VIỆT TỘC CHỦ NHÂN CỦA TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG
Tư Mã Thiên đại biểu cho sử quan chính thống của Hán tộc viết Hoàng Đế, thủ lĩnh cộng chủ của liên minh các bộ lạc là ông Tổ của Hán tộc đứng đầu ngũ đế gồm Hoàng Đế, Đế Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn. Theo “Sử Ký” thì Hoàng Đế (2700-2600 TDL) là tổ tiên lỗi lạc của Hán tộc ở lưu vực Hoàng Hà. Từ đó, các sử gia Hán cho rằng Hoàng Đế là Hiên Viên Hoàng Đế, là hậu duệ của Viêm Đế là người kế thừa triết lý Âm Dương.
Tự
thân triết thuyết Rồng Tiên qua lời trần tình của Bố Lạc với Mẹ Âu Cơ, 50 con
theo Mẹ (Âm) lên núi, 50 con theo Cha (Dương) xuống miền biển đã thể hiện lý
tương sinh-tương khắc, tinh tuý cốt lõi của triết lý Đông Phương. Truyền thuyết
kể lại lời trần tình của bố Lạc với mẹ Âu: “Ta
là giống Rồng đứng đầu thuỷ phủ, Nàng là giống Tiên người ở trên đất, vốn không
ở lâu dài với nhau được. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh con nhưng giống dòng
tương khắc như nước với lửa, khó bề ở lâu dài với nhau dài lâu được…!”. Như
vậy ngay từ thiên niên kỷ thứ 3 TDL, lời nói của bố Lạc một lần nữa đã chứng
minh Việt tộc là người kế thừa sở đắc triết lý Âm Dương. Sự kiện bố Lạc phân
chia bọc trăm trứng ra 2 bộ âm dương vừa tương sinh vừa tương khắc, tuy hai mà
lại là một. Lạc Long Quân (Dương) là Rồng ở dưới nước nên dẫn 50 con về về miền
sông nước (âm) còn Âu Cơ là Tiên (âm) lại dẫn 50 con lên miền cao rừng núi
(Dương) theo đúng nguyên lý Dịch là trong âm có dương, trong dương có âm.
Sự
thực trên đã minh nhiên khẳng định Việt tộc là người thừa kế triết thuyết Âm
Dương Dịch Biến Luận khởi từ Phục Hy tới Thần Nông tức Đế Thần của Việt tộc. Sự
thật lịch sử này được ghi lại trong sách “Kinh Thư”, phần mở đầu chỉ đề cập đến
Nhị Hoàng là Phục Hy và Thần Nông. Việc Kinh Dịch chọn 2 quẻ dành cho 2 con vật
Rồng- chim (Tiên) linh thiêng, vật tổ biểu trưng của Việt tộc đã minh nhiên xác
định nguồn gốc xuất xứ của Kinh Dịch. Đến đời Chu, Chu văn Vương tiếp thu ảnh
hưởng của văn hoá Việt rồi biến cải thành Chu Dịch thiên về bói toán chứ không
phải là tinh hoa triết lý Âm Dương Dịch biến luận thể hiện nhân sinh-vũ trụ
quan của Việt tộc.
Các
công trình nghiên cứu gần đây về nguồn gốc chữ Việt cổ đã góp phần phục hồi sự
thật của lịch sử. Tầm nguyên ngữ nghĩa của chữ Việt cho thấy sách sử cổ TQ viết
rất nhiều chữ Việt khác nhau, trong đó có chữ “Việt 易” là chữ Dịch “易”,
là mặt trời (“Nhật 日 Việt”). Tự thân ngữ
nghĩa này đã xác định Kinh “Dịch 易”
là kinh “Việt 易”.[1] “Triết lý Âm Dương hình thành từ thực tiễn
đời sống nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á, hai từ “Âm Dương” bắt nguồn từ
hai từ “mẹ” và “trời” trong các ngôn ngữ Đông Nam Á (Ina-Yang). Cặp khái
niệm “âm dương” với trật tự âm trước dương sau được hình thành trên cơ sở tổng
hợp hai cặp khái niệm quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của người trồng lúa
nước là “mẹ cha” và “đất trời”. Nó mang đậm nét dấu tích của một truyền thống
văn hoá trọng nữ Đông Nam Á, khác hẳn truyền thống trọng nam của
Trung Hoa thể hiện qua hai cặp từ “phụ mẫu” và “thiên địa”. Biểu hiện của tư
tưởng Âm Dương ngũ hành trong mọi lĩnh vực phong tục, tập quán, truyền thuyết
của Việt Nam từ xưa đến nay như những minh chứng cho tính nguyên thủy, tính tự
phát của tư tưởng Âm Dương, lưỡng phân lưỡng hợp trong truyền thống văn hoá
Việt Nam và Đông Nam Á.”.[2]
CỘNG ĐỒNG BÁCH VIỆT
HIỆN THỰC LỊCH SỬ
CỦA TRUYỀN KỲ “TRĂM TRỨNG NỞ TRĂM CON”.
Chúng
ta đang sống trước thềm của thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại nên mỗi khi nghĩ
về huyền thoại Rồng Tiên thì thoạt đầu, ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng là
truyện huyền hoặc, hoang đường. Dù có tự hào là con Rồng cháu Tiên nhưng với ý
nghĩ đơn giản của đời thường, chúng ta vẫn hoài nghi vì trên đời làm gì có
truyện người đẻ ra trứng, rồi trứng nở ra người?
Với
tất cả tấm lòng và thái độ trân trọng nghiêm chỉnh và với phương pháp nghiên
cứu huyền thoại để tự đặt mình vào hoàn cảnh lịch sử thời cổ đại thì những ẩn ý
hàm tàng trong huyền thoại sẽ gợi mở sáng tỏ, minh nhiên lý giải những vấn nan
khúc mắc tự ngàn xưa. Có một thực tế mà chúng ta phải hiểu rõ đó là tất cả các
dân tộc thời cổ đại đều tin tưởng thần linh chở che trong mọi sinh hoạt cuộc
sống. Thật vậy, khi con người vừa bước ra khỏi thời kỳ ăn lông ở lỗ của thuở
hồng hoang để bước vào hình thái xã hội ban sơ, con người cảm thấy nhỏ nhoi
trước sức mạnh kỳ bí của thiên nhiên nên yếu tố thần linh ngự trị trong mọi
sinh hoạt của họ.
Bước sang đầu thiên niên kỷ thứ ba, một số dân tộc có một nền văn minh tương đối cao nhưng vẫn còn tôn thờ những vật tổ linh thiêng của họ như dân Ấn vẫn còn thờ bò. Do đó, chúng ta không thể dựa trên những tập tục cổ của một dân tộc mà đánh giá một cách sai lầm là xã hội đó kém văn minh, mê tín, hoang đường. Đó là cách nhìn theo quan điểm giả tiến hoá. Trái lại sự hiện hữu tục thờ vật tổ Totem của một số dân tộc chứng tỏ tính phong phú đa dạng của nền văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc. Vấn đề là phải tìm hiểu phần tinh tuý, cốt lõi của nhân vật hình tượng Mẹ Tiên như Jung nói: “sự đúc kết biết bao suy tư của thời đại tạo dựng độc sáng phải chờ thế hệ sau diễn đạt bằng ngôn từ minh nhiên lý luận”.
Một
khi tiền nhân thần thọai hóa mẹ Âu là Tiên thì Mẹ Âu Cơ có thể làm bất cứ điều
gì mà người phàm không làm được, đó là đẻ ra trứng thuộc phạm trù tín ngưỡng
nguyên thủy cũng như phạm trù tôn giáo đòi hỏi phải có niềm tin một cách mặc
khải. Gạt sang một bên vấn đề tự tình dân tộc để tìm hiểu xem tại sao Mẹ Âu lại
đẻ ra “trứng”, chúng ta thấy rõ hàm ý sâu xa của tổ tiên ta. Thật vậy, ý niệm
trứng trong huyền thoại biểu trưng Totem vật tổ biểu trưng của Việt tộc là tộc
người thờ chim là một con vật đứng đầu trong tứ linh: “Nhất điểu, nhì ngư, tam
xà, tứ tượng”. Vì vậy, việc Mẹ Âu Cơ mà vật tổ biểu trưng là chim thì việc mẹ
Âu sinh ra trăm trứng nở ra trăm người con trai trên bình diện tâm linh là bình
thường không có gì đáng ngạc nhiên cả.[3] Nguồn
sách sử cổ cũng cho ta biết “Lạc bộ Chuy” là chi tộc Việt từ vùng Cao Nguyên
Côn Sơn-Malaya tiến xuống vùng lưu vực của 3 con sông Hoàng Hà, sông Lạc và
sông Vị. Lạc bộ Chuy là chi Việt cổ của họ Hồng Bàng có vật tổ biểu trưng là
chim vì ông cha ta đã theo dấu chim Hồng, chim Lạc thiên cư xuống vùng trung
nguyên khi mực nước biển rút dần. Trước đó, một nhánh khác tiến xuống vùng núi
Dân, Ba Thục cũng được gọi là Châu Phong. Địa danh Phong Châu ở Bắc Việt Nam
cũng chỉ là nhắc lại địa danh cư trú ban đầu của Việt tộc nơi mà mẹ Âu dẫn 50
con lên núi rồi suy cử người con trưởng làm vua nước Văn Lang như truyền thuyết
kể lại.
Âu Cơ
và 50 con lên đất Châu Phong, suy phục lẫn nhau cùng tôn người con cả lên làm
vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, Đông giáp Nam Hải, Tây tới
Ba Thục, Bắc tới Động Đình Hồ, Nam tới Hồ Tôn (Chiêm Thành). Bản “Hùng Triều
Ngọc Phả” cũng ghi là đời Hùng Vương thứ 16 là Hùng Tạo Vương húy là Đức quân
Lang (660-569 TDL) dời đô xuống Phong Châu Thượng ở Vân Nam Trung Quốc bây giờ.
Sách “Lĩnh Nam Trích Quái” truyện Thánh Tản Viên chép rằng đời Chu Noãn Vương,
vua Hùng thứ 18, lấy quốc hiệu là Văn Lang đến ở đất Việt Trì, châu Phong ở Bắc
Việt Nam bây giờ.Sự kiện này phù hợp với cương giới Văn Lang ở trung nguyên
Trung Quốc được ghi trong thư tịch cổ. Những
công trình nghiên cứu địa danh là những từ ngữ của một tộc người đã ghi tạc vào
sông núi nơi địa bàn cư trú của họ ở một thời điểm nhất định nào đó, cho phép
chúng ta kết luận là sự tương đồng của những địa danh khẳng định địa bàn cư trú
của cùng một tộc người trên vùng đó. Trong số những địa danh thì thủy danh là
tên sông, nhất là những con sông lớn có tên sớm nhất trước cả tên đất nữa. Công
trình nghiên cứu cho ta thấy 2 con sông lớn ở Đông Á và Đông Nam Á là Dương Tử
Giang và Cửu Long Giang (Mékong) có tên gọi giống nhau và cùng bắt nguồn từ một
danh từ cổ là “Kang”.
Cách
phát âm này hiện được giữ lại trong các tiếng địa phương Quảng Đông và Thượng
Hải. Xét theo tự dạng thì chữ “Giang” lại dùng chữ “Công” để phiên âm. Tên sông
Mékong được gọi bằng nhiều tên theo tiếng nói của các dân tộc mà sông này chảy
qua Trung Quốc gọi là Khung Giang, Lào gọi là Nậm Khoỏng, Cambodia (Kampuchia)
gọi là Mê Kong và xuống đến lãnh thổ Việt Nam, con sông này được gọi một cách
thân thương là Cửu Long Giang. Tất cả những danh từ như Cửu Long Giang, Nậm
Khoỏng, Mékong, Khung Giang là những dạng tương tự về mặt ngữ âm từ một tên gốc
là Kông mà ra.
Về địa
danh, nếu chúng ta ngược dòng thời gian đi sâu xuống lớp địa danh Hán Việt đầy
rẫy nơi vùng cư trú của người Việt thì có thể thấy còn có một lớp địa danh cổ
hơn nữa, đó là lớp tên nôm với yếu tố cấu thành là chữ “Kẻ”. Những tên nôm với
yếu tố Kẻ như thế rất nhiều, có thể nói rằng hầu hết xã thôn Việt Nam ở vùng
đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đều có. Tên nôm hiện nay đang bị
quên dần đi và ít được dùng đến, nhưng nó từng tồn tại rất lâu. Trước đây,
trong một thời gian dài nó tồn tại song song với Hán Việt, thông thường tên nôm
dùng để gọi, còn tên Hán Việt là “tên chữ”.
Như
chúng ta biết, tên đặt ra trước tiên dùng để gọi, đến khi xã hội phát triển ở
mức độ khá cao mới nảy sinh nhu cầu ghi chép. Hơn nữa xét tương quan ngữ âm
giữa các cặp tên nôm và tên chữ thì chúng ta thấy rõ là tên chữ được đặt ra
bằng cách phiên âm tên Nôm và trong một số trường hợp bằng cách dịch nghĩa nữa.
Điều này một lần nữa khẳng định nhu cầu ghi chép là điều kiện xuất hiện những
từ ngữ gọi là Hán Việt. Đặc biệt trong nhiều tên làng Việt Nam, chữ Kẻ trong
những tên nôm được phiên âm ra tên Hán Việt bằng chữ Cổ những địa danh có chữ
“cổ” đứng đầu rất phổ biến. Địa danh có chữ Cổ còn thấy rải rác ở Cam Túc, Tứ
Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, nhưng tập trung nhất vẫn là vùng Lưỡng Quảng.
Như
vậy tên nơi cư trú có thành tố “Kẻ-Cổ” đứng đầu trong địa danh học cần đặc biệt
lưu ý khi xét vùng đất cổ của cư dân Văn Lang, nó được tìm thấy ở một mức độ
tập trung khá cao tại miền đất bao gồm miền Bắc Việt Nam và vùng Lưỡng Quảng
hiện nay. Địa bàn phổ biến địa danh có chữ “Kẻ” xưa và “Cổ” hiện nay có thể
trải rộng ra nhiều tỉnh thuộc Hoa Nam, nhưng chúng ta đều biết địa bàn phân bổ
của địa danh, càng rộng bao nhiêu thì khởi điểm của loại địa danh đó càng cổ
bấy nhiêu. Rất có thể vùng đất tập trung địa danh thuộc nước Văn Lang như
truyền thuyết cho biết.[4] Tầm
nguyên ngữ nghĩa của chữ “Lang” cho chúng ta những nhận định chính xác hơn về
địa bàn cư trú của người Việt cổ cũng như uyên nguyên ngữ nghĩa của tên nước
Văn Lang. Cũng như các dân tộc khác thời cổ đại khi còn là một tộc người thì
lấy chữ “người” để chỉ tên của dân tộc đó theo ngôn ngữ của họ. Chữ Lang trong
tiếng Hán có nghĩa là đàn ông, nguyên gốc của Việt cổ còn ghi rõ trong truyền
thuyết con trai vua gọi là Quan Lang và con gái là Mị nương. Đồng bào Mường
hiện nay vẫn gọi Quan Lang là người đứng đầu một Mường (bản làng).
Ngôn
ngữ phương Nam còn có những chữ như Dranglô của Barnar có nghĩa là đàn ông,
Arăng tiếng Êđê và Urang của Chàm đều có nghĩa là người. Trong tiếng Indonésia,
Mã Lai chữ Orang cũng nghĩa là người. Phương pháp so sánh của ngôn ngữ lịch sử
xem những danh từ kép Văn Lang, Việt Lang, với Urang, Ô rang, cũng xem như Dạ
Lang với Drang trong chữ Dranglo là giống nhau trên căn bản. Sự khác biệt là do
biến đổi từ trạng thái nọ sang trạng thái kia theo điều kiện không gian và thời
gian mà thôi. Căn
cứ trên bản đồ nhân chủng cho thấy tộc danh có thành tố “Lang” trải rộng khắp
Trung Nguyên từ lưu vực sông Dương Tử xuống tới Bắc Trung Việt (Việt Nam) như
Dạ Lang (Quý Châu) Bạch Lang (Tứ Xuyên), Việt Lang (Quảng Đông) và Văn Lang
(Bắc Việt Nam) và những danh từ chung chỉ người như Lang, Dranglo, Orang, trải
rộng trên một địa bàn lớn ở vùng đồng bằng ven biển, các vùng ven biển bao
quanh biển Đông tới Indonesia, Mã Lai.[5] Vùng
đất cư trú của các chi tộc này xét về mặt địa lý phù hợp với cương vực của nước
Văn Lang cũ như truyền thuyết kể lại. Điều này được xác nhận bởi các nguồn sách
sử cổ như “Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư” đã bị triều Thanh tịch thu thì: “Ở tỉnh Quảng Tây có nhiều người Lang (Lang
nhân). Do đó người ta gọi thổ binh ở vùng này là Lang binh và người Choang cách
đây 4, 5 thế kỷ vẫn còn được gọi là Lang, Choang là đọc chữ Lang trại âm mà ra”.
Thực tế lịch sử cho chúng ta thấy tính hiện thực của truyền thuyết trăm trứng
nở trăm con với sự hiện diện của các nước mà cổ sử Trung Quốc gọi là Bách Việt
(Bai-Yue).
Danh xưng Bách Việt trong sách “Lã Thị Xuân Thu”, thiên “Tự Quan” viết: “Phía Nam Dương Châu, Hán (Hán thủy) là Bách Việt”. Cao Dụ giải thích tiếp như sau: “Bách Việt là nơi tộc Việt có cả trăm chủng”. Sách Hậu Hán Thư, Địa lý chí dẫn lời Thần Tán về Bách Việt như sau: “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê trên 7,8 ngàn dặm, người Bách Việt ở xen kẽ nhau gồm nhiều chủng tính (tên họ) khác nhau”. Sử Ký của Tư Mã Thiên chép rằng đời Chu An Vương, Sở Điệu Vương sai Bạch Khởi đánh dẹp Bách Việt ở miền Nam vào đầu thế kỷ thứ IV TDL. Sách “Lã thị Xuân Thu” viết rằng ngay từ đầu triều Thương, cổ sử Trung Quốc đã đề cập tới tên một số chi tộc Việt như Âu Thâm, Việt Âu, Quế Quốc, Quyên Tử, Sản Lý, Cửu Khuẩn, Đông Việt, Âu Nhân, U Việt, Cô Muội, Thả Âu và Cung Nhân.
Đời
Tống, La Tất viết “Lộ sử” đã liệt kê một số nhóm trong Bách Việt như sau: “Việt Thường, Lạc Việt, Âu Việt, Âu Khải,
Âu Nhân, Thả Âu, Cung Nhân, Hải Dương, Mục Thâm, Phù Xác, Cầm Nhân, Thương Ngô,
Man Dương, Dương Việt, Quế Quốc, Tây Âu,
Quyên Tử, Sản Lý, Hải Quỳ, Tây Khuẩn, Kê Từ, Bộc Cần, Bắc Đái, Khu Ngô gọi là
Bách Việt”.
Theo
“Dật Chu Thư” thì các chi tộc Việt ở Lĩnh Nam như Quế Quốc, Sản Lý, Quyên Tử,
Cửu Khuẩn phải cống nạp đồi mồi, hạt châu, chim quí, ngà voi, sừng tê, chim
Hạc, chó lùn. Lạc Việt cống tre ngà (đại trúc) măng trúc, Thương Ngô ở phía Nam
Hồ Nam cống chim công. Tuy nhiên, sách “Trúc Thư Kỷ Niên” chép là mãi đến đời
Chu Thành Vương, năm 1040 TDL “Vu Việt lai tân” nghĩa là Việt đến làm khách thăm
xã giao mà thôi. Trong “Dật Chu Thư”, La Tất viết chữ Lạc là Lộ, chữ Lộ chính
là chữ Lạc đã được sách Lã Thị Xuân Thu giải thích rõ ràng. Như vậy, La Tất
viết Lộ sử tức sử của Lạc Việt.[6] Sách
sử cổ của Trung Quốc cũng ghi là đời Chu, có phái đoàn sứ bộ Việt Thường sang
biếu chim Bạch Trĩ năm 1110 TDL đời Chu Thành Vương năm thứ 6. Như vậy chính cổ
sử Trung Quốc đã xác nhận sự hiện hữu của Việt Thường ngay từ thời Đế Nghiêu.
Việt Thường Thị của cư dân trồng lúa nước nên đã có trình độ cao về thiên văn
và đã làm ra lịch thời vụ mùa màng cho nông nghiệp gọi là Nông lịch. Chính vì
cùng một dòng tộc đại chủng Bách Việt nên họ Việt Thường đã đến biếu vua Nghiêu
một con rùa hàng ngàn năm tuổi. Trên lưng con rùa này có viết chữ “Khoa Đẩu”
tức là lối chữ hình con nòng nọc của tộc Việt dòng Thần Nông phương Nam để chỉ
cách làm và ứng dụng Nông lịch là Âm lịch còn dùng mãi đến tận bây giờ.
Sau
thời Đế Nghiêu Thuấn đến nhà Hạ, Nông lịch đã ứng dụng hoàn chỉnh nên sách sử
cổ thường gọi là lịch nhà Hạ. Đó chính là Việt lịch tính theo chu kỳ của mặt
trăng. Học giả Lê Quý Đôn trong “Vân Đài Lọai Ngữ” đã viết: “Việt lịch tức Âm lịch tính theo hệ thống
quỹ đạo mặt trăng ứng dụng cho con nước mà bia đá ở Cối Kê, kinh đô nước Việt
thời Câu Tiễn ghi rõ là nước thủy triều lên xuống đúng chu kỳ mặt trăng”.
Trong tác phẩm Sử Ký, sử gia chính thống Đại Hán là Tư Mã Thiên chép về sự hình thành của quốc gia Việt Thường như sau: “Đầu đời Tây Chu (1143-770TDL) người nước Việt Thường đuổi người Tam Miêu, lập nước ở vùng giữa hồ Động Đình và hồ Phiên Dương còn gọi là hồ Bà Dương ở phía Nam lưu vực sông Dương Tử”. Như vậy, nước Việt Thường còn tồn tại mãi tới đời vua nước Sở là Hùng Cừ. Sử nước Sở chép rằng đời Hùng Cừ (887-877TDL) đã chiếm Việt Thường bên hồ Phiên Dương mà kinh đô của Việt Thường nằm ở giữa hồ Phiên Dương và hồ Động Đình.
Theo
Đào Duy Anh thì trong những nhóm Bách Việt ấy chúng ta thấy có những nhóm như
Dương Việt ở hạ lưu sông Dương Tử, nhóm Thương Ngô ở miền Nam tỉnh Quảng Tây,
nhóm Sản Lý tức Xà Lý (Xa Lý) ở tận miền Tây Nam tỉnh Vân Nam, còn Kê Từ, Bắc
Đái là những tên huyện thời Hán thuộc quận Giao Chỉ. Trong những nhóm Bách Việt
được chính sử Trung Quốc như Sử Ký và Tiền Hán Thư chép tương đối kỹ càng là:
Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt, Tây Âu. “Sử Ký Mục “Đông Việt Truyện” cho chúng
ta biết rằng Đông Việt hay Đông Âu trong thời Tần Hán đóng đô ở Vĩnh Ninh tức
Vĩnh Gia là miền Triết Giang. Mân Việt thì ở đất Mân Trung tức là miền Phúc
Kiến. Nam Việt đóng đô ở Quảng Châu gọi là thành Phiên Ngung thuộc miền Quảng
Đông, Tây Âu ở phía Nam sông Ly miền Quảng Tây. Nhóm Lạc Việt, theo Hậu Hán Thư
cho chúng ta biết rằng các quận Giao Chỉ và Cửu Chân là người Lạc Việt, như thế
Lạc Việt là một chi Việt tộc tập trung nhiều nhất ở miền Bắc Việt Nam.
Như vậy, theo sử sách xưa của chính Hán tộc
đã gọi Bách Việt là những nhóm người sống rải rác khắp miền Hoa Nam, phía Tây
gồm cả đất Vân Nam Tứ Xuyên và phía Nam gồm cả Bắc và Trung Việt Nam bây giờ.
Sử sách thường gọi chung miền này là miền Giang Nam tức miền Nam Dương Tử Giang hoặc miền Lĩnh Nam, phía Nam
rặng núi Ngũ Lĩnh. Tuy nhiên chính sử Trung Quốc chỉ ghi một cách sơ xài như Sử
Ký của Tư Mã Thiên chỉ ghi kỹ về Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt và Lạc Việt.
Sách
sử cổ Trung Quốc phải thừa nhận một thực tế lịch sử đó là sự thành lập của các
quốc gia thời Xuân Thu Chiến Quốc mà họ gọi là Bách Việt ở vùng Giang Nam. Sử
Ký của Tư Mã Thiên chép tương đối kỹ về Đông Việt tức U Việt của Việt Vương Câu
Tiễn không chỉ ở Triết Giang mà lên tới miền Giang Tô tức châu Từ, quê hương
của gốm sứ Việt cổ nổi tiếng của chi Dương Việt. Nước Việt đóng đô ở Cối Kê với
những thăng trầm dâu bể của lịch sử nên Lý Tế Xuyên mới viết “Việt điện U linh”
về nước Việt thuở xa xưa. Mân Việt ở Phúc Kiến,
Dương Việt ở Giang Tây, Liêu Việt ở Quý Châu, Điền Việt, Kiềm Việt ở Vân
Nam, Quỳ Việt ở Tứ Xuyên, Nam Việt ở Quảng Đông, Âu Việt còn gọi là Tây Âu ở
Quảng Tây và Lạc Việt ở xen kẽ với Âu Việt rải rác khắp Hoa Nam nhưng tập trung
nhiều nhất ở Quảng Tây và Bắc Việt Nam bây giờ. Đối chiếu với cương giới Văn
Lang trong truyền thuyết chúng ta thấy rất phù hợp với thực tế địa bàn cư trú
của cộng đồng Bách Việt, từ Hồ Động Đình xuống tận phương Nam giáp Chiêm Thành
và từ biển Đông sang tới tận Ba Thục ở phía Tây.
Thế
nhưng Đại Việt Sử Lược bị sử quan triều Thanh là Tiền Hi Tộ sửa đổi nên chép
tên các bộ chỉ nằm trong phạm vi Bắc Việt Nam bây giờ. Theo học giả Lê Quý Đôn
trong Vân Đài Loại Ngữ thì “Tên 15 bộ do
triều Hán, Ngô mới đặt ra, tên gọi lẫn lộn ngờ rằng những tên đó là do bọn hậu
Nho góp nhặt vay mượn chép ra nên khó mà tin được. Xét về phận dã thiên văn thì
Giao Chỉ thuộc Sao Tĩnh, Dực Chẩn và Đẩu Ngưu”. Như vậy, Lê Quý Đôn đã phủ
nhận cương giới 15 bộ do sử Tàu chép và xác nhận rõ là cương giới nước ta thời
cổ nằm mãi ở Trung nguyên Trung Quốc bây giờ. Thật vậy, cương giới Hồng
Bàng-Văn Lang xưa được ghi trong “Thiên thư” là Việt Tĩnh Cương lấy chòm sao
Tĩnh làm chuẩn để phân bố các vùng, các bộ trong nước Văn Lang. Nhìn chung,
chòm sao Tĩnh tượng hình bằng 2 đường thẳng và 2 đường ngang cắt nhau tại 4
điểm chỉ vùng đất từ Tam giang Bắc gồm sông Vị, sông Hoàng và sông Lạc xuống
tới Tam giang Nam gồm sông Nguyên, sông Tương và sông Dương Tử.
Sách
Lĩnh Nam Trích Quái dựa theo truyền thuyết dân gian Việt cổ chép: “… Trăm người con trai đều vâng theo rồi từ
biệt nhau. Âu Cơ cùng năm chục con trai ở tại Phong Châu, suy tôn người con
trưởng lên làm vua gọi là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Nước ấy phía
Đông giáp Nam Hải, phía Tây đến Ba Thục, phía Bắc đến hồ Động Đình, phía Nam
đến nước Hồ Tôn Tinh (sau là nước Chiêm Thành). Vua Hùng chia nước làm 15 bộ:
Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế
Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm, Tượng Quận”.[7] Khác
với Việt Sử Lược và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lĩnh Nam Trích Quái lại chép các
bộ Chân Định ở Trường Sa Hồ Nam, bộ Quế Dương, Quế Lâm ở Quảng Tây và Tượng
Quận ở Quý Châu, Vân Nam Trung Quốc rất phù hợp nguồn sách sử cổ và với thực tế
lịch sử của các nước Bách Việt ở lãnh thổ TQ bây giờ. Trong khi tất cả sách sử
Trung Quốc đều viết cương giới 15 Bộ của nước Văn Lang chỉ nằm trong phạm vi
Bắc Việt Nam. Sự khác biệt cũng không có gì khó hiểu, vì việc bóp méo, xuyên
tạc và sự kiện lịch sử được hư cấu để vấn đề gốc tích dân tộc ta trở nên huyền
hoặc là bản chất cố hữu, chủ trương trước sau như một của Hán tộc xuyên suốt
dòng lịch sử.
Tư Mã
Thiên là người hiểu rõ hơn ai hết Hoàng Đế là người Việt vì cũng chính ông ta
đã viết Đế Chuyên Húc, Đế Cốc đều là ông Tổ của những vị vua Việt sau này. Thế
nhưng, với tư cách là sử gia đại biểu chính thống cho Hán tộc vẫn đặt bút viết
Hoàng Đế là thủy tổ của Hán tộc. Tư Mã Thiên cũng hiểu rõ về Lạc bộ Chuy, Lạc
bộ Thủy, Lạc bộ Trĩ nhưng lại viết Lạc bộ Mã vì không muốn người Việt nhớ đến
cội nguồn dân tộc và lãnh thổ Việt xưa.
Tóm
lại, chính thực tế lịch sử đã minh nhiên lý giải ý nghĩa của sự việc lạ thường
là mẹ Tiên đẻ trăm trứng nở trăm con, để rồi trở thành trăm chi tộc Việt mà sử
cổ Trung Hoa gọi là Bách Việt. Mỗi chi tộc do một người con trai đứng đầu nên
từ đó mới có ý niệm bách tính là trăm họ. Đây mới chính là vấn đề mà cốt lõi
của nó là sự gửi gấm của ông cha ta thời dựng nước cho con cháu ngàn sau, về
nguồn gốc giống dòng của trăm chi tộc Việt cùng chung huyết thống để lúc hoạn
nạn nhớ cưu mang giúp đỡ lẫn nhau như lời Bố Lạc dặn dò trước lúc chia tay.
Không những cưu mang giúp đỡ lẫn nhau mà còn phải đoàn kết, thống nhất sức mạnh
Việt tộc để phục hưng đại tộc Việt.
Truyền thuyết dân gian Hoa Nam và Đài Loan về chim Phượng Hoàng, chúa tể loài chim Totem Vật tổ Việt tộc mà dân gian gọi là “Bái điểu tộc”, chống lại “Thiên ma tộc” Đại Hán. Đó chính là bức “Thông điệp” của tiền nhân từ huyền thoại xuyên suốt mấy ngàn năm của dòng vận động lịch sử Việt. Thế là Truyền thuyết huyền thoại từ chỗ u u đã trở nên minh minh, chứ không còn u u minh minh như trước nữa. Ngày nay chúng ta không còn ngạc nhiên khi thấy ông cha ta đã chọn loại Chim là vật biểu. Hồng là Ngỗng trời nên còn có tên là Thiên Nga (Swan), hàm ý có chí lớn bay cao tận trời xanh. Hình ảnh chim được khắc hoạ trên mặt trống đồng với mỏ dài của loại chim nước. Các nhà nghiên cứu đã kết luận chim nước là của Đông Nam Á, nó gắn liền với cư dân nông nghiệp sống ở vùng sông lạch, ao hồ.
Theo triết gia Kim Định thì Hồng Hộc, chim
nước của Việt tộc thể hiện nguyên lý Âm Dương Giao Chỉ vì nó vừa bay lên trời,
vừa xuống dưới nước. Chi tộc Âu Việt tôn thờ chim Hồng biểu trưng của văn minh
nông nghiệp cùng với chi Lạc thờ Rồng trong cộng đồng Bách Việt nên chúng ta
vẫn tự hào là dòng giống Lạc Hồng (Lạc Âu). Trên bình diện tâm linh, hư cấu
thêm ý nghĩa thần thoại thì chim bay lên tận trời xanh thường gắn liền với các
vị Tiên nữ trên trời. Sách “Quảng Đông Tân Ngữ” ghi Trĩ là con Công của Việt
tộc luôn luôn bay theo hướng mặt trời, mà con Công chính là chim Phượng Hoàng
huyền thoại được coi như tổ các loài chim.
Ý
niệm Chim-Tiên-Mặt trời gắn liền với tín ngưỡng nguyên thủy của cư dân nông
nghiệp với nền văn minh lúa nước của Việt tộc. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh đó,
chim Hồng biểu tượng một ý chí cao, luôn bay vươn lên, vượt tới trời xanh, thể
hiện ý chí cao cả của tộc Việt, người dân Việt sẳn sàng hy sinh cho dân tộc nên
xem cái chết “nhẹ như lông Hồng”.[8]
[1]. chữ “Việt 易” là chữ Dịch “易”
là mặt trời (“Nhật日Việt”) chiếu sáng
được đơn giản hóa và xếp theo nghệ thuật, các “tia sáng “勿” được gom lại để ở phía dưới theo chữ “Vuông” vừa
đúng vừa đẹp. Kinh “Dịch 易” là kinh “Việt 易”, nước “Dương 楊”-Việt
là thêm chữ “mộc 木” vào chữ này.
[2]. Trần Ngọc Thêm: Nguồn
Gốc Đông Nam Á của Triết Lý Âm Dương. Tạp chí Triết Học số 1(260) tháng 1-2013.
[4]. Hoàng Thị Châu: Mối
Liện hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua tên sông ở Việt Nam (Thời Đại Hùng
Vương, NXB Hà Nội).
[5] Hoàng Thị Châu: Mối Liện
hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua tên sông ở Việt Nam (Thời Đại Hùng
Vương, NXB Hà Nội).
[6]. Lê Xuân Diệm: Thời Dựng
Nước, Lịch Sử Việt Nam Tập 2 tr 40. Tưởng Bỉnh Khiêm, Ngô Miên Cát, Hạnh Thổ
Thành” Văn hoá Dân tộc Bách Việt”, NXB Học Thuật Hạ Môn, Trung Quốc, 1986, tr
401.
[7] Lĩnh Nam Trích Quái:
Sách số A 1920 của Thư viện Khoa Học Trung Ương.
[8]. Việt tộc có vật tổ biểu
trưng là chim nên “xem cái chế nhẹ như lông chim Hồng”, trong khi Hán tộc du
mục sống trên lưng ngựa nên xem cái chết như “Da ngựa bọc thây” là như thế. Núi
Thái Sơn: Núi Thái Sơn ở Sơn Đông Trung Quốc bây giờ. Sở dĩ dân gian so sánh
công cha với ngọn núi Thái Sơn vì vùng Sơn Đông là địa bàn cư trú của người
Việt cổ mà cổ sử Trung Quốc gọi là “Lạc bộ Trĩ”. Từ thời Thương đã đánh đuổi
Lạc bộ Trĩ phải rời bỏ vùng đất tổ này chạy xuống phương Nam. Một số chạy ngược
lên bán đảo Triều Tiên thành lập nước Cao Câu Ly và chạy sang Nhật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét