, vũ trang hiện đại, xe tăng, tàu chiến, máy bay… mà còn phải cút
chạy, còn đầu hàng vô điều kiện, thì những tổ chức chỉ nhen nhóm 5-3 mươi người
bất mãn, mang tư tưởng căm thù chế độ, không có tấc thép trong tay thì làm được
gì, chỉ là lấy trứng chọi đá và chỉ đưa mình vào miệng cọp mà thôi!”… Tên
chánh án 'Lên lớp' gần 20 phút, nhiều lần tôi đưa tay lên để có ý kiến, để phản
biện nhưng ông ta từ chối hoặc né tránh sự đấu khẩu giữa hai bên.
Cuối cùng phiên tòa kết luận, giữ nguyên y án chung thân đối
với tôi và đề nghị tòa án nhân dân Minh Hải không được hủy bỏ các chứng cứ và
hồ sơ vụ án của bị can, mà cần giữ lại vào kho lưu trữ. Đồng thời nghiêm khắc
kiểm điểm tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải (tòa án sơ thẩm) vì xét xử vụ án của
Thích Thiện Minh chưa được thích đáng. Nghe đến đây tôi biết các ông đao phủ
răng đen này cũng muốn tặng cho tôi vài phát súng và một viên đạn ân huệ sau
cùng lắm, bởi lời phát biểu của ông toàn là “đao to búa lớn”, sặc mùi hận thù
giai cấp. Phiên tòa vừa kết thúc, ngay sau đó hai tên công an chạy đến còng đôi
tay tôi rồi áp giải lên xe, tôi chỉ kịp quay lại phía sau hàng ghế để nhìn mẹ,
nhìn em trai.
Tôi thấy mẹ tôi đang lấy khăn tay lau nước mắt… tóc mẹ tôi
bạc trắng cả mái đầu, em trai tôi nước da sạm nắng, thân gầy ốm và cao lêu
nghêu vì hàng ngày em phải đạp xe lôi vua bằng chính đôi chân của mình, phải đổ
thật nhiều mồ hôi mới có đồng tiền đem về mua gạo. Ngoài ra em còn dành dụm
chút ít đưa cho mẹ đến thăm nuôi tôi. Mỗi khi tôi nhận tiền thăm nuôi mẹ tôi
gởi cho, tôi biết đây là máu, mồ hôi của em tôi đấy! Sau khi xử phúc thẩm xong
trên đường áp giải tôi về trại giam Cây Gừa xe dừng lại tại chợ “Hộ Phòng"
đây là một thị trấn sầm uất, có khá nhiều phố xá, trước kia quang cảnh thật
nhộn nhịp, người buôn, kẻ bán vào ra tấp nập, xe cộ đông đúc. Nhưng bây giờ sau
khi cộng sản chiếm chính quyền mới 6 năm thôi mà quang cảnh tiêu điều, hàng hóa
it ỏi, người đi thưa thớt trông rất buồn tẻ. Vài tên công an xuống xe rẽ đám
đông của tốp học trò đi ngang qua, họ tấp vào phố chợ; trên xe chỉ còn lại vài
tên đứng canh giữ tôi.
Bỗng từ xa xa, quý đồng bào cô bác đi chợ nhìn lên trên xe
trông thấy đôi tay tôi đang bị còng, chung quanh có công an đứng gác. Mọi người
biết là tù nhân thôi! chứ chẳng biết tôi là ai và mang tội gì cả. Họ liền khều
tay rủ nhau kẻ mua quà bánh, người mua thuốc lá, dầu gió… cùng nhau mon men đến
gần xe để quăng lên cho tôi. Mấy tên công an la hét xua tay và nói: “Mấy bà không được đến gần xe, không được
cho quà phạm nhân! Mấy bà biết anh ta phạm tội gì không? Tội phản động, âm mưu
lật đổ chính quyền đấy! mới vừa xử án chung thân đấy!”
Trong đám đông có
một bà trả lời: "Tội gì mặc kệ chúng
tôi không cần biết, miễn thấy kẻ tù tội, hoạn nạn là tụi tôi cho thôi!”. Có
một cụ bà tuổi trên 60 đi bên đứa cháu gái, bà lên tiếng “Tụi mầy nói chú ấy là tội âm mưu lật đổ chính quyền hả! Lật đổ chính
quyền là đúng, là phải rồi, chứ tụi mày đã làm nhân dân khổ quá nhiều rồi, mà
để cho tụi mày cầm quyền hoài, thì chắc nhân dân từ từ phải chết lần chết mòn
hết, chứ không còn ai sống nổi đâu!”. Lúc ấy hai tên công an vội vã đóng
bửng xe và kéo tấm bạt bằng cao su phủ xuống. Ngồi trên xe tôi suy nghĩ lại mấy
lời nói của bà con cô bác vừa qua, tôi có thể quyết đoán được lòng dân hiện tại
đang mong muốn những gì rồi!
6. Trại cải tạo cây gừa…
Sau khi ra tòa phúc thẩm giữ y án chung thân. Một hôm ông
Lâm Quang Dũng người kiểm tra kết cung lần cuối trước khi khởi tố vụ án, người
mà tôi cho là ông “Thiện”đã đến tận phòng tôi, gặp tôi ông ta nói: “Anh Ba Minh! anh có muốn chuyển sang trại
cải tạo Cây Gừa để đi lao động cho có sương, có nắng không? Chứ ở đây thiếu ánh
nắng vì tối ngày chỉ ở trong phòng hoài, anh sẽ bị gò bó tù túng dễ sinh bệnh
lắm!”. Tôi trả lời: “Cảm ơn ông Ban
là nhà tu ở đâu cũng được, vì nơi nào có người tin Phật thì nơi ấy cũng cần có
hình bóng của thầy tu và ngược lại nơi nào có hình bóng của thầy tu thì nơi ấy
cũng có người tin Phật. Tuy nhiên muốn được thuận duyên ở trong nhà tù thì cũng
không dễ dàng gì! thôi thì tùy ông Ban vậy!”. Ông ta nói tiếp: “Ngày mai tôi sẽ đề xuất đưa một số người
thành án chuyển sang bên ấy để đi lao động, anh hãy chuẩn bị thu xếp đồ đạc, tư
trang đi”. Sau đó ông ta từ giã ra cửa và còn ngoái lại miệng mĩm cười nói:
“Cố gắng giữ sức khỏe nhé anh Ba Minh”.
Hai ngày sau tôi cùng một số anh em đồng tù chuyển sang trại cải tạo Cây Gừa.
Đến đây họ khám xét, lục soát rất kỹ lưỡng tư trang và thân thể, họ tịch thu
khá nhiều đồ đạc, rồi đưa chúng tôi vào nhốt ở một khu giam riêng, cách ly hẳn
tất cả mọi người trong trại. Khi tôi đến đây thì gặp lại một số người quen đã
từng ở chung tại các trại giam Bạc Liêu, Cà Mau, họ cũng đều là tội chính trị
cả. Khu vực giam riêng này rất kiên cố và kiểm soát chặt chẽ muốn vào tới phòng
giam phải qua ba bức tường cao, bên trên đổ nóc bằng có cả một tiểu đội công an
ăn ở, sinh hoạt, canh giác ngày đêm. Phía dưới có hai dãy, mỗi dãy 6 phòng mặt
hậu liền nhau cùng chung một vách, dãy phòng phía trước giam giữ tù chính trị
trong nước, dãy phía sau giam giữ tù chính trị hải ngoại, gồm lực lượng quân sự
và bán quân sự, thuộc tổ chức của hai ông Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh. Sở dĩ tổ
chức này bị bắt là do cộng sản Việt Nam đưa công an đặc tình (tình báo đặc biệt
) cài vào đi vượt biển, để sang Thái Lan xâm nhập vào các tổ chức chính trị
hoạt động phản gián. Theo lời nhiều người kể tên công an được cài cắm phá vỡ tổ
chức này tên Thậm còn gọi là Tám Thậm cấp bậc trung úy là công an trại cải tạo
Cây Gừa.
Hiện nay anh ta mang quân hàm cấp bậc Đại tá, nguyên là giám
đốc công an tỉnh Cà Mau. Đại để những lời thiên hạ đồn đại bàn tán về tên Tám
Thậm như sau: Tám Thậm là một trung úy có trình độ học vấn thấp, tánh tình
ngang bướng, kênh kiệu, ăn nói hằn học, vẻ mặt vênh váo, trông rất bậm trợn với
hàm râu quai nón. Lúc đang công tác tại trại cải tạo Cây Gừa, tên này thường bị
nội bộ trại giam kiểm điểm liên tục vì thường xuyên vi phạm kỷ luật nội bộ và có
nhiều khuyết điểm về mặt đạo đức, công tác.
Nhiều lúc anh ta biểu hiện sự bất
mãn, nên thường có những mối quan hệ tiếp xúc rất gần gũi với các sĩ quan của
chế độ cũ đang học tập cải tạo. Ở trại Cây Gừa những người tập trung cải tạo bị
cấm uống rượu, nhưng Tám Thậm thường xuyên mua rượu và tổ chức những cuộc nhậu
nhẹt say sưa với các sĩ quan này. Thực ra đây chỉ là màn dàn dựng để anh em tù
cải tạo của chế độ cũ tin tưởng Tám Thậm để hắn xâm nhập mà thôi. Vì thế từ chỗ
quen biết, đi dần đến chỗ thân tình. Tám Thậm đã cùng với các sĩ quan nầy lấy
tàu của những người vượt biên bị bắt neo đậu tại trại, tổ chức vượt biên sang Thái.
Lúc đầu, anh ta có ý định giúp các sĩ quan trốn trại ra đi theo sự sắp xếp của
lãnh đạo đảng ủy. Thế nhưng trong lòng anh ta cũng hi vọng rằng các sĩ quan sẽ
giới thiệu, công lao giúp đỡ của anh với Cao ủy Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc hy
vọng mình sẽ được phỏng vấn sang định cư ở nước thứ ba. Nhưng khi đến Thái thời
gian hơn 2 năm, mọi người cùng chung chuyến hải trình với anh đều lần lượt được
phỏng vấn ra đi định cư nước khác, còn anh chỉ biết chờ đợi… anh cảm thấy bị
hụt hẩng, thất vọng.
Lý lịch ba đời là cộng sản có truyền thống cách mạng của gia
đình, Cao ủy Tỵ nạn khó cứu xét, thế là ước mơ của anh đã vượt khỏi tầm tay và
giấc mộng đẹp của anh cũng không thành sự thật. Vì vậy khi nghe được lời kêu
gọi tham gia vào tổ chức chính trị của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh anh ta sốt
sắng ghi tên tình nguyện tham gia tổ chức. Anh được tổ chức nầy cho học tập,
huấn luyện và tài trợ đủ mọi mặt… đến khi có chiến dịch “Chuyển lửa về quê
nhà" anh cũng được lệnh vận chuyển, vũ khí, tiền bạc, quân trang quân dụng
của tổ chức này về mật cứ ở trong nội địa Việt Nam, anh là người được phân công
cầm cờ đi tiên phuông hướng đạo.
Khi tàu cập bến, anh được giao nhiệm vụ bò lên
bờ trước để do thám tình hình, nên thay vi do thám anh ta đã thông báo cho cơ
quan an ninh và chánh quyền cơ sở nơi tàu cặp bến. Công an, quân đội và du kích
địa phương ồ ạt đến bao vây, chặn bắt và tịch thu tất cả vũ khí, máy móc, điện
đài và một số tiền giả khổng lồ. Kể từ đó anh được xem như là một vị anh hùng
vì đã lập được đại công, anh bắt đầu ba hoa, khoe khoang thành tích và vỗ ngực
tự hào, huênh hoang kiêu ngạo là tự chính anh đã tìm mọi cách để sang Thái xâm
nhập vào các tổ chức phá vỡ những âm mưu lật đổ chế độ từ hải ngoại.
Nhờ ba tấc lưỡi khéo
nói anh tỏ ra mình là người có chí lớn, vì đại cuộc, vì quyền lợi sống còn của
nhân dân, của Đảng, báo chí lúc ấy cũng hết lời tâng bốc ca ngợi cho là nhờ sự
giáo dục và rèn luyện của Đảng nên anh Tám Thậm đã làm nên một chiến công hiển
hách đem về vinh quang cho đất nước. Thỉnh thoảng trong các tiệc rượu anh còn
ví mình đã noi gương Bác Hồ một thân một mình bôn ba xuất dương tìm đường cứu
nước. Từ đó anh được phong quan tiến chức thật nhanh. Anh đã lừa được mọi người
và thành công chỉ là nhờ "Chủ nghĩa cơ hội" chứ không phải là
"chủ nghĩa xã hội".
Lúc nào anh cũng hãnh diện với câp bậc được phong
thưởng về tài trí của mình nên luôn tỏ vẻ hống hách kiêu căng và xem thường mọi
người, của một ông công thần. Nhận xét trên đây của một số người từng là đồng
chí, từng công tác chung với anh thuật lại, chứ anh không phải là B2 gì cả, nhờ
có công nên anh được xem xét đề bạt rút về ngành này. Bởi tài năng của anh rất
là bình thường, trình độ văn hóa rất tồi… đảng cộng sản không dùng đại loại
những tên như vậy để làm công tác tình báo quốc tế bao giờ. Đôi khi, người đời
cũng thường thốt lên"Hay cũng không bằng hên mà!".
Nãy giờ mãi mê đi khá xa xin quay về khu kỷ luật giam riêng
nơi tôi ở, như tôi đã trình bày, trên nóc bằng nhà giam riêng có hơn một tiểu
đội công an trực tiếp ăn ngủ canh gác ngày đêm. Nhất cử nhất động của chúng tôi
đều có sự kiểm soát của họ, trung bình 2-3 tuần dãy phòng phía trước sẽ được mở
cửa cho tù nhân ra ngoài sân tắm nắng một lần vào buổi sáng, riêng phòng tôi
luôn bị trù dập nên ít được tắm nắng như các phòng khác… còn dãy phòng phía sau
của tổ chức hải ngoại họ được hưởng tiêu chuẩn chế độ, vật dụng cần thiết được
cấp phát tạm tương đối, tắm nắng mỗi ngày hai lần sáng, chiều.
Người tù từ hải ngoại
về bị bắt trong thời gian làm việc để điều tra có chính sách ưu đãi hơn vì
nhiều lý do. Thỉnh thoảng các anh em thông tin cho chúng tôi biết những tin tức
từ hải ngoại và ngược lại chúng tôi cũng thông báo cho họ mọi hiện tình của đất
nước. Trong số những anh em này có một vài người đã biết tôi cách đây khá lâu,
nhưng tôi đã quên bẵng, sau khi được nhắc lại thì ra họ một thời cũng đã từng ở
nơi này, lúc bị bắt đi tập trung cải tạo, chính quyền mượn trường học Cây Gừa
làm nơi giam giữ chứ lúc ấy chưa thành lập nhà tù như hiện nay.
Theo cộng sản vô thần bản tánh
Nên Phật trời thần thánh chẳng tin
Lại dùng lời chia rẽ miệt khinh Phá Thánh Thất, Chùa, Đình, ngôi Tam Bảo
Phá Nhà Thờ bắt Cha, Thầy đi cải tạo chứng tỏ rằng việc đạo
có âm mưu dùng trường học làm khám để nhốt tù... Bao tội lỗi oán thù cao như núi! Câu
chuyện họ gợi nhắc lại có liên quan đến tôi như sau: Đó là thời gian 2-3 năm,
trước khi tôi bị bắt, tôi được Hòa Thượng Thích Trí Đức chánh đại diện GHPGVNTN
tỉnh Bạc Liêu phân công tôi trực tiếp đến chùa Từ Quang, Ấp Cây Gừa, xã Thạnh
Bình, huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải để mở phòng thuốc Nam, châm cứu từ thiện.
Ngôi chùa này chỉ cách nơi tập trung cải tạo tức trường học Cây Gừa khoảng hơn
1 km. Hằng ngày bộ đội của 2 tiểu đoàn U Minh 1 và 2 thuộc tỉnh đội Minh Hải
đến trại cải tạo lãnh tù nhân đi lao động để xây dựng doanh trại cho 2 tiểu
đoàn.
Tù nhân xếp hàng một, đi kéo dài gần nửa cây số, hai bên
đường đều có bộ đội canh giữ nghiêm ngặt. Cấm không được quan hệ hay tiếp xúc bất
cứ người dân nào trên đường đi. Lúc họ đi ngang chùa tôi trông thấy hầu hết là
những người đứng tuổi, nước da đen nám, thân thể gầy ốm, gương mặt hốc hác có
người đi lảo đảo vì đang bị bệnh, nhiều người mang dép khác quai, đa số quần áo
đều bị rách nát; khâu vá nhiều mảnh vải khác màu, hoặc lấy dây buộc tạm cốt sao
cho lành lặn, ấm kín thân thể để chịu đựng với mưa nắng hàng ngày. Tôi tìm hiểu
thì biết phần đông là gia đình ít đến thăm nuôi, ăn uống thiếu thốn không đủ
chất dinh dưỡng, bệnh đau không đủ thuốc, nước tắm cũng thiếu, hằng ngày không
có đủ nước sạch để uống. Nhiều người bị bệnh sốt rét, phù thủng, bại liệt đang
nằm quằn quại, rên siết dưới nền nhà, không có giường, chiếu, chỉ có đồng tù là
nguồn động viên an ủi, nhưng đa phần ai cũng khổ cả.
Thấy tình trạng như thế
tôi bèn tìm một phật tử có quen biết với ông Tổng trực ban cấp bậc Thượng úy
tên Ba Đô, còn gọi là Ba Giò để ngỏ ý: “tại
chùa Từ Quang có hốt thuốc Nam, châm cứu. Nếu anh em cải tạo nào có bệnh xin
quý vị vui lòng cho phép họ đến chùa tôi sẽ giúp điều trị bệnh miễn phí”. Mấy
ngày sau ông Thượng úy Ba Đô trả lời rằng: “Sau
khi tham khảo ý kiến của lãnh đạo, nhà trại sẵn sàng cho phép cải tạo viên có
bệnh được đến chùa điều trị với điều kiện nhà chùa phải làm đơn gởi đến Ban
lãnh đạo trại cải tạo Cây Gừa tỉnh Minh Hải, nên nói rõ nội dung”. Thế là
tôi phải làm đơn "Xin phép được làm phước" sau đó khoảng vài hôm, mọi
người cải tạo được đến chùa trị bệnh, trong số ấy có nhiều sắc lính khác nhau
như: Cảnh sát đặc biệt, an ninh quân đội, trưởng đồn, quân cảnh, biệt kích Mỹ
có đủ cả sĩ quan lẫn hạ sĩ quan…
Mỗi ngày có khoảng 5-10 người đến chùa trị bệnh, khi hốt
thuốc xong ra về sư cô Thích Nữ Huệ Giác Trụ trì chùa Từ Quang còn biếu cho mỗi
người một bọc tương hột, bánh dừa, trái cây. nón lá hoặc cao su che mưa. Thậm
chí thêm một cục thuốc gò hay thuốc tấp cho anh em đỡ buồn. Điều an ủi nhất đối
với mọi người là mỗi tuần tôi về Bạc Liêu tìm địa chỉ gia đình của họ thông báo
để khi mọi người đến trị bệnh sẽ gặp người thân của mình hàn huyên tâm sự thoải
mái. Nhưng đây chỉ là việc giúp đỡ kín đáo thôi, chứ chẳng dám công khai, nếu
công an biết được là bị cấm ngay và nhà chùa còn bị tai họa nữa! Có người sau
khi mãn học tập cải tạo về rỗi rãnh đưa gia đình vợ, con đến chùa lễ phật, thăm
viếng và nói lời cảm ơn. Không những họ đến chùa Từ Quang nơi tôi hốt thuốc để
cảm ơn mà còn đến cả ngôi chùa Vĩnh Bình, ngụ tại ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng,
huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, nơi tôi làm tọa chủ nữa!
Cho đến giờ phút này tại gia đình, lúc tôi đang ngồi ghi lại
hồi ký sau 26 năm tù, tôi vô cùng bất ngờ và thật xúc động khi đón nhận được
quà biếu, tịnh tài từ hải ngoại gửi về ít nhiều để giúp tôi điều trị bệnh.
Trong đó có những người tôi chưa quen và có những người đã quen biết tôi, có
những người đồng hương tại Bạc Liêu, hiện định cư tại Hoa Kỳ, họ biên thư về
nhắc lại chuyện cũ ngày xưa…
Lúc họ đang bị tập trung cải tạo tại trường học Cây Gừa. Sau
đó có người đi theo diện "HO", có người vượt biên sang nước khác. Theo
tôi nghĩ, với qui luật nhân quả và báo ứng rất nhiệm màu, rất công bằng, biết
đâu cũng chính nhờ những việc làm lợi tha nho nhỏ này mà suốt 26 năm tù mỗi khi
tôi đối diện trước cơn hoạn nạn hay quẫn bách khó khăn, thì lúc ấy tôi lại được
quới nhơn tận tình giúp đỡ như gặp được Phúc tinh, như có sự ứng hiện của các
vị thiên thần, thiên sứ của các đấng thiêng liêng giúp tôi thoát qua được cảnh
khốn khổ nguy nàn.
Tôi tuyệt đối tin tưởng sự báo ứng của luật nhân quả. Cũng
như tôi đã trình bày trên, sự giúp đỡ của Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đức Đệ
Tứ Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng viện Hóa Đạo GHPGVNTN,
quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Hội ân Xá Quốc tế ở Luân Đôn, quý chư tôn
pháp quyến và những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân, những người đồng hương
Bạc Liêu trong đó có những anh chị thân nhân con của người cô thứ Năm, có người
gởi trực tiếp, có người gián tiếp thông qua đường bưu điện bảo đảm hoặc Cô Đoan
Trang giám đốc của đài phát thanh Quê Hương hay ông Võ Văn Ái giám đốc phòng
thông tin Phật giáo quốc tế hoặc GHPGVNTN tại các Châu lục hải ngoại.…
Tôi xin ghi nhận những nghĩa cử cao đẹp này là những tấm
lòng vàng và xem đây là những dấu ấn mang nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong suốt
cuộc đời hành đạo của mình. Sau 26 năm tù đày vừa được trả tự do, trong lúc
thân thể bệnh hoạn, gia đình đang khó khăn, mái chùa cũng không còn, mọi việc
khá khó khăn trong buổi ban đầu để hội nhập với xã hội có quá nhiều mới mẻ
tưởng chừng như khá xa lạ. Sự hỗ trợ của quý ân nhân là động lực khích lệ tinh
thần, là niềm an ủi lớn lao không có bút mực nào tả hết. Đây chính là nguồn
động viên cổ vũ, mạnh mẽ về tinh thần để làm tăng thêm nghị lực của những ai
đã, đang và sẽ dấn thân đấu tranh vì dân tộc và đạo pháp. Tôi hằng cầu nguyện
cho những bậc ân nhân luôn được vạn sự bình an, muôn điều lợi lạc.
a.
Nghiệp từ kiếp trước (Túc
trái), tiền hung hậu kiết:
Xin nói về khu vực giam riêng nơi chúng tôi đang bị cách ly
tại trại cải tạo Cây Gừa. Bản thân tôi luôn nhớ mãi một câu chuyện như còn in
trong trí như sau: Trong số một tiểu đội trực tiếp canh gác ngày đêm trên nóc
bằng phòng giam riêng nầy có một anh cán bộ còn rất trẻ tuổi, khoảng 19-20
trình độ văn hóa lớp 8-9 tên là “Tài”. Anh ta rất ác cảm với cá nhân tôi, có lẽ
từ kiếp trước, tôi với anh ta có những thành kiến hay gieo những oan nghiệp gì
cho nhau nên kiếp này còn gặp lại! Tôi trông nét mặt, cung cách, cử chỉ dáng đi
đứng của anh ta là tôi không thể có cảm tình được rồi, còn anh ta cũng vậy! Anh
tâm sự với vài bạn đồng tù chính trị trong các phòng bên cạnh như anh Thái Kim
Lái, Đặng Văn Hai, Huỳnh Ngọc Châu là anh không cần trông thấy tôi mà chỉ nghe
tiếng nói của tôi thì anh đã phát ghét rồi, mặc dầu tôi chẳng có làm gì đụng
chạm đến anh ta, tôi là tù nhân còn anh là tên cai tù thế thôi. Bởi mỗi khi
nhìn thấy dáng đi hống hách kênh kiệu, nghe lời nói láu lỉnh, thô thiển của anh
ta, tôi cho anh ta là thuộc dạng tinh nghịch nên tôi chẳng muốn nhìn lâu.
Anh ta cũng biết tôi chẳng ưa thích gì anh, từ đó mỗi khi
gia đình tôi gởi quà thăm, hôm nào đúng phiên anh ta trực, anh ta không mở cửa
phòng cho đem vào mà để giỏ thức ăn phơi nắng, phơi sương ngày đêm cho đến khi
hư thối! còn các phòng khác thì anh ta mở cửa bình thường, cũng như gia đình
tôi có cho tiền gởi lưu ký căng tin, anh cũng không hề thông báo để tôi biết mà
định liệu chi tiêu. Tôi cũng mặc nhiên, nhiều lúc suy nghĩ cũng cảm thấy bực
tức, nhưng sau đó tôi cho là nghiệp cảm mà thôi! Tài có một người anh rể cấp
bậc trung úy là cán bộ an ninh điều tra, ác ôn có tiếng cuả trại giam này. Hai
vợ chồng vị trung úy này ở nhà của cơ quan do trại giam cấp. Có lần vợ của viên
trung úy tức chị ruột của anh ta, sau khi sinh đứa bé đầu lòng thì bị bệnh sưng
nhũ hoa (sưng vú) căng phồng thật to màu đỏ sẩm, đau nhức vô cùng. Lúc bấy giờ
thuốc Tây khan hiếm, bệnh viện lại xa nên hai vợ chồng viên trung úy nghe dân
chúng quanh vùng giới thiệu rằng " Ở chùa Từ Quang Cây gừa cách đây chừng
2 cây số có một ông thầy hốt thuốc nam, châm cứu hay lắm! Hai anh chị nên đến
đó để nhờ ông thầy chữa trị cho” mấy hôm sau hai vợ chồng vị trung úy đến chùa
Từ Quang. Sau khi hỏi thăm và tiếp xúc biết rõ hai vợ chồng vị trung úy đang
công tác tại trại cải tạo Cây Gừa, Bà Ni sư trưởng Thích Nữ Huệ Giác trụ trì
chùa nói rằng: "Ông thầy Thích Thiện
Minh bị ở tù ba năm rồi, hiện đang ở trong trại của ông đấy! Hảy vào nhờ ông thầy
ấy giúp cho".
Khi hai vợ chồng về đến trại giam tìm tên tôi biết được tôi
đang ở phòng biệt giam nơi người em vợ tức cán bộ trẻ rắc rối tên Tài đang canh
giữ. Vị trung úy mới bảo với Tài nhờ tôi giúp trị bệnh dùm cho chị ruột của anh
ta. Sáng hôm sau, bỗng nhiên tên công an Tài từ ngoài đi xăm xăm thẳng vào mở
cửa phòng biệt giam của tôi và nói: "Hôm
nay trời nắng tốt quá! Các anh ở trong phòng hãy ra sân tắm nắng đi!”. Rồi
anh ta bỏ đi lên trên nóc bằng, anh ta đi tới đi lui thỉnh thoảng ngó liếc xuống
tỏ vẻ như muốn nói điều gì. Tôi và các anh em trong phòng tất cả 5 người ra sân
tắm nắng mọi người ngó nhìn nhau, đều suy nghĩ! hôm nay tên Tài sao cảm thấy lạ
quá. Tại sao thằng ranh con này hôm nay tốt thế! Đặc biệt là chỉ mở cửa phòng
tôi mà không mở cửa cho các phòng kề bên…
Tôi đoán chừng anh ta muốn nói gì
đây! Thật đúng y như rằng, mấy phút sau anh cán bộ nhãi con này đến đứng ngay
trên nóc phòng tôi nhìn xuống trông dáng hiền lành, miệng mĩm cười nhưng với vẻ
hơi ngượng và nói: "Ông Ba Minh, cho
tôi xin hỏi một tí, bộ trước kia khi còn ở ngoài đời, chưa bị tù ông có hốt
thuốc nam, châm cứu ở chùa gần đây hả?".Tôi trả lời: "Trước kia tôi không phải ở ngoài đời
gì cả mà ở chùa, tôi có hốt thuốc nam, châm cứu. ông hỏi để làm gì bộ muốn điều
tra lý lịch hả? Muốn làm việc với tôi thì phải có nơi có chỗ?". Anh
cán bộ Tài miệng mĩm cười: "Tôi hỏi
để nhờ ông thầy giúp đỡ chứ không có điều tra lý lịch gì đâu, sao ông khó quá
vậy!". Tôi liền hỏi: "Ông
muốn nhờ tôi giúp đỡ gì?".
Anh cán bộ Tài thuật lại đầu đuôi về việc
vợ chồng vị trung úy có đến chùa để nhờ trị bệnh và cuối cùng anh nhờ tôi có
cách gì giúp dùm điều trị bệnh cho chị ruột của anh ta. Khi hỏi rõ chứng bệnh
tôi bảo anh hãy mang lại 1 muỗng canh dầu dừa tôi sẽ làm thuốc trong vòng 5
phút, nhớ thuốc này phết bằng lông gà, phết ngay chỗ sưng đau không nên cho
bệnh nhân biết là thuốc gì! Sau khi phết thuốc chỉ nữa giờ sau thì đã giảm
sưng, giảm màu đỏ và bớt căng phồng gần như hết đau nhức hoàn toàn… Ngay chiều
hôm ấy anh cán bộ rắc rối này đi xuống mở cửa phòng tôi nói lời cám ơn và báo
tin rằng bệnh của chị anh ta đã bớt thật nhiều rồi! Anh ta mời tôi một gói
thuốc Capstan đầu lọc, tôi không biết hút thuốc nhưng cũng nhận để mời các anh
em ở chung phòng.
Kể từ đó anh cán bộ này bắt đầu vui vẻ, thái độ hòa nhã! nói
năng lịch sự, cung cách đàng hoàng không còn có cử chỉ cá nhân với tôi như
trước nữa! dần dần tôi nhìn anh ta có cảm tình và dễ mến hơn…
b.
Âm mưu vượt ngục tại trại cải tạo Cây Gừa bị thất bại.
Tôi ở phòng biệt giam này gần 6 tháng, trong phòng gồm có 5
người, ba người mang tội chính trị là Quách Văn Hoạch, án tử hình được tha tội
chết, Trịnh Thanh Sơn, án 20 năm và tôi Thích Thiện Minh, án chung thân. Ngoài
ra còn 2 thường phạm khác là quân phạm là Nguyễn Văn Tấn trung úy đặc công được
chuyển về làm xã đội trưởng xã Vĩnh Mỹ huyện Vĩnh Lợi Bạc Liêu, án chung thân
và Đỗ Thành Công ngành kiểm lâm, án chung thân. Mặc dầu tội danh có khác nhau
nhưng tất cả đều cùng chung cảnh ngộ, nên rất đồng cảm, chia sẻ cho nhau những
nỗi vui buồn, an ủi giúp đỡ nhau trong lúc bệnh hoạn khó khăn. Có thể nói san
sẻ cho nhau từng hớp nước uống, từng bát cơm, từng chiếc khăn lau mặt, từng
viên thuốc cho đến vật nhỏ nhất như cây kim, cọng chỉ…
Nói tóm lại, từ vật chất
lẫn tinh thần. Từ đó mọi người thấu hiểu tâm tư của nhau là “những người tù đều
có chung một khát vọng đó là sự tự do”. Chúng tôi thỉnh thoảng nói đùa với nhau
mà gần như nói thật rằng: "Nếu ở tù dưới chế độ CS, bị mang án 20 năm hoặc
chung thân mà ngồi chờ cho tới ngày mãn án, thì cuộc đời chúng ta sẽ đen như
mõm chó mực và tương lai kể như bí ngõ” chẳng lẽ mình ngồi im mà chấp nhận số
phận“Mạt vận cùng đồ”chăng ? Từ một nhận thức chung đó mà 5 người đều nhất loạt
đồng lòng quyết tâm đào tường vượt ngục. Năm người sẽ cùng đồng hội, đồng
thuyền cùng nhau sống chết để giải quyết những âu lo, buồn chán đang chất chứa
trong lòng…
Sau khi bàn tính phân công nhau, tôi được anh em giao trách nhiệm,
ấn định thời gian, xem và chọn ngày giờ hành động để tiến hành càng sớm càng
tốt. Kinh nghiệm nhà tù cho thấy mỗi khi đã bàn bạc kế hoạch thì không thể chần
chờ trì hoãn được, bởi vì trì hoãn chắc chắn sẽ gặp bất lợi theo kinh nghiệm
xưa nay ở trong tù, vì đây là việc nguy hiểm và hệ trọng liên quan đến từng cá
nhân. Anh Nguyễn Văn Tấn là một chiến sĩ đặc công có nhiều kinh nghiệm trong
việc đào tường đào hầm… Đó là nghiệp vụ chuyên môn, nên anh chịu trách
nhiệm đào đất và hướng dẫn mọi người tập dượt cách thức leo, bò, trườn, nằm,
ngồi, chạy…
Phải ngụy trang ra sao? mặc quần áo màu gì? vào thời gian nào? đêm
trăng sáng hay tối trời ? Bò trên lá cây khô phải làm sao để đừng nghe tiếng
kêu sột soạt, bò trên tôn thiếc ( tole) thì cách nào để không bị phát hiện, lội
nước như thế nào hoặc ngoi đầu lên từ dưới nước phải làm sao để không nghe
tiếng nước rơi lõm bõm. Lội xuống bãi sình thì động tác nào để đối phương không
phát hiện là dấu chân của người mà tưởng là dấu chân của trâu, bò… nhằm để đánh
lạc hướng hay phi tang dấu vết. Tôi và các anh em còn lại ôm đất đem lên, tôi
vừa lo tiếp tế lương thực, nước uống.
Khi công việc tiến hành, anh Tấn là người ra tay đầu tiên và
tích cực nhất. Anh đào bằng một chiếc nắp soong gang loại nhỏ, đường kính
khoảng 15cm. Khi vào thực tế mới phát hiện thêm nhiều trở ngại khó khăn, thật
vất vả, mệt nhọc mới cưa đứt những cây cừ tràm rất to, nằm sâu dưới móng nền đà
kiềng, vả lại càng đào xuống sâu, càng thiếu không khí nên dễ bị ngộp thở, bị
ngất, một phần vì đào ban đêm nên thiếu ánh sáng, đèn cầy hay đèn dầu phọng đốt
đem xuống bị tắt ngay, đất đào đem lên quá nhiều, để ngập cả chỗ nằm, số đất
lên đến khoảng vài khối. Để chui ra được chiếc hầm phải đào chiều dài khoảng
6-7 m trở lên.
Tôi đã dự định ngày giờ hành động và ấn định thời gian, trời sẽ
đổ mưa to vào giờ tý tức từ 11 đến 1 giờ đêm, hoàn toàn chính xác 100% nhưng
tôi không thể lường trước những hoàn cảnh hay trở ngại khác hoặc khả năng người
đào, nên đã đúng giờ lên đường mà việc thực hiện đào hầm chưa xong. Bởi vì, ở
dưới nền đất còn có quá nhiều loại miểng chai, kim loại và dây chì gai cùng các
vật bén nhọn khác rất nguy hiểm cho tay chân người đào. Mấy lần anh Tấn bị ngạt
thở phải kéo lên để hô hấp nhân tạo, anh bị mất sức quá nhiều vì cật lực trong
công việc, giữa lúc ấy bất ngờ tôi lại bị bệnh kiết nhiệt phải đi tiêu liên tục
thật phiền toái vô cùng.
Bên cạnh đó em Đỗ Thành Công có vong linh của người mẹ
đã chết từ lâu bỗng nhiên bà ứng nhập vào xác của Công mách bảo "Nên lấp
đất lại đi đừng trốn, nếu trốn sẽ bị tai nạn" nhưng mọi việc đang dỡ chừng
nên chúng tôi đành cố gắng tiếp tục. Bao nhiêu việc đang dồn dập diễn ra trong mấy
ngày qua, ai nấy đều đuối sức. Bất thình lình trong lúc 5 anh em đang ngồi nghỉ
mệt uống nước, đột nhiên anh Trịnh Thanh Sơn bất thần la hoảng lên " Kìa!
Kìa! Nó đến kìa! Ôi ghê quá! Ghê quá!” Rồi anh té ngất xỉu làm cho tất cả mọi
người đều giựt mình. Khi anh Sơn bình tỉnh trở lại chúng tôi hỏi chuyện gì thế?
Anh Sơn đáp: “Tôi thấy có một người đàn ông, tuổi khoảng 60-70, ở trần truồng
ốm lòi xương sườn, hai tay bị còng bằng dây xích sắt, đầu cổ mình mẩy đầy máu
me, tóc bạc trắng xõa dài xuống khỏi vai, ông ta chấp hai tay van lạy tôi, nhờ
tôi cứu ông ta”. Sau khi nghe Sơn thuật lại, kết hợp với sự kiện mẹ của Công
ứng nhập xác về, hai sự việc hình như là điềm mách bảo trước sự đào tường trốn
trại của chúng tôi bất thành. Nhưng sự việc đã tiến hành, chúng tôi vẫn tiến
bước chứ không thể lùi lại được. Bên ngoài, càng về đêm trời càng mưa "mưa
như trút nước”.
Mấy tên công an tuần tra đi qua đi lại, tiếng đôi giày ống
nghe lộp cộp vang lên. Mưa quá to nước chảy mạnh, làm mềm đất chiếc hầm đang
đào bị sụp xuống, đất lấp cả người anh Tấn, một lần nữa tôi phải lẹ làng chui
xuống hầm kéo mạnh anh lên để sơ cứu. Một hồi lâu anh mới tỉnh lại, khi tỉnh dậy
anh cho biết trong người mệt lã không còn sức lực để tiếp tục đào được nữa bốn
người chúng tôi còn lại cũng không thể mang lên cả khối đất khổng lồ vừa sụp lở
đầy hầm như thể chưa đào lúc ban đầu. Lúc này thật là"Tấn thối lưỡng
nan", kế tiếp buổi sáng đến, chúng tôi phải vào nhà vệ sinh rửa ráy tay
chân. Thật oái oăm là bùn đất bên phòng chúng tôi đã làm nghẹt nhà cầu vệ sinh
của các phòng ở phía sau giam các anh em của lực lượng quân sự trong tổ chức Lê
Quốc Túy và Mai Văn Hạnh. Các anh em phía sau thông báo cho cán bộ an ninh
phiên trực ban ngày. Nên công an bắt đầu mở khóa tất cả 2 dãy phòng trước và
sau để kiểm tra.
Khi mở cửa đến phòng chúng tôi, trông thấy mấy khối đất
khổng lồ. Họ liền chạy ra và lên chòi canh bắn súng chỉ thiên báo động. Thế là 5
người chúng tôi bị thua rồi! Viện kiểm sát đến chụp ảnh, quay phim hiện trường,
cách ly mỗi người, mỗi phòng khác nhau, chấp pháp điều tra, lập biên bản và Ban
giám thị trại đề nghị viện kiểm sát khởi tố… chúng tôi bị cấm thăm nuôi, không
được nhận quà gia đình, hai chân tôi bị còng quyện suốt ngày đêm hơn 1 năm… cho
đến ngày thuyên chuyển đi miền Trung trại Xuân Phước tỉnh Phú Khánh. Anh Tấn
thì bị ra tòa họ khép anh “Tội phản bội
Đảng, tiếp tay cho bọn phản động có mưu đồ đánh phá trại giam trốn trại để cộng
tác với các đối tượng thù địch, nhằm lật đổ chính quyền mà họ gọi là cách mạng
của nhà nước CHXHCNVN”. Anh bị tăng án "tử hình” và đã bị đem đi hành
quyết. Mặc dầu không thành công và anh Tấn đã qua đời cũng là điều đáng tiếc
nhưng mấy lời này tôi muốn nói lên để khắc ghi tinh thần nhiệt tình mà anh Tấn
đã đóng góp tích cực trong một chuyến đào tường vượt ngục bất thành. Xin cầu
nguyện hương hồn anh một người đồng tù tại tỉnh Bạc Liêu được sớm tiêu diêu nơi
miền lạc cảnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét