Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016



CHƯƠNG III

GIÚP ĐỠCÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ

1. Khi nguyên t vic cu người tr bnh cu người đi dn đến ch h tr các t chc chính tr và liên can vào v án.

Kể từ khi chiếm được chính quyền miền Nam, chính quyền Cộng Sản đã thể hiện quyền lực của kẻ độc tài để sách nhiễu và bách hại đồng bào không thương tiếc. Cộng sản không những áp bức bóc lột đồng bào ngoài xã hội mà những kẻ cuồng vọng lại còn giở trò bịp bợm tiến dần lấn áp, uy hiếp đến cửa thiền môn nữa. Sau ngày 30.04.75 chỉ một ngày thôi, nhan nhản những sự bất công tàn bạo của Cộng Sản.

Tôi cảm thấy bất mãn chế độ độc tài nầy, vì tôi không có chút niềm tin nào với đường lối chính sách mà họ đang điều hành. Cộng Sản Việt Nam không hề đem đến hạnh phúc ấm no cho toàn dân dù ở mức độ thấp nhất. Từ đó, những buổi diễn giảng Phật pháp, tôi lồng vào những mẫu chuyện ngụ ngôn, răn đời rất thâm thúy của người xưa, hoặc lấy những điển tích trong Cổ học Tinh hoa để dẫn chứng. Tôi thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng, tình cảm và hoàn cảnh của người dân, cho nên những mẫu chuyện, tôi chọn lọc sao cho thật nhạy cảm, phù hợp với tâm lý và đi gần với cuộc sống hiện thực của đời thường. Có những buổi nói chuyện hoặc là thuyết giảng giáo lý, nhiều bô lão rất tâm đắc gật gù, thỏa thích bởi những câu chuyện rất đúng với hiện trạng đã và đang xảy ra trước mắt người dân hàng ngày.

Sau những buổi thuyết giảng đó, tôi thăm dò tìm hiểu, lắng nghe, những ý kiến của quý cụ sau khi lĩnh hội buổi giảng luận phật lý vừa qua. Tôi cảm thấy hài lòng với đề tài mình đã chọn lọc, đúng lúc, hợp lý hợp tình và tôi luôn cố gắng duy trì, ứng xử thích nghi với nỗi khát vọng trong lòng mọi người là làm sao cho hợp đạo, hợp tình, hợp thời và hợp cảnh. Lúc bấy giờ Hòa Thượng Thích Trí Đức Chánh Đại diên GHPGVNTN tỉnh Bạc Liêu phân công cho tôi phụ trách mở thêm một phòng thuốc nam, châm cứu từ thiện tại chùa Từ Quang, Cây Gừa xã Thạnh Bình huyện Giá Rai nên tôi bận rộn suốt ngày. Một hôm, từ Chùa Từ Quang tôi trở về chùa Vĩnh Bình sau 1 tuần lễ hốt thuốc trị bệnh giúp đồng bào tại nơi nầy. 

Khi xe vừa đến cổng chùa, tôi trông thấy trước mái hiên, có một người phụ nữ ước chừng 30 tuổi, sau được biết chị tên là Hồ Thị Huệ, tay đang bế một đứa cháu trai, vừa mới sinh hơn một tháng tuổi, dưới chân chị có một chiếc giỏ xách đựng quần áo, tã lót, khăn, dầu cù là, sữa… dành cho bé. Chị vừa ôm con vừa khóc sướt mướt, ngước lên trông thấy tôi chị gật đầu chào, tôi hỏi “Uả sao mà chị khóc dzậy?”. Chị trả lời: "Thưa thầy cháu bé bệnh nặng gần chết, bác sĩ ở bệnh viện đã chạy, không còn phương cứu được và bảo tôi đem cháu về nhà để chuẩn bị chôn thôi!”. Chị Huệ xin tôi cho tạm đứng trước hiên chùa, chờ có xuồng quá giang về nhà, thấy vậy, tôi hỏi “cháu bệnh gì ?” Chị trả lời “Cháu bị bệnh phổi rất nặng". Tôi liền đến xem nét mặt cháu bé và xem ngón tay trỏ của cháu, xem cả ba đốt ngón tay về phong môn, phế môn và mạng môn. Do đứa bé sơ sinh bộ mạch chưa đầy đủ nên phải xem các đốt ngón tay này, tôi nhận xét đứa bé bị ngạt thở do đàm chặn cổ họng, chứ không phải bị phổi nặng. Theo tôi, có thể do bú sữa mẹ, vì người mẹ quá nhiệt trong người. Tôi nói: "Đứa bé không sao đâu! chị hãy bế cháu vào phòng thuốc tôi giúp cho”.

Lúc bấy giờ tôi nhờ một bà phật tử rất giỏi, chuyên trị bệnh cho trẻ em, tức bà Nguyễn Thị Ngà, còn gọi là cô Hai Huệ, năm nay 76 tuổi hiện còn sống, đang ngụ tại ấp Cái Dầy xã Châu Hưng. Cô Hai Huệ dầm phèn chua cùng vỏ cây so đũa và giấm, dùng lông gà, thọc vào họng cho bé ọe hết đờm ra, chỉ một phút sau bé thở trở lại bình thường, nét mặt trở nên hồng hào tươi tỉnh và khóc oa oa. Chị Huệ, mẹ cháu bé miệng vừa nở nụ cười hiền lành, vui mừng, vừa lấy khăn lau nước mắt. Tôi tiếp tục đưa cho chị thêm một ít thuốc tán để đem về cho cháu uống rồi chị quá giang xuồng về nhà tại xã Châu Thới. Chị không quên cảm ơn và cúi đầu từ giã mọi người.

Khoảng ba hôm sau, vào lúc buổi chiều, trời sụp tối, thình lình tôi thoáng thấy có vài anh thanh niên đi thoăn thoắt vào cổng chùa. Tôi liếc thấy mỗi người lại đứng mỗi góc bên hông chùa, loáng thoáng bóng người lấp ló sau hàng dừa rồi khuất đi… Tôi vội ra xem thì có một anh thanh niên tuổi khoảng 30, nước da đen xạm nắng. Trông thấy tôi, anh ta ngả nón cúi chào và hỏi “Thưa! Có phải thầy là Thầy Thích Thiện Minh trụ trì chùa này phải không?" Tôi đáp lại “Phải! chính tôi". Sau đó, tôi mời anh vào chùa, qua cuộc tiếp xúc trong buổi chiều hôm này, tôi được biết anh tên là Trịnh Thanh Sơn 29 tuổi, anh từ rừng Đước U Minh vừa về thăm nhà, được người vợ là chị Hồ Thị Huệ thông báo lại sự việc, tôi đã chữa trị cứu sống được đứa bé. Hôm nay, mục đích anh đến chùa là để tỏ lòng cảm ơn và xin thêm ít thuốc tán cho cháu bé. Khi trao đổi tiếp chuyện với anh Sơn, anh có nhờ tôi giúp xem giùm tuổi tốt xấu cho anh, liệu anh đang xúc tiến công việc làm ăn lớn có thể thành công không?

Rồi tôi và anh lại tâm sự tiếp. Khi hai bên trò chuyện có những nhận xét và nhận thức giống nhau về một số vấn đề xã hội hiện tại nên có sự đồng cảm lạ lùng. Anh bèn tiết lộ cho tôi biết, anh đang trốn học tập cải tạo cùng một số binh lính, hạ sĩ quan, sĩ quan. Hiện đang trú ngụ tại rừng U Minh Hạ và đang có hướng thành lập một tổ chức bí mật để đấu tranh chống cộng đòi tự do. Thế nhưng hoàn cảnh hiện giờ trong thời kỳ còn đang ẩn trốn, mọi việc bước đầu thật hết sức khó khăn, thiếu thốn đủ mọi bề, chẳng hạn như: thiếu dầu để đốt đèn, thiếu pin, thuốc sốt rét, thuốc trừ muỗi, áo mưa, giấy, bút, bàn máy đánh chữ, lương thực thực phẩm, vải may cờ, quân trang quân dụng và cả vũ khí phòng thân… Theo tôi hiểu, dường như nhu cầu gì cũng cần, và đường dây tiếp tế bây giờ chưa có. Sơn chưa tìm được mạnh thường quân đúng nghĩa để đỡ đầu, nhằm kiện toàn và phát triển thành một tổ chức vững mạnh. Khi nghe anh trình bày, tôi rất cảm thông và có hứa hẹn sẽ đóng góp một phần những gì tôi có thể trợ giúp.

Kể từ giờ phút đó, tôi bắt đầu tạo mọi điều kiện và khả năng sẵn có của mình để giúp anh, đồng thời giới thiệu, vận động một số mạnh thường quân hỗ trợ tài lực, vật lực, nhân lực mỗi khi anh có dịp từ rừng Cà Mau về Bạc Liêu. Tôi tìm cách quan hệ với một số người quen nhờ gửi gắm một số anh em cài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước Cộng sản như: Phòng giao thông vận tải, tòa án, công an, thị đội, huyện đội, xã đội để anh em trong các cơ quan này tìm cách giải quyết những nhu cầu của tổ chức đang cần. Trước tiên, tôi cho mượn một bàn máy đánh chữ, hiến tặng giấy, bút, vải may cờ, áo mưa, thuốc sốt rét, gạo, mặt nạ chống hơi độc, bản đồ tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, bản đồ quân khu bốn...
 

Tôi phối hợp cùng một số thành viên trong huyện, tỉnh, cho quay roneo in Cương lĩnh Mặt trận, ra Tuyên cáo, phát tán tài liệu, rải truyền đơn trên diện rộng, từ mặt đất và cả trên không trung. Tôi nghiên cứu phương cách là buộc tài liệu vào cây nhang đang cháy, cột vào chiếc bong bóng hoặc cột vào chân con chim sau đó thả bay trên không, khi nhang cháy tới đâu, thì tài liệu tung rơi tới đấy, rơi rải rác khắp tòa nhà cao tầng, trên cành cây, trên sông… Lúc bấy giờ, công an các tỉnh la hoảng đồn rằng "máy bay hãm thanh của Mỹ bay qua vùng trời VN rải truyền đơn”. Tôi cho rải từ Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, cả thảy gồm 4 tỉnh, khiến những tên Cộng sản đang reo hò, hân hoan vui mừng chiến thắng, cũng phải một phen hú vía kinh hồn! họ tưởng tới rồi! Đồng bào mình cũng tưởng tới rồi… Ngoài ra tôi còn tổ chức những buổi giỗ hay cúng lễ tại tư gia, để một số thành viên của các tổ chức khác từ thành phố Sài Gòn, Biên Hoà và Huế đến tham dự buổi họp bí mật liên minh sát nhập thành một khối lớn hoặc trở thành cao trào đấu tranh ở khắp các địa bàn trong toàn quốc.

Vào thời điểm này các anh em trong mật cứ U Minh đưa ra một danh xưng với tên gọi là “Mặt Trận Dân Quân Phục Quốc" để nhờ tôi tư vấn. Tôi có ý kiến nên đổi danh xưng thành "Mặt Trận Nghĩa quân Cứu quốc, Việt Nam Dân Quốc". Sở dĩ, tôi đề nghị thay đổi là vì tôi mong muốn phong trào nên noi gương “Bình Định Vương Lê Lợi", tức nghĩa quân Lê Lợi, những chiến sĩ có nghĩa khí đứng lên cứu quốc, chứ không phải chỉ khôi phục lại cái cũ, theo tôi cái cũ cũng cần phải điều chỉnh và cái cũ vẫn bị động vì bị lệ thuộc và nếu lệ thuộc hoàn toàn thì sẽ không bao giờ đứng vững trên đôi chân của mình một khi sự trợ giúp không còn nữa thì ta sẽ bị ngã quỵ trong cô đơn.

Danh xưng mặt trận tôi đưa ra được mọi người hoan hỷ tán thành. Kể từ đó tôi được tổ chức quan tâm hơn, họ sắp xếp hay nói đúng hơn là họ dành cho tôi một vị trí như là cố vấn chính trị của tổ chức. Sự đề bạt này chính bản thân tôi cũng không hề hay biết. Tôi tự xét bản thân tôi không phải là người làm chính trị và cũng không có khả năng đảm nhiệm trọng trách mà anh em đã đề bạt như vậy. Cho đến khi tôi bị bắt, bị điều tra nhiều lần tôi mới ngỡ ra là có một vài người trong tổ chức bị bắt, trong đó có cả anh Trịnh Thanh Sơn, đều khai báo với cơ quan điều tra là họ bầu tôi với chức vụ “Cố Vấn”. Họ thấy tôi giúp đỡ nhiệt tình nên đồng thanh đề cử, mà chưa tiện việc thông báo cho tôi hay. Chính vì lẽ ấy, nên bản cáo trạng đầu tiên kết luận tôi là thành phần đặc biệt nguy hiểm và bản án căn cứ vào khoản A của sắc luật 03 là án Tử hình. Lúc bấy giờ là cao điểm cần trấn áp, xử án thật nặng để làm gương, cho nên các vụ án chính trị trong toàn quốc khi ra tòa đều bị tử hình từ 3 đến 5 người, từ đầu vụ tính trở xuống. Nhiều người án tử đã bị đem đi hành quyết. Riêng bản thân tôi được anh em đề bạt chức vụ cao như vậy, cho nên cơ quan giữ quyền công tố và tòa án tỉnh Minh Hải qui kết tôi là người đứng đầu của tổ chức. “Mặt Trận Nghĩa Quân cứu Quốc Việt Nam Dân Quốc” đây là điều mà tôi không bao giờ lường trước được. Tôi chỉ biết rằng, nếu bất cứ ai đứng đầu vụ án thì không tránh khỏi cái chết. Đó là thực tế qua các phiên tòa đã xét xử.

Âu cũng là quả nghiệp cả! Tôi cũng nhận thức rõ điều này nhất là trường hợp gánh vác trách nhiệm “Đứng mũi chịu sào” thì hậu quả chắc khó lường. Thế nhưng khi ra tòa tôi vẫn mặc nhiên không cải chính, thôi thì: “Cũng đành nhắm mắt đưa chân, Thử xem con tạo xoay vần đến đâu!”. Tôi nghĩ rằng nếu tôi phủ nhận mình không phải là người cầm đầu tổ chức, thì chắc chắn anh Trịnh Thanh Sơn và một vài nhân sự kế tiếp sẽ bị kết án tử hình. Nếu để các anh em bị án tử hình, thì gia đình vợ con của họ sẽ bị khốn khổ còn tôi là nhà tu cũng phải có đức hy sinh dẫu có bị tử hình cũng chẳng sao, vì chỉ là “Sự giải thoát”.

Mặc dầu nghĩ thế, nhưng tôi vẫn âu lo “là người xuất gia tu học giống như kẻ lữ hành, đường đi còn xa, đích chưa đến chỉ e cuộc hành trình lỡ bước nửa đường chăng! cũng như tôi chưa trải qua đoạn cuối của sinh, lão, bệnh mà lại “tử” thì liệu bao năm tu hành của mình có đủ công đức, phúc duyên, phúc lực để làm tư lương cho đời hiện tại và đời sau nữa hay không? Thôi thì, chỉ cầu mong cho dù “Sinh hay Tử”. Suốt đời hiện tại cũng như đời sau tôi xin phát nguyện tiếp tục làm lành, vun trồng cội đức, hết lòng phụng sự Chánh Pháp đem đến lợi lạc cho quần sinh để đáp đền ơn muôn một của chư Phật”. 

Hơn nữa, tôi luôn nhớ câu “Ái quốc hà cô duy hữu tinh thần chung bất tử”người yêu nước đâu có tội tình gì chỉ có tinh thần là không chết. Vì luật pháp mà đem những người yêu nước ra xét xử là luật pháp tồi, là luật rừng, là luật của kẻ buôn dân bán nước, là luật của những kẻ đè đầu cưỡi cổ làm hại nước hại dân mà thôi! Còn luật pháp mà đem những người yêu đạo ra xét xử là luật pháp vô đạo, vô luân, là luật của những tên đồ tể, hung tàn! Cho nên nếu có bị tử hình cũng là vinh dự, chứ tôi có làm điều gì tồi bại, xấu xa, khổ dân khổ nước đâu mà mang tiếng nhuốc nhơ muôn thuở! Vả lại, ở trên đời này mỗi khi một chính quyền mới lên thay thế hoặc cướp chính quyền của kẻ khác thì luôn lúc nào cũng tự cho rằng mình là “Chính nghĩa” là “Chơn” còn chính thể bị lật đổ là “tà” là “ngụy” người nào chống lại sẽ bị quy kết là kẻ phản quốc, là kẻ có tội…

Nói tóm lại chỉ vì “quyền lực và lợi lộc” mà người ta mãi phê phán nhau, gán ghép cho nhau những tội đồ “phản nghịch”, phần nhiều thường xảy ra ở chế độ độc tài, không dân chủ. Bản thân tôi tự xác nhận rằng, từ bé cho đến tuổi trưởng thành, tôi không biết chính trị là gì? Tôi chỉ là kẻ xuất gia tu học, là một người yêu nước chứ không phải là một nhà chính trị, hay là một chính khách. Bản thân tôi không có nghiên cứu chuyên sâu về chính trị, cũng may mắn không liên quan giữa cuộc nội chiến Bắc Nam. Nhưng, khi bị bắt vào tù, mang trọng tội đặc biệt là bị khép vào tội Chính trị cũng là một điều hy hữu không ngờ! Tôi vẫn biết chính quyền Cộng sản ác cảm đối với tôi chỉ vì tôi là người trong GHPGVNTN không ủng hộ chính quyền làm sai mà còn đấu tranh đòi hỏi cho quyền tự do tôn giáo nữa, sẵn cớ nầy họ được dịp ra tay. Tôi những tưởng rằng mình xuất gia đi tu là không màng việc thế sự, gác bỏ ngoài tai những tiếng thị phi, xa lánh chốn phồn hoa đô hội, không mơ chuộng công danh, không mưu cầu lợi lộc và chẳng mê say mùi thế tục!

Thế nhưng hoàn cảnh xã hội và đất nước đã đưa đẩy khiến tôi đành phải bế cửa chùa, lên đàng cứu nguy đất nước và giải trừ pháp nạn. Tôi còn nhớ một bài thơ tứ tuyệt không biết rõ tác giả là cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Đức Huỳnh Phú Sổ Giáo chủ Đạo Phật giáo Hòa Hảo với bốn câu đầy ý nghĩa và rất hợp với tâm trạng mà tôi còn nhớ như in trong trí não và đã thuộc lòng từ thuở 13, khi thường được nghe những người cao niên ngâm đọc:

"Tu sĩ quyết chùa am bế cửa                                                

Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.                                          

Đền xong nợ nước thù nhà,                                                      

Thiền môn trở gót phật đà Nam Mô… ".

Nội dung 4 câu thơ trên, tôi đã có dịp lập lại, nhân trả lời cuộc phỏng vấn của Cô Ỷ Lan đặc phái viên của đài Á Châu Tự do phụ trách. Sau cuộc phỏng vấn hơn 1 tháng bất ngờ tôi nhận điện thoại của một người con Phật, đó là một nữ tu sĩ thuộc Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy. Cô Nguyễn thị Hạnh 46 tuổi, cư ngụ tại ấp Bắc, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Cô xin thay mặt cho tín đồ Hòa Hảo tỏ lời cảm ơn Hòa Thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và tôi, vì đã lên tiếng về việc nhà cầm quyền CS Việt Nam đàn áp một cách thô bạo Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo khiến một số tín hữu đã thiêu thân “Tử vì Đạo”. Đồng thời Cô Hạnh đã đính chính rõ 4 câu thi Sấm nói trên là những lời tiên tri của Đức Huỳnh Phú Sổ, Giáo Chủ Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo. 

Mấy ngày sau tôi cũng được Ông Lê Minh Triết một tu sĩ Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tuổi khoảng 60, đã từng trải nghiệm nơi chốn lao tù, nhiều năm ông cùng tôi gắn bó cảnh nằm gai nếm mật “ngọa tân thường đảm” xác nhận bài thi trên một lần nữa. Đến giờ nầy trong lúc đang ngồi ghi lại những trang Hồi Ký tôi vẫn còn thấm thía 4 câu trên. Tôi chỉ ý thức trách nhiệm của bổn phận người dân là đáp ân tổ quốc bằng trí tuệ nhỏ bé của mình cho nên tôi lượng định hai chữ Chính Trị rất là đơn giản. Tự từ ngữ Chính Trị cũng rất rõ nghĩa rồi, vì nó là Chính chứ không phải là Tà, tức Chính trị lấy chính pháp dể trị dân chứ không phải là Tà trị. Tuy nhiên theo sách vở Ông Khổng Tử có định nghĩa “Chính Trị là Chính giả” có nghĩa là ngay thẳng, là đúng đắn hay Chính trị là con đường ngay nẻo thẳng vậy, tức là những gì chưa đúng, chưa ổn định, ta phải làm sao cho đúng, cho ổn định, cho kiện toàn… 

Tôi cũng nghe có người còn định nghĩa “Chính trị là thiết kế chấp hành nhân sinh và điều lý tính nhân toàn thiện mỹ”, có nghĩa là thiết kế xây dựng thực thi theo nguyện vọng của toàn dân, đem đến sự tự do, ấm no, hạnh phúc thật sự cho đời sống nhân sinh. Tôi muốn nhấn mạnh 2 chữ thật sự chứ không phải là từ suông hay rỗng toét. Bên cạnh đó còn uốn nắn, điều chỉnh, hướng dẫn cho người dân trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Ngoài ra cũng có người lại định nghĩa ngắn gọn hơn “Chính trị là nghệ thuật (kỹ năng) quản lý xã hội”…
 

Có điều đáng buồn là 2 từ ngữ Chính trị ngày nay đã bị người ta lạm dụng, bởi lắm hứa hẹn suông, hoặc nhiều mưu đồ lừa bịp hay luôn dùng thủ đoạn nên từ đó đã làm giảm mất đi ý nghĩa đẹp của nó. Ngày nay chính trị bị người ta nhìn một cách hoài nghi, e dè, sợ sệt hoặc đánh giá một cách méo mó, chứ thật ra nó rất đẹp, rất hay, tự bản thân nó không đen tối mà do những con người hạ sách lợi dụng đã bôi đen hạ thấp ý nghĩa của nó mà thôi. Theo tôi thì người làm Chính trị cũng như cầm lái con thuyền đang đi trên dòng sông hay trên biển vậy. Tùy theo quốc gia nhỏ hay lớn mà ví nó là biển hay dòng sông, trên thuyền có cả một đoàn người giao mạng số của mình cho người cầm lái.

Thuyền phải vượt qua muôn trùng vạn dặm ở ngoài khơi, nào là phải né tránh những con thuyền ngược chiều, nào là phải vượt qua mặt những con thuyền cùng chiều, phải cầm lái thật vững, thật giỏi trước sóng to gió lớn, sóng ngầm, đá ngầm và còn phải qua nhiều khúc cua khúc quẹo của dòng sông. Mỗi khúc cua, khúc quẹo chính là tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cơ bản và thiết thực của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Người lái thuyền phải học lái, phải có hải đồ, hải bàn, biết sửa chữa cơ bản, biết vận hành máy móc phải cầm lái cẩn thận và nhiệt tình. Đặc biệt, phải lái hết vào từng khúc cua, khúc quẹo của dòng sông, quan trọng nhất là ở điểm này chứ không thể thấy khúc cua, khúc quẹo không lái vào mà lại leo thuyền lên bờ đậu thì không còn gì là chính trị cả. 

Như vậy người làm chính quyền phải đáp ứng những nguyện vọng những nhu cầu cơ bản của dân, chứ không đáp ứng mà lại làm khác đi thì đâu xứng đáng là chính quyền hay chính trị nữa. Thực ra mà nói, nhu cầu căn bản của con người chỉ gồm hai mặt tinh thần và vật chất. Tinh thần đáp ứng với văn hoá và tín ngưỡng, còn vật chất đáp ứng với kinh tế, cho nên bất cứ guồng máy chính quyền nào của bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều phục vụ nhu cầu của con người chỉ có hai mặt này mà thôi, dẫu cho chính quyền ấy có bao nhiêu bộ hay ban ngành cũng thế.

Việt Nam cần phải tiến tới thiết lập một chế độ Dân chủ, tôn trọng những quyền cơ bản nhất của con người, những quyền này được minh định rõ ràng trong Hiến pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Để bảo đảm tính chất quốc tế và tiến trình Dân chủ, đặc biệt Hiến pháp phải được tôn trọng trên thực tế. Điều cần nhất là phải đưa ra một “đường lối mới” đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân, “Dân là gốc” chứ không phải “Lấy dân là gốc”và nhất thiết phải phù hợp với xu thế của thế giới mới.

2. Bị bắt giam điều tra tại cơ quan bảo vệ chính trị tỉnh minh hải

Những ngày sắp bị bắt, trong lòng tôi dường như có linh tính báo trước sắp bị đại nạn. Cuối năm 1978 phụ thân tôi qua đời vì bạo bệnh, gia đình trở nên sa sút các em đông, còn nhỏ dại, mẫu thân tôi sức khoẻ yếu kém và bị bệnh thường xuyên. Mỗi khi về Bạc Liêu châm cứu bệnh nhân tôi thường ghé tạt về nhà thăm viếng gia đình để động viên an ủi các em thơ. Vào ngày 28. 03. 1979 trong lòng tôi bỗng bồn chồn, nôn nao, ngồi đứng không yên, tôi cảm thấy nhớ gia đình, nhớ đến gia nghiêm và thân mẫu, mặc dầu phụ thân tôi đã qua đời cách đây 5 tháng. Tôi vội về nhà đốt nén hương trên bàn thờ cha, vấn an sức khoẻ mẹ già sau đó trở về chùa.

Tôi vừa bước vào liêu phòng chưa đầy 5 phút, thì có một con chim với bộ lông màu xanh từ ngoài cửa sổ bay vụt vào trong phòng và rớt ngay trên bàn viết rồi giãy chết. Thực ra cửa sổ bằng song cây hơi khít, lại phủ thêm chiếc rèm bằng vải, rất khó bay vào. Tôi nghĩ ngay đây là điềm chẳng lành vì người xưa thường nói “Chim sa cá lụy “ tôi vội nhặt con chim lên đem ra góc cây chuối bên hông chùa đọc chú vảng sanh và chôn nó rồi tôi tịnh nghỉ buổi trưa. Đúng 1 giờ 30 khi chuông đồng hồ reo báo thức cũng là lúc công an vây chặt tứ phía xung quanh chùa. Ông Dương Văn Nhỏ, tức Tư Nhỏ, Phó công an huyện Vĩnh Lợi, cùng một số nhân viên phối hợp với công an xã Châu Hưng, bất ngờ xuất hiện đột ngột nơi Tổ Đường và nhanh chân bước vào phòng khách của tôi. Ông phó công an xã Châu Hưng tên Tư Hường giới thiệu, sau đó ông Dương Văn Nhỏ lên tiếng mời tôi và người môn đệ của tôi là Thích Thiện Tín, thế danh Trương Phước Hòa. Thầy trò tôi vội thu xếp chuẩn bị đi cùng công an ra quốc lộ 1, tôi thấy chung quanh đây không những chỉ có công an mà có cả bộ đội thuộc huyện đội huyện Vĩnh Lợi nữa, tay họ cầm súng sát khí đằng đằng đôi mắt họ láo liên… 

Họ đưa chúng tôi trên một chiếc xe du lịch màu đen, rất cũ kỹ, đã bạc màu sơn, ngồi hai bên chúng tôi có hai tên công an kè sát bên hông, lúc nào cũng cầm súng trong tay lăm lăm. Xe chạy được khoảng một phần năm đoạn đường thì bị hỏng máy nên phải dừng lại bên đường khá lâu. Sau khi sửa chữa xong, xe chạy trực chỉ về tới phòng công an huyện Vĩnh Lợi thì trời cũng đã nhá nhem tối, mặc dầu đoạn đường chỉ hơn 10 cây số. Đến nơi họ sắp xếp cho thầy trò chúng tôi ở hai phòng khác nhau, khi vào phòng tôi ngồi chờ mãi mà chẳng thấy bóng dáng tên công an nào đếm xỉa, hay hỏi han chi cả. Trời dần dần sụp tối, một buổi chiều buồn ảm đạm thê lương. Tôi biết đêm nay mình không thể về chùa được nữa rồi! Họ muốn cầm giữ mình rồi! Khi tối đến khoảng 7 giờ hơn, có một chú công an tuổi khoảng 17-18 đến mời tôi sang một phòng bên cạnh để nghỉ. Bước vào phòng này tôi thấy mọi thứ đều có sự sắp đặt sẵn sàng nhằm để đập vào mắt tôi, thông qua một đòn cân não và trắc nghiệm tâm lý phủ đầu với một cuộc đấu trí bằng một chiến thuật không lời…

Những thứ họ trang hoàng như: một chiếc ghế bố có sẵn mùng, mền, gối, một chiếc đèn nê ông thật sáng. Đặc biệt họ kê một chiếc tủ có 3 ngăn không cửa, bên trong có một quyển tập thơ tựa đề là “Vịnh Đạo Đời“ do chính tôi là tác giả (tập thơ nầy tôi in năm 1973 để ấn tống dày hơn 100 trang), một số mặt nạ chống hơi độc cùng vài tấm bản đồ tỉnh Minh Hải, bản đồ quân khu IV, (đây là bản đồ cũ của chính quyền sài gòn do Nha đồ Bản in ấn ), cùng một số vải may cờ. Nói chung, tất cả những thứ nầy đều do chính tôi là sở hữu chủ, những món này tôi gởi vào rừng sâu cho các anh em trong tổ chức. Hôm nay nhìn thoáng thấy lại những món đồ nầy qua cách trưng bày của họ tôi đã biết họ muốn gì rồi! Đây là nghiệp vụ sơ đẳng của những tên cán bộ điều tra trước khi khai thác, việc nầy chẳng có chi là lạ cả! Đêm ấy, tôi cảm thấy hơi khó ngủ, mỗi khi suy nghĩ tới những món đồ đang nằm trong tủ đối diện tôi. Dường như nó thông báo cho tôi biết tôi sẽ bị tù, bị kết án chứ không phải là việc bình thường nữa đâu! Sáng hôm sau, lúc tôi thức dậy, họ lại ra lệnh chuyển tôi qua một phòng khác và khoảng 3 giờ chiều ngày 30/3/1979 có một chiếc xe du lịch bóng loáng mới toanh màu trắng từ tỉnh Minh Hải đến áp giải một mình tôi về cơ quan Bảo vệ Chính trị tỉnh. Người áp giải là thượng uý Trần Trung Thu, Phó phòng bảo vệ chính trị cuả công an tỉnh. Khi đến đây họ cho tôi tạm nghỉ ở một phòng làm việc, trong phòng này có hai chiếc giường, một chiếc cho tôi nằm, còn chiếc kia là một sĩ quan thiếu uý trông giữ canh chừng tôi.

Đêm ấy khoảng 1 giờ khuya có một tên thượng uý có mùi bia nồng nặc, xuất hiện bước vào phòng tôi và bảo tôi ngồi dậy làm việc. Tên Thượng uý nói “Khi bị chuyển đến đây anh phải biết mình là ai rồi! và anh tự biết mình phải làm gì rồi! anh phải thành thật khai báo để Đảng và nhà nước có chính sách khoan hồng chứ đừng để chúng tôi có thái độ cư xử không đẹp”. Anh ta lại giới thiệu tiếp tên là Nguyễn Hữu Phước cấp bậc Thượng uý, chức vụ phó phòng. Tôi trả lời rằng “Anh nói phải thành thật khai báo là khai báo cái gì? Còn đối xử không đẹp là đối xử ra sao? bộ đánh hay đem bắn hả?”. Tôi vừa nói xong, anh ta áp xô vào mình tôi, dùng hai tay giật đứt chiếc nút áo tràng nâu tôi đang mặc, luôn miệng anh ta nói “Chiếc áo không làm thành thầy tu”. Tôi trả lời ngay "Chiếc nón cối ông đang đội, cũng không cho thấy ông là người cách mạng”. 

Tên Thượng uý nói tiếp “Tôi sẽ thay mặt chi bộ của chúng tôi để giúp anh một bài học mới và có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào, nếu anh cảm thấy chưa hiểu gì về Đảng. Ngoài ra, anh cần phải có sự giáo dục của Đảng bằng mọi hình thức để trở nên một con người mới xã hội chủ nghĩa”. Tôi trả lời rằng “Nếu ông có thể thay mặt Đảng Bộ của ông, để trả lời bất cứ câu hỏi nào mà tôi thắc mắc thì tôi xin hỏi: Bao giờ chế độ của các ông đi đến chủ nghĩa cộng sản và thế giới đại đồng như Mác và Lê Nin đã nói”. Hắn trả lời tôi với giọng cộc lốc “Anh muốn hỏi gì thì hỏi, chứ đừng hỏi điều này”. Tôi nói “Như vậy tôi sẽ hỏi ông điều khác: một người gọi là làm cách mạng như ông, ông nói có thể thay mặt được chi bộ của ông tức thay mặt Đảng mà ông dùng quyền lực của kẻ có vũ khí trên tay làm việc với một nhà sư như tôi tay không tấc thép. Ông lại áp xô vào mình dùng tay giật đứt chiếc nút áo nâu sồng tôi đang mặc, hành vi như thế có phải do Đảng của ông đã huấn luyện và chỉ đạo như vậy không?”. 

Lúc đó nét mặt tên thượng uý biến sắc và miệng nhanh nhảu với những lời lẽ hết sức thô thiển của những tên thất học vô loài rằng: “ĐM. Có! Đảng tao dạy như thế đó! Đảng tao còn ra lệnh đem hết cái lũ phản động tụi mầy ra bắn bỏ nữa! chứ giật đứt nút áo là chuyện nhỏ thôi! rồi mầy sẽ thấy… bản án không nhỏ đâu, chỉ có đem chôn thôi!”. Sau đó hắn bước ra khỏi cửa, vừa đi miệng vừa lẩm bẩm “ ĐM… đồ ngoan cố, tu với hành gì!”. 

Đến buổi trưa hắn ta trở lại đứng nhìn xung quanh phòng tôi với cặp mắt ngó dáo dác nhìn ngang, nhìn dọc với vẻ dò xét chuyện gì và quay lại nhìn tôi hắn nói “Trưa nay tao cho mầy nhịn đói, chiều nay cũng cho mầy nhịn đói và tiếp theo tao sẽ bỏ đói mầy dài dài… Tao bóp bao tử mầy rồi mầy sẽ tự xin thành thật khai báo hay không cho biết”. Tôi nhếch mép cười và thách thức “Cứ làm!”. 

Đúng y như rằng buổi trưa hôm đó tôi chẳng có cơm ăn và tối đến tôi cũng nhịn đói, sự nhịn đói 5-3 ngày đối với tôi là chuyện bình thường, duy có điều là tôi được đi vệ sinh nên dùng nước dội cầu (nước có rất nhiều phèn) uống vào cho đỡ đói, khát. Hắn ta bỏ đói tôi hai ngày rưỡi, may mắn là chiều hôm kế có ban chỉ huy ty công an tỉnh Minh Hải gồm Ông Nguyễn Viết Thống tức Tư Thống trưởng Ty, Ông Võ Thanh Tòng tức Ba Trường Sơn phó Ty, Ông Võ Minh Quân tức Bảy Ngởi phó Ty, Ông Phạm Minh Chánh tức ba Lát Gừng trưởng ban Chấp pháp, Ông Phan Ngọc Sến tức Mười Kỷ Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Minh hải, Thượng uý Trần Trung Thu, phó phòng Bảo Vệ Chính trị tỉnh. 

Họ ra lệnh đưa tôi sang phòng khách để họ nhận diện. Lúc ấy tên Nguyễn Hữu Phước đến gọi tôi. Tôi lấy cớ là bị bỏ đói mấy ngày nên yếu sức không đi nổi. Hắn ta gương mặt tái nhợt, ra vẻ sợ sệt và nói “Anh hãy đi gặp ban lãnh đạo ty công an đi… nhớ đừng nói tôi ra lệnh bỏ đói… chiều nay tôi sẽ bảo người mang cơm đến cho anh bình thường”.

Tôi đến gặp tất cả mọi người. Họ trố mắt nhìn tôi, nhìn từ đầu đến chân với một thái độ hết sức ngạc nhiên, tưởng chừng như tôi là người từ một hành tinh lạ vừa mới xuất hiện xuống quả địa cầu này, hoặc giả họ là những người đầu tiên mới đến tham quan sở thú là phải. Bởi vì 5- 6 ngày qua bản thân tôi mất ăn thiếu ngủ bởi lạ chỗ, gương mặt hốc hác, quần áo đã bốc mùi hôi vì không được giặt giũ, thân thể gầy đi thấy rõ, tôi cảm thấy người hơi choáng váng bước chân đi lảo đảo, loạng choạng như người say rượu.

3. Trại giam huyện Vĩnh Lợi tỉnh Minh Hải, nhà tù đầu tiên…

Khoảng tuần lễ sau, chính anh Nguyễn Hữu Phước cũng là người áp giải tôi trực tiếp đến nhà tù Vĩnh Lợi, để bàn giao cho anh trưởng cai ngục. Lúc đó tôi bị 2 tên công an trại giam lục soát khắp thân thể họ tịch thu tất cả giấy tờ tùy thân, các loại giấy tờ có liên quan đến sở hữu tài sản đất đai của ngôi chùa Vĩnh Bình, chứng minh thư tu sĩ, giấy bổ nhiệm trụ trì… công an cởi áo tràng, và cởi cả bộ quần áo tôi đang mặc. Trong mình tôi chỉ còn lại duy nhất chiếc quần đùi, tên trưởng trại ra lệnh đưa tôi vào phòng giam số 2, còng hai tay tôi bằng chiếc còng số 8 và quyện hai chân bằng hai khoen sắt. Sau đó họ đóng cửa rầm rầm và bỏ đi ra. Tại phòng giam số 2 nơi đây, thật sự là địa ngục trần gian đối với tôi kể từ giờ này. Khi vào phòng tôi bị quyện chân chung một xâu quyện với khoảng 5-6 người, những người này đều mang tội “chính trị” chưa bị kết án nhưng bị cùm kẹp liên tục ngày đêm hơn 4 năm rồi! Thân thể họ tiều tuỵ, gầy guộc xanh xao, nước da tái nhợt, đôi chân teo tóp và gần như bại liệt, đôi mắt hõm sâu, nếp nhăn hằn in trên vầng trán, râu tóc đã bạc nhiều. Khi 2 tên công an ra khỏi phòng thì mọi người mới bắt tay, vồn vã, hỏi thăm tự sự thái độ niềm nở và rất thân tình. Họ rất chú tâm và nôn nóng hỏi tôi cũng như lắng nghe tôi trình bày về mọi tin tức diễn ra bên ngoài, chứng tỏ mọi người rất thiếu thông tin từ lâu. Thỉnh thoảng họ tỏ nụ cười tươi, vui mừng phấn khởi… nhưng chỉ là dáng vẻ bề ngoài chứ bên trong lòng họ đang chất chứa nỗi u buồn lẫn sự khát vọng tự do.

Họ tâm sự với tôi về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân bị bắt và những khó khăn trong sinh hoạt thường nhật tại phòng giam này. Ở đây chúng tôi bị quyện chung một cây sắt dài 5-6 thước, các khoen được xỏ vào một cây sắt khá to, bên đầu có một ổ khoá đặc dụng rất khó mở. Chúng tôi thật vất vả khó khăn khi xoay trở cây quyện. Nếu mỗi khi trong cùm có ai đi tiểu tiện là vô cùng phiền toái nhất là lúc về đêm. Bởi tiếng xích sắt khua vang nghe inh ỏi chói tai và sự va chạm vào tường, vào các đồng tù khác sẽ làm nhiều người giật mình thức giấc. Bị mất ngủ sinh ra tính tình bực dọc rất khó chịu… Mặc dầu có nhiều người rất thông cảm cho trường hợp đặc biệt này. Ngoài ra phòng quá nhỏ mà giam người rất đông nên càng chật hẹp, không đủ ánh sáng lẫn không khí để thở. Khi nằm ngủ, người nằm chồng chéo lên nhau y như những con mắm đang sắp xếp trong khạp. Thật đúng với câu “chật như nêm”. Mỗi khi tiểu tiện rất bất tiện, tất cả trong một hũ nhỏ để sát góc tường. 

Người tù mới vào, bất luận là ai cũng phải nằm kề hũ, rồi mới dần dần tiến lên chỗ khác, chỉ ngoại trừ trường hợp có nhân viên công an hay ban giám thị trực tiếp đến phòng qui định chỗ nằm cho cá nhân nào đó là ngoại lệ. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu tù chính trị mà được chỉ định chỗ nằm thì ta phải đề phòng dè chừng. Những người nằm bên cạnh ta, hầu hết là người của họ cài vào đang thực hiện “Khổ nhục kế” để thăm dò ta đấy! Hoặc là chỗ của ta đang nằm mà bất thình lình họ đưa người tù mới bị bắt vào để nằm kề bên ta cũng có thể là người của họ nữa. Ngoài ra được qui định chỗ nằm tốt, phần lớn là thân nhân của công an, của những gia đình có thế lực hay những viên chức có quyền thế bị vi phạm pháp luật hoặc là những người tù được sự gởi gắm thì họ sẽ hưởng ưu tiên hơn. Thậm chí chỉ cần quen biết với tên tù trưởng buồng giam hay người có tiền, vật chất biết cư xử với họ cũng sẽ được chỉ định chỗ nằm thoải mái hơn, được giúp đỡ về mọi sinh hoạt… Ở Việt Nam từ ngoài xã hội cho đến trong nhà tù, nếu có tiền, có quyền và có thân thế sẽ là diện ưu tiên số 1, một xã hội đầy dẫy bất công…

Bản thân tôi đáng lẽ ra phải nằm kề hũ nhưng bị cùm quyện nên ở cách khoảng vài người. Nếu nằm kề hũ thì mỗi khi có người đi tiểu tiện, mùi xú uế sẽ xông lên, vừa văng vung vải, tung toé nước tiểu tiện vào mình, vừa dơ dáy thật mất vệ sinh. Hơn nữa, nước tắm giặt rất khan hiếm nên bị nổi ghẻ ngứa, ghẻ mủ khắp thân thể và lây lan cho kẻ khác. Chưa nói vào buổi trưa không khí oi bức, trời nắng gắt thì càng trở nên ngột ngạt khó chịu vì hơi người quá đông. Nhiều người tuổi cao bị mệt lã, phải đem đi cấp cứu. Mọi người trong phòng mồ hôi chảy dầm dề tuôn ra như tắm. Theo qui định, khoảng vài ngày những người trong cùm được đi tắm một lần. Tay tôi ngoài chiếc còng số 8 họ còn tặng thêm chiếc vòng bằng sắt, để mỗi lần đi ra ngoài tắm họ xỏ một sợi dây dài 5-7 thước. Tất cả 5-7 người chúng tôi cùng một xâu dây. Lúc tắm, múc nước chỉ có một tay, cho nên không thể kỳ cọ cho sạch bùn đất hay những tế bào chết ngoài da. Chúng tôi tắm ở một ao nước rất cạn và dơ. Khi tắm giặt nước bên trên chảy xuống ao, cứ múc lên tắm tiếp. 

Thậm chí khi khát nước cũng cứ múc lên mà uống. Khi nói ra điều này ngồi nhớ lại một vài cảnh tượng trong dạ cảm thấy buồn nôn muốn nhợn ra cổ họng. Hình dung lại sao thấy tởm lợm quá đi thôi! Cái ao này nữ tù cũng thường xuyên tắm giặt, giặt đủ mọi thứ trên đời kể cả tấm tã lót của các cháu bé, nước ao càng ngày càng bị cạn và đục ngầu, nhưng mọi người tù khát nước cứ tự nhiên múc lên mà uống, uống một cách ngon lành, dường như chẳng có suy nghĩ chuyện gì đã xảy ra. Chưa nói gần đó có một chuồng heo hơn 10 con và có đường nước thải của nhà bếp kề gần. Còn cơm của trại nấu toàn là mùi cá khô loại cá biển tanh rình, tanh tưởi thật khó nuốt. Bởi người tù ở huyện Vĩnh Lợi không được tự hâm nấu mà chỉ gửi nhà bếp giúp dùm. Nhà bếp hấp tất cả thức ăn bằng cách cho vào chảo cơm hàng bữa. Từ khi sanh ra cho đến lúc ấy, tôi chưa từng phải chịu cái cảnh ngặt nghèo như thế này! Những ngày đầu tiên khi ăn cơm vào, là tôi nôn mửa ra hết nhưng dần dần phải quen thôi! Vì ăn để mà sống là bản năng sinh tồn của con người. Vả lại, phải cần có sức khoẻ tối thiểu thì trí tuệ mới hoạt động được, nếu thân thể bị suy kiệt thì làm sao trí óc minh mẫn được…

Dẫu biết xác thân này là vô thường nếu so sánh với thời gian và so với không gian của vũ trụ bao la nó chỉ là vô ngã và “Nhân sinh triêu lộ” đời người ví như sương mai buổi sáng sớm hễ nắng lên là tan. Thế nhưng nó vẫn là phương tiện để ta nương đi đến bến bờ giải thoát. Ta không thể không cần đến nó dùng làm phương tiện để đi cho đến đích. Ngoài ra ở nhà tù huyện Vĩnh Lợi, mỗi lần người nào bị gọi lên hỏi cung, là hai tay phải bị còng dẫn đi. Cho nên khó mà né tránh những cú đánh, đá, hay lên gối… nếu ta đỡ đòn thì gậy gộc, báng súng họ đâu có tha. Vì thế bất cứ ai bị chấp pháp gọi lên điều tra khi trở về phòng thì thân thể tay chân bầm tím, mặt mày sưng vù, đêm về không sao ngủ được; anh em đồng tù thường dùng những từ để châm chọc cho vui là “Bị bầm giập, bị tả tơi như tàu lá chuối”. Nhất là hôm nào gặp mấy tên công an loại 30/4/1975, loại mới vào ngành, nhưng nhờ có chút học vấn và có chút ít võ “Thái cực Đạo” thì anh ta ra đòn tới tấp, vì ngứa nghề, ngứa tay chân hoặc để lấy điểm. Cho nên, người tù phải bao phen khốn đốn bị nội thương vì những tên này… 

Một lần tôi đang bị điều tra tên cán bộ hỏi cung bực tức vì muốn bức cung nhưng không được như ý, anh ta lăm le hăm đánh tôi. Chưa gì, thì tên công an loại 30/4/1975 này đứng gác bên cạnh đã nhảy tới đá thẳng vào mặt tôi và hai tay ra đòn theo kiểu “Thôi sơn thủ” của Thiếu lâm Bắc Phái. Buộc lòng tôi phải bước nhẹ sang né tránh nếu không thì gương mặt thầy tu này về phòng sẽ bị anh em gọi là “cái mặt bị ăn trầu”. Sau đó, tôi lên tiếng một cách mạnh dạn rằng “Xin lỗi anh vì tôi đang ở tù, chứ cở 2 người như anh cũng không thể là đối thủ của tôi nếu muốn công bằng mà tỉ thí". Anh ta nhìn chằm chằm, nhưng trong lòng ắt vẫn còn hậm hực, rồi bỏ đi, sau khi anh được tên cán bộ điều tra ra lệnh.

Trại giam huyện Vĩnh Lợi trước đây được xây dựng trên nửa đoạn đường từ Bạc Liêu đến Thị trấn Hòa Bình, gần cánh đồng ruộng lúa mênh mông. Người tù phần đông bị cưỡng bức đi làm ruộng, đào ao, khuân đất, làm lò gạch, chăn nuôi hoặc là đi chài cá, kéo lưới bắt cá đem về cho cơ quan công an huyện… Tôi ở tại đây chỉ khoảng 1 tháng thôi, mà chứng kiến nhiều chuyện bất bình, trái tai gai mắt, biết bao nhiêu sự trù dập bất công. Lúc này bản thân tôi, mới thấm thía với câu mà ông bà ta thường nói “Nhứt nhựt tại tù thiên thu tại ngoại” nhất là vào những đêm dài nằm thao thức trằn trọc, phải đối phó với nhiều việc đang dồn dập lo âu trăn trở trong lòng, cho nên không sao ngủ được. Đêm nằm nghe những tiếng thạch sùng tắc lưỡi, tiếng côn trùng rên rĩ ngoài hiên, tiếng kêu huênh hoang của ểnh ương từ xa vọng lại nghe thật là buồn thảm hòa lẫn vài tiếng tắc kè và những đàn muỗi bay quanh kêu vo ve khắp phòng giam như đang bị bắt buộc, thưởng thức một buổi đại hòa tấu với những khúc nhạc não nùng ai oán bi thương.

4. Giải cứu tù nhân trại giam bị thất bại.

Có lẽ đây là lần đầu tiên ở tù trong đời, cho nên tôi chưa có kinh nghiệm, thiếu thận trọng nên thất bại, nói đúng hơn là quá non nớt trong chốn lao lung. Là người tu hành nên cũng dễ tin người và không lường trước được hư thật của lòng người “Nhân tâm nan trắc” nên dễ đưa đến sự lâm nạn. Tôi cảm thấy mình hổ thẹn khi tự xét bản thân quá kém cỏi trước những bộ mặt giả nhân giả nghĩa, lừa lọc của người đời cho nên đã kéo theo một vài người vào tù mà suốt đời tôi hối tiếc trong đó có cả người thân là môn đệ, là em ruột của mình. Tôi nhớ lại lời phật dạy: “Có từ bi mà thiếu trí tuệ là từ bi mù, còn có trí tuệ mà thiếu từ bi chỉ là cái đãy đựng sách, nhưng từ bi và trí tuệ cần phải có uy dũng mới toàn vẹn”

Câu chuyện như thế này đây: Chứng kiến một tháng tù tại nhà giam Vĩnh Lợi, tôi thấy hàng trăm tù nhân đủ mọi tội trạng khác nhau, phần đông là thường phạm, tất cả đều bị đọa đày lăng nhục. Tôi bèn suy nghĩ và tìm cách để giải cứu đưa họ về mật cứ trong rừng Cà Mau. Tôi bắt đầu làm quen với anh Tiết Sa Rết. Anh ta lớn hơn tôi vài tuổi, người gốc khơ me quê ở tại huyện Vĩnh Châu, dưới chế độ cũ anh Tiết Sa Rết là một chiến sĩ biệt kích dù trong lực lượng đặc nhiệm nhảy toán do Mỹ đào tạo.  Sau ngày 30/4/1975 anh bị bắt đi học tập cải tạo cả năm, vì bị khép vào loại binh chủng ác ôn. Khi cải tạo xong về địa phương trình diện, thì anh bị chính quyền cơ sở o ép bức hiếp đủ mọi thứ. Anh bất mãn, thế là anh tìm vài quả lựu đạn thừa lúc ban đêm, ném vào nhà của mấy tên chính quyền ấp, xã đã gây thương vong cho một số người. Anh bị bắt và đang chờ ra toà xét xử để nhận một bản án hình sự, chắc chắn là bản án "tử hình". 

Anh đã ở trại giam huyện Vĩnh Lợi hơn 3 năm nên được trại cho đi lao động làm diện rộng và xa trại vì họ thấy anh rất siêng năng và cần mẫn trong lao động, lời nói có vẻ thật thà. Khi tìm hiểu biết lý lịch, biết rõ vụ án của anh. Tôi tỏ lời làm quen tiếp xúc với anh, vài hôm sau tôi tặng ít quà và tiền để giúp anh chi tiêu vì gia đình anh ít đến thăm nuôi. Sau đó tôi đề nghị nếu thuận tiện anh chuyển cho tôi một bức thư (viết bằng cây bút chì, do anh tìm dùm) gửi đến em ruột của tôi là Huỳnh Hữu Thọ đang công tác tại thị đội thị xã Bạc Liêu. 

Trong thư tôi bảo em tôi mang theo vũ khí và tìm một số người tôi giới thiệu trong tổ chức đang còn hoạt động bên ngoài đến giải cứu chúng tôi tại trại giam huyện Vĩnh Lợi. Khi nhận bức thư trên anh Tiết Sa Rết hứa hẹn trong nội nhựt sẽ trở về báo lại kết quả. Nhưng, anh lại phản bội lời giao ước và đem bức thư trên nộp cho Ban giám thị trại giam để lập công chuộc tội, bức thư đến tay giám thị cũng đồng nghĩa với sự tố giác trực tiếp là tôi đang có âm mưu liên lạc với bên ngoài để tổ chức cướp trại giải thoát tù nhân. Cho nên, khi buổi chiều lao động xong, đáng lý ra anh Rết phải trở về phòng, nhưng anh lại được thuyên chuyển vội vã sang phòng khác. Lúc ấy tôi những tưởng anh bị di dời bất ngờ nên chưa trả lời kết quả cho tôi. Tình thật, một lần nữa tôi còn ít tiền và quà gia đình vừa gởi đến tôi lại biếu hết cho anh để bày tỏ sự cảm ơn. Nào ngờ mọi việc lại ngỡ ngàng vượt quá sức sự tưởng tượng của tôi.

Buổi chiều tối hôm ấy công an trại giam khiêng kẽm gai, dây chì rào xung quanh các lối đi vào phòng giam. Đặc biệt họ chú ý nhất vào phòng tôi, đến giờ này tôi mới bắt đầu hoài nghi và đoán biết chuyện rủi ro sắp đến với tôi bởi tâm địa phản trắc tráo trở của anh Tiết Sa Rết. Tối hôm ấy công an trại giam tăng cường thêm nhiều phiên gác họ đi qua đi lại thường xuyên, nhìn vào phòng tôi một cách cẩn thận, thỉnh thoảng kiểm sóat số người trong phòng khoảng 15 phút một lần. Đến 8 giờ sáng hôm sau một chiếc xe jeep mui trần chạy thẳng đến tận trước cửa phòng giam. Trên xe có khoảng 5 người công an súng ống đầy đủ, lúc đó tên giám thị trưởng trại giam xuất hiện, ra lệnh bảo tôi cùng một vài người chung vụ án gồm: Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Văn bá, Thích Thiện Tín (Trương phước Hòa). 

Tất cả lên xe, họ áp giải chúng tôi về phòng cảnh sát hình sự Ty công an Minh Hải. Tôi bị giam vào phòng kỷ luật 8A, bị cùm cả tay và chân suốt ngày đêm hơn 8 tháng. Các anh em cũng bị cùm ở phòng bên cạnh. Thật là oan gia lại gặp oan gia, một sự trùng hợp ngẫu nhiên là anh Tiết Sa Rết cũng được chuyển về Bạc Liêu. Anh Rết cũng bị giam vào phòng kỷ luật 8B cùm chung với anh Nguyễn Văn Bá, có lẽ anh sẽ là nhân chứng của âm mưu trốn trại chăng? Một hôm công an gọi tôi ra ngoài lấy lời khai, tôi trông thấy anh, anh cứ lấm lét nhìn sang chỗ khác. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp anh liếc trộm nhìn tôi mà chẳng dám nhìn thẳng mặt có lẽ anh thấy có lỗi với tôi chăng? Anh mượn sự việc của tôi để lập công chuộc tội mong được nhà cầm quyền cộng sản VN miễn truy tố nhằm thoát khỏi bản án tử hình. Phải chăng trước cái chết, anh ta cố tìm sự sống nên đã giẫm đạp lên mạng sống của kẻ khác để tìm sự sống cho mình? 

Khi hiểu được sự việc phản bội của anh Rết, anh Bá người chung vụ án với tôi và một số thường phạm khác đã căm tức anh Rết. Anh Bá gọi sang phòng hỏi tôi, nếu đồng ý thì họ sẽ xử đẹp anh Rết, tức là họ sẽ dạy cho anh ta một bài học có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân cho đến ngày tàn đời. Tôi suy nghĩ mọi việc đã lỡ rồi, là nhà tu vốn dĩ phải lấy lòng từ bi làm gốc, nhẫn nhục làm hạnh nên khuyên anh em hoan hỷ bỏ qua. 

Khoảng 6 tháng sau anh Rết đã được cứu xét miễn tố trả tự do, sau khi ở 5 năm tù, vì đã lập được kỳ công. Khoảng 2 năm sau, tôi nghe một người tù mới bị bắt vào cùng quê Vĩnh Châu với anh Tiết Sa Rết báo tin rằng: “Anh Tiết Sa Rết trở về gia đình mấy tháng sau thì bị xe đụng vở sọ chết”. Từ đó, tôi rút ra được bài học "Trong cái chết, để tìm sự sống, đôi khi con người trở thành kẻ phản bội". Tôi nghĩ “ nghĩa tử là nghĩa tận" và “Tử giả biệt luận” thế mà lại viết lại sự thật cũng vì lòng ăn năn hối hận với những anh em vì tôi mà khổ ải vì vụ dự tính bất thành này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét