Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016


THUNG LŨNG TỬ THẦN!

     Có điều thật kỳ lạ là những trại tù, nơi địa ngục trần gian mà lại mang cái tên thật đẹp nhưng lại rất oái oăm trái khoáy đối với những người tù. Trại tù, địa ngục trần gian mà lại có tên là Xuân Lộc, sau này đến một trại kỷ luật “Trừng giới” nơi có biệt danh là “Thung lũng tử thần” cũng có một cái tên đẹp, thật đẹp là Xuân Phước. Thung Lũng Tử Thần là tận cùng địa ngục trần gian, nơi mà có 5 vị linh mục đã chết trong biệt giam và cả ngàn ngôi mộ của anh em tù nhân, nơi tập trung giam giữ những đối tượng số 1 của Cục quản lý trại giam thuộc bộ Nội vụ như Linh mục Nguyễn văn Vàng, TT Thích Thiện Minh, Linh mục Nguyễn văn Luân, Võ sư chưởng môn Vovinam Lê Sáng, ký giả Vũ Ánh, nhà văn Đỗ văn Phúc, Đại uý Pháo binh Dù Lê Thái Chân, Phan văn Bàn người tù 30 năm và nhà thơ Vũ Đình Thụy mới ra tù cách đây 2 tháng sau 18 tháng bị bắt làm tù binh và 29 năm 2 tháng 11 ngày vì tội lật đổ chế độ, vị chi tổng cộng là 30 năm 8 tháng 11 ngày.

     Vũ Đình Thuỵ là người mới được giải thưởng văn học VASYL STUS “ Quyền tự do viết văn 2007” và được mời là Tân Hội viên danh dự của Trung tâm Văn bút Hoa Kỳ/ PEN New England … là những người bị tử thần né mặt nên còn sống đến bây giờ:

                  “Ai đã đến để một đời nhớ mãi
                   Ai đã qua nơi địa ngục trần gian ...
                   Ai đã sống những tháng ngày khốn khó,
                   Thần chết rập rình, địa ngục đâu đây!”

     Phải chăng đây là sự tình cờ mỉa mai nào đó vô tình đã nói lên cái bản chất thật, cái bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Cộng Sản. Kinh nghiệm xương máu và nước mắt của hơn tám mươi triệu dân Việt Nam là không những đừng bao giờ nghe những gì Cộng Sản nói mà phải hiểu ngược lại những gì Cộng Sản nói như thiên đường xã hội chủ nghĩa thì ta phải hiểu là Địa ngục trần gian, tự do phải hiểu là lệ thuộc là kềm kẹp, dân chủ là chủ dân, tự do là nô lệ, đầy tớ là chủ nhân, làm chủ là làm công, ấm no là đói rét, hạnh phúc là bất hạnh khốn cùng ... vân vân và vân vân … Đại khái nó cũng giống như dân Sài Gòn mình bây giờ hễ thấy chỗ nào đề “Cấm đổ rác” thì rác ngập tràn thành từng đống, chỗ nào có đề bảng “Cấm đái” thì cứ tha hồ mà đái vì uống bia đầy bụng rồi mà tìm không có một nhà vệ sinh nào thì một hai ba … Alê … tham quan “Lăng Bác” ngay bất kể bàn dân thiên hạ qua lại.

    Trại tù Xuân Phước nằm ở vùng rừng núi Phú Yên Tuy Hoà gần giáp với biên giới Lào Việt. Trại được dựng lên ở giữa thung lũng bao quanh là rừng gai với tám ngọn núi cao nên bạn tù gọi là thung lũng tử thần. Một điều kỳ lạ là giai cấp thống trị nào cũng tinh ma quỉ quyệt như nhau. Thời Pháp thuộc có khám Chí Hoà được xây theo đồ hình bát quái để trù yểm không cho tù nhân nào vượt ngục được. Trại trừng giới kỷ luật Xuân Phước được chọn nằm dưới thung lũng có 8 ngọn núi cao bao quanh, vừa bước vào cổng trại người ta thấy ngay một hồ nhỏ có dựng một đền nhỏ mà theo dân chúng quanh vùng thì đó là chỗ bọn giám thị cai tù trại giam đã mời thầy pháp đến để làm bùa trù ếm tù nhân.

    Bọn cai tù cộng sản còn thâm độc hơn ngoài việc trù ếm chúng còn bắt tù nhân phải đi chân đất lúc đi lao động vì chung quanh là rừng gai thì chân trần chỉ đi vài giờ là chân sưng tấy lên vì gai độc. Mặt khác chúng yêu cầu các xã xung quanh tuyên truyền là trại chỉ nhốt tù hình sự, bà con phát hiện phải báo ngay không thì chúng nó giết người cướp của để trốn trại. Trại còn thưởng cho một tạ gạo và cái mền nên mỗi khi có tù vượt ngục là bà con đồng bào thiểu số ngây thơ rủ nhau đi lùng bắt tưởng là cướp lại được thưởng mền gạo đối với dân sơn cước nghèo nàn là cả một gia tài kếch sù rồi...

    Lịch sử trại Xuân Phước chỉ có một vài vụ trốn thoát còn bao nhiêu đều bị bắt lại và chung quanh trại là một nghĩa trang chiếm mấy ngọn đồi với những ngôi mộ cao hơn mặt đất một chút, không bia mộ của mấy ngàn anh em bỏ thây vì đói khát, bệnh tật, tra khảo đánh đập nơi tận cùng của địa ngục trần gian này. Trong điều kiện lao lực vất vả, không đủ ăn, cơ thể suy kiệt nên dễ nhiễm bệnh mà bị bệnh không thuốc men chữa trị, không thực phẩm bồi dưỡng thì khó mà qua được.

     Trong tù mỗi khi đến mùa Đông giá lạnh buốt xé da người, lần mò trong bóng tối mù mờ nhìn thấy mấy ông bạn tù lớn tuổi, ngủ không được nên ngồi còng lưng ôm lấy 2 đầu gối co ro suốt đêm trường giá lạnh. Các cụ già này tuy không nói ra nhưng ai cũng lo lắm sống với một tâm trạng u uẩn vì ngày nào cũng có tin người này chết người kia chết:

                   Trông thấy người khác chết,
                   Trong lòng rất xót xa.
                   Nửa thương xót kẻ chết,
                   Nửa nghĩ tới phiên ta!

    Một nhân chứng sống Thượng toạ Thích Thiện Minh, người tù lương tâm kể lại chính bản thân Thượng toạ bị bọn công an cuồng tín, bọn sát nhân bẩm sinh đánh đập tra tấn dã man ở nơi tận cùng địa ngục này:

     “Tôi còn nhớ như in chúng dẫn tôi ra khai thác để điều tra hòng bắt thêm anh em cùng vụ trốn trại với tôi. Cả ba tên đao phủ đánh tôi bằng tay chân tới tấp vào bất kể chỗ nào trên thân thể, đầu mặt … buộc lòng tôi phải quay lưng vào vách lá của căn nhà cất liền nhau để có thể chống đỡ phía trước mặt. Không ngờ phía vách lá sau lưng tôi có một tên đã trực sẵn, hắn đã dùng họng súng dài thúc mạnh vào lưng trúng ngay lá phổi làm tôi bị trọng thương, té ngất xỉu, máu tuôn ướt cả áo quần. Sau khi tỉnh dậy những tên hung thần này không cho tôi thay quần áo, tôi đành mặc áo dính máu cho đến khi rách nát. Hậu quả vết thương lá phổi của tôi bây giờ vẫn còn dây dưa chưa dứt hẳn nên tôi thường đau buốt và ho liên tục mỗi khi trái gió trở trời. Mặc dù thương tích khắp người nhưng mấy ngày sau tên Tri là cán bộ an ninh trại đã lấy dây điện có ruột bằng đồng rất to, y đánh tôi 99 roi điện vì nó đếm thiếu một roi. Tôi cắn răng chịu đựng từng roi một, đầu dây điện thường quất vào hông, nách vào những chỗ hiểm yếu của cơ thể. Sau khi khai thác tôi không khai thêm người nào nữa chúng mới truy tố tôi ra toà với tội danh “Chống phá trại giam”.

     Trại tù Xuân Phước là nơi đa số các cán bộ Cộng Sản bị kỷ luật mới đổi đến đây và cũng là "Trại Trừng Giới" đối với những tù nhân cứng đầu mà chúng gọi là 'Bất Trị'. Tại đây, kỷ luật không cần phải có lý do, ốm đau không 'Cần' thuốc men, bệnh nặng không được đưa ra bệnh viện Tỉnh chữa trị và chết chóc là chuyện bình thường đối với trại. Tiêu chuẩn kỷ luật xà lim mỗi ngày họ phát cho 4 người mỗi người một lon guigoz nước để uống, tắm rửa và mỗi bữa ăn được cấp phát nửa chén cơm và 3 lát khoai mì công nghiệp H 34 chan ngập nước muối đậm đặc, nước muối nhiễu xuống nền gạch đọng trắng bọt muối. Trong kỷ luật hoàn toàn thiếu chất rau tươi nên mọi người đều bị bệnh sưng phù, tê bại, mờ mắt, ghẻ lở lao phổi … Mỗi lần đi đổ hũ vệ sinh, tôi nhanh tay với hái một nắm cỏ mầng trầu hoặc loại cỏ nước mặn, loại cỏ tạp cho bò ăn nên nhiều khi còn dính phân người, tôi lén đem vào phòng lấy nước rửa sơ rồi chia nhau mỗi người vài cọng để nhai gọi là có chút rau tươi, chúng tôi ăn cỏ mà cảm thấy ngọt vô cùng ..!” .

    Một sự thực đau lòng là vào những năm 1979, 1980 thì ngày nào thung lũng tử thần cũng có vài anh em ra đi, mỗi khi có người chết thì vài ba thanh niên tình nguyện đi khiêng quan tài, dĩ nhiên là anh em tù phải thương nhau nhưng được nghỉ một bữa và nhất là lại được chia nhau nắm cơm trái trứng của người chết thì còn gì để nói, hở trời!

     Khi tôi vừa chuyển tới “Thung lũng tử thần” thì trại bán thịt bò cho những trại viên có tiền đăng ký ở căng tin. Không phải tốt lành gì, để “bồi dưỡng” đâu mà bọn cán bộ kể cả giám thị lấy thực phẩm nuôi tù, lấy công tù lo chăn nuôi rồi đem bán lại cho những tù nhân có tiền với giá cắt cổ. Đặc biệt là bò heo bán thì con nào con đó mập ú, còn một năm 2,3 ngày mà chúng gọi là “Lễ lớn” nghe thông báo trại thịt 4 con bò thì con nào con nấy chỉ to hơn con heo một chút!. Thế mới thấm thía cái câu anh em thường nói: “Nước sông công tù” mà ...

     Tôi còn nhớ là hôm đó đúng ngày tôi ăn chay nhưng còn bao nhiêu tiền gửi trong căng tin nhân cơ hội này lấy mua hết. Bao nhiêu thịt mua về giao cho Phạm Thế Công cắt ra mỗi phần khoảng 2-3 trăm gram chia cho những anh em thiếu may mắn mà trong tù chúng tôi gọi là con ni cô, con bà phước … Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những khuôn mặt mừng rỡ khi nhận từng miếng thịt. Đời sống trong tù suốt năm ăn “canh đại dương” gồm mấy cọng rau thêm tí muối chứ làm gì có bột ngọt, thịt mỡ gì. Số thịt mua về, phần thịt còn lại đem nấu cháo rồi đi ngang treo lên hàng rào bệnh xá, người bệnh làm bộ đi dạo rồi lấy vô, ăn xong lại treo lên. Cả bệnh xá được một bữa cháo nóng sốt hả hê. Có tin cha Vàng mới ra bệnh xá nhưng người chỉ còn da bọc xương, nằm liệt một chỗ nên không ra phơi nắng được. Sau mấy tuần chúng lại đưa vào xà lim, tháng sau thì chết vì kiệt sức té ngã quị xuống trong xà lim …

    Đã gọi là ở tù thì làm sao mà no đủ cho được thế nhưng ở tù cộng sản còn thê thảm đói khát vô cùng nên mỗi lần đi lao động, anh em ta gặp bất cứ con gì ngoại trừ con ốc bù lon bằng sắt, còn con gì nhúc nhích được đều ăn tươi nuốt sống liền từ con mối đến con nhái bầu dai như đỉa cũng không tha… Mỗi năm khoảng 3 lần tù nhân được ăn ngày “Lễ lớn” mỗi người được một miếng khoảng 2 trăm gờ ram. Nói thì khó tin nhưng tù nhân dù ghét cay ghét đắng cái gọi là "Nễ Nớn", tuy không nói ra chứ ai cũng mong đến ngày “Lễ lớn” mới đau chứ. Đó là một sự thực, một sự thực phũ phàng, từ đó chúng ta mới hiểu rõ hơn cái gọi là “Chính sách bao tử” của cộng sản thâm độc, nguy hiểm tới dường nào.

     Ngoài đời thì chúng áp dụng chính sách tem phiếu “xiết bao tử, khống chế dạ dày” khiến cha mẹ phải thúc ép con cái đi nghĩa vụ lên đường đi vào chỗ chết vì khẩu phần gạo đã bị cắt, người con thì không nỡ vì mình mà gia đình đã đói lại phải đói hơn. Tốt nhất là tình nguyện đi nghĩa vụ quân sư để khỏi làm gia đình phiền khổ thế thôi. Chế độ tem phiếu khiến người dân bị lệ thuộc từ hạt muối, viên đường đến tấc vải lưng quần manh áo … thật khốn khổ làm sao. Chẳng thế mà sau mấy chục năm trời sống dưới sự kềm kẹp thống trị của cộng sản bạo tàn, người dân miền Bắc chỉ biết ngậm ngùi than thở:

                    “ Bắt ở trần phải ở trần,
                       Cho “ May-ô” mới được phần “may-ô"[1] .
                       Mỗi năm ba tấc vải sô,
                       Lấy gì che kín “cụ hồ” em ơi ..!”

    Vì không có đủ vải để may quần nên từ anh bộ đội đến chú công nhân nhà ta cứ để “cụ Hồ” tồng ngà tồng ngồng vì vậy, lúc nào cũng muốn đề nghị đồng chí vợ họp “chi bộ hai người” để “tranh thủ hơi ấm” nghĩa là làm cái chuyện trời cho đó. Vì thế, có một nghịch lý lạ đời là đồng bào miền Bắc sau bao nhiêu năm sống nghèo đói khốn khổ dưới chế độ cộng sản bạo tàn, thế mà cái khoản “Đẻ đái” thì lại hơn bà con ta ở miền Nam tự do nhiều. Ô hô ai tai … nghe thấm thía mà cũng thú vị làm sao ...

    Cá nhân tôi, tuy có phần may mắn hơn anh em là có gia đình thăm nuôi đầy đủ nhưng gần 9 năm nằm trong xà lim, đã từng biết cái đói như thế nào. Càng cố gắng nén cơn đói thì cái đói cồn cào lại cồn cào hơn, cố nuốt nước miếng thì nước miếng cứ tuôn ra nên lại phải nuốt thèm thế thôi. Nằm trong cùm bụng đói teo thế mà một tháng 4 lần trại cho tù “bồi dưỡng” một bữa thịnh soạn thực đơn chỉ gồm một món duy nhất là “Rau muống xào Tỏi” là chúng tôi sướng rên người. Nhất là cái mùi dầu phi tỏi theo gió bay vào khu kiên giam thì cả xà lim tỉnh hẳn ra. Ôi 'cái mùi chết người ấy' nó cám dỗ làm sao? Nó làm ta thấp thỏm đợi chờ, bụng đói cồn cào nhức nhối, nước miếng trào ra, càng cố nuốt vào thì lại tràn ra nhiều hơn... Nó khó chịu đến độ có anh em hết ngồi rồi lại nằm cũng chịu không được nên phải nhai 'Hàm thụ' cả mùng mền chờ giờ ăn tới ...

    Trước khi vào khu kiên giam, tôi sống chung với Thượng Toạ Thích Thiện Minh, hai anh em sống với nhau được một thời gian thì “Thầy Ba” vào kỷ luật trước, tôi vào sau. Lúc sống chung mỗi lần thăm nuôi chừng 1,2 bao đem vào chia ra uỷ lạo anh em rồi ăn chừng một tháng là hết cả nước tương. Thầy Ba thuộc loại “Uy tín” lắm mới được anh Châu ở đội 5 tự giác liều lĩnh tiếp tế cho một miếng cặn bã dừa sau khi ép lấy dầu dừa anh em thường gọi là “cứt dừa”. Thầy Ba bỏ vào gô đổ nước muối vào rồi đun lên để nguội là ta có “nước tương tù” liền. Anh em ăn được một tháng rất ư là khoái khẩu thì tình cờ sau bữa ăn, thầy Ba nhìn tôi nói “Ủa sao răng ông Anh đen quá vậy?”. Tôi cũng không để ý nhưng nghe nói vậy tôi nhìn thấy răng của ông ấy cũng đen vì chất cứt dừa bám vào, có đánh răng cũng không sạch được. Từ đó, biết vậy tính không ăn nhưng chan nước muối đại dương vẫn khó nuốt hơn là có một chút màu mè để mình tự đánh lừa thị giác, vị giác của mình ăn cho ngon miệng. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn buồn tự nhiên nở nụ cười thấm thía làm sao …

     Thời gian cùm còng tù tội và cảnh đói khát của anh em tù nhân khiến tôi sang Mỹ mấy năm trời mà sau mỗi bữa ăn là dồn và để mai ăn tiếp, không dám đổ thức ăn đi mà nói đúng hơn là không đủ can đảm đổ thức ăn dư thừa vì nghĩ tới anh em mình còn đang sống lây lất trong tù. Cô vợ tôi, mới đầu cũng thường cằn nhằn tôi vì tối nằm ngủ cứ gác tay lên trán và cứ dồn thức ăn thừa bỏ vào tủ lạnh. Đến khi tôi nói là em biết không, hậu quả của thời gian cùm 2 tay nên lúc ngủ phải để lên trán mới ngủ được rồi nghĩ tới cảnh anh em còn đang đói khát trong tù nên mới dồn thức ăn lại như một phản ứng tự nhiên thì cô ấy mới hiểu và thương tôi hơn.

     Làm sao chúng ta có thể hiểu được là tại sao người tù, mỗi bữa ăn chỉ được lưng lưng chén nhỏ bo bo hoặc khoảng hơn 300 hạt bắp mà vẫn sống còn được. Chỉ lưng chén nhỏ bo bo mà nhai cả hàng giờ, nước miếng tiết ra chất dịch vị, ôi nó ngọt làm sao ... Ngay cả bây giờ, dù có ăn cao lương mỹ vị cũng không tìm được cảm giác ngon lành tuyệt vời của một thời khốn khó đã qua ... Ôi, cái nỗi "Đoạn Trường' đứt ruột mà ai có ở tù mới hay", đó chính là "Hội Chứng Ủ Tờ" mà 'may mắn' lắm mới được hưởng trên cuộc đời này!


[1] Ngoài Bắc gọi áo may ô là áo lót, mặc bên trong áo Sơ mi của đàn ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét