Trung Quốc, Trump và Biển Đông sắp tới
Chính sách mới của Mỹ về Trung Quốc và Biển Đông trong thời gian sắp tới vẫn còn gây nhiều đồn đoán. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, đang làm việc tại Singapore cho Đài Á Châu Tự Do RFA cuộc trao đổi sau đây về vấn đề này, cũng như những khía cạnh có liên quan đến Việt Nam.
TS Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì vẫn còn sớm để nói đến chính sách của Mỹ dưới thời ông Donald Trump đối với châu Á nói chung cũng như là Trung Quốc hay Việt Nam nói riêng.
Trong thời gian qua ông Donald Trump đưa ra những ý kiến tương đối mâu thuẫn nhau. Một mặt ông tuyên bố sẽ giảm dần sự can dự vào khu vực, nhưng mặt khác thì một số diễn biến gần đây lại cho thấy điều ngược lại. Trong kỳ nghĩ cuối tuần vừa qua, nhiều người bàn luận đến cuộc nói chuyện trực tiếp giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan. Đây là điều khá đặc biệt từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, và Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ nói chuyện trực tiếp với một lãnh đạo Đài Loan. Điều này đặt ra một câu hỏi về chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong thời gian tới sẽ như thế nào. Một số học giả Trung Quốc cho rằng cuộc nói chuyện vừa rồi là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với công luận và giới làm chính sách Trung Quốc, bởi vì từ khi ông Trump đắc cử, nhiều nhà phân tích Trung Quốc có cái nhìn tương đối lạc quan về quan hệ Mỹ Trung trong thời gian tới, cũng như vai trò của Trung Quốc trong khu vực, do chính sách biệt lập mà ông Trump nêu ra.
Sự yên tĩnh trên biển Đông chỉ là tạm thời, phù hợp với cách hành xử của Trung Quốc trong quá khứ. Đó là chiến lược lát cắt salami.
-TS Lê Hồng Hiệp
Một số diễn biến khác liên quan đến tình hình Triều Tiên hay biển Đông thì chúng ta chưa có thông tin rõ ràng để khẳng định xu hướng sắp tới. Tuy nhiên, với những gì ông Trump thể hiện vừa qua về Trung Quốc và Đài Loan, thì có lẽ là chúng ta phải chờ đợi thêm để mà có dữ liệu đầy đủ hơn, để đánh giá xu hướng chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump chính xác hơn.
Kính Hòa: Trung Quốc trong thời gian qua có vẻ ít có hành động trên biển Đông?
TS Lê Hồng Hiệp: Một phần sự yên tĩnh trong thời gian qua trên biển Đông là do Trung Quốc đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông. Bây giờ họ chỉ âm thầm hoàn thiện, điều đó không gây nhiều tranh cãi và phản đối.
Thứ hai là sau phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines hồi tháng bảy vừa rồi, thì tôi nghĩ rằng bản thân Trung Quốc họ cũng có sự kềm chế để mà giảm sức ép về ngoại giao và công luận về chính sách biển Đông của họ. Dường như họ cũng có sự nhún nhường nhất định để thực hiện mục tiêu này.
Thứ ba là một nhân tố chủ chốt trong tranh chấp biển Đông, đó là Philippines dưới thời Tổng thống Duterte có sự thay đổi về chính sách, và chính vì vậy mà Bắc Kinh muốn có một thời gian yên tĩnh để mà lôi kéo được ông Duterte một cách thành công hơn, cho nên họ có giảm căng thẳng trên biển Đông.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sự yên tĩnh chỉ là tạm thời, phù hợp với cách hành xử của Trung Quốc trong quá khứ. Đó là chiến lược lát cắt salami, tức là sau một thời gian căng thẳng đạt được các mục tiêu của mình, thì Trung Quốc tạo ra một thời kỳ lắng dịu trước khi bước vào một đợt căng thẳng mới. Có lẽ năm 2017, 2018 sẽ có những căng thẳng mới do Trung Quốc gây ra trên biển Đông. Đặc biệt nếu chính quyền của Mỹ có những hành động mà Bắc Kinh cảm nhận là thù địch với Trung Quốc trên biển Đông.
Kính Hòa: Ông vừa nói tới hành động của Tổng thống Duterte của Philippines cũng như phán quyết của tòa trọng tài, thì phán quyết đó đặt Trung Quốc vào thất thế. Tại sao bây giờ không chỉ Philippines và cả Malaysia nữa lại đổi thái độ đối với Trung Quốc?
TS Lê Hồng Hiệp: Sự thay đổi chính sách của Philippines nó xuất phát từ lập trường quan điểm của Tổng thống Duterte. Các ưu tiên chính sách của ông thiên về các vấn đề trong nước nhiều hơn. Để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế trong nước thì Philippines cần sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc, vì vậy ông cần cải thiện quan hệ với Trung Quốc, cố gắng duy trì một quan hệ gọi là ổn định, mang tính hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc hơn là ông Aquino trước đây.
Ngoài ra tôi nghĩ là về chính sách biển Đông, thì sau phán quyết của tòa trọng tài, với thắng lợi áp đảo của mình như vậy thì phía Philippines cũng có như cầu cải thiện quan hệ với Trung Quốc, không ép làm họ mất mặt quá nhiều có thể có những phản ứng gay gắt làm căng thẳng leo thang.
Vấn đề mấu chốt ở đây là vừa cải thiện quan hệ với Trung Quốc, vừa bảo toàn lợi ích của họ. Và vấn đề cải thiện quan hệ với Trung Quốc cũng không phải là điều gì quá phương hại đến lợi ích của Philippines trên biển Đông, miễn là bảo tồn được thắng lợi của họ trong vụ kiện vừa qua.
Còn Malaysia thì bấy lâu nay quan hệ của họ vói Trung Quốc cũng đã tích cực và gần gũi. Trong thời gian qua Malaysia gặp nhiều sức ép trong nước cũng như bên ngoài. Trong nước thì có chuyện bê bối của Thủ tướng Malaysia liên quan đến một quĩ đầu tư.
Ông Najib cũng muốn sử dụng các nguồn lực của Trung Quốc để hóa giải vụ bê bối này, đặc biệt là các công ty Trung Quốc mua các món nợ xấu của quĩ đầu tư, giúp ông Najib phục hồi uy tín trong nước. Mặt khác ông Najib cũng gặp chỉ trích của Mỹ liên quan đến những bê bối của vụ tham nhũng này, vì vậy việc xoay trục sang Trung Quốc cũng là một phản ứng dễ hiểu.
Kính Hòa: Có vẻ như trong bối cảnh hiện tại thì Việt Nam trở nên ngày càng đơn độc hơn, thì ông đoán là sắp tới cách tiếp cận vấn đề biển Đông của Việt Nam sẽ như thế nào?
TS Lê Hồng Hiệp: Việt Nam về mặt nguyên tắc chiến lược thì sẽ không thay đổi nhiều, có nghĩa là sẽ kiên định các lập trường, chính sách, các tuyên bố chủ quyền của mình trên biển Đông, tăng cường quan hệ với các đối tác chủ chốt như Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN để mà đối phó với các sức ép trên biển Đông.
Tuy nhiên về mặt chiến thuật thì sẽ có thể có những điều chỉnh. Ví dụ như trong trường hợp ông Donald Trump có một sự thõa hiệp với Trung Quốc trên biển Đông thì Việt Nam cũng phải điều chỉnh ít nhiều để có thể có lợi hơn. Nếu Hoa Kỳ giữ nguyên cách tiếp cận của họ về biển Đông thì có lẽ Việt Nam cũng không cần quá lo lắng, hay là khỏi điều chỉnh nhiều các chính sách của mình trên biển Đông.
Mỹ có thỏa hiệp với Trung Quốc trên biển Đông, và Việt Nam có điều chỉnh theo sự thỏa hiệp đó hay không thì chúng ta cần phải chờ xem.
Trong bối cảnh những diễn biến quá lớn mang tính bước ngoặc chưa diễn ra thì Việt Nam vẫn duy trì đường hướng lâu nay của mình là kết hợp nội lực và tận dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài để mà giải quyết sức ép từ phía Trung Quốc.
-TS Lê Hồng Hiệp
Trong lập trường của ông Trump về vấn đề Đài Loan, thì chúng ta cũng có chút hy vọng là ông ấy sẽ không thay đổi, sẽ không thỏa hiệp với Trung Quốc như nhiều người lo ngại lâu nay.
Kính Hòa: Nhìn các động thái của Việt Nam trong thời gian qua thì có vẻ như Việt Nam lại mạnh dạng hơn, ví du như cái tin Việt Nam đưa tên lửa ra Trường Sa, hay ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Việt Nam mở rộng sân bay trên đảo Trường Sa lớn. Như vậy giải thích như thế nào về những hành động có vẻ như mạnh dạn hơn đó?
TS Lê Hồng Hiệp: Chính sách biển Đông của Việt Nam bao gồm nhiều mặt khác nhau, trong đó có sự kết hợp giữa hai phần, phát triển nội lực và sử dung ngoại lực. Những động thái mà anh vừa nói là thể hiện sự quyết tâm bên trong của Việt Nam nhiều hơn.
Chính vì vậy nếu có những diễn biến bên ngoài gây bất lợi cho Việt Nam thì Việt Nam vẫn có thể kiên trì duy trì các chính sách liên quan đến nội lực của mình. Tất nhiên nếu có sự thay đổi bên trọng bên ngoài thì Việt Nam có thể phải cân nhắc.
Nhưng trong bối cảnh những diễn biến quá lớn mang tính bước ngoặc chưa diễn ra thì Việt Nam vẫn duy trì đường hướng lâu nay của mình là kết hợp nội lực và tận dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài để mà giải quyết sức ép từ phía Trung Quốc.
Chúng ta không nên tách các hành động ấy của Việt Nam ra khỏi chính sách tổng thể trong chuyện giải quyết vấn đề biển Đông với Trung Quốc.
Kính Hòa: Xin cảm ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét